Đó là chia sẻ của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh tại hội thảo Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển, diễn ra ngày 5-7 tại TP Đà Nẵng.
Tham gia hội thảo còn có các chuyên gia, nhà sản xuất phim quốc tế khác, nhằm đề xuất các giải pháp phát triển việc hợp tác sản xuất phim, mang lại hiệu quả kinh tế, du lịch cho địa phương mình và cho Việt Nam nói chung.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF II), kéo dài tới hết 6-7.
"Khách sạn 5 sao rẻ như 2 sao, ai mà không thích"
Ông Sirisak Koshpharashin - đại diện Liên đoàn Quốc gia của các hiệp hội làm phim Thái Lan - thông tin Thái Lan có những biện pháp thúc đẩy những đoàn phim quốc tế đến Thái Lan quay phim.
Chẳng hạn, chính phủ có những ưu đãi thiết thực như giảm tới 20% tiền mặt và miễn thuế thu nhập cá nhân cho đoàn làm phim quốc tế đến nước này.
Thái Lan cho việc thu hút các nhà sản xuất phim nước ngoài không chỉ tạo ra doanh thu, việc làm và thúc đẩy nền kinh tế địa phương, mà còn giúp thu hút khách du lịch muốn đến thăm các địa điểm quay phim.
Ngoài ra, Thái Lan cũng xây dựng một cơ sở hạ tầng vật chất, trang bị những thiết bị quay phim hiện đại và phát triển nguồn nhân lực địa phương theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Ông cũng nói một trong những lý do mà Thái Lan trở thành điểm đến yêu thích và quay lại của các đoàn làm phim đó là "khách sạn 5 sao giá rẻ như cơ sở 2 sao ở Mỹ, ai mà không thích".
"Sao không áp dụng tư duy kinh tế vào công nghiệp điện ảnh?"
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh phát biểu, Việt Nam phải thay đổi tư duy và nhận thức. Thời gian qua, "chúng ta chưa đong đếm được việc khách du lịch vào mang theo điều gì cho đất nước".
Ông Vinh chia sẻ, nghe đại diện đến từ Thái Lan nói, sẽ có người cho rằng việc đưa thuế về 0%, đất nước sẽ không thu về được lợi ích nào.
Ông kể giai đoạn vài thập niên trước, khi Việt Nam gia nhập vào WTO, cũng có không ít người đã e ngại "chỉ có thiệt cho rất nhiều ngành nghề ở Việt Nam - vốn đã có rất nhiều khó khăn". Tuy nhiên, "nhìn bây giờ mà xem, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế thực sự cạnh tranh, phát triển".
Đó là chưa kể, ngay trong chi phí mà các đoàn phim quốc tế tiêu ở Việt Nam, chúng ta cũng đã nhận được lợi ích trong đó rồi.
Theo chuyên gia, lâu nay ta vẫn có những chính sách kết hợp quảng bá văn hóa - du lịch để thu hút các nhà đầu tư. Sao không kết hợp trong việc này?
Ông đánh giá công nghiệp điện ảnh vượt lên trên những vật chất thông thường. Nó nên được kết hợp với các chính sách ưu tiên của Chính phủ. "Nhìn lại câu chuyện hội nhập kinh tế của đất nước, sao không áp dụng tư duy đổi mới kinh tế trong vấn đề phát triển công nghiệp điện ảnh?", ông Phạm Quang Vinh đặt vấn đề.
Bà Winnie Tsang - giám đốc điều hành Công ty điện ảnh Golden Scene, nhà sản xuất và phát hành phim Hong Kong - chia sẻ kinh nghiệm từ Hong Kong.
Theo bà, từ những năm 1930, Hong Kong đã có những chính sách đầu tư và hỗ trợ cho các đạo diễn làm phim.
Hiện họ đang đầu tư 27 triệu đô la Hong Kong (tương đương 3,5 triệu đô la Mỹ) cho việc này.
Bà Winnie đánh giá trong bối cảnh có sự cạnh tranh giữa các quốc gia, đây là một chương trình rất tích cực để đào tạo nguồn.
Đồng thời Hong Kong cũng có cơ chế kêu gọi bằng việc tài trợ 2 triệu đô la cho các đạo diễn thành danh quay phim tại Hong Kong.
Ngoài ra, Hong Kong cũng đang có chương trình tài trợ sản xuất phim trao đổi văn hóa Á - Âu.
Chính quyền Hong Kong sẵn sàng tài trợ khoản tiền lên tới 9 triệu đô la Hong Kong (khoảng 1,1 triệu đô la Mỹ) cho các dự án phim.
Bà Winnie cũng kêu gọi nếu nhà làm phim Việt Nam nào đang có dự án muốn quay tại Hong Kong, có thể liên hệ và "các bạn không phải hoàn trả bất cứ điều gì miễn dự án của bạn phù hợp".
Làm phim cho khán giả trong nước nhưng có thể chiếu toàn cầu
Ông Sirisak Koshpharashin lấy dẫn chứng Gia tài của ngoại - phim Thái Lan ăn khách thời gian qua.
Ông nói, sau khi phát hành, bộ phim nhanh chóng thống trị phòng vé ở các nước Việt Nam, Lào, Singapore, Philippines…
"Tôi sẽ đưa các bạn khăn giấy, khi xem phim này, ai cũng sẽ phải khóc thôi. Đây là một tác phẩm hấp dẫn, có thể khiến người ta rơi nước mắt, không phải vì đau buồn mà vì hạnh phúc", ông nói.
Theo ông Sirisak Koshpharashin, Thái Lan đang đưa phim này chinh phục những thị trường lớn hơn.
"Đây là một phim do địa phương sản xuất nhưng thành hiện tượng trên toàn cầu", ông nói "bài học kinh nghiệm rút ra, đó là cần làm những bộ phim dành cho khán giả trong nước nhưng có thể chiếu trên toàn cầu".
Đại biểu đến từ Thái Lan cho đó là một trong những điều Việt Nam cần phải làm để phát triển chính nền điện ảnh của mình. Bản thân nền điện ảnh đó phải mạnh, hấp dẫn đã, rồi mới bàn tới câu chuyện hợp tác sản xuất.
Ông nhấn mạnh: "Khi làm phim, đừng nghĩ đó là những bộ phim bán cho Hollywood hay Trung Quốc, mà trước hết phải là những bộ phim cho người dân của các bạn, họ phải mong muốn xem cái đã".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận