07/09/2012 05:30 GMT+7

Hãy im lặng và hôn em đi

ĐỖ ĐỨC ANH (TP.HCM)
ĐỖ ĐỨC ANH (TP.HCM)

AT - Kết thúc buổi thu âm chương trình Radio Buổi Chiều, tôi ngồi lại nhìn hình ảnh của mình phản chiếu qua lớp kính cách âm. Một kẻ gầy gò như ma sói, tóc bù xù, mắt sâu, râu ria tua tủa, quần jeans bạc thếch, áo sơ mi nhàu nhĩ và đôi giày không rõ màu sắc.

Thật tệ! Đó là hình ảnh già nua của một người chỉ mới 25 tuổi… Uể oải đứng dậy, vào rest-room rửa mặt, không dưng tôi thấy nhớ N khủng khiếp. Tôi chui vào một phòng toilet, sập cửa, ngồi khóc một lúc lâu. Sau đó, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn…

Người lạ và bánh bao

Cơn mưa ập đến nhanh, nối chiều vào tối. Tôi rồ ga, chạy xuyên cơn mưa to. Từ trường mẫu giáo của con gái về nhà, con bé rúc vào lưng tôi, chui nhủi trong chiếc áo mưa màu xám, thi thoảng lại chọc mấy ngón tay vào bên hông tôi. “Để yên cho bố lái xe, Xít!”, tôi hơi gắt với con bé và dự định rẽ vào một cửa hàng tạp hóa mua ít mì hộp nhưng ngại mưa nên thôi.

Cơn mưa nhúng những con đường thành phố trong biển nước. Chiếc Vespa bì bõm mãi, cuối cùng cũng về tới nhà. Vừa lúc trời ngớt mưa. Tôi vừa giậm giậm đôi giày ọc ạch nước, vừa mở cổng, ngạc nhiên khi thấy một chiếc túi giấy nhỏ buộc cẩn thận vào ổ khóa. Bên trong có hai chiếc bánh bao được gói kỹ bởi nhiều lớp giấy giữ nhiệt, còn ấm sực, kèm mẩu giấy viết nguệch ngoạc lem nước mưa: “Hai cha con đừng ăn mì hộp mãi! Ký tên: Người cô đơn nhất thế kỷ”.

Tôi giật mình, tìm dáo dác. Ở một ngã rẽ xa cuối phố, ai đó trùm chiếc áo mưa màu lam sẫm tan vào bóng tối, tôi chẳng kịp nhận ra…

Bé Xít lay lay tay tôi “Gì thế bố? Sao mình không vào nhà?”. Tôi cười nhợt nhạt “Bố nghĩ, có lẽ chúng ta vừa gặp may vì có một bà tiên nào đó biết ta đang đói và… cho bánh”.

Buổi tối bất ổn

Xít ngồi lọt thỏm trên sofa, nhai ngấu nghiến miếng bánh cuối cùng và hỏi một câu láu lỉnh “Có khi nào, người đó bỏ thuốc độc vào bánh không hả bố?”. Tôi ngơ ngác một lúc lâu trước câu hỏi của một cô bé năm tuổi. Đúng là tôi đã không nghĩ đến khả năng này. Nhưng, có điều gì đó rất khó giải thích, trái tim tôi tin tưởng rằng người đó… thật tốt và… dịu dàng.

“Từ tối đến giờ bố như người mất hồn. Hôm nay ở trường, cô giáo con nói bố dạo này trông già hơn. Con buồn mất mấy phút”, con bé nhoài người về phía tôi lấy bàn tay bé xíu của nó xoa xoa mặt tôi, “Con nghĩ giá như bố đừng có hàm râu này, chắc sẽ đẹp trai hơn”. Tôi bật cười nghĩ đến câu nói của thằng bạn thân khi tôi mang con bé đến gửi vợ chồng cậu ta trong chuyến công tác dài ngày cách đây ít lâu. Khi trở về, cậu ta vỗ vai tôi, vẻ đồng cảm: “Dính líu với mấy cô nhóc xinh xắn và thông minh kiểu này thật phiền. Nhưng, vui!... Mà này, bà xã tao bảo con bé cười rất giống N”. Rất thường khi, ngắm nhìn nụ cười thơ trẻ ấy, tôi cũng nghĩ, nó thật đẹp, nhưng phiền toái duy nhất mà con bé gây ra cho tôi là nó quá giống N. Và mỗi khi nhìn con bé, tôi tưởng mình đang nhìn vào những ký ức không phai…

Tôi uể oải thu dọn mấy con búp bê nằm ngổn ngang trên bàn, trong khi Xít bật tivi, dán mắt vào bộ phim hoạt hình có mấy cảnh hài hước không thể nín cười. Sẽ không có chuyện con bé nhượng bộ dù tôi có muốn nghe ngóng chút tin tức thời sự ở VTV1, vậy nên tôi lôi iPod ra nhét vào tai, mấy bản hòa tấu của Secret Garden vang lên êm dịu. Xách xô nước đặt giữa nhà, tôi bắt đầu lau nhà trong tiếng violon và piano rỉ ra từ tai phone.

Lát sau, con bé quay sang, ra hiệu cho tôi bỏ tai nghe ra. Tôi miễn cưỡng dừng cây lau nhà lại nghe con bé nói: “Bố đã thấy quái vật hồ Loc-nét chưa?”. “Bố còn không tin là nó tồn tại nữa là…”. Tôi tiếp tục cắm đầu lau, bỏ mặc sự ấm ức của con bé. Được một lúc, con bé lại ra hiệu tôi cần phải nghe con bé nói. “Người ta làm máu giả từ si-rô hả bố?”. Lần này thì tôi quát “Làm ơn, Xít! Bố không chịu được mấy câu hỏi xuẩn ngốc đó của con”. Con bé quay đi, ngồi núp mình trong chiếc ghế đồ sộ, lén chùi mắt, sợ tôi nhìn thấy. Lúc đó, tôi biết mình hơi nóng…

Vừa ngồi giặt đồ vừa ngủ lơ mơ, tôi giật mình khi Xít đứng trước cửa nhà tắm, chìa ra bức tranh tự vẽ (chưa tô màu) “Con xin lỗi. Bố hết giận, nha! Tặng bố đấy!”. Tôi nhìn bức vẽ, hơi xấu, nhưng chẳng thể đòi hỏi nhiều hơn ở một đứa bé 5 tuổi. Bức vẽ còn cả một khoảng trống rất to mà con bé chẳng biết thêm vào hình ảnh của một người đàn bà có đôi mắt dài - đôi bàn tay gầy mong manh. Cố mỉm cười, tôi nói nhẹ nhàng: “Bố chẳng giận đâu. Lên phòng khách, bật tivi xem tiếp đi, con gái!”.

Cuối cùng, những công việc lặt vặt cũng xong.

21g31. Tôi nằm im trong bồn tắm, nhạc The Beatles vặn nhỏ, đọc bức thư N để lại, nhiều lần.

“Hôm nay là thứ tư…

Chỉ còn 3 ngày nữa, em tròn 20. Vậy là chúng ta đang bỏ lại tuổi 19 nhiều dại khờ, nông nổi và sai lầm ở phía sau. Lúc này, em thấy mình hoang mang quá, anh ạ! Em tự hỏi người ta cần gì ở tuổi 20? Một nơi chốn sau những xâu xé ngoài kia, người ta có thể rúc vào và lãng quên, một ai đó để trông đợi. Chỉ vậy thôi? Hay những buổi chiều chúng mình ngồi bên cửa sổ dạy con gái tập đàn?

Vài khi, em thấy mình phiền phức, ngốc nghếch.

Và, anh này, có mấy người canh me muốn cuỗm em đi. Người ta hỏi em có đủ can đảm để bỏ mặc người mình thương yêu trong một thời gian dài. Sẽ rất khó khăn, nhưng… Ừm, em sẽ đi anh ạ! Thật điên phải không? Em có anh và con. Vậy em còn muốn gì? Em đã không ngừng hi vọng về một tương lai giản dị và yên bình cơ mà. Phải, nhưng đó là ước mơ của tuổi 19, cái tuổi của những sai lầm. Em không có ý bảo tình yêu của chúng ta là sai lầm nhưng việc chúng ta có bé Xít quá sớm và một đám cưới ít người đến dự (không gia đình, chỉ có mấy đứa bạn thân) là việc trật ra ngoài những dự định. Em từng kể với anh là sẽ lấy bằng tiến sĩ tại nước ngoài trước năm 30 tuổi rồi nhỉ? Và giờ, ở tuổi 20, em sẽ bắt đầu thực hiện ước mơ đó. Vậy nên, em phải từ bỏ thói quen ngắm nhìn anh mỗi buổi sáng, tay cầm một cốc café to, một tay chống lên khung cửa, nghĩ ngợi. Em sẽ thôi nghĩ về ngày mai kia, ngày con gái chúng ta vào mẫu giáo được mặc bộ váy xinh do chính tay em may. Vì một buổi sáng, đứng bên cửa sổ, ập đến em một ý nghĩ bất thường: Em sẽ sang Hà Lan du học, cùng với chàng trai nước ngoài mà em dạy kèm tiếng Việt vào những tối cuối tuần. Giá mà anh biết em đã khóc nhiều như thế nào khi ra quyết định này… Hà Lan xa và lạ lắm! Em chẳng biết cái cảm giác lạ lẫm khi đến một đất nước khác có giống với cảm giác lạ lẫm như một con gấu ngủ đông chui ra khỏi hang và đứng trên ngọn đồi cỏ xanh mướt đầy gió, ngắm nhìn mặt trời đỏ rực mà tụi mình từng xem hồi đại học. Nhưng em chắc một điều là em sẽ nhớ anh và con nhiều lắm. Hãy cứ giận em thật nhiều vào. Vì em đáng bị như thế!

Dù sao thì em cũng chẳng biết nói gì ngoài lời xin lỗi. Em đã mua ít báo về cách chăm sóc trẻ. Vì bé Xít, anh nên đọc kỹ khi em đi. Nhắn với con là, em yêu nó… rất nhiều!

N - kẻ đáng tội!”.

Tôi gấp lá thư, gắng sức để không khóc. Vậy mà đã năm năm trôi qua, khoảng thời gian của bao nhiêu tổn thương, quên lãng.

Còn lại một công việc cuối cùng: đọc truyện cho con gái trước giờ ngủ. Vô tình thế nào, tấm hình kẹp trong cuốn sách rớt xuống giường. Xít chộp lấy, nhìn đăm đăm bức hình chụp khoảnh khắc N cười duyên dáng ngay cổng trường đại học, hỏi ngô nghê: “Ai đây, hả bố?”. Tôi trả lời thành thật: “Người bố yêu!”. “Cô ấy đẹp, bố nhỉ?”. “Ừ!”. Con bé chồm dậy ôm cổ tôi, đặt đôi môi cỏ mềm, ấm và run nhẹ như cánh chuồn chuồn đậu trên trán tôi “Sao bố không dẫn cô ấy về nhà mình chơi?”. “Ngủ đi, đừng huyên thuyên nữa. Cũng đừng có nhét bất cứ lời nào vào tai bố, bố sẽ không nghe đâu. Sao con không để dành chuyện gì đó để hỏi vào sáng mai nhỉ?”.

Khi Xít đã say giấc, tôi ngồi lại bên giường con bé thật lâu, nhìn gương mặt non nớt phảng phất những đường nét của N. Thật may mắn vì khi N ra đi, tôi không phải gắng gượng một mình với nỗi cô đơn, còn có Xít bên cạnh. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu không có con gái, tôi sẽ trở thành một con lạc đà cô độc. Đó là lý do vì sao mỗi khi nắm bàn tay bé xíu của con gái trong tay, tôi cảm giác như mình có được cả thế giới vậy.

Chuyên mục “Ký ức mỗi ngày”

“Lam Phong rất vui khi được gặp lại quý thính giả của chuyên mục “Ký ức mỗi ngày”. Chương trình được phát hằng ngày vào lúc 8g5 phút sáng trên làn sóng FM. Thật hạnh phúc vì lại được trò chuyện cùng quý vị trong một buổi sáng đẹp trời như thế này, được nghe quý vị trải lòng, sẻ chia những ký ức khó phai và hân hạnh được giúp quý vị gửi đi những thông điệp yêu thương… Sẽ không làm mất thời gian của quý vị thêm nữa, xin được nối máy trực tiếp với vị thính giả đầu tiên của chương trình! Xin bộ phận kỹ thuật kết nối tín hiệu…”.

- Alô, xin… chào! - Một giọng phụ nữ vang lên, nhiều yếu đuối, vẻ như sắp khóc.

- Vâng, tôi đang nghe bạn nói đây! Hiện tại Lam Phong cũng như quý thính giả rất nóng lòng muốn biết mình đang trò chuyện với ai?

- Hãy cứ gọi tôi là… Người cô đơn nhất thế kỷ!

Xẹt qua đầu tôi hình ảnh túi bánh và mẩu giấy nhòe nước mưa.

- Hình như tôi đã bắt gặp ở đâu đó cái tên ấn tượng này rồi thì phải?

- Tôi nghĩ cả hai ta đều đang biết cảm giác cô đơn là như thế nào?

- Bạn nói cứ như bạn biết tỏng về tôi vậy?

- Anh thích mưa phùn? Và nhảy rất gớm ghiếc?

- Sao cô biết? - Thú thực là tôi hơi lảo đảo khi cô gái này tố cáo sở thích của tôi trên sóng.

Câu hỏi ngược, rơi vào im lặng.

- Cô sao thế?

- Anh hỏi vậy là sao?

- Cô yên ắng quá!

- Anh thích Linkin’Park không?

- Cực thích - Tôi hấp tấp trả lời và để dành một giây để nghĩ về N. Nàng cũng từng rất say mê Linkin’Park.

- Lát, anh phát giúp tôi một bài của nhóm ấy nhé!

- Cô muốn gửi tặng người thân yêu nào của mình chăng? - Tôi hỏi và hi vọng cô gái sẽ nhắc đến tên tôi.

- Có… lẽ… không.

- Cô chắc chứ?

- Khá chắc. Mà, anh này, cái đó như thế nào?

- Cái gì cơ?

- Hơi ấm ấy. Lâu rồi, tôi không được người khác ôm nên quên mất cảm giác ấm áp. Vài buổi mưa, tôi thấy nhớ cảm giác ấm và thơm khi anh ấy ôm tôi từ phía sau và bảo “Anh rất sợ em biến mất…”.

- Ai cơ?

- À, mối tình đầu - Cô gái nói giọng nhẹ tênh - Anh ấy nằm trong top 10 chàng trai đáng nhớ nhất đời tôi. Tôi đã lưu tâm… anh ấy từ lâu, từ hồi tiểu học. Buồn cười lắm. Anh ấy hồi đó sún nặng. Hôm tôi đi, anh ấy lén lút đến sân bay, nhìn tôi từ một góc khuất bằng cặp mắt rỗng tuếch.

Khung cảnh tại sân bay năm năm trước hiện rõ trước mặt như một thước phim màu sống động. Tôi nghĩ đến đôi mắt buồn buồn của N hôm ấy, và nhắc lại câu hỏi đã lặp đi lặp lại trong suy nghĩ của tôi hàng tỉ lần khi N đi:

- Cô đã rời bỏ anh ta, vì sao vậy?

- Anh thích vừa đi bộ vừa nhai kẹo cao su không? Anh cũng có biết vì sao mình thích như vậy đâu nhỉ? Vậy nên đừng hỏi tại sao.

- Cô…

- A, tôi nhớ ra rồi, lát anh phát bài hát chủ đề trong phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên đi. Đó là một bài cũ đến mức ngửi thấy cả mùi mốc nhưng là bài anh ấy thích - Trong giọng nói của cô gái nghe như có điều gì vội vã - Nhân tiện, cho tôi gửi bài hát này đến người đàn ông có đôi tay lạnh toát như Bắc Cực và con gái của anh ta. Cảm ơn!

Tút… tút… Tín hiệu bị đứt.

Tôi ngồi bần thần một lúc lâu, hai bàn tay lồng vào nhau, cảm nhận rõ ràng bàn tay mình lạnh giá…

Tuổi 19 đã qua

… Ký ức trở về ào ạt như cơn gió thốc tháo vào chiếc xe không cửa kính…

Đó là một buổi tối uống nhiều vô cớ để quên đi vài bất ổn không đáng. Tôi say. N đưa tôi về gác trọ và ngồi cạnh giường tôi. Khi tôi tỉnh lại, lúc giữa đêm, vẫn thấy nàng ngồi bó gối ngủ gật, đầu ngoẹo sang bên trái giống như tất cả sự kiên nhẫn và nỗi cô độc trên thế gian này gom lại đặt lên dáng ngồi đáng thương ấy. Tôi lay lay cánh tay nàng. N nhìn tôi, không ngạc nhiên. Tôi thì thầm “Ừm… chỉ là đột nhiên tớ muốn nhìn thấy cậu vào mỗi sáng thức giấc”. Vậy rồi, nụ hôn kéo chúng tôi lại gần nhau… Hồi đó, tôi 19, N cũng vậy. Cả hai đều còn quá trẻ để nhận ra rằng mình nông nỗi và thiếu kiềm chế.

Đôi lúc, nhớ lại tuổi 19 ấy, mắt rất cay…

Em ở đâu?

Tôi chở con gái đến trường sau ba ngày nghỉ bệnh, nhét vào cặp con một lốc sữa. Xít khều khều tôi, chỉ về phía gốc cây: “Hôm nọ, cô ấy, cái cô trong tấm ảnh bố giữ ấy, đứng đằng kia và gọi con. Con nhận ra cô ấy. Nhưng, cô ấy cứ xưng là… mẹ!”.

Tôi nhìn gốc cây cổ thụ gần cổng trường, không có N ở đó! Tự nhiên, tôi đau đâu đó trong lồng ngực, như là có ai đó đang luồn tay vào ngực và cố bóp nát tất cả những gì có ý nghĩa với tôi. Nhưng lúc đó, tôi gắng cười để hôn tạm biệt con gái.

Khi con gái đã chạy vào lớp, tôi nán lại hồi lâu chờ đợi và tự hỏi “N, em đang ở đâu?”.

Bỗng, màn hình điện thoại di động trong túi sáng lên bất thường như mẩu thiên thạch rơi xuống từ bầu trời đen tối. Tin nhắn từ số máy lạ: “Ảnh của em còn trong ví của anh không?”.

Những cơn mưa đột nhiên và lời hứa mua giùm kẹo ho

Chưa sáng đã mưa. Xít đổ đầy không khí tẻ ngắt của ngôi nhà bằng tràng cười bất tận lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình Tom & Jery. Điện thoại bàn đổ chuông, mấy hồi dài. Tôi nhấc máy, vừa alô vừa ho sặc sụa:

- Ai đấy?

- Chào anh - một giọng phụ nữ nhẹ nhàng - Sáng nay lạnh quá, phải không? Em sẽ mua cho anh một vỉ kẹo ho.

Đầu dây bên kia lặng ngắt.

15 phút sau, có tiếng chuông cửa. Ai đó đứng ngoài cổng. Qua ô kính tròn, tôi thấy chiếc áo mưa xanh biếc như vạt biển lạc lõng trôi đến góc phố đầy mưa xám ngắt.

Tôi chạy ào ra, không cần biết mình đang ốm và trời đang mưa, hét lên: “Em đã ở đâu suốt năm năm qua mà không tin tức gì vậy?”.

N đáp với một giọng thánh thiện: “Em ở trong trái tim của anh!”.

Tôi toan nói vài câu trách cứ khiến nàng đau lòng, nhưng N mỉm cười, chìa về phía tôi vỉ kẹo bạc hà và giọng nàng đột nhiên dịu dàng khó cưỡng:

- Anh đừng nói gì. Hãy im lặng và hôn em đi!

Và như thế… tôi im lặng phục tùng…

MEUkDoHn.jpgPhóng to

Áo Trắng số 16 ra ngày 01/09/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

ĐỖ ĐỨC ANH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên