09/07/2010 05:30 GMT+7

"Hãy cứ làm hết sức mình..."

ÁI NHƯ
ÁI NHƯ

AT - 1. NGUYỄN HUỲNH ÁI LINH (275 đường 3-2, P.10, Q.10, TP.HCM)* Em đã được xem nhiều vở kịch do chị Ái Như đạo diễn và em rất thích vì sự chân thật và sâu sắc. Không những thế chị còn là một diễn viên diễn rất hay. Chị có thể cho biết bí quyết để có được những điều như thế?

1ZlMLjC6.jpgPhóng toĐạo diễn Ái Như và Một nửa của mình (NS Thành Hội) - Ảnh: Gia Tiến

- Thật sự tôi... không có bí quyết gì cả. Tôi tận dụng tất cả những điều mình được học và làm hết sức mình. Với "nghề nghệ thuật" này, ngoài kiến thức chúng tôi còn cần duyên trên sân khấu. Có lẽ tôi được tổ nghiệp thương. Cám ơn về lời khen của em!

2. DƯƠNG THANH HỮU (04 - tổ 67, Mỹ Long, P.3, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp)

* Câu 1: Chị nghĩ gì về nhận xét "kịch Ái Như sao giống... phim Hàn"? Và khi dàn dựng một chương trình thì điều mà chị hướng đến là gì?

- Nếu có người nhận xét kịch Ái Như giống phim Hàn, chị cho đó là một lời khen. Vì khi xem các bộ phim Hàn Quốc, chị thấy họ rất giỏi, từ cách xây dựng tình tiết hấp dẫn (biên kịch) đến diễn xuất tự nhiên của diễn viên, các góc máy quay và ánh sáng rất đẹp. Chị mong muốn các vở kịch của mình cũng có thể kết hợp được nhiều yếu tố như vậy.

* Câu 2: Theo em được biết thì chị là một nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên và cả nhà giáo. Thế chị thích nhất, ưu tiên nhất ở vai trò nào?

- Chị thích vai trò đạo diễn nhất vì chị được đào tạo chính quy cho vai trò này.

* Câu 3: Theo em nghĩ thì chị là người phụ nữ của gia đình, luôn quan tâm, chăm chút đặc biệt cho mái ấm của mình. Bằng cách nào chị có thể làm tròn cả hai vị trí trong gia đình và trên sân khấu?

- Ở cả hai vai vị trí, chị luôn nhắc mình phải cố gắng làm hết sức trong khả năng của mình, chăm chút cho vở diễn tử tế, chu đáo, và chăm sóc gia đình bằng tình thương xuất phát từ tấm lòng của mình.

* Câu 4: Hiện tại chị có điều gì không hài lòng với cuộc sống, công việc, chị có thấy điều gì hối tiếc không? Và những vở kịch trong tương lai, những hoài bão chưa đạt được của chị là gì?

- Tôi có một nguyên tắc sống và làm việc là: "Hãy cứ làm hết sức mình, làm hết khả năng mình có thể, để không phải hối tiếc". Vì vậy, nếu chẳng may gặp thất bại thì tôi cũng sẽ không hối tiếc vì mình làm hết sức.

Tôi thường đặt những mục tiêu ngắn hạn để từng bước từng bước một hoàn thành những kế hoạch của mình (chứ hoài bão thì nghe to lớn quá, sợ lắm!).

3. LƯU THỊ HỒNG LY (10A6 THPT Sao Nam, Duy Xuyên, Quảng Nam)

* Herry Cheron đã từng nhận định: "Hạnh phúc là gì? Là được yêu khi trẻ, toại chí khi đứng tuổi, thừa sinh lực về già và có tiền ở mọi lứa tuổi". Với một người phụ nữ, Ái Như phải lăn lộn buôn bán ngoài đường để mưu sinh và nuôi dưỡng ước mơ nghệ thuật. Chính bằng niềm đam mê ấy, Ái Như đã thành công và là một người phụ nữ nổi tiếng. Vậy cháu có thể hỏi cô: Hạnh phúc của cô là gì? Có phải hạnh phúc lớn nhất của cô chính là giàu có về mặt tâm hồn và thành công trên con đường nghệ thuật của mình?

- Cám ơn em, em đã trả lời câu hỏi của em giùm cô rồi đó!

Hạnh phúc của cô là theo đuổi được nghề mình yêu thích, được đứng trên sân khấu cùng các đồng nghiệp để tạo nên những vở kịch tử tế gửi đến khán giả.

4. TRẦN HUỲNH NGỌC NHƯ (127, QL1, K1, P.1, TP Sóc Trăng)

* Câu 1: Trong các vở kịch của cô thì cô tâm đắc vở nào nhất và vì sao?

- Rất khó để tôi có thể phân định được vở kịch nào là tâm đắc nhất, bởi mỗi vở kịch đều có những điều thú vị riêng để tìm tòi và sáng tạo từ những cảm hứng lúc viết kịch bản hay khi lên sàn tập. Lúc hoàn thành một vở kịch là lúc tôi lại đi tìm một điều thú vị mới từ những kịch bản tiếp theo.

* Câu 2: Cô có dự định đem hình ảnh Ái Như lăn lộn buôn bán mưu sinh để nuôi dưỡng ước mơ nghệ thuật của ngày xưa vào những kịch bản sắp tới của cô hay không?

- Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều, rất nhiều đồng nghiệp khác cũng đã và đang cùng lăn lộn hay khó nhọc tìm kế mưu sinh để sống chết với nghề, với nghệ thuật. Nên nếu trong những vở kịch của tôi có xuất hiện những hình ảnh này thì không phải chỉ là "hình ảnh của Ái Như xưa".

* Câu 3: Thưa cô! Hiện giờ có rất nhiều bộ phim truyền hình được ra mắt và rất nhiều sân khấu kịch mọc lên. Có bao giờ cô nghĩ sân khấu kịch và các vở diễn của cô đứng không vững trong lòng khán giả không?

- Có lẽ bạn đã làm tôi hơi choáng váng, đứng không vững vì câu hỏi này. Cám ơn câu hỏi của bạn vì nó như một lời nhắc nhở để tôi và êkip của mình phải luôn cố gắng như đã từng cố gắng, để tác phẩm của chúng tôi tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng.

5. VÕ THỊ NHƯ TRANG (11/4 THPT Lương Thế Vinh, Điện Bàn, Quảng Nam)

* Câu 1: Trải qua suốt cả một hành trình dài làm đạo diễn, cho đến ngày hôm nay cô có thật sự hiểu hết về con người?

- Tôi thích kịch tâm lý xã hội vì tâm lý con người là đề tài vô tận. Đến bây giờ tôi vẫn luôn muốn khám phá những điều thú vị về cảm xúc, tình cảm của con người. Ngay cả khi tôi khuyến khích con gái lớn theo ngành tâm lý học, tôi nghĩ cả "đời mẹ” và "đời con" cùng tìm hiểu thì cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ này.

* Câu 2: Có khi nào cô cảm thấy không còn niềm tin để duy trì sự nghiệp của mình?

- Có chứ! Những lúc đó tôi có một gia đình để nương náu và nghỉ ngơi. May mắn là tôi cũng nhận được rất nhiều sự động viên, cổ vũ từ phía khán giả để tôi biết rằng tôi luôn được quan tâm và yêu mến.

* Câu 3: Điều giản dị nhất mà gia đình nhỏ đã từng làm cho cô cảm thấy mình được yêu thương là gì?

- Họ luôn là khán giả trong những suất diễn đầu tiên mà tôi dàn dựng hoặc tham gia diễn xuất, và họ luôn là những khán giả khó tính của tôi.

6. TRƯƠNG THỊ PHỤNG (140/15Q Trần Kế Xương, P.7, Q.PN, TP.HCM)

* Câu 1: Một nhà hát kịch trong mơ đối với chị là như thế nào và bao giờ thành hiện thực hay vẫn chỉ mãi là "giấc mơ”?

- Tôi cùng NSƯT Thành Hội đã khai trương và đang cố gắng xây dựng sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - tại 36 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3 (trong khuôn viên Nhà Thiếu nhi TP.HCM). Ở đó, tôi và đồng nghiệp của mình có thể cùng nhau sáng tạo để gửi đến khán giả các vở diễn tâm lý xã hội hấp dẫn, đặc sắc với ước mong đó sẽ trở thành một sân khấu kịch quen thuộc trong lòng khán giả.

Hi vọng chị cũng sẽ ủng hộ sân khấu Hoàng Thái Thanh, chị nhé!

* Câu 2: Theo chị, câu "nghệ sĩ thay bồ như... thay áo" có từ đâu, điều đó tốt hay không tốt, có giải pháp hay cứ để yên thế tùy theo người? Tình yêu con người chiếm vị trí thứ mấy trong chị?

- Có lẽ không ai ủng hộ việc thay đổi tình cảm một cách dễ dàng khi yêu thương. Nhưng giới văn nghệ sĩ chúng tôi là những người thường được chú ý và nhắc đến nhiều trên phương tiện truyền thông, do vậy, khi có một sự thay đổi dù nhỏ cũng dễ trở thành đề tài để bàn luận. Điều đó không có nghĩa là những người bình thường không có những sự thay đổi trong tình cảm. Nên nếu nói câu như bạn nói có lẽ là oan cho giới nghệ sĩ của chúng tôi. Chị Phụng có đồng ý vậy không?

* Câu 3: Hình như với người thuộc loại "hàng hiếm" như chị trong nghệ thuật sân khấu và sống hết mình với nghề dù ở trong hoàn cảnh nào, có vẻ như sân khấu với chị không phải là "nghiệp" mà còn là "đạo" nữa. Theo chị vì sao thời buổi bây giờ ngày càng hiếm có "tín đồ” như chị?

- Cám ơn lời khen của chị Phụng... Nhưng, chị hỏi Ái Như câu này rồi... Ái Như biết hỏi ai?!

7. LÊ VÕ NGỌC THÚY (38A Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

* Câu 1: Có thể nói chị thuộc loại "của hiếm" của sân khấu VN, là một diễn viên - đạo diễn chân chính, có năng lực, sống hết mình với nghề mà mình say mê. Chị có phải đánh đổi điều gì không, có tiếc nuối hay trăn trở điều gì? Và những người như thế thường nghèo về tiền bạc vật chất, họ có buồn về điều này không?

- Mỗi đêm diễn, dù ở vai trò diễn viên hay đạo diễn, tôi thường theo dõi thái độ của khán giả: những ánh mắt của họ, họ vui cười cùng chúng tôi, họ khóc cùng nhân vật, những tràng vỗ tay dài khi màn nhung khép lại và những cái nắm tay khích lệ hay những tin nhắn sau đó, những ánh mắt tiếc nuối trước khi về của khán giả... Tất cả điều đó là những món quà vô giá mà những người nghệ sĩ như chúng tôi nhận được, dù đêm đó chúng tôi biểu diễn trong một khán phòng đông khách hay chỉ mấy mươi khán giả... Với chúng tôi, không có sự khác biệt về diễn xuất trong những đêm diễn như vậy. Và những cảm xúc đó sẽ theo chúng tôi mãi vào giấc ngủ say sau một đêm làm việc hết mình.

* Câu 2: "Một nghề thì sống, đống nghề thì chết" và "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Nhưng thời buổi bây giờ rất hiếm người nào có một nghề duy nhất mà sống được và sống khỏe - nhất là người làm nghệ thuật. Theo chị, vì sao và có giải pháp nào không, hay tham lam là bản chất không thay đổi ở con người?

- Tôi nghĩ mỗi người sẽ có một giải pháp cho riêng mình. Không có gì là sai khi ta phải có một nghề tay trái để nuôi một nghề tay phải. Với tôi, dù là công việc nào, nếu chúng ta làm với thái độ nghiêm túc và hết lòng, làm tròn trách nhiệm mà mình được giao thì không có gì đáng chê trách. Nếu tìm được cách để có thể sống hết mình với đam mê nghệ thuật thì sao lại không!

8. ZẮC TRƯỜNG THANH (12 THPT Nguyễn Khuyến, 330 lô B, chung cư Ấn Quang, P.9, Q.10, TP.HCM)

* Con được biết cô Ái Như đã từng phải lăn lộn buôn bán ngoài đường để mưu sinh và nuôi dưỡng ước mơ nghệ thuật. Vậy cô có bao giờ cảm thấy thất vọng tràn trề và có ý nghĩ sẽ từ bỏ ước mơ nghệ thuật của mình không?

- Đã có lúc tôi thấy mình cũ kỹ và mệt mỏi nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ mình sẽ rời khỏi môi trường nghệ thuật. Và rồi những tin nhắn từ những khán giả thân quen, những cuộc điện thoại động viên, đặc biệt là những lời cổ vũ, khuyến khích từ khán giả trong thời gian đầu tôi cùng NSƯT Thành Hội gầy dựng sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, đã là những liều thuốc bổ vô giá để tôi có thêm sức lực mà làm việc. Tôi cám ơn tất cả những điều này vì nhờ đó tôi thấy mình không lạc lõng.

9. TRẦN THỊ HẢI (Lớp BC5c Trường cao đẳng Phát thanh - truyền hình 1 Phủ Lý, Hà Nam)

* Câu 1: Nghệ sĩ là một nữ đạo diễn rất thành công. Vậy trong gia đình nghệ sĩ thấy mình có phải là một người phụ nữ thành công hay không?

- Ông xã và hai con của tôi luôn lo lắng và chăm sóc tôi rất nhiều. Tôi nghĩ tôi đã thành công khi "chiếm trọn" tình cảm yêu thương của các thành viên trong nhà. Gia đình luôn là nơi tôi cảm thấy an toàn và là nơi tôi nương náu mỗi khi cảm thấy mệt mỏi hay kiệt sức.

* Câu 2: Được biết nghệ sĩ là một người đàn bà nổi tiếng khó tính trên sân khấu, thường có những cuộc tranh luận nảy lửa với NSƯT Thành Hội khi viết kịch bản và có những yêu cầu rất khắt khe với diễn viên... Làm sao nghệ sĩ có thể giữ vững bản lĩnh của mình mà không làm mất lòng mọi người?

- Thường chúng tôi làm việc trên nguyên tắc: cùng tranh luận, ai hợp lý hơn thì sẽ làm theo người đó. Trong công việc cũng vậy, tôi thường đề nghị các đồng nghiệp cùng trao đổi thẳng thắn với nhau và chúng tôi thống nhất rằng tất cả là công việc. Khi xong công việc, chúng tôi vẫn là những người bạn quan tâm và hết lòng cùng nhau.

* Câu 3: Nếu một ngày nào đó cuộc sống bắt buộc nghệ sĩ phải lựa chọn giữa gia đình và sự nghiệp thì nghệ sĩ sẽ chọn bên nào? Vì sao?

- Thật là khó để chọn lựa! May mắn thay, gia đình tôi chưa bao giờ ép tôi phải rơi vào tình huống khó xử như bạn đã đặt ra.

* Câu 4: Là một đạo diễn sân khấu thành công với nhiều vở kịch hay như Cơn mê cuối cùng, Màu của tình yêu... Nghệ sĩ có muốn thử sức mình trong vai trò là một đạo diễn phim truyện không?

- Thật tình tôi không nghĩ mình sẽ thử sức trong vai trò đạo diễn phim truyện, nhưng nếu có thì trước tiên tôi phải đi học vì tôi không biết gì về lĩnh vực này. Mặt khác, tôi vẫn đang rất "say đắm" với sân khấu.

10. NGUYỄN ĐĂNG KHOA (410, A6, ký túc xá ĐHQG, Linh Trung, Thủ Đức)

* Câu 1: Thưa cô, con xin được hỏi cô, ai là người có ảnh hưởng nhất trong sự nghiệp của cô?

- Nếu ông xã tôi đọc được câu hỏi này thì anh muốn tôi sẽ trả lời đó là anh. Còn hai con tôi chắc chắn cũng muốn mẹ trả lời rằng chúng là những người ảnh hưởng đến sự nghiệp của mẹ. Tôi thì lại không muốn làm cho bên nào buồn lòng cả. Câu hỏi của em... làm cho gia đình tôi "xào xáo" đó!

* Câu 2: Dạo gần đây có nhiều vụ việc: trò đánh thầy và cả thầy đánh trò dã man. Với cương vị cũng là một người đứng lớp truyền thụ kinh nghiệm cho các em, cô nhận định như thế nào về bốn chữ "tôn sư trọng đạo" ngày nay ạ?

- Theo quan niệm của tôi, bốn chữ "tôn sư trọng đạo" này phải được sơn son thếp vàng và được treo ở nơi trang trọng nhất trong môi trường học đường. Nhưng phải làm sao để sự "sơn son thếp vàng" đó không chỉ là một hình ảnh vật chất cụ thể mà còn luôn được tâm niệm trong lòng của mỗi người. Đó là những điều tôi được dạy khi còn ấu thơ. Thế hệ chúng tôi tự hào về điều này. Bởi vì người thầy không chỉ dạy về kiến thức mà còn dạy cả nhân cách cho học trò. Rất tiếc những vụ việc em nói đã trở thành một thực trạng đau lòng và cũng không thể lường trước được những hậu quả cho tương lai...

11. THÁI BÌNH(69/2 ấp Phủ, xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre)

* Cô Ái Như ơi, nhân duyên nào đã đưa cô đến với nghệ thuật, là đam mê hay lý do gì khác? Nếu là đam mê thì cô đã làm thế nào để vượt qua hoàn cảnh và đạt được ước mơ đó? Điều khó của một người làm nghệ thuật là gì vậy cô, con cũng rất thích nghệ thuật (biên đạo, đạo diễn) nhưng con chưa am hiểu lắm?

- Một buổi chiều năm 1980, lúc đứng trú mưa trước cổng Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường đại học Sân khấu điện ảnh), bảng thông báo tuyển sinh đã khơi gợi cho tôi ý nghĩ sao mình không vượt qua sự rụt rè, nộp đơn dự thi một lần để biết xem năng khiếu của mình ra sao... Rồi tôi trúng tuyển. Tôi bén duyên với môn nghệ thuật từ đó.

Điều khó của một người làm nghệ thuật là luôn phải tìm tòi, suy nghĩ và phân tích để mọi sự thể hiện của mình thuyết phục, hợp lý và truyền được cảm xúc đến người xem. Muốn như vậy, người diễn viên, đạo diễn cần phải tự tạo cho mình một vốn sống, vốn kiến thức nhất định từ quan sát trong cuộc sống và thu thập trên sách vở. Có người nghĩ làm nghệ thuật là những cuộc dạo chơi, nhưng với chúng tôi, làm nghệ thuật là một sự khổ luyện không ngừng nghỉ.

12. halien1412@yahoo.com

* Thưa cô, là một người phụ nữ hơn nửa đời đã rong ruổi theo đam mê nghệ thuật, có khi nào cô chợt dừng lại và hối tiếc về một điều gì đó mà cô đã lỡ bỏ qua? Như về chuyện gia đình ấy ạ, theo con nghĩ một người phụ nữ dù là ai đi nữa thì hạnh phúc thật sự của họ là ở bên tổ ấm của mình phải không cô? Theo đuổi đam mê của mình, cô có phải " lỡ hẹn" nhiều với chồng con không cô?

- Tôi may mắn khi có một gia đình luôn luôn ủng hộ và dõi theo những gì tôi làm. Những lúc tập vở hoặc đi diễn khuya, ông xã tôi hay các con thường chờ để đón tôi về. Thỉnh thoảng anh và các con cũng cùng lên xem tôi tập vở. Và họ luôn ngồi ở hàng ghế khán giả trong những suất diễn đầu tiên của những vở kịch mà tôi tham gia dựng hay biểu diễn. Gia đình tôi đã giúp tôi rất nhiều để tôi không phải "lỡ hẹn".

0et6Mw3N.jpgPhóng to

Áo Trắng số 12 (ra ngày 1/7/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

ÁI NHƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên