12/01/2015 00:10 GMT+7

​Hậu Giang cần giải quyết thách thức về chất lượng nước mặt

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại tỉnh Hậu Giang diễn ra nhanh, cùng với sự phát triển ồ ạt các khu cụm công nghiệp làm gia tăng lượng chất thải.

Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc kỹ thuật môi trường tỉnh Hậu Giang, năm 2014, chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và không có biểu hiện gia tăng ô nhiễm.

Tuy nhiên, tại một số điểm thuộc đô thị và khu công nghiệp thì mức độ ô nhiễm lại gia tăng. Một số tuyến kênh vẫn bị ô nhiễm cục bộ về hữu cơ và vi sinh.

Số liệu thống kê từ cơ quan này cũng cho thấy, các nguồn gây ô nhiễm đối với chất lượng nước mặt vẫn tiếp tục gia tăng về số lượng và thành phần độc hại.

Một số tuyến kênh lớn như: kênh xáng Xà No, sông Ba Láng, kênh Cái Côn, ngã tư kênh xáng Nàng Mau… đoạn chảy qua các khu vực đô thị, khu công nghiệp và chợ, chất lượng nước mặt tại các điểm này đều bị ô nhiễm.

Các thông số về: Coliforms, TSS, N-NH4+, BOD5, COD đều vượt nhiều lần so với quy chuẩn cho phép.

pBXhON54.jpg

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 2 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp tập trung do ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh quản lý và 4 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý.

Điều đáng nói là phần lớn số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Hiện, hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Tân Phú Thạnh đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần so với yêu cầu thực tế.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, đại diện công ty cấp thoát nước - công trình đô thị Hậu Giang cho rằng cần tiến hành thăm dò đánh giá chất lượng nguồn nước ngầm để sớm có biện pháp xử lý.

Về lâu dài, đơn vị này sẽ khảo sát một vài điểm để chuyển nhà máy đi nơi khác, ít ảnh hưởng bởi các hoạt động sản xuất công, nông nghiệp và khu đô thị.

Về biện pháp để quản lý và bảo vệ nguồn nước, cũng như khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nhất là tại các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp tại các địa phương của tỉnh Hậu Giang đòi hỏi các cấp có thẩm quyền trước hết cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách pháp luật, thể chế về bảo vệ môi trường nguồn nước mặt.

Đồng thời, điều chỉnh phân công trách nhiệm cụ thể hơn nữa giữa các ngành có liên quan thì tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước mặt, mới có thể giải quyết.

Quan trọng hơn cả, địa phương này cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh phải có biện pháp xử lý nguồn thải trước khi xả thải ra môi trường.

Chế tài xử phạt nghiêm minh cũng là việc mà chính quyền địa phương cần tính đến để đảm bảo hài hòa việc phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên