14/03/2011 11:47 GMT+7

Hát giữa biển trời Trường Sa

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Những chuyến ra Trường Sa và thềm lục địa không bao giờ thiếu tiếng hát trên boong tàu, dưới những tán phong ba trên các đảo nổi hay trên bancông nho nhỏ của tòa nhà “lâu bền” trên đảo chìm. Tiếng hát của người từ đất liền hòa vào tiếng hát những chàng lính trẻ.

26ioRBND.jpgPhóng to

Phút chia tay ở Sinh Tồn Đông, các chiến sĩ cất giọng hát “Vì nhân dân quên mình” nhưng chúng tôi thì khóc!

Nhưng ở Trường Sa cũng có những bài hát, chỉ một thời điểm nào đấy, trong một không gian cụ thể nào đấy trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong lòng người. Những chuyến ra Trường Sa, khi trở về trong tôi thường âm vọng mãi những khoảnh khắc như thế.

Biển xanh còn đó các anh nằm…

Buổi sáng một ngày mùa hạ, con tàu HQ 906 đi vào vùng biển Cô Lin. Đoàn hành trình đã được thông báo buổi lễ tưởng niệm sẽ diễn ra lúc 6 giờ sáng, nhưng chưa đến 5 giờ trên boong tàu đã rất đông các thành viên góp tay vào việc chuẩn bị, bày biện lễ vật .

Đã ba lần ra Trường Sa và thềm lục địa, nhưng phải đến chuyến này tôi mới đi ngang qua vùng biển Cô Lin, nơi có những đồng hương bè bạn bằng tuổi tôi đã ngã xuống khi vừa 20 tuổi.

VEJ1Osyj.jpgPhóng to
Lễ tưởng niệm ở vùng biển Cô Lin
RTi5ZESG.jpgPhóng to
Đảo Len Đao như hiện ra từ vầng mặt trời

Biển bình yên đến lạ lùng, mặt trời khi ấy vừa nhô lên phía đảo Len Đao, từ Cô Lin nhìn về tòa “nhà lâu bền” của đảo chìm Len Đao nổi lên nằm trọn trong quầng sáng mặt trời rực rỡ ấy, đẹp kỳ lạ.

Như một thông lệ, bất cứ chuyến tàu nào chở đại biểu từ đất liền ra thăm Trường Sa và thềm lục địa đều có hai lễ tưởng niệm tổ chức tại hai khu vực này.

6 giờ sáng ở biển có cảm giác như tầm 8-9 giờ ở đất liền, nắng chói chang và gió lồng lộng. Bàn thờ với các lễ vật dâng cúng liệt sĩ được chuẩn bị chu đáo như mọi chuyến ra Trường Sa.

Nhưng khi bản nhạc chiêu hồn tử sĩ cất lên thì không giống như những buổi lễ khác, trên nền nhạc trầm hùng ấy, ca sĩ Khánh Hòa (Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long), thành viên của đoàn công tác, cất giọng hát một ca khúc rất mới của nhạc sĩ Lê Vinh: Khúc tưởng niệm.

oLBbxUeC.jpgPhóng to

Ca sĩ Khánh Hòa hát với các chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông

Đã bao nhiêu lần rồi sau ngày trở về từ Trường Sa, tôi vẫn mở lại clip do người bạn cùng đi quay bằng máy ảnh du lịch của anh. Và lần nào cũng vậy, nước mắt cứ ứa ra lặng lẽ!

Câu chuyện về anh, sách bút ghi liệt sĩ Hoài niệm về anh giản dị chẳng có chiNgười trai ấy ra đi khi mái tóc còn xanhNgười trai ấy ngã xuống cho đồng đội sốngAnh xả thân giữ đất biển quê hương....

Nước mắt lăn lặng lẽ trên gò má vị tướng đã qua bao trận mạc; nước mắt nhòa trên gương mặt các đồng đội, và ca sĩ Khánh Hòa cũng dừng một lúc để nuốt tiếng nấc mới hát tiếp được bài ca.

Những lời ca không nhạc đệm, âm thanh duy nhất lúc ấy có thể nghe cùng tiếng hát là tiếng reo phần phật trong gió của lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ con tàu HQ 906.

Tôi cố trấn tĩnh để nhận ra cùng tiếng cờ reo phần phật hòa vào tiếng hát ấy, bóng sắc đỏ trên màu cờ, trên băngrôn tưởng niệm cũng soi vào mặt biển một sắc đỏ như máu của những người lính ngã xuống năm nào.

Nhớ lời hứa với thân nhân hai người bạn, tôi múc đầy một xô nước biển rồi cho vào hai chai thủy tinh mang về trao cho gia đình của bạn, coi như mang về chút linh hồn bạn đã hòa vào biển Cô Lin năm nào.

Trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, trên vùng biển này, hai người đồng hương cùng lứa tuổi với tôi là Hoàng Ánh Đông và Tống Sĩ Bái ở Đông Hà (Quảng Trị) đã ngã xuống đây hơn 20 năm trước. Thân xác những bạn bè vẫn còn nằm trong khoang con tàu bị chìm dưới đáy vùng biển này chưa về được với cố hương.

Và nơi quê nhà, mỗi lần ghé thăm tôi vẫn thấy hình ảnh bố của Đông hay mẹ của Bái như câu hát sáng nay Khánh Hòa đã hát: “Bao xót xa giọt sầu rơi, lưng mẹ hằn dấu núi, Thương đớn đau, lặng trầm sâu dòng sông cha hóa máu/biết là cuộc đời mỗi người chỉ một lựa chọn thôi/Vì tổ quốc anh ra đi mãi mãi…”

BeZ3vTL1.jpgPhóng to

Ở Cô Lin “nước là máu"

fV9ZOwuz.jpgPhóng to
Ở Cô Lin “rau là thuốc"...

Mang chai nước lấy từ vùng biển Cô Lin - Gạc Ma về đặt lên bàn thờ của bạn, cứ thao thức trong tôi câu thơ của Lê Bá Dương về Quảng Trị: “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Câu thơ ấy viết về sông Thạch Hãn - cũng là một nghĩa trang liệt sĩ không bia mộ, và biển Trường Sa hôm nay cũng là một nghĩa trang như thế, dưới thẳm sâu kia vẫn thao thức đau đáu một nỗi niềm như thế: “Biển xanh còn đó các anh nằm...”.

Bài hát lúc chia tay ở Sinh Tồn Đông

Vào buổi chiều trước hôm đến Cô Lin, chúng tôi vào Sinh Tồn Đông. Với tôi, có lẽ đây là hòn đảo đẹp nhất, nên thơ nhất ở Trường Sa khi mặt biển tĩnh lặng kỳ lạ và đảo nhỏ nhắn, đẹp xinh xắn như một bài cổ thi tứ tuyệt.

Trên những dãy hàng rào chướng ngại chống xâm nhập quanh đảo, những người lính công binh khéo léo xây thêm trên đỉnh cọc những chiếc hộp nhỏ làm thành những cái tổ xinh xắn cho đàn hải âu. Khi thuyền đi ngang qua bãi cọc, trên mỗi cái tổ chim xinh xắn kia những chú hải âu đứng giương mắt hiền lành nhìn đoàn khách lạ.

R0Y1LgyW.jpgPhóng to
Những chú hải âu trên thềm đảo Sinh Tồn Đông
BzbWDtBY.jpgPhóng to
Đảo Sinh Tồn Đông đẹp xinh xắn như một bài thơ tứ tuyệt

Chiều hôm đó Sinh Tồn Đông có mưa, trận mưa đầu tiên sau mấy tháng khô hạn, niềm vui của lính như được nhân đôi cùng với việc đón đoàn khách lên đảo.

Trên hành lang doanh trại, lính ngồi chen với văn công, tiếng ghita thùng bập bùng, cả nhạc trẻ và dân ca quan họ, cả trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa cho đến vọng cổ, cải lương, và những bài hát “địa phương ca” vang lên như một cách để mang quê nhà từ cách biệt trùng dương ra đây với lính.

Cũng bài ca ấy, bao lần ta đã nghe, nhưng khi nghe vang lên giữa trùng dương sóng gió và hòa vào vời vợi nỗi nhớ của những người lính, cứ nghe lòng rưng rưng xúc cảm.

Chiều xuống chúng tôi phải rời Sinh Tồn Đông, chiếc xuồng chở anh em phóng viên và các cô văn công rời đảo cuối cùng. Những chiến sĩ quyến luyến đứng ở bến thuyền đưa tay vẫy, và đột nhiên một chiến sĩ cất cao tiếng hát: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình...”.

Cả mấy chục người lính hòa giọng hát vang, đó không còn là bài ca của người lính mà còn là bài ca về chủ quyền biển đảo thiêng liêng - như một tuyên thệ của người lính trước Tổ quốc.

ql4Tzzxl.jpgPhóng to
Vị tướng từng qua bao trận mạc không nén nỗi xúc động...

Đã đi công tác nhiều miền đất nước, cũng vài lần ra Trường Sa nhưng chưa có cuộc chia tay nào khiến chúng tôi bất ngờ đến thế! Những người lính cứ cười tươi và hát vang, tưởng chừng ran cả lồng ngực, át cả sóng gió biển khơi...

Chúng tôi ai cũng nước mắt ràn rụa...

Con thuyền nổ máy đưa chúng tôi về lại tàu HQ 906 nhưng tiếng hát của những người lính trên đảo Sinh Tồn Đông dường như không tắt, dường như trên sóng biển dập dờn những vọng âm vang mãi…

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên