TTO - 30 năm sau ngày lô gạo đầu tiên được xuất khẩu, gạo Việt hầu như vẫn chưa có thương hiệu trên thế giới. Nhiều chính sách đã được đưa ra để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu nhưng đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả thực sự.

Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Đáng tiếc hầu hết vẫn là loại “hàng xá” đóng bao 50kg hoặc hàng container không thương hiệu, mất hút tại các thị trường nhập khẩu.

Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 1.

Theo Bộ Công thương, năm 2018 Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo các loại với kim ngạch 3,2 tỉ USD, tăng 6% về lượng và 20% về giá trị so với năm 2017. Đáng chú ý, tỉ lệ gạo trắng cao cấp (5% tấm), gạo thơm, nếp, đồ, hữu cơ… đã tăng đáng kể, chiếm tỉ lệ chính trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Đó là một trong những nguyên nhân đưa giá gạo Việt Nam tăng hồi đầu năm 2018, có thời điểm vượt qua gạo Thái Lan.

Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 2.

Dù vậy, gạo Việt vẫn xuất khẩu dưới dạng "hàng xá" chứ không có thương hiệu cụ thể. Tại các siêu thị nước ngoài, người tiêu dùng chỉ biết đến thương hiệu gạo nhập khẩu từ Thái chứ không có gạo Việt Nam.

Theo GS Võ Tòng Xuân, cách xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tập trung vào các thị trường cấp thấp với giá trị thấp, hàng xuất khẩu đóng bao 50 kg/bao hoặc container nên không có thương hiệu. Gạo chia theo phẩm cấp tỉ lệ tấm như 5%, 10%, 15% hay 20% tấm.

Gần đây có thêm các loại gạo cao cấp hơn như gạo thơm, gạo đồ… nhưng cách bán vẫn đóng bao là chủ yếu. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2010 - 2016, gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu nhưng giá trị thu được không cao.

Hạt gạo Việt dù đã xuất khẩu trên 150 thị trường nhưng không gắn nhãn Việt Nam hay doanh nghiệp Việt Nam khi đến tay người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp bắt tay làm thương hiệu gạo Việt Nam nhưng gặp khó khăn ở rất nhiều khâu.

Ông Vũ Duy Hải, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Agricam (Cần Thơ), nói Việt Nam có đủ các giống gạo ngon để cạnh tranh với gạo Thái Lan, Ấn Độ hay Campuchia.

Nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó có Agricam, đã đầu tư hệ thống xay xát, đóng gói hiện đại hàng đầu thế giới để sản xuất đáp ứng yêu cầu của các thị trường cao cấp như Úc, Mỹ.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, ổn định cung cấp cho khách hàng.

Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 3.
Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 4.

Để làm được điều trên, Agricam đã thành lập nhiều hợp tác xã kiểu mới với nông dân các vùng trồng lúa trọng điểm ở miền Tây, có sự tham gia của chính quyền địa phương.

Theo đó, công ty cung cấp giống, vật tư nông nghiệp để nông dân làm theo quy trình và bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng, doanh nghiệp không thể kiểm soát nổi đầu ra của nông dân.

Chỉ cần có những thời điểm khan hàng, thương lái đến mua trả cao thêm vài trăm đồng trên mỗi ký lúa là nông dân lại "bẻ kèo". Hậu quả doanh nghiệp không đủ lượng hàng giao cho khách hàng.

Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 5.

Theo dự báo của nhiều công ty nghiên cứu thị trường, năm 2019 thị trường xuất khẩu gạo sẽ cạnh tranh khốc liệt do Thái Lan và Ấn Độ chào bán mức giá thấp, Trung Quốc tiếp tục áp thuế nhập khẩu gạo ở mức cao. Trước diễn biến tình hình thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam lập tức bị tác động.

Theo Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 711.000 tấn với giá trị hơn 311 triệu USD, giảm 14% về lượng và 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Điều này cho thấy xu hướng khó khăn trong xuất khẩu còn tiếp diễn kể từ nửa cuối năm 2018 và giá gạo xuất khẩu đang giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, có thể thấy phần lớn các quốc gia trên thế giới đều sản xuất gạo để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Phần gạo xuất nhập khẩu qua biên giới các quốc gia chỉ chiếm 8,97% tổng lượng gạo sản xuất.

Vì mục đích đảm bảo an ninh lương thực cũng như logistics, lượng gạo tồn trong kho thường chiếm khoảng 35-36% tổng sản lượng gạo tiêu thụ. Chẳng hạn năm 2013, tổng lượng gạo tiêu thụ ước khoảng 490,3 triệu tấn thì có 180,9 triệu tấn gạo được giữ trong các kho (FAO, 2015).

Trong nửa thế kỷ trở lại đây, sản lượng lúa gạo trên thế giới đã tăng không ngừng, từ mức khoảng 200 triệu tấn vào đầu thập niên 1970 lên mức 650 triệu tấn vào năm 2010. Có được sự gia tăng sản lượng này chủ yếu là nhờ các quốc gia đã cải thiện được giống lúa cũng như điều kiện canh tác để tăng năng suất.

Trong bối cảnh các nước đều tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu nội địa, các nước xuất khẩu lớn hạ giá (Thái Lan và Ấn Độ), thêm nhiều nước tham gia thị trường xuất khẩu gạo (Campuchia, Myanmar)…, Việt Nam cần tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo hơn lúc nào hết để thích ứng, trong đó xây dựng thương hiệu gạo là một phần quan trọng của vấn đề.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho rằng Việt Nam không thiếu gạo ngon để cạnh tranh với các nước. Chúng ta từng có những giống gạo đạt vị trí cao trên trường quốc tế như giống gạo ST24 (xếp thứ hai trong ba loại gạo ngon nhất thế giới).

Trước đó, năm 2015, loại gạo AGPPS 103 của Tập đoàn Lộc Trời lọt top 3 loại gạo ngon nhất thế giới.

"Vấn đề là làm sao để người tiêu dùng thế giới biết đến giá trị của gạo Việt Nam. Làm thương hiệu không phải để bán được nhiều gạo hơn, mà là để bán được giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, doanh nghiệp và cho nông dân trồng lúa" - TS Nghĩa nói.

Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 6.
Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 7.
Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 8.

Theo một nghiên cứu của Liên minh nông nghiệp bền vững, kể từ cuối thập niên 1980 tới nay, ngành lúa gạo Việt Nam đã phát triển theo định hướng gia tăng sản lượng. Sản lượng lúa của Việt Nam đã tăng từ mức 19,23 triệu tấn (năm 1990) lên 32,53 triệu tấn (năm 2000) và 43-45 triệu tấn (những năm 2010 đến nay).

Trong thập niên 1990, sản lượng tăng một phần do mở rộng diện tích trồng lúa, từ 6 triệu ha (năm 1990) lên 7,6 triệu ha (năm 2000). Từ năm 2000 trở lại đây chủ yếu chỉ dựa vào tăng năng suất trong khi diện tích đất trồng lúa không thay đổi.

Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 9.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian trên, không chỉ Việt Nam tăng diện tích và sản lượng, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng làm như vậy để đảm bảo an ninh lương thực.

Xu hướng tự lực sản xuất của nhiều quốc gia châu Phi và Đông Nam Á khiến cạnh tranh xuất khẩu gạo ngày càng gay gắt. Do đó, sản lượng xuất nhập khẩu gạo tương đối ổn định trong thời gian qua trong khi tổng sản lượng lúa gạo toàn cầu tiếp tục gia tăng. Điều này tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với các nhà xuất khẩu gạo.

Sự gia nhập thị trường xuất khẩu mạnh mẽ của Myanmar và Campuchia trong những năm tới sẽ tạo ra một cục diện mới về thị trường này. Hai quốc gia này có tiềm năng mạnh trong việc cải thiện năng suất, từ đó có thể tạo ra sự thay đổi mạnh về cung gạo xuất khẩu trong thời gian tới.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh từ các nhà xuất khẩu truyền thống cũng như các nước mới nổi này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam chưa có liên kết, hợp tác với nhau để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Các doanh nghiệp rất độc lập trong việc tìm kiếm khách hàng, đặt giá, xây dựng thương hiệu.

Mối liên hệ giữa các doanh nghiệp chủ yếu ở việc xuất khẩu ủy thác hoặc cung ứng lúa gạo để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.

Vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) còn nhiều hạn chế trong việc thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của ngành. Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường của VFA cũng rất hạn chế.

Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 10.
Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 11.

Áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng khi các nước như Ấn Độ, Myanmar, Campuchia đang thực hiện các chính sách phát triển mạnh sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Ấn Độ là nước có diện tích trồng lúa lớn nhất trên thế giới, chiếm 26% tổng diện tích trồng lúa toàn cầu.

Tuy nhiên, năng suất hiện nay của Ấn Độ mới chỉ bằng khoảng 80% năng suất trung bình của thế giới và bằng khoảng 63% năng suất của Việt Nam năm 2013 - 2014.

Trong giai đoạn 2009 - 2013, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang các nước kém phát triển tăng 23 lần, từ 78 triệu USD năm 2009 lên 1,8 tỉ USD năm 2013.

Những quốc gia nhập khẩu truyền thống như Philippines, Malaysia cũng chú trọng nhiều hơn tới gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu. Bên cạnh đó, tỉ trọng gạo trong khẩu phần ăn của các hộ gia đình tại châu Á đang giảm dần.

Trước năm 1970, gạo là lương thực chính chiếm 38,2% lượng calori tiêu thụ hằng ngày của các hộ gia đình châu Á, nhưng đến năm 2007 lượng gạo chỉ còn chiếm 29,3% (trung bình mỗi năm giảm 1%).

Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 12.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, với tình hình thế giới như vậy, việc xây dựng thương hiệu nên bắt đầu bằng thị trường nội địa. Đó là xây dựng những loại gạo chất lượng cao cho người dân trong nước thông qua các phương pháp sản xuất sạch, hữu cơ.

Bởi dù xuất khẩu gạo là động lực quan trọng cho sự phát triển ngành lúa gạo nhưng phần lớn gạo sản xuất ra là tiêu thụ trong nước.

Thị trường nội địa, vốn chiếm 80% sản lượng lúa gạo của Việt Nam và 30-40% sản lượng lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long, cần đóng vai trò là nơi xây dựng và kiểm nghiệm chuẩn mực về chất lượng gạo, thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ gạo của Việt Nam.

Sự thành công của việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cho người Việt mới là nền tảng vững chắc để giúp gạo Việt có thể vươn xa ra thị trường thế giới.

Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 13.
Hạt gạo Việt: 30 năm, một nỗi đau đáu về thương hiệu - Ảnh 14.

TRẦN MẠNH
KIỀU NHI
BẢO SUZU

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên