![]() |
Nhạc sĩ Đặng Hoành Lan, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam |
Xung quanh dự án này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, người chịu trách nhiệm khoa học xây dựng lập Hồ sơ quốc gia về ca trù.
* Thưa nhạc sĩ, ca trù của chúng ta có xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại?
- Có thể nói không có nghệ thuật nào của Việt Nam có tính quy chuẩn, nguyên tắc, tính bài bản như ca trù. Một mặt nữa nó là nghệ thuật mà trên thế giới không có. Chúng ta biết là đàn đáy không nước nào có, phương pháp đánh trống chầu trong ca trù không nước nào có, một nghệ thuật đào nương vừa hát vừa gõ phách không nước nào có. Ca trù thực sự là một hình thức độc lập, sáng tạo riêng biệt của quá trình lịch sử. Tôi cho rằng nó hoàn toàn xứng đáng là một nghệ thuật được lập hồ sơ trình UNESCO.
* Hát ca trù đang dần mai một, vậy đâu là khó khăn về yếu tố nghệ thuật trong công tác chuẩn bị hồ sơ?
- Vì muốn chứng minh được giọng hát của ca trù hay ở đâu, độc đáo thế nào thì chúng ta phải tìm đến những nghệ nhân, những đào nương bậc thầy, có nhiều năm được đào tạo một cách nghiêm chỉnh trong dòng họ ca trù cổ xưa. Ca trù mất hàng chục năm nay nên tìm lại những nghệ nhân như thế này là vô cùng phức tạp, khó khăn.
Hơn nữa, bản thân các nghệ nhân này trong hàng chục năm qua mặc cảm với thái độ của xã hội cũ nên không xuất đầu lộ diện. Đấy là cái khó nhất trong việc đi tìm nghệ nhân.
Cái khó thứ hai tìm được là đào nương, tức người ca hát, phách đàn giỏi rồi thì phải tìm được những tay đàn, gọi là kép đàn giỏi. Vì có kép đàn giỏi thì chúng ta mới bàn tới việc nghệ thuật chơi đàn. Đây cũng là một điều vô cùng khó khăn. Những kép đàn giỏi hiện nay chỉ còn lại đôi ba người.
Trong khó khăn đó, những nghệ nhân chơi đàn giỏi lại ở lứa tuổi cao và sống khá rải rác nên việc tìm kiếm họ, nghe họ đàn để thẩm định tài năng là rất khó.
Thứ ba là người tác nghiệp nghệ thuật, lập hồ sơ đó phải rất am hiểu về nghệ thuật ca trù. Nếu người tác nghiệp lập hồ sơ ca trù mà không am hiểu về nghệ thuật đàn, không am hiểu nghệ thuật hát, thì người đó sẽ đánh giá sai nghệ nhân, tìm sai đối tượng và như vậy khi lập hồ sơ sẽ sai quy chuẩn.
Về tài liệu thư tịch thì ca trù là một hình thức nghệ thuật có đầy đủ nhất, dễ tìm nhất và không có một nghệ thuật nào có đầy đủ văn bản thư tịch bằng ca trù. Cái khó là ở chỗ để có thể ghi hình, chụp ảnh, đoàn sưu tầm phải đi rất kỹ, rất sâu phải đòi hỏi nguồn kinh phí, hỗ trợ rất lớn của các nhà quản lý địa phương.
![]() |
Hát ca trù, một nghệ thuật độc đáo của Việt Nam |
- Kép đàn giỏi ấy chính là cụ Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương và những đào nương hát hay phải kể đến đó là các cụ Nguyễn Thị Trúc (Hà Tây), Trần Thị Kim (Nông Cống - Thanh Hóa), Nguyễn Thị Kỳ, Nguyễn Thị Thiệp (Thuận Thành-bắc Ninh)...
Những nghệ nhân mà chúng tôi tìm được thực sự là những nghệ nhân đẳng cấp cao. Đẳng cấp cao của họ thể hiện ở tri thức của họ về nghề nghiệp, họ có thể mô tả cho chúng ta không gian biểu diễn của nghệ thuật đó ra sao, hát cửa đình, hát cửa quyền, múa như thế nào và khi hát chơi, hát khao vọng thì hát ra sao.
Thứ hai là họ thể hiện tài năng nghệ thuật rất tốt qua cách nhả giọng, đánh phách, và đặc biệt họ biết rất nhiều bài hát. Riêng cụ Đẹ có thể khẳng định là một kép đàn tài năng có một không hai hiện nay.
* Thưa nhạc sĩ, ca trù có rất nhiều tên gọi khác nhau nhưng tại sao chúng ta lại thống nhất tên ca trù trong Hồ sơ quốc gia trình UNESCO?
- Hiện nay chúng ta chấp nhận tên ca trù bởi lẽ phần lớn các nhà nghiên cứu gọi nó bằng một cái tên chung đó là ca trù. Gọi như vậy để giới hạn lịch sử hình thức nghệ thuật này từ thế kỷ 15. Song, như vậy không có nghĩa chúng ta muốn khống chế nghệ thuật ca trù ở thế kỷ 15.
Trong quá trình đi điền dã vừa qua, chúng tôi tìm ra ở Bắc Ninh có 10 đình làng cùng thờ một ông tướng phò giúp Hai Bà Trưng đánh giặc có tên Doãn Công, vợ là đào nương. Như thế ca trù, hay hát ả đào, đào nương có thể xuất hiện từ rất sớm. Những chứng cứ đi tìm ả đào thực sự thì chúng ta chưa tìm được văn tự có tính khả thi nhưng tên gọi và lối sinh hoạt của nó thì hoàn toàn khả thi. Nó phải có thời gian lịch sử phát triển dài như thế để đến thế kỷ 15 mới có chuyện thi ca trù.
Và toàn bộ nguyên tắc ca hát về loại hình nghệ thuật này được thiết lập, quy chuẩn, nếu không có quy chuẩn thì biết ai đàn hay để mà thi. Vì những lẽ đó chúng ta chấp nhận những tên gọi song song cho một hình thức.
* Vậy trong quá trình đi điền dã lập hồ sơ loại hình nghệ thuật này, ông và các chuyên gia thấy bất ngờ với sự khám phá nào?
- Cái bất ngờ nhất là càng điền dã sâu, càng tìm hiểu sâu thì mới thấy ca trù thực sự là hình thức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Ca trù bao hàm rất nhiều hình thức nghệ thuật trong đó có nghệ thuật ca hát, nghệ thuật múa và nghệ thuật trình diễn.
Một điều nữa là ca trù thực sự là nghệ thuật âm nhạc của người Việt Nam sáng tác, nó không vay mượn. Cái hay của loại hình nghệ thuật này còn ở chỗ bản thân ca trù có sự dịch chuyển rất mạnh mẽ. Từ hát ở cửa đình ra sinh hoạt đời thường, hát khao vọng, hát mừng lên lão, rồi nó ra ca quán hát cho các nhà văn, nhà thơ nghe.
Những nhà văn, thơ lớn của chúng ta như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tuân, Thạch Lam đều chơi với nó cả, một thú chơi cực kỳ văn minh. Và trong quá trình dịch chuyển đó nó vẫn bảo tồn được ba hình thức nghệ thuật ca, múa và trình diễn, tự dịch chuyển không gian và bảo tồn luôn giá trị. Rồi nó đi vào đời sống Hà Nội từ 50 năm nay rồi, nó có nhà hát riêng...
Ca trù xứng đáng là một di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại bởi nó là nghệ thuật có giá trị lịch sử lâu đời nhất, một không gian văn hóa rộng nhất, và những quy chuẩn nghệ thuật cao nhất.
Ca nương thầm lặngBạch Vân mượn "kiếp đào nương"...Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam - Người giữ lửa ca trù Một buổi nghe ca trùKho tàng cha ông để lại còn gì?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận