Mình đưa nhỏ bạn ra xe, cầm tay nó gửi mấy món quà về cho gia đình, nó hỏi: “Bao nhiêu tình cảm trong này, hả nhỏ?”. Mình trả lời: “Vô cực!” rồi phì cười nhưng lại muốn khóc ghê. Nghĩ tết nhất mà lại nước mắt, nước mũi thì không có hên nên ráng kềm lại. Chúc nhỏ bạn mấy lời, nó thấy mình buồn buồn thì cũng cố tỏ ra lưu lưu luyến luyến, nhưng mình biết nó mong nhảy lên xe đò nhanh nhất có thể. Về nhà mà lại! Nôn nao, vui vẻ có gì bằng.
Ngồi ở nhà trọ một mình, lại nhớ sao là nhớ những mùa tết trước. Năm học lớp 11, trước giao thừa vài tiếng, theo cha mẹ đi chợ lần nữa (mình hay nói đùa là hốt cú chót), đi vui ơi là vui. Mẹ thì lo mua dưa, mua thêm bánh mứt, hoa quả... Cha thì đi vòng vòng, thong dong xem mai. Nhìn dáng cha lúc đứng quan sát từng chậu mai sao mà chuyên nghiệp! Ai biết cha là tay chơi nghiệp dư đâu. Vừa lo xách đồ lỉnh kỉnh giúp mẹ, mình vẫn ráng đu đưa theo cha. Những người bán hàng vào giờ này gần như trả bao nhiêu họ cũng bán, bán cho kịp về giao thừa. Cha muốn mua thêm mai nên hỏi giá cả. Mình hóng hớt xong nói nhỏ vào tai cha: “Mắc quá! Mắc quá! Cha trả xuống nữa đi!”. Cha nghe xong cười hì hì rồi nói: “Để người ta có lời với, con gái!”. Mình gật gù rồi im lặng. Nhưng đến giờ nghĩ lại mới nghiệm ra lời cha. Cuộc sống, người này được, người kia mất, cái lợi của người mua đôi khi lại là cái thiệt của người bán. Sống, nên nhường người đôi chút, không hẳn là mình không được gì.
Nghĩ đến đâu lại muốn chạy ào về nhà đến đó. Lúc này chẳng cần gì khác, chỉ cần quê thôi! Chỉ cần gia đình thôi! Thèm cảm giác ngắm bình hoa mẹ tỉ mỉ ngồi cắm, ngửi cái bánh tráng thơm thơm, giòn giòn nội nướng. Thèm được treo mấy bao lì xì, mấy cánh thiệp chúc xuân lên cây mai cha ngày ngày chăm sóc. Muốn được thấy thằng nhóc diện đồ chuẩn bị “Em đi chơi với bồ em, bà chị há!”, nó chọc, vì thấy mình dường như đang ghen tị hay sao mà cứ nhìn nó, đâu biết mình đang tủm tỉm vì nghĩ em trai mình điệu thấy sợ!
Thèm được xúc tô cơm, chan miếng nước thịt kho tàu thơm ngọt nước dừa, xắn đôi cái trứng vịt đưa vào miệng. Thèm nghe tiếng mẹ kêu dậy vào sáng mồng một vì “Đầu năm đầu tháng không được ngủ nướng!”. Thèm cảm giác bước ra trước thềm, đón gió, tắm nắng, ngắm mây trời bay, nghĩ đã già đi một tuổi mà vẫn thấy lòng phơi phới, thấy cuộc đời sao mà tươi tắn, đáng yêu lạ lùng!
Dù bạn bè vẫn kéo mình đi chơi mỗi ngày, dù không nghĩ mình quá lẻ loi, nhưng lòng bồi hồi thì cứ bồi hồi. Nhất là khi ngửi được mùi nhang thơm nhà ai vừa thắp, lại nhớ hình ảnh mẹ trước bàn thờ tổ tiên ông bà không thôi khấn nguyện những điều tốt lành cho con cái. Nhớ cha hay đứng trước sân nhà, im lặng nhìn ngắm mấy chậu kiểng, ánh mắt lẫn trăm nghìn cảm xúc...
Mình đang đi dọc trên đường hoa, nghĩ đến những sắc màu tươi đẹp ở quê nhà, trong thâm tâm vẫn không nguôi hi vọng. Không biết dù con đã lớn, năm nay cha mẹ còn để dành cho con bao lì xì? Năm sau con nhất định sẽ về, không làm người ăn tết hai quê nữa.
Kết quả cuộc thi Tết xa quê: Ban tổ chức mời các tác giả đoạt giải và bạn đọc quan tâm tham dự lễ trao giải được diễn ra lúc 8g45 sáng chủ nhật 27-1 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Tác giả đoạt giải vui lòng mang theo CMND và thẻ công nhân để kiểm tra thông tin. Sau gần một tháng phát động, cuộc thi Tết xa quê do báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của Công ty Bibica đã nhận được hơn 200 bài dự thi của công nhân từ khắp cả nước. Ðây là cuộc thi nhằm tạo sân chơi cho công nhân chia sẻ, bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình trong những ngày cận tết. Ban giám khảo cuộc thi gồm đại diện báo Tuổi Trẻ, Thành đoàn TP.HCM và Công ty Bibica đã tiến hành sàng lọc và chọn tám bài viết đoạt giải như sau: Tết trong tâm hồn, tác giả Lê Thị Hoàng Huệ (Công ty TNHH Giày Fuluh Long An) giải nhất: 10 triệu đồng cùng quà tặng. Hạt bụi nghiêng mình, tác giả Nguyễn Thanh Thư (Q.9, TP.HCM) giải nhì: 7 triệu đồng cùng quà tặng. Con sẽ về, tác giả Phan Thị Lệ Hằng (TP.HCM), giải ba: 5 triệu đồng cùng quà tặng. 5 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng cùng quà tặng: - Chờ một cái tết sum vầy, tác giả Trần Văn Toan (Ðồng Nai). - Tết xa quê, tác giả Lê Văn Ðạo (TP.HCM). - Về quê ăn tết, tác giả Lê Lộc (TP.HCM). - Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, tác giả Lê Thị Duyên (TP.HCM). - Năm nay tôi lại đón tết xa nhà, tác giả Ðặng Thị Ngọc Ðiệp (TP.HCM). PHI LONG |
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận