Chè Huế có từ lâu đời, là đỉnh cao của nghệ thuật chế biến để tạo nên một trong ngũ vị đặc trưng (mặn - ngọt - chua - cay - đắng) của ẩm thực Huế. Chính vì thế, trong cung đình trước đây, chè là món tráng miệng không thể thiếu trong bữa ngự thiện của các vua triều Nguyễn. Bên cạnh chè cung đình, các món chè dân dã bình dị không chỉ là món ăn ưa thích hàng ngày của mọi tầng lớp nhân dân Huế mà còn được người dân dùng để cúng tế nhân dịp lễ, tết như món quà dân dã, ngọt ngào dâng lên các bậc tiền nhân.
Chè Huế có nét đặc sắc riêng về hương vị, màu sắc, độ ngọt, thanh, thơm dịu, béo, bùi hòa quyện... là nhờ vào nguyên liệu đặc trưng và nghệ thuật chế biến tài hoa. Để làm nên những món chè mang đậm phong vị Huế phải trải qua rất nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ, từ chọn nguyên liệu, chuẩn bị gia vị, hương liệu đến khâu chế biến sao cho ly chè đến tay thực khách phải thật thơm ngon, hấp dẫn.
Thành phố Huế có rất nhiều quán chè đủ loại bán cả ngày trên các tuyến đường, vỉa hè, nhưng nổi tiếng nhất là chè Hẻm ở đường Hùng Vương, chè Tý ở đường Trần Phú hay các quán chè ở đường Trương Định, Đông Ba… Nếu thích vị ngọt bùi, thơm mát, du khách có thể chọn chè bắp, khoai mài, đậu xanh, đậu ván… Nếu thích hương vị trái cây thì chè xanh dứa, hạt lựu, môn sáp vàng, bông cau, chuối, mít… là lựa chọn tuyệt vời. Tuy nhiên, đỉnh cao của ẩm thực chè Huế phải kể đến những món chè thanh tao của chốn cung đình xưa như chè hạt sen, nhãn bọc hạt sen, đậu ngự, bột lọc thịt heo quay… Mỗi loại chè đều có một hương vị đặc trưng riêng, không lẫn vào nhau.
Chè Huế là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Huế cũng như văn hóa ẩm thực Huế. Người Huế hầu như ăn chè quanh năm, mùa đông chè nóng, mùa hè chè đá. Đến nay, ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM hay một số thành phố khác trong cả nước đều có những quán chè Huế do chính người Huế chế biến, luôn tấp nập khách đến thưởng thức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận