10/10/2015 09:25 GMT+7

Hành trình tạo khí thế cho sinh viên mới

TÂM AN
TÂM AN

TT - Hành trình đó ví như một cuộc đua kỳ thú do Câu lạc bộ Trái tim (ĐH Sư phạm TP.HCM) đưa ra, được 80 sinh viên hưởng ứng tham gia. Phương tiện di chuyển của họ là xe buýt.

Các bạn sinh viên tham gia “Hành trình Sài Gòn” - Ảnh: Tâm An
Các bạn sinh viên tham gia “Hành trình Sài Gòn” - Ảnh: Tâm An

Khởi đầu cuộc hành trình, các bạn được chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình chia sẻ những tình huống có thể gặp phải trên đường phố, vào bất cứ lúc nào, đặc biệt trên xe buýt - phương tiện mà phần lớn các bạn chọn đi mỗi ngày.

“Một ý nghĩa nữa của “Hành trình Sài Gòn” là cơ hội để các bạn sinh viên khám phá các địa điểm nổi tiếng của thành phố, cùng nhau dạo qua các con đường lớn, làm việc nhóm để biết cách vượt qua các thử thách ở mỗi trạm của hành trình

TRƯƠNG THỊ TỐ TRANG (chủ nhiệm Câu lạc bộ Trái tim)

Mỗi chặng đua, một kỳ thú

80 sinh viên được chia làm tám đội, mỗi đội nhận một bì thư chứa đích đến của đội mình. Mỗi đội phải vượt qua bốn trạm bằng xe buýt, cùng nhau chọn ra cho mình lộ trình đi ít tốn kém và nhanh nhất.

Ở mỗi trạm, ban tổ chức đã sắp xếp các anh chị là thành viên Câu lạc bộ Trái tim đứng sẵn để giao nhiệm vụ. Nhiệm vụ của từng trạm được đưa ra rất rõ như tại trạm Nhà hát thành phố thì trong 30 phút tìm và trò chuyện cùng 10 người nước ngoài, thu thập các thông tin: tên, quốc tịch, cảm giác khi đến Việt Nam và lấy được chữ ký của họ.

Ở trạm phố đi bộ Nguyễn Huệ thì người chơi cần biên soạn bài nhảy tập thể cho bài nhạc bất kỳ mà mình bốc thăm được. Hoặc tại trạm Bến Nhà Rồng, nhóm trưởng chọn ra từng nhóm ba bạn tham quan Bến Nhà Rồng một lần và mỗi bạn phải phác thảo thật nhanh một chi tiết trong thời gian một phút. Sau đó, ba bức tranh sẽ được chuyển cho các bạn còn lại, trong 15 phút các bạn phải tìm và chụp lại đúng ba chi tiết ấy.

Không khí cuộc đua nóng ở từng chặng với sự linh hoạt của từng đội khi tính toán chơi sao cho hiệu quả.

Nhóm sinh viên khoa tâm lý học quyết định chia ra từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm đều có người giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, để tất cả cùng đạt mục tiêu lấy thông tin nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất với khách du lịch nước ngoài: điều thích nhất ở TP.HCM khi bạn đến là gì, thích món ăn gì ở đây, có góp ý gì với thành phố của chúng tôi?...

Bạn Xuân Trường (sinh viên năm nhất khoa tiếng Nhật) nói: “Mình thấy dạn dĩ hơn sau khi “buộc phải” nói chuyện với người nước ngoài như vậy. Cái mình thích là học được cách giao tiếp, cao hơn là khéo léo thuyết phục để người lạ chịu chia sẻ thông tin với mình”.

Biên soạn bài nhảy có lẽ là thử thách vui nhất của các sinh viên ở trạm phố đi bộ Nguyễn Huệ. Thanh Tuyền (sinh viên khoa tâm lý học) chia sẻ sau hơn một tiếng, nhóm không tìm được động tác nhảy nên một số bạn đã mất kiên nhẫn và lớn tiếng.

“Sau đó một bạn trong nhóm nói chúng ta cần phải lắng lại để tìm cách. Rồi chúng mình đi đến thống nhất. Và âm nhạc nổi lên, giữa trời mưa tầm tã, chúng mình đã nhảy rất máu lửa, cười tươi như chưa hề có chuyện gì xảy ra” - Tuyền nói.

Mệt lắm, mà vui lắm

Hỏi cảm xúc thế nào với hơn 50 bạn về đích, câu được trả lời nhiều nhất là: “Mệt lắm, mà vui lắm”.

Không chỉ mệt và vui, điều các bạn cảm nhận được là học được rất nhiều kiến thức và kỹ năng sống sau cuộc chơi. Như bạn Khả Văn - sinh viên khoa tâm lý học - nói thử thách ở trạm cuối giúp các thành viên trong nhóm hiểu ý nhau hơn.

“Vì bên trong Bến Nhà Rồng có hàng trăm chi tiết lịch sử tiêu biểu, nên khi ba chi tiết vẽ đến tay những người còn lại, tụi mình vừa phải vận dụng kiến thức lịch sử, vừa phải vận dụng sự sáng tạo để đánh giá xem chi tiết ấy là gì, vẽ về ai” - Văn chia sẻ.

Văn cũng nói thêm các bạn còn rèn được “tốc độ” quan sát thật nhanh để có thể tìm và chụp lại đúng chính xác ba chi tiết ấy.

“Nó còn tạo điều kiện cho các bạn sinh viên lần đầu lên thành phố có dịp tham quan một di tích lịch sử quan trọng của dân tộc” - Văn nói.

Theo bạn Giai Lạc (nhóm trưởng nhóm 4), bài học lớn nhất để lại trong bạn là kỹ năng điều khiển nhóm và tinh thần đoàn kết.

“Khi làm nhóm trưởng mà các thành viên trong đội chưa hề quen biết nhau, mình cũng gặp một số vất vả nhất định khi liên kết tất cả lại. Nhưng thật tuyệt khi chúng mình cùng xử lý chung một tình huống bỗng nhiên chúng mình xích lại gần nhau, thấy thương nhau hơn”.

Một bạn trong nhóm lúc đi trên xe buýt bị chảy máu khi va vào ghế lúc xe thắng gấp, cả hội mau chóng chăm sóc vết thương cho bạn, rồi mỉm cười thân thiện với nhau.

Sau chuyến đi, nhiều kỹ năng sống được các bạn rút ra. Bạn cho rằng mình rèn được kỹ năng giao tiếp, thuyết phục người nghe; bạn thấy kỹ năng làm việc nhóm là nổi bật nhất và nhiều bạn thấy mình học được nhiều nhất là kỹ năng đánh giá, quan sát, hiểu ý đồng đội...

Giúp sinh viên mới có nhiều khí thế

Chương trình “Hành trình Sài Gòn” được mô phỏng theo cách thức của chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng thế giới “Cuộc đua kỳ thú” (The amazing race Vietnam) mà VTV3 mua bản quyền từ Mỹ.

Theo bạn Trương Thị Tố Trang - sinh viên năm thứ tư, chủ nhiệm Câu lạc bộ Trái tim, lý do xây dựng chương trình này là tạo cho các bạn tân sinh viên một sân chơi lành mạnh, bổ ích, tự tin, có thêm bạn mới, giúp hòa nhập môi trường mới một cách “khí thế”.

Tố Trang cho biết câu lạc bộ cũng lồng ghép một buổi chia sẻ kỹ năng xử lý tình huống như cách chống “yêu râu xanh” nếu gặp trên xe buýt hay ngoài đường phố, cách tra cứu bản đồ xe buýt…

Phỏng vấn người nước ngoài về du lịch Việt Nam - Ảnh: Tâm An
Phỏng vấn người nước ngoài về du lịch Việt Nam - Ảnh: Tâm An
TÂM AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên