Phóng to |
Họa sĩ Lý Khắc Nhu bên phòng trưng bày giới thiệu về lịch sử và quy trình tạo ra một tác phẩm sơn mài - Ảnh: My Lăng |
Cái mới ở đây không chỉ nằm trong cái nhìn tạo hình mới, sử dụng nhiều bảng màu lạ hay khám phá kỹ thuật thể nghiệm, mà mới ở chỗ sử dụng lại... chất liệu cũ.
Họa sĩ Lý Khắc Nhu - người đại diện cho Saigon Art Kỳ Long Gallery, nhóm tổ chức triển lãm này - cho biết: “Sơn ta cũng chính là sơn mài, nhưng sơn ta không chỉ có sơn mài. Như chúng ta biết, sơn ta là một chất nhựa được lấy từ cây sơn của VN, có chủ yếu ở vùng Phú Thọ, sau đó pha với các bột màu tự nhiên để vẽ. Cái độc đáo của sơn ta là pha với nước hay dầu đều được, và dùng càng lâu thì càng lên “màu thời gian” rất đẹp. Trước khi các họa sĩ VN dùng sơn ta để làm tranh sơn mài thì sơn ta đã được dùng để sơn son, thếp vàng trên các bức tượng trong đình chùa, trên hoành phi, câu đối. Sơn ta cũng dùng trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Khoảng sau năm 1925, sơn ta được các họa sĩ ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương dùng để sáng tác tranh sơn mài, tức dùng kỹ thuật mài phẳng, trở thành nghệ thuật hội họa khá độc đáo của VN”.
Phóng to |
Tác phẩm Gốm - sơn mài của Nguyễn Thân - Ảnh: V.Q. |
Không cần mài
Họa sĩ Lý Khắc Nhu lý giải sở dĩ triển lãm có tên gọi “Hành trình mới - sơn ta tổng hợp” là ở đây các họa sĩ vừa trình bày tác phẩm sơn ta - sơn mài, vừa có tác phẩm gốm được trang trí bởi sơn ta. đặc biệt với nhiều họa sĩ trẻ, tên gọi sơn ta còn là một cái nhìn thoáng, bởi ngay tranh sơn mài của họ nhiều khi... không cần mài.
Câu chuyện sơn ta được kể lại ở đây, trong triển lãm này, nhưng ở ngoài kia chưa hẳn như vậy. Bởi ai cũng biết đã khá lâu và cả hiện tại nhiều họa sĩ chỉ dùng sơn Nhật, tức sơn công nghiệp, để làm sơn mài. Tại sao như vậy? Bởi làm sơn ta là một cuộc sáng tạo nhọc nhằn, trước hết là bị “sơn ăn”, sau nữa là khá mất thời gian.
Thông thường để hoàn chỉnh bức tranh sơn mài phải vẽ 20 lớp, mỗi lớp sơn phải chờ ít nhất ba ngày mới khô, đợi lớp này khô mới vẽ lên lớp khác. Cứ như thế phải mất khoảng thời gian ít nhất 2-3 tháng mới hoàn thành một bức tranh sơn mài - sơn ta. Giá của sơn ta lại khá cao. Họa sĩ Lý Khắc Nhu cho biết để lấy nhựa sơn người ta phải thức dậy từ lúc 2g sáng, đến khi mặt trời vừa ló dạng thì cây sơn không tiết nhựa nữa và phải lấy từ 300 cây sơn mới được chừng 1kg nhựa sơn.
Phóng to |
Tác phẩm Ký ức - sơn mài của Nguyễn Minh Phương |
Câu chuyện về sống chậm
Cái công phu của sơn ta là vậy, trong khi đó dùng sơn Nhật thì nhanh chóng, thuận lợi nên nhiều họa sĩ đã “bỏ rơi” sơn ta. Nhưng dùng sơn Nhật chỉ thỏa mãn nhu cầu tức thời, nó rất nhanh phai màu, bong tróc... Quan trọng hơn hết, sơn Nhật không phải là tiếng nói của tranh sơn mài VN. Thử nêu câu hỏi về cách nhận biết đâu là tác phẩm sơn mài - sơn ta và sơn mài - sơn Nhật vừa được hoàn thành, thì được bày cho cách... dùng mũi thưởng thức mùi vị tranh. Sơn mài - sơn ta toát lên mùi thơm chua nồng hay còn gọi là mùi “thum thủm” rất đặc trưng, còn tranh sơn mài - sơn Nhật sực mùi chất dung môi làm sơn nhanh khô.
Không chỉ trên tác phẩm, câu chuyện sơn ta còn được kể bằng một phòng trưng bày tư liệu, mô tả các dụng cụ, nguyên liệu và quy trình thực hiện tác phẩm sơn mài - sơn ta, có cả cây sơn ta được mang đến từ Phú Thọ. Đây là lần đầu tiên công chúng được biết về cách làm sơn mài - sơn ta, về một nghệ thuật rất độc đáo của VN thông qua một triển lãm.
Như vậy, câu chuyện của sơn ta là câu chuyện về sống chậm đầy tính triết lý của nghệ thuật VN, con người VN. Nói như họa sĩ Phạm Huy Hùng thì: “Người biết vẽ tranh sơn mài là người biết dựa vào cái chậm để trở về nguồn”. Câu này không phải nói trong triển lãm này, nhưng về ý tưởng lại rất “gặp gỡ”, bởi toàn bộ tác phẩm ở đây đều làm từ chất liệu VN, toát lên tâm hồn VN, chậm rãi đi về miền đẹp lạ.
Triển lãm “Hành trình mới - sơn ta tổng hợp” diễn ra từ ngày 6 đến 15-6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM). Để đến với triển lãm này, Saigon Art Kỳ Long Gallery đã tổ chức hình thức làm việc tập trung tại làng nghệ thuật Hàm Long (Q.2) hơn tám tháng qua. Thành phần tham gia “trại sáng tác” này gồm mười người và bốn khách mời, là các họa sĩ từng có giải thưởng, thành tích hoạt động đáng kể trong các cuộc triển lãm của Hội Mỹ thuật TP.HCM như Huỳnh Tuần Bá, Lý Khắc Nhu, Nguyễn Thân, Dương Sen, Đào Minh Tri, Trương Lộ, Nguyễn Huy Khôi, Chế Công Lộc, Nguyễn Minh Phương, Lê Kinh Tài, Siu Quý, Trần Văn Hải, Đỗ Minh Hiếu và Phan Đình Phúc. “Các tác giả đã cho ra đời những tác phẩm mỹ thuật làm chúng ta hết sức ngạc nhiên về tính biểu cảm độc nhất vô nhị của chất liệu sơn ta tổng hợp, được xử lý với cách nhìn hoàn toàn mới lạ...” - họa sĩ Phạm Đỗ Đồng, phó chủ tịch Hội Mỹ thuật, nhận xét về phòng tranh “Hành trình mới - sơn ta tổng hợp”. Ông còn mong muốn: “Phải chăng đã đến lúc chúng ta đầu tư cho công nghệ sản xuất, chế biến bảo quản và sử dụng sơn ta trên quy mô công nghiệp, sao cho nó có được tính năng phổ biến cao để có thể dễ dàng sử dụng như bất cứ chất liệu nào mà loài người đã sáng tạo. Và một lúc nào đó, thuật ngữ “sơn ta” nhất định sẽ trở thành thuật ngữ mỹ thuật quốc tế”. H.Sơn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận