05/11/2015 12:13 GMT+7

Hành trình giúp con thoát những ngày học khốn khổ

AN HÀ
AN HÀ

TTO - Để con cái có "những ngày học khốn khổ", theo rất nhiều bạn đọc, lỗi đầu tiên thuộc về cha mẹ. Không bị rơi vào "guồng" cho con học ngày đêm, nhiều phụ huynh tìm cách thoát ra, như bà mẹ này.

Nhiều phụ huynh cho con tham gia những chương trình trải nghiệm thiên nhiên học kỹ năng sống - Ảnh: N.H

Tôi cho rằng, dạy thêm ở tiểu học chỉ là nhu cầu của giáo viên, không phải là nhu cầu cuả học sinh! Và tôi là cương quyết không cho con đi học thêm!

Nhiều người bảo tôi là họ cũng không muốn cho con học trước, học thêm, cũng muốn cho con vui chơi nhưng mà cô giáo cứ bắt học. Rồi cô giáo giảng nhanh, chương trình nặng, không học thêm sẽ không hiểu được bài. Bạn bè trong lớp cũng đi học thêm hết, con mình sẽ tủi thân, sẽ tự ti, sẽ bị sang chấn tâm lý...

Tôi nhớ có một điều tra của báo Tuổi Trẻ trên nhiều tỉnh thành trong cả nước, thì một trong những lý do khiến học sinh phải đi học thêm quá nhiều là sợ giáo viên trù dập. Có tới 10,7% Phụ huynh trả lời khảo sát là có việc trù dập, cho điểm thấp do không đi học thêm, và 19,6% Phụ huynh cho biết giáo viên vui vẻ và giúp đỡ con mình hơn sau khi học thêm. 38,9% PH cho biết cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn khi để con học thêm, và 12,3% thấy buồn nhưng vẫn “cắn răng” chịu.

Tại sao làm một việc hại con mình mà lại vẫn làm?

Tôi không hiểu! 

Học, học, và học nhồi học nhét là tình trạng chung của Việt Nam và nhiều nước châu Á. Không thể phủ nhận lịch học dày đặc cộng với áp lực khủng khiếp đã giúp sức cho thành tích học tập của học sinh châu Á bứt lên top đầu thế giới.

Ở Mỹ hiện nay, học sinh gốc Á chiếm gần 20% tỉ lệ sinh viên ở các trường tốp đầu (Harvard, Princeton, Yale...). Nhưng Mỹ cũng đã thống kê thấy rằng tỷ lệ các học sinh gốc châu Á có tỉ lệ tự vẫn cao nhất trong tất cả các nhóm chủng tộc khác.

Tôi cũng đã gặp những bố mẹ, khi con mình bình thường thì chỉ mong làm thiên tài, ép học Toán, học Anh văn, học Piano, Violon… Khi con bắt đầu bị trầm cảm thì bố mẹ lại mới cuống lên, đòi đánh đổi tất cả gia tài, chỉ cầu mong sao con bình thường.

Xu Sim khi vào lớp 1, cả khối 1 đều biết chữ biết viết rồi. Đầu năm đứng bét lớp, dốt nhất khối, cuối học kỳ 1 là học sinh giỏi xuất sắc, top 5 top 10 gì đó trong lớp. Xu còn đạt giải nhất viết chữ đẹp cấp trường! Bạn bè tôi cũng có vài người không cho con học trước, thì cũng vẫn "sống sót", chả đứa nào bị sốc, bị sang chấn tâm lý gì hết.

Lời giải cho điểm số và áp lực

Bước thứ nhất tôi xác định rõ là Xu và Sim chỉ là hai đứa trẻ bình thường, không phải là thần đồng hay thiên tài gì. Xu Sim nếu mà dốt là do gien của tôi. Tôi không bao giờ đẩy áp lực lên vai cô giáo bằng cái câu nghe rất quen thuộc: "Trăm sự nhờ cô!".

Bước thứ hai, nếu cô giáo vẫn không hợp tác, thì tôi tìm cách giải thiêng cho điểm số. Nhớ hồi lớp 1, cô của Xu gợi ý tớ cho con đi học thêm, viết hẳn vào sổ báo bài cuả bé. Cả lớp chỉ có hai học sinh không đi học là con của một chị bán hủ tiếu (vì không có đủ tiền đi học thêm), và tôi. Cô chê Xu rất nhiều, hay bị điểm thấp, lườm nguýt, nhiếc móc nặng nhẹ.

Tôi lắng nghe những ấm ức mà Xu phải chịu vì cô giáo đì, nhưng cũng cho rằng nó có phần nào đó tốt cho bé, bé được làm quen với áp lực và việc chịu hậu quả cho mỗi việc làm cuả mình, ngay từ trên lớp. Nguy cơ lớn nhất của con người ở thế kỷ 21 chính là áp lực. Vậy thì hãy tập làm quen với áp lực!

Rất may là con do chúng ta đẻ ra, và nó vẫn là con ta. Tác động cuả ta lên nó vẫn là rất mạnh so với bất cứ ai khác. Bố mẹ là "thế giới chất lượng" của con. Nên nếu cả thế giới nói bạn dốt, cả thế giới lên án bạn, mà bố mẹ vẫn tin tưởng và yêu thương bạn, thì bạn vẫn có thể tự tin được.

Và tôi thấy rằng, thường giáo viên chỉ có thể hành hạ được con mình khi mà con không tin tưởng chia sẻ với mẹ, hoặc chính ba mẹ cũng không hiểu con, không chịu nhìn nhận sự sợ hãi và bất công mà con cái mình đang phải chịu.

Con viết chậm hơn bạn, đọc kém hơn bạn, mà đã tự ti, mặc cảm, rồi sợ đi học… thì ngày sau ra đời sống làm sao? Ngày sau xe thằng bạn xịn hơn xe mình, vợ hàng xóm đẹp hơn vợ mình, chồng hàng xóm nó giàu hơn chồng mình, nhà hàng xóm nó to hơn nhà mình, con hàng xóm nặng ký hơn con mình…, thì liệu có sống nổi không?

Chuyển nhà theo trường

Bước 3, khi chính tôi cũng thấy mệt mỏi vì phải đối phó, với cả lớp đi học thêm, giữa các phụ huynh cũng rất nhiệt tình chở con đi học thêm, thì tôi bắt đầu tìm cách khác. Tôi đi tìm một môi trường thích hợp hơn cho con mình và những phụ huynh như mình.

Một ngày, tôi bỗng thấy một tấm ảnh trên mạng xã hội, tấm hình chụp một nhóm học sinh tiểu học, bé cởi trần, bé mặc đồ bơi, bé thì đang ngồi vẽ, một bé thì đang nói gì đó với cô. Cái lớp học lộn xộn, không đẹp theo chuẩn mực "nề nếp, trật tự" làm tôi thích mê. Cái cảm giác tự do và vui sướng của học sinh nó rõ ràng như có thể sờ nắm được.

Tôi tìm tới trường, gặp cô chủ trường, và đúng như tôi dự đoán, trường không chạy theo các thành tích thi cử, mà tập trung để học sinh phát triển toàn diện. Từ việc dạy hình thành và phát triển tính cách bằng hành động theo kiểu của Canada  tới các hoạt động giáo dục thể chất như  bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, đàn vẽ, kịch nghệ... đều được đầu tư tử tế. Mục tiêu là học sinh tự lập, tự chủ, tự điều chỉnh, đúng như mong muốn của tôi.

Tuy nhiên ngôi trường này ở tận Bình Chánh. Vậy là tôi về rao cho thuê căn hộ đang ở khu trung tâm thành phố, tôi xuống huyện Bình Chánh, thuê một căn hộ sát bên trường. Bạn bè nhiều người can ngăn, rằng nhà đang đẹp thế, cho thuê sẽ bị hư hỏng hết. Tôi nghĩ, nó chỉ là một căn nhà, hỏng thì sửa, không thuận tiện, không phù hợp thì đổi. Chỉ có con mình là không thể thay đổi, không thể để cho hư hỏng được thôi.

Ông Gandhi, cựu thủ tướng Ấn Độ có nói: "Quyền lực chỉ có sức mạnh nếu chúng ta đồng ý với nó". Tôi nghĩ, mỗi người đều có quyền bỏ phiếu cho việc học thêm hay không, chính bằng những lựa chọn của mình.

 

AN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên