Phóng to |
Bởi chỉ với sự đồng cảm và vì đồng cảm mới khiến một bà cụ, vốn luôn đấu tranh cho quyền lợi của các nạn nhân HQ bị binh lính Nhật xâm hại tình dục trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đã trải rộng lòng mình tới số phận những người phụ nữ cùng cảnh ngộ ở một quốc gia khác.
Lời xin lỗi từ trái tim
Vốn là giáo sư giảng dạy môn văn học Anh tại Đại học Ewha Women ở thủ đô Soeul, HQ, nhưng GS Yune Chung Ok nổi tiếng hơn với các hoạt động xã hội. Sau khi nghỉ hưu năm 1991, bà trở thành đồng chủ tịch của Hội Các phụ nữ HQ bị xâm hại tình dục bởi quân đội Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Cuộc đời của bà là đề tài cho luận văn cao học của cô sinh viên Hwang Jum Soon, hiện đang làm nhân viên hành chính tại một bệnh viện gần Seoul. Trong lần sang VN này, bà đi cùng cô học trò của mình và một nhà quay phim nghiệp dư, anh Han Won Sang, nhằm ghi lại những thước phim tư liệu về chuyến đi này.
Bà Chung Ok giãi bày: “Chúng tôi đến VN lần này với tư cách cá nhân nhưng tôi chắc những gì tôi nói ở đây hôm nay là những điều mà nhiều phụ nữ HQ đã nghĩ đến và cũng muốn nói. Tôi đến cùng lời xin lỗi các phụ nữ VN từng bị binh lính HQ làm nhục trong chiến tranh, lời xin lỗi chân thành nhất từ trái tim”.
Tại Tokyo, bà Chung Ok đã gặp bà Lê Thị Nhâm Tuyết, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới - gia đình và môi trường trong phát triển ở VN. Bà lập tức bày tỏ ý định đến VN, tìm tới những người phụ nữ VN mà bà biết cũng đã trải qua những bi kịch mà những người phụ nữ HQ từng hứng chịu.
“Khi cuộc chiến tranh VN đang diễn ra, từ các phương tiện truyền thông và từ chính những người tham chiến trở về, chúng tôi biết nhiều phụ nữ VN đã bị binh lính HQ hãm hại. Nhiều người lính HQ đã có con ở VN nhưng chưa một lần quay lại nhận con cũng như chưa hề có lời xin lỗi chính thức nào. Và đó là lý do thôi thúc tôi tới VN, để gặp gỡ trực tiếp các nạn nhân và nói lời xin lỗi” - bà Chung Ok nói.
Trong hành trình 12 ngày tại VN, bà Chung Ok đã tìm gặp thế hệ thứ hai và cả thế hệ thứ ba của những phụ nữ từng bị binh lính HQ xâm hại tình dục. Với trái tim ẩn chứa nỗi đau thầm kín, bà lặng lẽ quan sát tình cảnh và số phận của những người phụ nữ cùng cảnh ngộ.
Bà chia sẻ với họ sự cam chịu của những người phụ nữ Á Đông khi gặp cảnh éo le này, đồng cảm với sự cô đơn và vất vả khi nhiều người trong số các nạn nhân không tìm được hạnh phúc trọn vẹn dù chiến tranh đã kết thúc từ rất lâu. Điều khiến bà Chung Ok xúc động là không nạn nhân nào tỏ ra ghét bỏ người HQ, lên án bà khi gặp mặt.
“Những nạn nhân, những người con người cháu mang dòng máu HQ tôi gặp đều tỏ ra cởi mở và chân tình. Nhưng chính sự khoan dung của các bạn khiến chúng tôi càng cảm thấy có lỗi hơn”- bà Chung Ok tâm sự.
Bà Yune Chung Ok đã đến VN sau năm năm mong đợi. Đầu tháng 12-2000, bà xuất hiện ở Tokyo trong phiên tòa xét xử binh lính Nhật Bản phạm tội xâm hại tình dục trong thời kỳ quân đội Nhật xâm chiếm các nước Nam Thái Bình Dương trong Thế chiến II. Bà đã xuất hiện cùng hơn 1.100 phụ nữ từ các nước Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Trung Quốc... yêu cầu Chính phủ Nhật nhận trách nhiệm về các tội ác này và đưa ra lời xin lỗi cũng như bồi thường. Phiên tòa được tổ chức bởi Tòa án tội ác chiến tranh quốc tế của phụ nữ, một tòa án có tính biểu tượng và không được Chính phủ Nhật công nhận về mặt pháp lý. Nhưng phiên tòa đặc biệt có ý nghĩa bởi đây là lần đầu tiên những phụ nữ châu Á từng bị xâm hại tình dục công khai xuất hiện điều trần về những mất mát và bi kịch mà họ phải gánh chịu, khi bị sung vào đội quân mua vui cho binh lính Nhật trong thời kỳ chiến tranh. |
Trở về Hà Nội sau đúng một tuần lặn lội bằng đủ loại phương tiện khắp năm tỉnh, thành miền Trung VN, từ Đà Nẵng vào Bình Định, rồi đi Phú Yên, Quảng Ngãi, Nha Trang, GS Yune Chung Ok và hai người đồng hành không tỏ vẻ mệt mỏi. Bà Chung Ok nói: “Tôi chưa biết mình còn có cơ hội trở lại VN hay không nhưng cô ấy (chị Hwang Jum Soon) thì sẽ sớm quay lại để tìm ra cách gì đó giúp đỡ những phụ nữ khó khăn”.
“Tôi có cảm xúc giống như GS Chung Ok và điều đặc biệt hơn nữa là tôi rất kính trọng bà” - đó là lý do khiến chị Hwang đến với chuyến đi này. Còn anh Han, người đồng hành còn lại, thì lý do có vẻ bí ẩn hơn. Anh kiên quyết không nói vì sao anh đến đây mà hẹn sẽ email kể khi anh trở về Seoul.
Có người nói rằng anh là con của một phụ nữ từng bị xâm hại tình dục. Trong suốt chuyến đi dài, anh cặm cụi ghi lại tất cả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với những người phụ nữ - nạn nhân mà anh đã may mắn được gặp.
Anh hi vọng rằng những tư liệu này sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở HQ. Bà Chung Ok cũng thế. Bà nói: “Tôi muốn dấy lên dư luận tại HQ về những nỗi đau còn đến ngày hôm nay do binh lính HQ gây ra cho người phụ nữ VN trong thời kỳ chiến tranh”.
Hơn một tuần ở VN, bà Chung Ok đã đi tới cả các huyện miền núi xa xôi của năm tỉnh, thành miền Trung và tìm được tới hơn 50 phụ nữ Việt từng là nạn nhân. Điều gì đã tiếp sức cho bà? Bà nói đó chính là nhờ những người VN bà được gặp.
Trong đó có những người con mang dòng máu HQ muốn được một lần gặp cha mình; có những người phụ nữ cả một đời không chồng, không con, cuộc sống vất vả khó khăn nhưng vẫn đầy vị tha, nhân hậu. Bà không thể mệt mỏi mà thấy mình cần mạnh mẽ hơn để làm được điều gì đó cho họ, dù chỉ là để bù đắp phần nhỏ, rất nhỏ những nỗi đau họ từng gánh chịu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận