24/11/2006 14:41 GMT+7

Hành trình đi về A Pa Chải: Cực Tây tổ quốc

THỦY TRẦN
THỦY TRẦN

TTO - Vào những ngày đầu tháng 11, khi Hà Nội bắt đầu run run lạnh, một nhóm những người bạn trên TTVN ngồi lại với nhau ở 165 Thái Hà và quyết định thực hiện giấc mơ đi về A Pa Chải - cực Tây của tổ quốc.

xfrOBmx1.jpgPhóng to
Đoàn chúng tôi tự hào đứng trên cực Tây tổ quốc A Pa Chải - Ảnh: hoangbquan (thành viên của đoàn)

Lãnh thổ VN có 2 ngã ba biên giới rất đặc biệt là Ngã ba Đông Dương thuộc địa phận huyện Pleikan (Ngọc Hồi), thị xã Kon Tum và Ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Tỉnh Điện Biên.

Chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai đưa chúng tôi rời xa thành phố. Đoàn chúng tôi gồm 9 chàng trai và 6 cô gái, cùng với 9 xe máy đã được chuyển lên Lào Cai bằng xe container từ buổi chiều.

Chúng tôi đến Lào Cai lúc 6g sáng, trời vẫn còn mờ sương. Sau khi ăn sáng và lấy xe máy, kiểm tra xe cộ, đổ xăng đầy bình và chằng buộc đồ cẩn thận, chúng tôi xuất phát theo hướng Lào Cai - Lai Châu lúc hơn 8g. Trời nắng đẹp, dãy Hoàng Liên Sơn trập trùng trong sớm mai, thoáng xa kia là đỉnh Phanxipang hùng vĩ. Đèo Ô Quy Hồ rừng rực và bí ẩn khôn cùng đón chúng tôi với những khúc cua tay áo, với những đoạn đường nhựa đã bị sụt lún do nền đất yếu.

Xế chiều xe chúng tôi chạy dọc dòng Nậm Na, qua một thị xã Lai Châu cũ. Chúng tôi qua thăm cây cầu Hang Tôm là ranh giới giữa Điện Biên và Lai Châu, cây cầu dây văng lớn nhất miền Bắc bắc ngang một nhánh của sông Đà, mà tới đây, khi thủy điện Sơn La hoàn thành vào năm 2010, nó sẽ vĩnh viễn chìm trong làn nước mênh mông.

Rời con đường quyến rũ nhất Tây Bắc, chúng tôi bắt đầu cung đường đau khổ từ ngã ba Mường Lay cũ đi Chà Cang. Hoàng hôn tắt nắng, trăng 14 sáng vằng vặc soi rõ 75 km đường với toàn đá hộc lổn nhổn, xóc nổ đom đóm mắt khiến các bạn tôi mệt lử đử. Cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành lịch trình ngày đầu tiên và giấc ngủ ở Chà Cang đến trong muộn màng.

Hôm sau, chúng tôi tiếp tục quãng đường 80km vào trung tâm huyện Mường Nhé. Đường đi bồng bềnh trong sương sớm, nắng trải dài những thung lũng sâu, hơi lạnh trườn vào trong áo khoác, len lỏi qua tấm khăn len quàng vội. Chúng tôi qua những Pa Tần, Nậm Kè, Quang Lâm (Trào Púng), những bản làng xinh xắn nằm nép mình bên sườn núi, cạnh dòng sông, thanh bình giữa những thung lũng lúa mới gặt chỉ còn trơ lại cuống rạ trên nền đất nâu ẩm ướt bởi sương sớm.

Vượt suối Nậm Ma khi nước ngập ngang bắp chân, một chút khó khăn cho các bạn nam với xe máy. Những con đường đất êm mà trơn trượt, những bãi lầy chưa kịp san ủi, những khúc quanh nằm dưới một rừng cây rợp lá, những con dốc dài và sâu hun hút, những khe suối ngập nước và bùn, tất cả ở lại phía sau lưng chúng tôi, sau lưng dòng Py Thí bên sườn phải của đồn Biên phòng 405 - đồn biên phòng xa nhất nơi biên cương cực Tây. Sau khi xuất trình giấy tờ và kiểm tra theo thông lệ an ninh biên giới, chúng tôi được mời ở lại đồn 405 để sáng mai tiếp tục cuộc hành trình.

Sáng, sau khi vượt thêm một con suối ngay cạnh đồn 405 - suối Păm Pươi, xe chúng tôi đi giữa con đường tràn ngập màu vàng của hoa cúc quỳ. Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước mình, chưa bao giờ và chưa ở đâu tôi thấy mình được đi giữa bạt ngàn cúc quỳ đến thế, sau mỗi khe suối, mỗi khúc quanh, những hàng rào hoa cúc quỳ bừng sáng ùa ra chào đón chúng tôi như những người bạn đồng hành thân thiết. Thiên nhiên thật tươi sáng và trong lành khiến cho trái tim chúng tôi càng thêm rạng rỡ vì giấc mơ A Pa Chải đã sắp thành sự thật.

Đón chúng tôi ở xã Sín Thầu là suối Y M Hồ như một con rồng đang yên ngủ. Những tảng đá cuội to lừng lững như con bò mộng, suối sâu nước xiết khiến cho việc đưa xe qua suối của chúng tôi cũng không dễ dàng gì. Tuy nhiên, sau hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có mặt ở UBND xã Sín Thầu, tặng quà cho xã, thăm bản Tả Kho Khừ, trường THCS xã Sín Thầu và lại tiếp tục hành trình tới bản A Pa Chải.

Con đường từ xã Sín Thầu vào A Pa Chải dài 4km, một con đường xuyên rừng nguyên sinh với nền đất ướt đẫm sương, có những đoạn hẹp cỡ 50cm, chênh vênh vực núi, cây đổ chắn ngang đường, những khe suối cắt đường chưa kịp san ủi khiến cho chúng tôi gặp không ít nhưng pha thót tim.

Và rồi bản A Pa Chải trứ danh hào hùng cũng đã đợi được chúng tôi khi ông mặt trời đã đứng bóng đỉnh đầu. Chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm rồi lên thăm trạm A Pa Chải - trạm kiểm soát xuất nhập cảnh đường tiểu ngạch của vùng. Một ngôi nhà mái tranh nhỏ nhắn, một chiếc võng dù và một chiếc bàn gỗ đã cũ là nơi kiểm tra việc xuất nhập cảnh của dân địa phương qua cửa khẩu A Pa Chải, cũng là mốc 3 trên tuyến biên giới Việt Trung. Trạm có 3 chiến sĩ là anh Dũng, trạm trưởng, anh Phong và một anh Dũng nữa - người sẽ cùng chúng tôi trong suốt cuộc hành trình sau này.

Chúng tôi để lại xe máy ở trạm kiểm soát A Pa Chải, xốc lên vai ba lô hành tranh với một bộ quần áo dự phòng và một số đồ ăn nguội để lên đường đi về bản Tá Miếu - bản xa nhất về phía Tây của VN. Tá Miếu là bản mới được tách ra từ bản A Pa Chải với 24 nóc nhà, nằm cách A Pa Chải 2g đồng hồ đi bộ (khoảng 6km).

Trưởng bản Mạ Gió Tư đón đoàn chúng tôi bằng niềm vui của người chủ nhà hiếu khách. Đêm đó, trưởng bản dẫn các bạn trai trong đoàn đến gửi ngủ nhờ ở nhà dân, còn 6 cô gái được ưu tiên ngủ ngay tại nhà trưởng bản. Ông nói, giá mà chúng tôi đến vào cuối tháng 11 âm lịch, chúng tôi sẽ được tham dự Tết của người Hà Nhì - tết mừng nhà nhà kết thúc một vụ lúa, một vụ mùa, cấm bản ba ngày và rượu chảy tràn như dòng Mo Phí.

Sớm ngày thứ 4 của cuộc hành trình, a ma (tiếng gọi mẹ của người Hà Nhì) của ngôi nhà trưởng bản dậy thật sớm, nấu cơm gạo đỏ, xào thịt nai khô và gói vào lá chuối tiễn chúng tôi lên đường tới mốc ngã ba biên giới. Cùng đi với chúng tôi có 3 chiến sĩ biên phòng, anh Trang từ đồn 405, anh Dũng từ trạm A Pa Chải và anh Quyền từ trạm Tá miếu. Ngoài ra còn có 2 dân quân dẫn đường là Hạ Tư và Lỳ Lá Na, người có thửa ruộng xa nhất ở bản Tá Miếu.

Chúng tôi chạm mốc 0 khi ánh nắng buông tỏa khắp núi rừng, mặt trời đứng trên đỉnh đầu, gió biên cương lồng lộng. Tự hào thay khi chúng tôi đã đặt chân đến ngã ba biên giới huyền thoại, được tận mắt thấy tay chạm vào cột mốc cực Tây của Tổ quốc mình, được cầm lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Khoảnh khắc ấy thật là kỳ diệu và có lẽ sẽ sống mãi trong lòng mỗi thành viên.

THỦY TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên