30/01/2012 04:12 GMT+7

Hạnh phúc tết quê

PHƯỚC TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TT - Những ngày tết ngắn ngủi, các xóm làng nghèo khắp các tỉnh miền Trung rộn ràng tiếng nói cười của những người con tha hương mưu sinh ở miền Nam về quê ăn tết. Tết đã qua nhưng câu chuyện tôi chứng kiến trong những ngày ấy vẫn đọng mãi trong lòng.

Vi5eR2N2.jpgPhóng to
Vào Nam, trở lại cuộc mưu sinh - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Ngày 27 tết, khi hầu hết thanh niên trong xóm đi làm ăn xa ở miền Nam đã về quê thì ông Ngô Quang (thôn 7, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) vẫn trông ngóng đứa con gái Ngô Thị Thu Sương - 17 tuổi, đi may ở Sài Gòn vẫn chưa về. Chiều 28, ông ra đón con ngoài quốc lộ, về đến sân nhà hai đứa em gái của Thu Sương nhảy cẫng lên mừng chị. Chúng cứ tíu tít bên chị, đứa hỏi chuyện Sài Gòn, đứa đòi bộ quần áo chị hứa mua. Còn người mẹ tuổi mới ngoài 40 đỏ hoe đôi mắt trong cảnh sum vầy.

Chưa kịp thay chiếc áo nhuốm bụi đường sau chuyến xe dài gần 24g từ Sài Gòn ra Huế, Sương soạn trong chiếc thùng cactông ra những bộ áo quần mới tinh mua vội sau giờ làm cho hai đứa em, gói bánh kẹo cho mẹ dọn tết và sợi thắt lưng cho ba. Dù chỉ có vậy nhưng ai cũng vui, hạnh phúc vì tết này gia đình đông đủ thành viên. Hai đứa em gái mừng rỡ, chạy khắp nhà tung tăng với bộ áo quần mới mặc tết.

Nhà Sương nghèo, chỉ có mấy sào ruộng, bố mẹ quần quật cũng không nuôi đủ bốn đứa con ăn học. Thảo - người chị gái của Sương phải nghỉ học từ năm lớp 9, theo bạn bè vào Sài Gòn làm công nhân may tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Hai năm sau, Thảo dẫn Sương cùng vào Sài Gòn may, tích góp ít tiền dành dụm gửi ra cho ba mẹ nuôi hai em. Năm vừa rồi mẹ sinh thêm đứa em thứ năm nên Thảo ở lại quê, làm công nhân tại Khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng, chủ yếu ở gần nhà để chăm mẹ và em.

Bên cạnh nhà Sương, người chị họ Lê Thị Loan (21 tuổi, cũng làm công nhân cùng chỗ với Sương) đã có bảy năm đi may ở Sài Gòn, cũng vừa về tết. Lam lũ mưu sinh từ 14 tuổi, tết năm nào cô công nhân nhỏ thó này cũng cố gắng dành dụm để được về sum vầy bên gia đình. “Làm công nhân xa nhà khổ lắm, vừa buồn lại vất vả, nhưng nghĩ đến mấy đứa em còn đi học nên cố gắng tằn tiện chút ít tiền lương gửi về cho mẹ. Khó khăn đến mấy mình cũng cố gắng về quê ăn tết dù chỉ có vài ngày nhưng hạnh phúc lắm”, Loan tâm sự.

Sau khi đi thăm nhà nội, ngoại ở xung quanh xóm, Sương phụ mẹ gói bánh tét. Đó là công việc mà Sương luôn mong được làm mỗi khi về quê ăn tết. Trong lúc gói, Sương hỏi mẹ chuyện gia đình, hàng xóm, nội ngoại... “Được về quê ăn tết, tận hưởng cảm giác đầm ấm bên gia đình, được gặp lại những người bạn cũ là niềm vui lớn, xóa đi những mệt nhọc, căng thẳng trong suốt năm vừa qua” - Loan bộc bạch. Cô công nhân này còn có dịp được ra đồng cùng mẹ giặm lại những luống mạ mới sạ, công việc mà cô không còn có dịp làm nữa từ khi vào Sài Gòn mưu sinh.

Cũng như Loan, Sương, hàng vạn bạn trẻ ở vùng quê nghèo khắp các tỉnh miền Trung đã hưởng trọn một cái tết ấm áp, hạnh phúc khi được sum vầy bên gia đình.

Những ngày tết đã kết thúc, trên những con đường đất đỏ ở làng quê đã bớt tiếng nói cười rộn ràng. Và trên các nẻo đường, các bạn trẻ lại vác balô lên đường, vào Nam, ra Bắc: một năm mới bắt đầu, cuộc mưu sinh bắt đầu.

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên