Người trong cuộc:
Hàng xóm xây nhà, khổ quá!
(Nhân đọc bài “Ác mộng hàng xóm xây nhà”, Tuổi Trẻ ngày 18-9-2009)
TT - 1. Năm 2008, nhà bên phải tôi xây lại nhà. Là hàng xóm với nhau mấy chục năm nên trước khi xây, chị chủ nhà sang nói chuyện với tôi. Khi ấy tôi nhắc chị mẹ tôi già yếu và nhà tôi đã cũ kỹ, chị nhớ nhắc nhở anh em thi công làm thế nào tránh gây ồn và gây hư hại nhà tôi. Nghe tôi nói thế, chị hàng xóm bảo tôi cứ yên tâm.
Sắt, đá từ công trình xây dựng tòa nhà The Manor 2 (69 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thường xuyên rơi xuống nhà người dân trong khu vực - Ảnh: THUẬN THẮNG |
>> “Đại ác mộng” với công trình xây chung cư
Nhưng làm sao tôi yên tâm được khi 11g đêm, lúc cả nhà vừa chợp mắt một lúc thì tiếng ầm ầm vang lên từ công trình xây nhà đến 3g sáng. Chuyện này kéo dài đến mấy ngày.
Chưa hết, hậu quả gia đình tôi phải gánh chịu từ việc hàng xóm xây nhà còn là nhà dột, tường lủng, mái tôn đầy gạch đá... Khổ nhất là nhà dột ngay phía trên côngtơ điện. Sợ nguy hiểm, mẹ tôi nói với người trông coi công trình phải sửa ngay vị trí dột này nhưng sau vài lần sửa chẳng được gì, anh ta phán: “Sửa lần này nữa không được thì thôi” (?!).
Mỗi lần có việc không hay xảy ra cho nhà tôi do công trình xây nhà này gây ra, tôi gọi điện báo cho chị chủ nhà nhưng chị nghe điện thoại được vài lần, sau đó nhìn thấy số điện thoại của tôi là chị khóa máy! Những lúc như thế tôi không chỉ buồn vì nhà mình bị dột, nứt mà còn buồn vì tình hàng xóm mấy chục năm qua đã bay theo mây khói...
Xây xong nhà, phía nhà thầu luôn miệng hứa hẹn sẽ sửa chữa lại mọi thứ cho nhà tôi, nhưng mãi chỉ là lời nói suông. Cuối cùng tôi phải bỏ ra mấy triệu đồng kêu thợ đến sửa nhà. Khi leo lên mái nhà tôi, mấy người thợ bảo trông giống như một bãi rác!
2. Năm 2009, gia đình tôi được yên ổn vài tháng thì nhà bên trái tôi bắt đầu xây lại.
Rút kinh nghiệm từ nhà bên phải, tôi làm giấy yêu cầu nhà bên trái xác nhận phải thực hiện những yêu cầu theo đúng pháp luật, tránh làm việc vào giờ nghỉ ngơi, không làm dột mái nhà, không đập phá tường chung, không làm rơi gạch, cát, ximăng lên mái nhà làm bít máng xối không thoát nước được, không leo đứng trên mái nhà tôi để làm việc... và trước khi đổ móng phải báo cho tôi biết để tôi nhờ người đến xem có đào móng lấn sang nhà tôi không...
Xác nhận là thế nhưng khi đổ móng họ không hề báo với tôi. Khi thấy họ đổ móng lấn sang nhà tôi, tôi điện thoại cho chủ nhà và đại diện nhà thầu nhưng không được. Không còn cách nào khác, tôi ra ủy ban nhân dân phường làm đơn khiếu nại và thanh tra xây dựng phường cho người xuống kiểm tra, mời hai bên đến họp... Trong buổi họp, thanh tra xây dựng yêu cầu chủ thầu phải làm đúng theo những yêu cầu mà tôi đã đưa ra nói trên, cảnh cáo chủ thầu không được để xảy ra sai phạm nào nữa, nếu vi phạm sẽ đình chỉ thi công...
Không chỉ có vậy, hậu quả từ việc hàng xóm xây nhà lần này làm nước chảy sát vách nhà tôi liên tục như suối mỗi khi trời mưa, ngập cả phòng ngủ. Tôi điện thoại báo cho người phụ trách công trình sửa chữa và yêu cầu cho người sang thấm nước, nhưng thấm hết đợt này lại tiếp tục ngập sang đợt khác. Đến tối, hệ thống điện nhà tôi tắt do bị mát dây!
Sáng hôm sau, phòng ngủ nhà tôi vẫn còn bị ngập nước và đến chiều thì bộ kệ tủ để tivi bằng gỗ bột ép trong phòng ngủ nhà tôi bắt đầu mục nát phần chân. Tôi báo cho người phụ trách công trình, gửi giấy yêu cầu họ đền bù nhưng họ không trả lời. Một tuần sau đó, tôi tiếp tục ra ủy ban nhân dân phường nhờ can thiệp. Tại buổi hòa giải, trước mặt thanh tra xây dựng, họ đồng ý đền bù cho nhà tôi nhưng một tuần lễ nữa tiếp tục trôi qua, họ vẫn chơi trò phớt lờ...
Khi tôi viết những dòng này thì nỗi khổ hàng xóm xây nhà vẫn chưa kết thúc...
thienhuongdbp@...
Xử phạt thế nào? Nhiều bạn đọc thắc mắc người xây nhà gây tiếng ồn, bụi và làm rơi vãi vật liệu xây dựng, đe dọa sự an toàn của mọi người thì xử lý thế nào? 1.Về việc gây ồn: Tùy tính chất và mức độ vi phạm, hành vi gây ồn có thể bị xử phạt theo nghị định 150 ngày 12-12-2005 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội) hoặc theo nghị định 81 ngày 9-8-2006 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường). Theo điều 8 nghị định 150, cơ quan chức năng có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Còn theo điều 12 nghị định 81, cơ quan thẩm quyền có quyền phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn độ vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép dưới 1,5 lần trong thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ. Hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn độ vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép từ 1,5 lần trở lên trong thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ... Ngoài việc nộp phạt, người vi phạm còn bị buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. 2.Về việc gây bụi: Theo khoản 1 điều 11 nghị định 81, cơ quan chức năng có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép vào môi trường dưới hai lần... 3.Về việc để rơi vãi vật liệu xây dựng: Theo các điểm b, c khoản 1 điều 45 nghị định 23 ngày 27-2-2009 (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng), cơ quan thẩm quyền có quyền phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi “để các trang thiết bị thi công xây dựng công trình trên hè, đường không đúng quy định” hoặc “xả nước thải xây dựng từ các công trình xây dựng ra hè, đường”. Chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn, để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh, để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ; hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng công trình khác (khoản 5 điều 11). Riêng nhà thầu thi công xây dựng nếu có những hành vi sai phạm này thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ; hoặc bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng công trình khác. Luật sư TRẦN THỊ MIỀN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận