![]() |
Đức Khuê và Thủy Hươngtrong phim Hàng xóm |
Một nhà tổ chức liên hoan phim (LHP) châu Âu sau khi sang VN xem chừng 30 bộ phim qua các thời kỳ khác nhau của chúng ta đã nhận xét: VN làm phim không giống ai và trình độ phim của chúng ta cách trình độ chung của thế giới không phải vài chục năm mà còn hơn thế nữa.
Nhưng, nếu có một bộ phận của điện ảnh VN không thua kém gì thế giới thì đó chính là... các nhà quay phim VN. Nhận xét đó đúng đến đâu còn nhiều bàn cãi, nhưng nó đúng một cách đáng buồn trong bộ phim Hàng xóm.
Vì truyện phim gắn với nghề dệt và buôn bán lụa tơ tằm nên họa sĩ và quay phim có khá nhiều đất để dụng công. Những trường đoạn đặc tả cảnh nuôi tằm, kéo kén, ươm tơ, dệt lụa, các cảnh trí liên quan đến cửa hàng, quần áo, khăn mũ... đều được bài trí công phu, quay đẹp từ nhiều góc.
Đặc biệt diễn viên chính - người đẹp Thủy Hương vốn được biết đến như một người mẫu ấn tượng, nay cũng được ưu ái đặc biệt và đẹp lên nhiều với các bộ đồ lụa trong phim.
Nhưng chỉ có như vậy thì chưa thành phim, hoặc nếu chỉ với lụa và người đẹp, không có xung đột gì mà đẩy lên được thành một phim đặc sắc về lụa VN thì phải cần đến một tài năng cỡ Trương Nghệ Mưu như trong phim Đường về nhà cực kỳ đơn giản và cũng cực kỳ ấn tượng của ông.
Còn đây là Hàng xóm trên phố buôn bán lụa Hàng Gai của Hà Nội những năm đầu thế kỷ 21 nên cũng phải có đủ chuyện lừa lọc thương trường, chuyện tình yêu tay ba, chuyện bắt quả tang và chuyện tố cáo...
Người xem chưa kịp bay bổng với tơ và lụa thì đã phải căng thẳng theo dõi chuyện làm ăn lừa lọc của Hà (nhân vật chính - Đức Khuê đóng), và khi chưa kịp căm ghét anh ta thì đã lại chùng xuống vì những cảnh quay đẹp như mơ trong những giấc mơ lụa là gấm vóc từ thuở ấu thơ của cậu bé làng lụa tên Hà ngày xưa.
Lý do khiến Hà hằn học, ghen ghét đến độ phóng hỏa đốt cửa hàng lụa của Hùng và Thu cũng chưa hợp lý, vì tiền thì cũng chưa hẳn do cả phim không thấy chỗ nào chứng tỏ Hà khát tiền đến độ làm một việc phi nhân tính như vậy.
Các đối tác làm ăn và cũng là nạn nhân của Hà cũng vậy: không rõ cá tính, phản ứng không dứt khoát, sạt nghiệp mà không thấy đau khổ bằng bị kẻ khác gửi thư tố cáo chuyện ngoại tình (mà rõ ràng với tâm lý của người buôn bán - càng buôn bán đường hoàng thì mất tiền phải càng đau mới đúng).
Chỉ có Thu (Thủy Hương đóng) là vẫn đẹp một cách lạnh lùng, quyến rũ và bí ẩn từ đầu đến cuối phim một cách... không cần thiết. Cảnh gần kết thúc phim, tưởng là cao trào khi Thu cầm nến đi trong cửa hàng lụa của vợ chồng Hùng và mình - nay đã là của Hà - rất bắt mắt về mặt tạo hình, xử lý ánh sáng và những góc quay rất “đã”, cảm giác như một cuộc chơi riêng của người quay phim và diễn viên Thủy Hương nhưng tiếc là hành động tiếp theo lại dễ dàng và đơn giản quá - như là đạo diễn đã tránh đẩy sự việc lên đến mức đúng như nó phải có.
Thu giơ nến lên... và định trả thù nhưng gặp vợ Hà, nghe vợ của kẻ mà cô định báo thù kể khổ, thế là... thương và lặng lẽ ra đi. Vợ Hà cũng bỏ đi. Cách xử lý cao thượng của các nạn nhân chẳng hợp gì với khung cảnh gia đình và xã hội, cũng chẳng đủ sức nặng răn đe, cảnh báo hay trừng phạt kẻ ác. Phim kết thúc chơi vơi sau rất nhiều lần tưởng như đã có cao trào, nhiều lần làm người xem chờ đợi và hụt hẫng
Được xếp vào dòng “phim nghệ thuật” - trong tương quan với hai dòng phim khác là “phim thị trường” và “phim cúng giỗ”, Hàng xóm của đạo diễn Phạm Lộc thật không may khi ra đời đúng vào lúc cơn sốt của Lọ Lem hè phố chưa kịp hạ thì dòng lũ Những cô gái chân dàilại ào về.
Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Hàng xóm sẽ không gây được tiếng vang gì đáng kể. Nhưng trước khi trách sự nghiệt ngã của thị trường, có lẽ Hàng xóm cần phải tự trách mình vì dù đã rất cố gắng, đó vẫn là một phim cũ, được làm với tư duy cũ và theo một phong cách... còn cũ hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận