10/02/2008 18:02 GMT+7

Hàng hiệu ở Sài Gòn

Theo PHƯƠNG KHANHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần Xuân Mậu Tý
Theo PHƯƠNG KHANHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần Xuân Mậu Tý

“Buôn có bạn, bán có phường”, thế giới thời trang và hàng xa xỉ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trên thế giới có những con đường thời trang nổi tiếng như Rue du Faubourg Saint-Honoré ở Paris, Melrose Street ở Hollywood, Bond Street ở London, Via Montenapoleone ở Milan, những nơi người ta có thể tìm mua đủ loại vật phẩm tinh tế nhất mà con người có thể sáng tạo ra.

RH8fvmGe.jpgPhóng to
Tòa nhà Opera View trên đường Đồng Khởi, nơi có những nhãn hiệu nổi tiếng như: Louis Vuitton, Burberry, Furla...
“Buôn có bạn, bán có phường”, thế giới thời trang và hàng xa xỉ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trên thế giới có những con đường thời trang nổi tiếng như Rue du Faubourg Saint-Honoré ở Paris, Melrose Street ở Hollywood, Bond Street ở London, Via Montenapoleone ở Milan, những nơi người ta có thể tìm mua đủ loại vật phẩm tinh tế nhất mà con người có thể sáng tạo ra.

Những chiếc áo khoác da cá sấu của Hermès có thể có giá 140.000 USD (khoảng 2 tỉ đồng) vì số lượng bán ra tối đa là... ba chiếc trên toàn thế giới, hay những cái bóp nạm ngọc phiên bản rất giới hạn của nhà Marc Jacobs có thể lên đến 80.000 (khoảng 1,4 tỉ đồng). Để có thể trở thành nhà phân phối độc quyền của các nhãn hiệu thời trang này, điều kiện tiên quyết là “mặt bằng thể hiện được đẳng cấp của nhãn hiệu”, như lời ông Mark Lee - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Gucci, trong một lần phỏng vấn của Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần vào tháng 9-2007.

Ông Thierry de Longevialle - Giám đốc điều hành Louis Vuitton Việt Nam - Thái Lan cũng cho biết: “Một phần chúng tôi hoãn thời gian thâm nhập thị trường phía Nam cũng là vì ở Sài Gòn - một đô thị sầm uất với sức tiêu thụ hàng hóa vào loại bậc nhất của Việt Nam - trước đây không có một mặt bằng dành cho thời trang và hàng xa xỉ tốt như Hà Nội”. Vì vậy phải đợi đến tháng 8-2007, cửa hàng thứ hai của Louis Vuitton tại Việt Nam mới được khai trương tại tầng trệt tòa nhà Opera View, nghĩa là hơn mười năm sau ngày cửa hàng đầu tiên có mặt tại khu boutique tầng trệt Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội.

Điều đáng chú ý là cả hai nhãn hiệu đồ xa xỉ trên đều tọa lạc trên đường Đồng Khởi, cách nhau chưa đầy 50 mét, nơi đã xuất hiện những nhãn hiệu đã vào Việt Nam vài năm về trước như Cartier, Rolex, Longines (trong Khách sạn Caravelle), Dolce & Gabbana, Roberto Cavalli, Tod’s (Milano, Khách sạn Sheraton), và cả những nhà thời trang mới thâm nhập thị trường như Burberry (cùng trong tòa nhà Opera View), Façonnable (23 Đồng Khởi) hay Esprit (58 Đồng Khởi).

Có thể nói, đến năm 2008, con đường Đồng Khởi đã trở thành “khu phố hàng hiệu” của Sài Gòn, sẵn sàng chờ đón những “đại gia” khác như Chanel, Dior, Hermès, Prada, Yves Saint-Laurent. Nghe phong phanh, Tập đoàn Khaisilk với dự án cao ốc Saigon Paragon sẽ thu hút những nhà thời trang, xa xỉ phẩm này vào đặt boutique. Nhưng có lẽ khó có gì thay thế được cảm giác thanh lịch của việc đi dạo dọc một khu phố cổ kính và chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật thực sự nằm đâu đó qua khung cửa sổ có viền sắt uốn theo kiểu Đông Dương thơ mộng.

Nói về hàng xa xỉ phẩm cũng có năm bảy đường. Cũng giống như ở Phú Gia (Phú Mỹ Hưng), có hai khu vực - khu Mercedes và khu Lexus - với những đại gia đi C550 đời 2008 hay LS 600h mà vẫn còn sở hữu một Lamborghini hay Rolls-Royce “để chạy ra chạy vô”, hàng hiệu cũng có hai thể loại: loại Mercedes hay Lexus của thời trang, nghĩa là đồ bắt buộc phải có trong tủ áo, và loại Lamborghini hay Rolls-Royce để thể hiện cá tính của từng người.

VBOnRFEJ.jpgPhóng to YoR7sUuo.jpg
Cùng với Bally, Salvatore Ferragamo là một trong những nhà làm giày và phụ trang có mặt sớm nhất tại Việt Nam Façonnable - 23 Đồng Khởi nổi tiếng với những thiết kế nền nã

Thị trường Việt Nam nay đã có gần đủ các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như Cartier (Paris, 1847), Bvlgari (Rome, 1884)... nhưng ở Việt Nam thông thường người ta chỉ mua đồng hồ, mắt kính, bút, cặp táp của Cartier là nhiều, còn Bvlgari thì chỉ mới thấy bán có… nước hoa. Gucci (Florence, 1921) khởi thủy là nhà làm giày da và túi xách tay, sau này xây dựng được thương hiệu thời trang may mặc cao cấp nhờ ở nhà thiết kế lừng danh Tom Ford (làm cho Gucci từ 1994 đến 2004) và được các sao của Hollywood trìu mến ngợi ca rằng Gucci đồng nghĩa với “chic” (phong cách, mốt).

Phong cách của Gucci không thể lẫn vào đâu được, “sang, chảnh, láng lẩy” như cách nói của giới sành điệu, với kiểu túi Jacki-O kinh điển do chính vợ của cựu Tổng thống Kennedy, bà Jacqueline Onassis lăng-xê. Ở Việt Nam, Gucci cũng chỉ mới nhập hàng phụ trang để bán như túi xách, giày, khăn… chứ chưa thấy đồ thời trang, vì thời trang khá nhạy cảm với mùa, dễ lỗi mốt mà sức mua thì chưa cao. Nhưng hễ nói đến túi xách cỡ lớn, túi du lịch thì người ta nhắc đến đại gia Louis Vuitton.

Ở Nhật, Louis Vuitton (Paris, 1854) lại chỉ được coi là túi đi chợ của các mệnh phụ, tiểu thư, nghĩa là ai cũng phải có ít nhất một cái, nhưng cũng không nên khoe ra làm gì, cũng một phần vì xuất thân của nhà Louis Vuitton trước đây chuyên sản xuất rương, hòm, túi du lịch và cũng giống như Gucci, nhìn vào dấu hiệu monogram “LV” của Louis Vuitton in đầy lên dòng sản phẩm monogram canvas thì ai cũng biết túi đấy đến từ đâu. Nghe nói cụ tổ sáng lập ra Louis Vuitton làm thế là để tránh nạn hàng giả lan tràn hồi cuối thế kỷ XIX. Ngày nay, Louis Vuitton, thuộc tập đoàn xa xỉ phẩm Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH), vẫn dẫn đầu trong địa hạt túi xách và túi du lịch và còn dần lấn sân sang thời trang với nhiều dòng sản phẩm hơn như các dòng Damier, Eye Love LV, Monogram Multicolor và một dòng đặc biệt thiết kế riêng cho thị trường Nhật là Cherry Blossom.

Dolce & Gabbana (Milan, 1985) ở Việt Nam hay bị nói đùa (cùng với hiệu Armani ở châu Á nói chung) là chỉ có ai “bối rối về mặt giới tính” thì mới chuộng vì phong cách khá bóng bẩy, trau chuốt (có phải giám đốc sáng lập Domenico Dolce và Stefano Gabbana là hai người đồng tính với cá tính mạnh và óc sáng tạo lả lướt?). Dolce & Gabbana cùng dòng sản phẩm thấp hơn là D&G cũng chỉ mới nhập giày và túi xách. Tuy nhiên một khi thị trường hàng xa xỉ Việt Nam đã đủ mạnh thì đường phố Sài Gòn sẽ được trang điểm bởi những mẫu thiết kế ấn tượng và sành điệu của nhà thời trang rất trẻ này.

Còn nhắc đến địa hạt của giày, phải kể đến hai thương hiệu Salvatore Ferragamo (Florence, 1927) và Bally (Thụy Sĩ, 1851). Tuy không tọa lạc trên đường Đồng Khởi nhưng họ cũng ở gần đấy - tầng 1 Diamond Plaza. Nếu Louis Vuitton là “giỏ đi chợ” thì có lẽ hai nhãn hiệu này là “giày đi chợ” của các quý bà quý cô, bên cạnh giày Prada đã nổi tiếng đến mức trở thành tên sách và phim (The Devil Wears Prada - Quỷ dữ thích đồ hiệu, 2007). Nhưng giới sành giày vẫn còn trông đợi ngày đổ bộ của những nhãn hiệu “siêu chảnh” như Jimmy Choo, Christian Louboutin, Manolo Blahnik vì đó mới thực sự là Lamborghini hoặc Rolls-Royce của thế giới giày.

Ngoài ra về mặt thời trang, phụ trang, chắc chắn mọi người cũng đang ngóng chờ Chanel và Dior, hai nhãn hiệu hàng xa xỉ mà bất cứ người sành điệu nào cũng tự hào sở hữu nhưng ít khi khoe ra, một phần vì đây là thứ “phải có”, một phần vì hàng hóa của hai nhà này cũng thuộc dạng nhìn qua là biết ngay sản phẩm tên gì, thuộc mùa nào. Burberry và Armani có phần hơi lép vế so với các tên tuổi trên, nhưng cũng cung cấp những vật dụng không thể thiếu, ví dụ áo thun có cổ (áo polo), áo khoác Burberry, áo vest Armani - những thứ mà bất kỳ quý ông nào cũng có sẵn trong chiếc túi Louis Vuitton dòng keepall để đi du lịch.

Bước sang địa hạt hàng xa xỉ thể hiện tính cách, những nhãn hiệu Lamborghini hoặc Rolls-Royce của thế giới thời trang có thể kể đến là Hermès, Balenciaga, Fendi (khá giống phong cách của Chanel nhưng phá cách hơn do cùng được Karl Lagerfeld, người nổi tiếng về sản phẩm lông thú thiết kế), Bottega Veneta, Loewe và Prada. Tất cả những nhãn hiệu này đều chưa được phân phối chính thức ở Việt Nam nên giới sành điệu thường bay sang Hong Kong, Macau để mua.

T42gEt4y.jpgPhóng to R4gCP59u.jpg
Burberry trong ngày khai trương Các nhãn hàng nổi tiếng đã "xâm nhập" VN

Hermès (Paris, 1836) nổi tiếng thế giới là nhà thời trang quý tộc nhất, chuyên sản xuất các loại phụ kiện da, túi xách, túi lữ hành, quần áo. Món đồ “chữ ký” của Hermès lại là chiếc khăn lụa, cứ mỗi 25 giây trên toàn thế giới có một chiếc khăn lụa của Hermès được bán ra. Bất kỳ chiếc khăn lụa hiện đại nào của nhà Hermès đều có diện tích 90cm2, nặng 65g, được tạo thành từ 25 cái kén của loại sâu mulberry. Như vậy, giá thành mỗi pound (khoảng nửa ký) của một cái khăn sẽ là khoảng 1,965 USD, trong khi một pound thép chỉ bán với giá 0,19 USD. Số lượng tấm phim lụa để in chồng màu lên một chiếc khăn cao nhất là 43, tất cả các đường biên đều được khâu bằng tay là minh chứng cho công phu tạo ra những chiếc khăn choàng đặc biệt có giá ít nhất là 325 USD.

Ngoài ra, những dòng túi kinh điển của Hermès như dòng Kelly (đặt tên theo tên của diễn viên - công nương Grace Kelly), dòng Birkin (đặt tên theo nữ diễn viên Janes Birkin), đều có giá thành không dưới 40 ngàn USD và phải đặt hàng trước. Nhà Loewe (Madrid, 1846, nay thuộc Tập đoàn LVHM) nghe đâu cũng sắp vào Việt Nam để phân phối những nhãn hiệu thời trang như Façonnable, Mango, Nike Golf, Charles & Keith. Đây là nhà thời trang Tây Ban Nha chuyên cung cấp hàng hiệu cho hoàng gia nước này và cũng nổi tiếng quý tộc không kém Hermès.

Theo PHƯƠNG KHANHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần Xuân Mậu Tý
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên