26/09/2006 05:19 GMT+7

Hàn Quốc chống tham nhũng thế nào?

TS LÊ ĐĂNG DOANH
TS LÊ ĐĂNG DOANH

TT - Vừa qua có dịp trở lại Seoul, Hàn Quốc, tôi đã đến thăm Hội đồng độc lập chống tham nhũng (KICAC) của Hàn Quốc.

1PPYeU6r.jpgPhóng to

Theo vụ trưởng Hong Huyn Sun của KICAC, Hàn Quốc có yếu tố độc tài của thời kỳ tổng thống Park Chung Hee, cộng với sự can dự quá sâu của chính phủ vào chính sách kinh tế như cấp tín dụng ưu đãi, giảm thuế..., tham nhũng và câu kết giữa các tập đoàn lớn với chính quyền trở nên rất nghiêm trọng. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, kế toán, kiểm toán sai lạc, có tính hình thức và chỉ để nhằm đối phó rất phổ biến. Tình trạng tham nhũng tại những tập đoàn lớn, kinh doanh kém hiệu quả, che giấu những khoản thua lỗ khổng lồ đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997-1998.

Bài học quá đau xót đó đã thức tỉnh toàn thể xã hội, từ các đảng phái chính trị đến người dân Hàn Quốc quyết tâm chống tham nhũng một cách toàn diện.

Hàn Quốc tuyên bố cuộc chiến chống tham nhũng trở thành nhiệm vụ của toàn xã hội và của mỗi người. Luật chống tham nhũng Hàn Quốc kêu gọi người dân tham gia và giao cho KICAC nhiệm vụ bảo vệ và khen thưởng những người tố cáo. KICAC có quyền khen thưởng những người tố cáo tham nhũng từ 4-20% số tiền tham nhũng thu hồi được (tối đa có thể lên đến số tiền rất lớn là 2 triệu USD). Năm 2005 KICAC đã khen thưởng 19 vụ với số tiền lên đến 268.868 USD do đã thu hồi được 3.669.620 USD.

KICAC làm việc theo qui chế hội đồng (commission), gồm chín thành viên, ba do tổng thống đề cử, ba do quốc hội, ba do chánh án tối cao, tất cả đều không theo đảng phái nào, độc lập và do tổng thống bổ nhiệm sau khi quốc hội chấp thuận. Theo các bạn Hàn Quốc, cơ chế bỏ phiếu về mọi quyết định và độc lập của các thành viên, về nguyên tắc, không cho phép có bất kỳ “vùng cấm” nào. Tuy vậy, khi tôi gặng hỏi có còn vùng cấm nào trong thực tế không thì không nhận được câu trả lời từ KICAC.

Kể từ khi thành lập đầu tiên năm 2002, điều chỉnh, bổ sung năm 2005, KICAC đã có nhiều thay đổi:

Điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là KICAC được toàn thể xã hội hưởng ứng, kiến nghị đưa ra các cải cách, sửa đổi tổ chức, sửa luật pháp, đối thoại... để ngăn chặn tham nhũng. Đọc những kiến nghị về sửa các qui định ngăn chặn sự câu kết giữa hãng thuốc và bác sĩ, sửa qui định về kiểm toán thuế, hải quan... tôi thấy rất thiết thực cho VN.

KICAC phối hợp với các cơ quan khác ra “Qui chuẩn về hành vi ứng xử của các nhân viên nhà nước”. Hàn Quốc đã ký kết cam kết chống tham nhũng, công khai minh bạch giữa chính phủ, các đảng phái, các tổ chức quần chúng. Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Luật về đạo đức công chức. Để chống tham nhũng, Hàn Quốc thúc đẩy đối thoại giữa công và tư, các công ty đóng góp 1,7% lợi nhuận vào Quĩ Đầu tư trách nhiệm xã hội.

KICAC điều tra và công bố hằng năm Chỉ số cảm nhận liêm chính (Integrity Perception Index). Năm 2004, chỉ số này bao gồm 1.324 lĩnh vực hoạt động của 313 cơ quan. KICAC tổ chức điều tra từ người dân về các lĩnh vực liên quan, về sự liêm chính của nhân viên nhà nước trong năm. Cơ quan có chỉ số thấp chịu áp lực nặng nề từ tất cả mọi phía, người dân, chính phủ, cơ quan dân cử, báo chí và phải tham khảo các bên liên quan về kế hoạch sửa đổi tận gốc tổ chức, cách làm việc của cơ quan mình nhằm cải tiến thứ hạng trong chỉ số này. Các bạn Hàn Quốc ở KICAC nói rằng đã có những người bị mất chức vì chỉ số này thấp kinh niên và ít cải thiện.

Công khai, minh bạch và công nghệ thông tin là phương pháp Hàn Quốc đang tiến hành để chống tham nhũng. Hiện nay, thủ đô Seoul đang dẫn đầu và cả nước đang noi theo: mọi công văn, giấy tờ của dân và doanh nghiệp đều được công bố công khai do ai xử lý, tiến độ dự kiến, hiện nay đang ở đâu và người dân có quyền được tìm hiểu thông tin từ điện thoại di động của mình. Các quan chức Hàn Quốc nói công nghệ thông tin và qui chế không còn cho phép nhân viên tiếp cận trực tiếp với đương sự nữa và giảm hẳn sự nhũng nhiễu.

Sự trừng phạt về tham nhũng ngày càng nghiêm khắc hơn, không những bị phạt tù mà còn giảm lương hưu xuống một nửa, bị cấm hoạt động trong các cơ quan nhà nước sau khi ra tù. Các bạn Hàn Quốc cho rằng tác dụng răn đe của trừng phạt cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, lương công chức đủ để họ sống mà không cần tham nhũng.

TS LÊ ĐĂNG DOANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên