19/06/2009 08:40 GMT+7

Hầm đường bộ Kim Liên - Đại Cồ Việt (Hà Nội): Biết trời mưa sẽ ngập?

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TT - Giải thích về việc hầm đường bộ nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt mới mưa đã ngập, ông Nguyễn Sĩ Bảo - giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm Hà Nội (đại diện chủ đầu tư dự án) - cho biết:

kjDE3WJu.jpgPhóng to
Hầm đường bộ nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt - Ảnh: T.P.
TT - Giải thích về việc hầm đường bộ nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt mới mưa đã ngập, ông Nguyễn Sĩ Bảo - giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm Hà Nội (đại diện chủ đầu tư dự án) - cho biết:

Thông xe kỹ thuật hầm đường bộ hiện đại nhất VNHầm đường bộ hiện đại nhất VN: Vừa mưa đã ngập

- Thiết kế hệ thống thoát nước của hầm do Viện Thiết kế cầu hầm và kết cấu Nhật Bản (JBSI) thực hiện. Cơ sở của thiết kế này là dựa trên số thống kê cường độ mưa lớn nhất trong mười phút suốt 25 năm (1974-1999) tại Hà Nội. Từ đó, họ đưa ra công suất thiết kế của hệ thống bơm tiêu nước đảm bảo cho cường độ mưa 175mm/giờ. Trong khi đó, dự án thoát nước giai đoạn 1 của Hà Nội là tiêu thoát 172mm/hai ngày và 310mm/hai ngày ở giai đoạn 2.

* Ông có thể cho biết rõ hơn về hệ thống thoát nước của hầm đường bộ này?

- Hầm được bố trí ba máy bơm thường trực và một máy dự phòng. Hệ thống thu nước từ các đường gom hai bên sẽ đưa nước xuống hầm bơm và dẫn tới trạm bơm đặt trong công viên Thống Nhất cạnh đó. Trạm bơm hoạt động hoàn toàn tự động và bơm nước ra sông Sét theo cống Nam Khang. Toàn hệ thống có ba máy bơm thường trực, một máy bơm dự phòng (mỗi máy bơm có công suất 10m3/ phút). Các máy bơm hoạt động lần lượt tùy theo mực nước ngập trong hầm. Khi trong hầm hết nước thì máy bơm ngừng hoạt động.

Trên mặt bằng hầm còn có hệ thống thu nước và được thi công để nước bề mặt không tràn vào miệng hầm. Trường hợp nước ngập xung quanh cao quá 0,8m thì nước mới tràn vào hầm. Trận mưa lụt tại Hà Nội năm 2008 có cường độ 400mm nhưng khu vực ngập sâu nhất ở nút giao thông Kim Liên cũng chỉ đến 300mm. Có thể nói hệ thống thoát nước của hầm đã được thiết kế với những yếu tố khắt khe nhất và lường tới cả những yếu tố bất thường của các trận mưa lớn trong tương lai.

mhTQFNSA.jpgPhóng to
Hầm đường bộ nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt - Ảnh: T.Phùng
* Dư luận cho rằng chủ đầu tư nên chờ hệ thống máy bơm hoàn thành rồi mới thông xe. Phải chăng việc thông xe kỹ thuật là do ép tiến độ?

- Chúng tôi hoàn toàn lường được khi thông xe kỹ thuật thì trời mưa vẫn bị ngập. Bởi vì hệ thống bơm nước thi công công trình chỉ đáp ứng được lượng mưa 35mm. Nếu lùi lại ngày thông xe là việc dễ làm nhưng vì muốn hạn chế tình trạng ùn tắc nên chúng tôi quyết định thông xe trước và sử dụng hệ thống máy bơm để hạn chế ngập.

Đáng lẽ chúng tôi phải thông báo rộng rãi hơn cho người dân biết chỉ là thông xe kỹ thuật, nghĩa là thông xe tạm thời và hầm vẫn có thể bị tạm dừng khi có những trận mưa vượt quá công suất bơm tiêu thoát của hệ thống bơm hiện có. Như vậy dư luận đỡ bức xúc hơn.

Cũng cần nói trong thời gian tiếp tục thi công những công trình còn lại thì hầm có thể bị tạm lưu thông xe một thời gian. Trường hợp này chúng tôi thống nhất với nhà thầu sẽ thông báo trước bảy ngày để người dân biết. Đến tháng 10-2009, toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành.

* Các máy bơm hoạt động bằng nguồn điện. Trường hợp bị mất điện lúc mưa lớn sẽ sử dụng phương án nào để tiêu thoát nước vào hầm?

- Để dự phòng cho hệ thống bơm sẽ bố trí máy phát điện 350kVA, đảm bảo chạy được cả bốn máy bơm. Với 2.000 lít dầu dự trữ sẽ đảm bảo cho máy phát điện và máy bơm hoạt động liên tục trong tám giờ. Hiện nay chúng tôi yêu cầu nhà thầu trong bảy ngày tới sẽ đưa máy bơm đầu tiên vào hoạt động bằng máy phát điện trong khi chờ đợi hoàn thành trạm bơm. Với một máy bơm hoạt động sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng ngập với lượng mưa 40mm như hôm thông xe kỹ thuật vừa rồi.

* Hầm được xây cạnh công viên Thống Nhất có hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu luôn có mực nước cao hơn độ sâu của hầm. Trong thiết kế có tính việc triệt tiêu khả năng nước hồ tràn vào hầm như thế nào?

- Độ sâu của hầm đang sâu hơn mực nước của hồ Bảy Mẫu. Nhưng trong thiết kế đã giải quyết các vấn đề liên quan đến các hệ thống thoát nước khác nằm ở mức cao hơn so với hầm. Đây là một công trình vĩnh cửu nên tất cả yếu tố ảnh hưởng đều phải đảm bảo từ quá trình thiết kế cũng như thi công. Với các tường bêtông dày hàng mét thì ngay cả chuyện xảy ra thấm cũng là vấn đề nghiêm trọng chứ không nói là rò rỉ.

* Nhiều người thắc mắc là nếu xây cầu vượt ở nút giao thông này sẽ nhanh và dễ thi công hơn làm đường hầm. Vì sao không thực hiện phương án này?

- Nếu thiết kế cầu vượt ở nút giao thông này sẽ không hài hòa với cảnh quan của công viên Thống Nhất. Có một điều tôi muốn nói lại là hầm đường bộ này không phải là hiện đại nhất VN như các thông tin đã đưa. Nó kém hơn hầm Hải Vân nhiều lần và quy mô nhỏ hơn. Đây chỉ là hầm giao thông tại một điểm đông đúc, lưu lượng xe cộ qua lại lớn.

Hầm chui cơ giới đầu tiên ở Hà Nội

Hầm cơ giới tại nút giao thông Kim Liên là hầm chui cơ giới đầu tiên tại Hà Nội có chiều dài đường hầm 644m, rộng 18,5m, chiều cao trong hầm 6,25m. Trong tổng chiều dài hầm có 140m hầm kín, hầm hở dài 405m và 99m đường dẫn. Tổng mức đầu tư của dự án gần 400 tỉ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) là 371 tỉ đồng, vốn đối ứng trong nước là 25 tỉ đồng. Công trình được khởi công ngày 5-7-2006 và đặt ra tiến độ hoàn thành trong 22 tháng. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên công trình chậm tiến độ hơn một năm.

AKXSGhJe.jpgPhóng to
Cửa dẫn vào hầm Thủ Thiêm phía Q.1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 12-6) - Ảnh: H.T.V.

Do hầm được lắp đặt ở độ sâu 24m so với mực nước sông Sài Gòn nên đơn vị thiết kế đã có phương án chống ngập bằng cách xây dựng hai hầm chứa nước dưới hầm, khi trời mưa sẽ sử dụng máy bơm để bơm nước từ hầm lên đổ ra sông Sài Gòn.

Ngoài máy bơm nước chính hoạt động liên tục 24/24 giờ, hầm còn được thiết kế thêm máy bơm dự phòng. Trong hầm cũng có máy phát điện dự phòng nhằm đảm bảo thắp sáng, thông gió và vận hành máy bơm nước chống ngập.

Ông Thanh cho biết thêm tùy theo địa hình xây dựng hầm để lắp hay không lắp đặt máy bơm nước. Trường hợp hầm nằm trên độ cao hơn mực nước thì không sử dụng máy bơm nước. Do hầm Thủ Thiêm nằm dưới mực nước sông Sài Gòn nên phải sử dụng máy bơm nước.

Về sự cố hầm đường bộ nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt bị ngập, ông Thanh cho rằng có khả năng vì áp lực về giao thông nên thông xe trong khi chưa lắp đặt hệ thống bơm nước chống ngập trong hầm. Về nguyên tắc, trước khi thông xe hầm Thủ Thiêm, giới chuyên môn phải kiểm tra toàn bộ các yêu cầu về kỹ thuật và vận hành thử nghiệm các thiết bị, trong đó có các máy bơm chống ngập nước trong hầm. Khi tất cả yêu cầu về kỹ thuật được bảo đảm vận hành tốt mới cho phép thông xe.

af11vxde.jpgPhóng to
Bảo trì hầm đường bộ Hải Vân - Ảnh: Đ.Nam

Để việc thoát nước bên trong đường hầm được thông suốt, các nhà thiết kế, xây dựng đường hầm đã tính toán lập nên một độ dốc chuẩn xác, vừa đảm bảo việc lưu thông của các phương tiện qua hầm được an toàn, đồng thời giúp việc thoát nước được thuận tiện.

Theo ông Nguyễn Đình Bách - giám đốc Công ty Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, hầm được thiết kế với độ dốc 2,5% đối với cửa hầm phía bắc và 0,5% đối với cửa hầm phía nam. Bên trong đường hầm có hai hệ thống thoát nước được thiết kế gồm một hệ thống dành cho thoát nước ngầm (chảy ra từ lòng núi) và một hệ thống dành cho thoát nước vệ sinh (nước chùi rửa vệ sinh thiết bị, vòm hầm...). “Với giải pháp thoát nước này, hầm đường bộ Hải Vân không cần đến hệ thống máy bơm chống ngập” - ông Bách cho biết.

Đường hầm này là một hạng mục trong dự án cải tạo nút giao thông ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt với kinh phí gần 400 tỉ đồng.

Sau nhiều lần trì hoãn vì tiến độ thi công chậm trễ, sáng 16-6 người dân thủ đô đã hân hoan cùng các quan chức của thành phố và chủ đầu tư dự án tổ chức thông xe kỹ thuật. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ sau ba giờ đường hầm đã phải đóng cửa vì cơn mưa khoảng 30 phút làm đường hầm biến thành sông.

Người ta lập luận đường hầm Kim Liên - Đại Cồ Việt chưa hoàn chỉnh, hệ thống bơm chính chưa kịp đưa vào hoạt động. Người dân không thể biết bản vẽ thiết kế và quá trình thi công đã chuẩn xác chưa nhưng bức xúc và không chấp nhận hình ảnh xe cộ phải bì bõm trong nước ngay trong ngày “trọng hỉ” thông xe.

Ở các nước tiên tiến, các nút giao thông như thế đã được xây dựng từ giai đoạn quy hoạch để có đủ không gian phát triển hiện tại và trong tương lai. Việc cải tạo chuyển đổi một số nút giao thông “đồng mức” như hiện nay sang dạng “không đồng mức” tại Hà Nội và TP.HCM là rất cần thiết để giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông ở các giao lộ trong thành phố. Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào địa hình, địa chất, điều kiện thời tiết (mưa, gió...), mật độ giao thông và tính toán kinh tế, người ta mới quyết định làm đường hầm hay giao thông trên cao, hai hay nhiều “dòng lưu thông”.

Phần lớn khi xây dựng đường hầm như vậy, người ta lựa chọn giải pháp tiêu thoát nước tự nhiên như đặt rãnh thoát nước ngang ngay phía trước cửa hai đầu đường vào đường hầm. Dùng bơm để thoát nước mưa tại các nút “không đồng mức” như tại Kim Liên - Đại Cồ Việt (dù là tư vấn nước ngoài thiết kế) là giải pháp tốn kém và không an toàn với điều kiện thời tiết của Hà Nội. Không ít công trình, dự án lớn ở VN do nước ngoài tư vấn thiết kế chỉ thành công khi chủ đầu tư và cơ quan đối tác trong nước đủ tâm, đủ tầm để hợp tác và khuyến cáo tư vấn khi cần thiết.

Đất nước ta có những công trình xây dựng được khánh thành hoan hỉ nhưng chỉ khi ông trời “hô phong, hoán vũ” đứng ra nghiệm thu thì mới lật tẩy được sự thật yếu kém từ công tác quy hoạch đến khảo sát thiết kế, quá trình thi công và quản lý vận hành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi phát động đợt “cả nước hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” vừa qua yêu cầu đẩy nhanh tiến độ cùng các việc đảm bảo chất lượng, hoàn thành các công trình, dự án chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Người dân cũng mong muốn các cơ quan chức năng của Hà Nội cần tiến hành kiểm tra đánh giá một cách khách quan, trung thực và chính xác các dự án quy hoạch, đề án thiết kế và kế hoạch thi công các công trình (kể cả đường hầm xe cơ giới và người đi bộ) để các công trình thật sự có hiệu quả và phát huy tác dụng.

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên