![]() |
Ngôi nhà chúng em - Ảnh: Lê Nguyễn (Cà Mau) |
Ví dụ như 10 tuổi thì nhất định chưa đọc Hồng lâu mộng hay Tiếng chim hót trong bụi mận gai hoặc những chuyện rùng rợn, ly kỳ hay lâm ly tình cảm. Nhất là lại có một chút tình dục vào nữa thì nhất định bị kiểm duyệt. Tôi được đọc Hai vạn dặm dưới biển vì nó được “biên chế” trong khu sách cho thiếu nhi.
Hồi đó, tôi say mê Hai vạn dặm dưới biển bởi những điều kỳ thú dưới lòng biển khơi, bởi những phát minh của thuyền trưởng Nemo tài ba, bởi các cuộc chạm trán với con bạch tuộc khổng lồ, với thổ dân ăn thịt người...
Nhưng điều mà tôi bỏ qua - cốt lõi của Hai vạn dặm dưới biển - là câu chuyện của thuyền trưởng Nemo: một người quyết định tách rời mặt đất, tách rời thế giới con người để sống trong một chiếc tàu ngầm lang thang giữa biển khơi. Một trí tuệ tài ba, một nhân cách cao cả, một bộ óc tuyệt vời cuối cùng lại căm ghét loài người và muốn xa lánh loài người.
Ông xa lánh chính trị kinh tế, chỉ quan tâm tới khoa học. Ông từ chối cái gọi là “xã hội văn minh” và các qui tắc ứng xử của xã hội ấy; với ông, biển là nơi duy nhất ông được tự do theo đúng nghĩa của từ này. Đó là điều tôi không hiểu và đã không tìm hiểu. Tôi đã không tìm cách chất vấn hay trả lời câu hỏi này.
Giờ nghĩ lại, nếu đem truyện Hai vạn dặm dưới biển vào giảng dạy, chắc chắn nhà trường của chúng ta cũng sẽ dạy cho trẻ cách nhìn cuộc sống như là người ở trong tàu ngầm đi hai vạn dặm dưới biển, chứ không phải đi hai vạn dặm trên mặt đất thật sự. Đã thế, tàu ngầm này lại do người lớn làm ra và điều khiển chứ không phải như thuyền trưởng Nemo, tự thiết kế, đóng tàu và làm chủ hành trình của mình.
Có lẽ sẽ chẳng ai nói cho (chúng) tôi rằng: Vấn đề không hẳn ở thuyền trưởng Nemo mà còn ở bản chất của xã hội loài người (hay quần thể người), bản chất của cuộc giằng co giữa sự lựa chọn và niềm tin cá nhân (nhất là các cá nhân lỗi lạc, phá cách) với công chúng; vấn đề thân phận thật sự của con người chứ không phải thứ thân phận đã được phân loại trong sách vở. Bản chất các tương tác chính trị, xã hội, kinh tế, lịch sử khác nữa...
Không ai nói cho tôi - dù chỉ bằng cách gợi mở thôi - rằng có nhiều cách nhìn nhận, tiếp cận vấn đề; và rằng cách mà tôi tiếp cận chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận; hoặc thừa nhận rằng chúng ta đồng ý chọn cách tiếp cận này vì những lý do X, Y, Z...
Thậm chí đến học toán, lý, hóa cũng thế. Chẳng mấy khi có ai hỏi: Vì sao? Để làm gì?
Và cũng hầu như không bao giờ có ai đó hỏi những vấn đề như:
- Quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng là thế nào?
- Đạo đức đích thực là gì? Sự thật cuộc sống là gì?
- Người ta sống vì điều gì?
Quan sát bản thân và nhiều bạn bè cùng lứa, tôi phải ngậm ngùi nói rằng lớp chúng tôi (thế hệ cuối những năm 1970 - đầu 1980) lớn lên với một cái nhìn khá ngây thơ, phiến diện, công thức về cuộc sống; sợ hãi rất nhiều điều và mong muốn rất ít. Đến hết cấp III, chúng tôi vẫn còn giống nhau như những chú lính chì chui ra từ trong một lò đúc: học, học và học.
Nhưng chỉ vào đại học vài năm, trong một môi trường bắt đầu phải tự quyết định và làm chủ, sự phân hóa nhân cách và sự rơi xuống có thể thấy rất rõ. Một nhóm mất phương hướng hoàn toàn, trôi nổi theo những trào lưu xã hội, không biết mình muốn làm gì và mình là ai. Đa số cố gắng uốn mình sống một cuộc sống “đứng đắn” theo cái khuôn xã hội của người lớn. Chỉ một số rất ít trong chúng tôi vượt được lên. Nhưng dù là nhóm nào, hầu hết chúng tôi đều phải có một công cuộc điều chỉnh...
Bởi vì từ lâu lắm rồi, chúng tôi đã quên mất việc hỏi: Mình thật sự muốn làm gì?
Tôi cũng không chắc là chúng tôi được khuyến khích hỏi câu hỏi đó.
Nhưng cái mà chúng ta, với tư cách là những người lớn có lương tâm, mong muốn nhìn thấy trong các thế hệ tương lai không phải là sự ngộ nhận về cuộc sống dựa trên việc tiếp xúc với một thế giới ước lệ trong sách vở, trường học, gia đình. Cái mà chúng ta - ít nhất là tôi - mong muốn là những đứa trẻ lớn lên với một tư duy độc lập, với lòng can đảm nhìn nhận cuộc sống và dám sống, dám theo đuổi sự say mê, niềm tin của mình.
Lúc 10-12 tuổi, tôi đã mơ ước rằng mình sẽ trở thành người tài giỏi như thuyền trưởng Nemo và có thể đi hai vạn dặm dưới biển, cách xa “loài người” (“loài người” tức là mẹ tôi đang gọi tôi về ăn cơm trong lúc tôi đang đọc sách hoặc chị gái tôi đang nhăn nhó vì tôi không chịu rửa bát) để đến những nơi chỉ có những đảo san hô và những con tàu đắm đầy vàng bạc, kim cương.
Bây giờ, tôi mong muốn được đi hai vạn dặm trên mặt đất để tìm câu trả lời cho chính cuộc sống của mình, một câu trả lời khác với những gì tôi đã được nghe từ người lớn trong những năm trẻ thơ.Và nếu không phiền ai, tôi xin phép mong muốn rằng các con tôi sau này có được ham muốn chinh phục cả biển khơi, mặt đất và bầu trời mà không sợ hãi tự nhiên, không bị giới hạn bởi tầm nhìn bản thân, và không ngại người đời đánh giá niềm tin hay khả năng của chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận