12/02/2011 07:19 GMT+7

Hải tặc Somalia hoành hành khắp Ấn Độ Dương

HIẾU TRUNG (Theo CSM, Reuters, The Hindu)
HIẾU TRUNG (Theo CSM, Reuters, The Hindu)

TT - Vụ cướp biển Somalia tấn công hai tàu chở dầu siêu lớn hôm 8 và 9-2 được giới chuyên gia hàng hải phương Tây mô tả là “cuộc khủng hoảng cướp biển” trên biển Ả Rập và Ấn Độ Dương, đẩy thế giới đến lằn ranh không thể không ra tay.

lPXlrzRK.jpgPhóng to
Vịnh Aden, biển Ả Rập và vùng Ấn Độ Dương rộng lớn, nơi cướp biển Somalia tung hoành

Theo báo cáo của Cục Hàng hải quốc tế (IMB), trong năm 2010 cướp biển Somalia đã tổ chức 445 vụ tấn công trên biển, tăng 10% so với năm 2009. Chúng cướp 53 tàu lớn nhỏ, bắt giữ 1.181 thủy thủ làm con tin, biến năm 2010 thành năm tồi tệ nhất về phương diện an ninh trong lịch sử giao thông hàng hải. Bọn cướp biển hiện đang giữ ít nhất 30 tàu và hơn 700 thủy thủ. “Tình hình sẽ chỉ ngày càng tồi tệ thêm - chuyên gia tư vấn John Drake của Hãng an ninh AKE dự báo - Với nguồn thu từ tiền chuộc ngày càng cao, bọn cướp biển có thừa khả năng thuê thêm tay súng, hối lộ các quan chức và chờ đợi dài ngày hơn để thương lượng với các hãng tàu đòi tiền chuộc”.

Đe dọa cả vùng biển Ấn Độ

Ban đầu, cướp biển Somalia chỉ tấn công tàu đánh cá địa phương và tàu chở hàng, thường là tàu của Chương trình lương thực Liên Hiệp Quốc (WFP) chở hàng cứu trợ đến Somalia, trên vịnh Aden. Thế nhưng khi các nước Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), NATO, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật... cử hải quân đến tuần tiễu ở vịnh Aden, bọn cướp biển Somalia lại mở rộng hoạt động trên Ấn Độ Dương, biến cả khu vực thành “vùng nguy cơ chiến sự” trong mắt các hãng tàu biển và giới bảo hiểm. Trong khi đó, các quốc gia có hải quân ở vịnh Aden dù có chia sẻ thông tin tình báo nhưng chủ yếu lại theo đuổi chiến lược riêng. Trung Quốc, Nhật, Nga và một số nước khác chủ yếu bảo vệ các tàu của nước mình. Hải quân phương Tây thường điều động tàu chiến dọc các tuyến hàng hải quan trọng nhất, còn lực lượng EU chỉ nhận trọng trách bảo vệ tàu WFP cập cảng Somalia.

Do đó có rất ít tàu chiến các nước tuần tiễu ở vùng Ấn Độ Dương rộng lớn, nơi cướp biển Somalia đang hoành hành táo tợn. Tàu bè đi lại trên vùng biển này dễ bị tấn công hơn mà không nhận được sự hỗ trợ quân sự kịp thời, trong khi cướp biển thoải mái tung hoành mà ít bị cản trở. Mới đây, theo thông tin của hải quân Ấn Độ, cướp biển Somalia lại bắt đầu tấn công tàu hàng chỉ cách bờ biển Ấn Độ từ 463-555km. Hôm 28-1, hải quân Ấn Độ bắt giữ 15 tên cướp biển Somalia sau một cuộc đọ súng ở gần quần đảo Lakshadweep ngoài khơi bang Kerala. Trước đó, một tàu Bangladesh cũng bị tấn công gần khu vực này. Hải quân Ấn Độ cho biết cướp biển Somalia vươn ra hoạt động trên vùng biển xa xôi như vậy nhờ sử dụng các tàu lớn đánh cướp được làm “tàu mẹ” để đặt căn cứ nổi trên biển, từ đó tung ra các canô cao tốc tấn công tàu hàng.

“Chiến lược và tầm hoạt động của bọn cướp biển ngày càng trở nên phức tạp”, chuyên gia hàng hải P.K. Ghosh thuộc Tổ chức Nghiên cứu quan sát New Delhi nhận định. Bọn cướp biển vẫn giữ thủy thủ đoàn của tàu bị đánh cướp trên tàu, bởi chúng thường không biết cách điều khiển tàu lớn, nhất là dùng các con tin này làm lá chắn khi bị hải quân các nước tấn công.

Câu đố khó giải

Không phải không có biện pháp ngăn chặn, nhưng trở ngại đầu tiên lại chính là pháp lý! EU và hải quân các nước thường tư vấn chủ tàu tự áp dụng những biện pháp an ninh cơ bản như chăng dây thép gai để ngăn cướp biển lên tàu hoặc dựng một phòng trú ẩn trên tàu để thủy thủ đoàn có thể trú thân khi bị cướp biển tấn công. Nhiều chủ tàu đã thuê các đội quân an ninh tư nhân có vũ trang để bảo vệ tàu. Thế nhưng, luật pháp các nước lại có những quy định khác nhau về việc đưa vũ khí vào cảng, do đó nhiều đội quân bảo vệ tàu phải ném vũ khí xuống biển trước khi tàu cập cảng. Chưa kể các hãng an ninh tư nhân này, như chuyên gia Tim Stear thuộc Hãng tư vấn an ninh Control Risks cho biết, còn mua vũ khí bất hợp pháp, đẩy chủ tàu vào tình thế rắc rối về pháp lý, vừa tốn kém vừa mất thời gian. Giới chuyên gia hàng hải cũng e ngại sự hiện diện của các đạo quân tư nhân trên tàu có thể dẫn đến những cuộc đọ súng đẫm máu trên biển. Nếu bị bắn trả, cướp biển Somalia sau khi cướp tàu có thể xử luôn thủy thủ đoàn thay vì bắt họ làm con tin như trước đây.

Các nước cũng có quy định khác biệt về sử dụng vũ lực trên tàu. Ví dụ, Mỹ cho phép tấn công phủ đầu cướp biển, trong khi Thụy Điển lại không cho đưa súng lên tàu hàng. IMB cho biết hành động tấn công tàu bị cướp biển chiếm giữ như hải quân Mỹ và Hàn Quốc đã làm vừa qua không phải là nhiệm vụ dễ dàng, đồng thời gặp nhiều rắc rối pháp lý.

Cuối cùng, vấn đề quyền sở hữu của các tàu hàng quốc tế hiện nay rất phức tạp. Nhiều tàu có thể đăng ký tại quốc gia này nhưng do quốc gia khác sở hữu, và thủy thủ đoàn trên tàu là công dân nhiều nước khác nhau.

Các chuyên gia hàng hải cho rằng giải pháp cơ bản và triệt để nhất để xóa nạn cướp biển Somalia là thiết lập lại trật tự, an ninh ở vùng bờ biển nước này, và thuyết phục chính quyền các vùng tự trị như Somaliland và Puntland trấn áp cướp biển. Nhưng cướp biển lại là nguồn thu nhập chính của các vùng này. Ký ức về các vụ can thiệp quân sự ở Somalia, cũng như hiện trạng trên chiến trường Iraq và Afghanistan khiến hầu hết các quốc gia e ngại thực hiện một chiến dịch chống cướp biển Somalia trên đất liền. Dù vậy, chuyên gia John Drake dự báo sớm muộn cộng đồng quốc tế sẽ phải tính đến một chiến dịch phối hợp để tiêu diệt các ổ cướp biển tại Somalia, bởi tổn thất do cướp biển gây ra nay đã tăng đến hàng tỉ USD mỗi năm và sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những năm tới.

HIẾU TRUNG (Theo CSM, Reuters, The Hindu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên