Phi công Trần Đình Đan, lái máy bay tuyến Sydney - TP.HCM đã bị cảnh sát Úc bắt giữ tại sân bay quốc tế Sydney (Úc) ngày 3-6-2006.
Khi phi công này đang qua cửa kiểm soát an ninh của sân bay Sydney thì nhận được thông báo kiểm tra hành lý. Sau đó, cơ quan chức năng Úc đã thông báo phi công Trần Đình Đan bị tạm giữ do có hành vi vận chuyển trái phép 500.000 USD.
Trong khi đó, một phi công khác bị cảnh sát Singapore bắt giữ tại sân bay của nước này.
Tin ban đầu cho biết, hồi đầu năm nay, một nữ nhân viên khách sạn ở Singapore đã tố cáo một phi công của VNA có hành vi quấy rối tình dục. Cảnh sát Singapore đã thu giữ hộ chiếu của phi công và đề nghị anh này ở lại giải quyết. Tuy nhiên, lợi dụng việc cùng lúc sở hữu hai hộ chiếu nên phi công đó đã bỏ về Việt Nam. Mới đây khi bay sang lại Singapore, anh này đã bị bắt.
Tối qua, người phát ngôn của VNA, ông Nguyễn Tấn Chấn cho biết, ông chưa nhận được thông tin trên. Thứ trưởng Bộ GT-VT kiêm Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam Nguyễn Tiến Sâm cũng cho hay ông chưa được báo cáo vụ việc trên.
Cũng liên quan đến những sai phạm của các phi công VNA, chuyến bay VN545 hành trình Hà Nội- Frankfurt (CHLB Đức) ngày 17-4-2006, máy bay Boeing777 mang số hiệu A149 của VNA chở theo hơn 200 hành khách đã bị mất liên lạc với mặt đất suốt 1 giờ 5 phút trong thời gian bay trên không phận 3 quốc gia Đông Âu là Ukraine, Ba Lan và Cộng hòa Czech.
Chiếc máy bay bị mất liên lạc bắt đầu từ không phận Ukraine nhưng vẫn tiếp tục bay sang Ba Lan và Cộng hòa Czech. Đài kiểm soát không lưu của Cộng hòa Czech tại TP thủ đô Prague đã đánh tín hiệu hỏi suốt 25 phút (thời gian mất liên lạc tại Czech là 25 phút) nhưng đã không nhận được bất cứ tín hiệu trả lời nào. Ngay sau đó, không quân Czech đã báo động, cho 2 chiến đấu cơ cất cánh áp giải chiếc Boeing 777 và ra tín hiệu yêu cầu hạ cánh khẩn cấp.
Tới thời điểm này hai phi công trên chuyến bay mới “thức giấc” và mở hệ thống thông tin liên lạc. Rất may là máy bay của VNA đã bay đúng độ cao, đúng hành lang bay theo quy định và khi 2 chiếc chiến đấu cơ Czech bay ngang, phi công đã kịp ra tín hiệu, nếu không, sẽ không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra...
Được biết, trong suốt 1 giờ 5 phút mất liên lạc, hai viên phi công đã “ngủ quên” và để máy bay tự bay theo chế độ lái tự động. Một nguồn tin cho hay trong bản giải trình của hai viên phi công, lý do của việc mất liên lạc là do họ đã không chuyển đổi tần số khi bay vào vùng kiểm soát không lưu của Czech. Tuy nhiên, ngay từ khi máy bay đang ở trên không phận TP Kiev (Ukraine), việc chuyển đổi tần số đã không diễn ra và máy bay tiếp tục bay trong tình trạng mất liên lạc hoàn toàn trong suốt quãng đường từ Ukraine, qua Ba Lan, sang Czech. Sau khi sự cố xảy ra, nhà chức trách hàng không Cộng hòa Czech đã yêu cầu VNA phải có báo cáo về sự vụ.
Trao đổi với cộng tác viên Báo Người Lao Động, ông Dương Văn Thảo, Trưởng ban Tiêu chuẩn an toàn bay- Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, cho biết ngày 10-5-2006, cục đã có công văn yêu cầu VNA kiểm điểm, giải trình nguyên nhân của sự cố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận