![]() |
Kỳ 1: Tam Á - thành phố tình nhân
Nơi đầu tiên chúng tôi được giới thiệu là chiếc cầu dây văng mang tên Thế Kỷ dài 3km, mà theo lời anh hướng dẫn viên Vương Đại Đông đó là một biểu tượng của Hải Khẩu hiện đại. Chiếc cầu nối đại lộ Long Côn (một trong những đại lộ lớn nhất Hải Khẩu) với đảo Hải Điện, nơi có Đại học Hải Nam vốn là một trong 10 đại học hàng đầu Trung Quốc.
Chiếc cầu ấy cũng dẫn qua đại lộ Tân Hải tuyệt đẹp chạy cặp theo eo biển Quỳnh Châu. Con đường đưa du khách đi qua công viên Vạn Lộc - vườn sinh thái ven biển qui mô nhất Hải Khẩu với hơn 1 vạn gốc dừa và hàng trăm giống thực vật nhiệt đới, công viên Thế giới hải dương nhiệt đới Hải Nam với viện bảo tàng vỏ sò độc đáo và những bãi tắm, bãi lướt ván, du thuyền trên biển... Nhưng với tôi, tìm về Hải Khẩu còn là tìm về với những dấu tích xưa.
Quỳnh Đài thư viện rất nổi tiếng ở Hải Khẩu, không phải là nơi đọc sách, mà là ngôi trường được xem là trường học cao cấp nhất ở Hải Nam thời xưa, được xây dựng từ thời Khang Hy (1710) theo kiến trúc Tứ Hợp Viện, giảng đường là một nhà hồi âm. Tại đây có tượng vị hiệu trưởng đầu tiên là Giao Ánh Hán, với hai câu đối Dưỡng càn khôn chánh khí/Dục thiên hạ anh tài. |
Buổi sớm ở Hải Khẩu, tôi tìm cách bắt xe đi thăm mộ Hải Thụy - vị quan thanh liêm đời nhà Minh nổi tiếng được người dân Hải Nam vô cùng tôn kính và phong tặng là “Hải Thanh Thiên”, “Nam Bao Công” để sánh với Bao Chửng Khai Phong phủ thời Bắc Tống.
Nhưng anh tài xế taxi họ Lý cứ dụ dỗ mãi để đưa đi thăm khu công viên núi đá Hỏa Sơn, nằm giữa hai thị trấn Thạch Sơn và Vĩnh Hưng, cách trung tâm Hải Khẩu 18km về phía tây nam. Tài xế họ Lý là người Hải Nam, tuổi khoảng 30, là một tay lái lụa phóng xe nhanh trên đường cao tốc với tốc độ của... áp thấp nhiệt đới! Anh “chiêu đãi” tôi bằng lời khen không rõ dựa vào cuộc điều tra nào: “Cô nương Việt Nam đẹp 10 phần, còn cô nương Trung Quốc chỉ đẹp có tám phần thôi!”.
Hỏa Sơn là công viên địa chất rộng 108km2 với hơn 40 núi lửa từ kỷ đệ tứ, bày ra trước mắt bạn một thành phố có một không hai với sức sống được tính bằng đơn vị vạn năm: phong cảnh núi lửa, cộng với hệ sinh thái nhiệt đới và kiến trúc từ thời đồ đá. Mấy chục ngọn núi lửa đã tắt quần tụ nơi đây như đại hội anh hùng quanh bậc minh chủ là hỏa diệm sơn Mã Yên Lĩnh, gồm hai ngọn núi chính cao khoảng 200m so với mực nước biển là Phong Lô Lĩnh và Bao Tử Lĩnh cạnh hai ngọn núi nhỏ, hình dáng như đôi mắt nên được gọi là Nhãn Tinh Linh.
Hơn 30 hang động dung nham với những hình thù kỳ quái thử thách sức tưởng tượng của đôi mắt con người. Vườn bazan hành lang đá, dòng dung nham, miệng núi lửa... hòa quyện với rừng cây nhiệt đới tạo nên một vẻ đẹp chưa thể gọi được tên của sức sáng tạo kỳ diệu của thiên nhiên. Đây cũng là một bảo tàng, một trường học giữa trời giảng dạy khoa núi lửa bazan và những chu trình thạch học ...
![]() |
Tượng đồng Tô Đông Pha trong đền Tô Công - Ảnh: D.TR. |
Tọa lạc tại đường Hải Phủ có một tòa kiến trúc hai tầng rất nổi tiếng, xây dựng toàn bằng gỗ và đá, bên trong có các cột gỗ cao, trang trí vô cùng thanh nhã, được gọi tên là “Hải Nam đệ nhất lầu”. Đồng thời hai bên còn có Học Phố Đường, Quan Giá Đường, Ngũ Công Tình Xá, vườn Quỳnh, suối Phú Túc, đình Đông Chước... tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa đặc sắc và cũng là viện bảo tàng của tỉnh Hải Nam.
Đấy chính là đền Ngũ Công, được xây dựng từ thời nhà Thanh (1889) để tưởng niệm năm vị đại thần đời Đường, Tống bị giáng chức, lưu đày ở Hải Nam: Lý Đức Dụ (787-850), Lý Cương (1083-1140), Triệu Đỉnh (1085-1147), Lý Quang (1077-1159) và Hồ Toàn (1102-1180).
Ngày ấy Hải Nam xa xôi, hoang vắng đến mức người đương thời phải buột miệng hỏi “Quỳnh Châu thị hà xứ, tích cận quỉ môn quan?” (Quỳnh Châu - tức Hải Nam - ở nơi nao, phải chăng gần cửa quỉ). Chính Lý Đức Dụ cũng hạ bút than rằng nơi đây “chim bay còn phải mất nửa năm”. Hải Nam xưa là một nhà tù thiên nhiên khổng lồ, nơi triều đình trừng phạt, giam lỏng, đày ải, tước đoạt quyền thế các quan lại bất đồng chính kiến.
Nhìn ngắm năm pho tượng đá được đặt uy nghi trong vườn trúc quanh đền, đọc những dòng chữ khắc trên đá không đủ nói hết được những oan trái, tủi nhục, đắng cay mà mỗi người đã nếm trải, lòng du khách dâng trào một cảm xúc ngậm ngùi tiếc thương.
Lý Đức Dụ (người Hà Bắc) là bậc danh tướng bị vua Đường giáng chức, đày đến Tùng Sơn. Bốn vị võ tướng, đại thần còn lại đều lần lượt là nạn nhân của gian thần Tần Cối trong cuộc đấu tranh quyền lực của nội bộ triều đình Nam Tống trước cuộc xâm lược của quân Kim: Nhạc Phi phải chết, vô số văn quan võ tướng chống Kim đều bị hãm hại.
Nhưng điều khắc sâu trong ký ức hậu thế chính là những gì mà các bậc “dân chi phụ mẫu” này đã làm được cho dân, cho nước trong những tháng ngày bị đày ải nơi núi sâu đảo vắng này: lập trường, dạy học, mở mang thủy lợi, giúp dân làm ăn phát triển văn hóa.
Còn có một người được người dân Hải Nam vô cùng kính trọng, ấy là Tô Thức, tức Tô Đông Pha (1037-1101) - một trong “Đường Tống bát đại văn gia”. Đền Tô Công ở Hải Khẩu đứng bên cạnh đền Ngũ Công, có dựng một bức tượng đồng, kèm hai câu đối: Thử địa năng khai nhãn giới/ Hà nhân khả phối Mi Sơn (Tô Thức vốn là người sinh ra ở Mi Sơn, Tứ Xuyên). Còn Đông Pha thư viện là ngôi trường do ông lập nên năm 1098 ở trấn Trung Hòa, gần thành phố Đan Châu (phía tây Hải Nam) đến thời nhà Minh được dân trùng tu, mở rộng với qui mô lớn và giữ gìn tôn tạo đến bây giờ.
Thuở ấy, tuổi đã 60, Tô Thức bị vua Tống Triết Tông giáng chức, đày đến Đan Châu. Tuổi già, gặp nghịch cảnh, nhà tranh vách tre, bữa ăn chỉ toàn rau và khoai, thế mà Tô Thức vẫn lạc quan. Ông “phát” ra một ý tưởng lạ mà đẹp: ăn ánh sáng cho lòng đỡ đói! Và quyết sống có ích cho thiên hạ: vừa soạn các trước tác như “Luận Ngữ thuyết”, “Chí Lâm tập”, vừa mở trường (Đông Pha thư viện) truyền thụ học vấn, quảng bá thi thư lễ nhạc. Ông lại còn đến với đồng bào dân tộc Lê cùng tìm hiểu văn hóa phong tục: Hoa Di lưỡng tôn hợp/Túy tiếu nhất bôi đồng (Hai bình rượu Hoa Di hợp lại/Chung một chén cùng say cùng cười).
Hải Khẩu về đêm sáng rực ánh đèn từ những tòa cao ốc, đại siêu thị, đại tửu lầu cao ngất trời làm lung linh cả vịnh biển Quỳnh Châu... Nhưng sao mà sánh bằng ánh mắt cương trực, chí khí, chứa đựng mãnh liệt tinh thần vì nước, vì dân của Hải Công, Tô Công, Ngũ Công? Và tôi bỗng tự hỏi: có tháp nào, có lầu nào cao bằng tượng đài trong lòng nhân dân?
_________________
Hòn đảo mỗi năm có hơn 300 ngày nắng, cát mềm, gió tươi, phong cảnh mê hồn ấy đã thu hút hơn 4 triệu du khách nước ngoài trong năm 2005. Vùng nhiệt đới này được ví là một Hawaii của nước Mỹ. "Không phải Hawaii mà hơn cả Hawaii!", người dân Hải Nam nói thế.
Kỳ tới: Sắc màu nhiệt đới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận