Phóng to |
Bác có tật, mỗi năm một lần đánh bài, đá gà suốt tháng giêng. Bác ăn thì không có việc gì, rủi thua, suốt năm bác cặm cụi làm trối chết trả nợ, năm sau tiếp tục chơi nữa! Hoàn cảnh của bác rất tội nghiệp, vợ con theo lục đục, bác cắn răng chịu đựng. Bệnh của bác, bà con ai cũng nói: “Chỉ có Trời xuống mới sửa được nết tật!”. Nhưng rồi tự nhiên Tết đến, bác không hề mó tay vô cờ bạc, gặp sòng bài bác quay lưng bỏ đi không thèm đứng nhìn. Nguyên do:
Theo lệ thì buổi chiều 30, sân đình bắt đầu tụ tập mọi người tới vây quanh bên các sòng lô tô, bầu cua cá cọp, sòng bài cào. Làng cho phép cờ bạc trong 3 ngày như để bói quẻ hên xui đầu xuân. Hết hạn, ai tiếp tục cờ bạc phải trốn chui, trốn nhủi đâu đó bị bắt ráng chịu. Năm đó, bác gặp hên, buổi trưa đá gà ăn, buổi tối bác ra sân đình đánh bài cào cũng ăn.
Đêm gió bấc thổi rì rào, còn 2 tiếng nữa đến giờ Giao thừa, một số người bỏ ra về, bác cũng định đứng dậy về nhà để sửa soạn cúng kiếng, thình lình hai ông khách lạ xuất hiện. Hai người có mùi là lạ như mùi nhang, mùi trầm. Áo của họ cũng rất lạ, màu xanh màu đỏ sặc sỡ giống cái áo giấy cúng cô hồn. Ngày Tết, người làng này đi qua làng khác, ít ai chú ý những dị biệt, ăn mặc sao kệ họ, mà chỉ chú ý đến túi tiền căng phồng của hai ông khách như khoe để ló ra ngoài. Hai người khách như hai người anh em chia ra ngồi hai góc, người này làm cái, thì người kia chỉ lo việc chung, chi tiền. Họ tỏ ra vui tính, gặp bài bù, hay bài 9 nút cũng buồn cũng vui, quăng bài xuống chiếu giống mọi người. Khách lạ tỏ ra hào phóng, ai đặt bao nhiêu cũng được, ai xào chẻ bài kiểu nào cũng chia.
Gần đến giờ Giao thừa, khách thua cạn túi đứng dậy, bác tôi tưởng người ta về, không ngờ đứng dậy khách móc ra thêm một xấp bạc dày dặn ở trong túi quần. Năm đó, bác tôi ăn bài nhiều, định về, nhưng vì tham nên vẫn tiếp tục ngồi. Đến ván bài cuối cùng, ai nấy đua nhau đặt. Chia bài xong, các tay em lần lượt lật bài của mình lên rồi hồi hộp nhìn theo người áo đỏ làm cái đang nặn coi 3 lá bài. Nhà cái cứ thong thả, gương mặt lạnh lùng không để lộ dấu hiệu đoán được nhà cái bao nhiêu điểm. Có người nhắc: “Coi lẹ lên cha, còn về nhà cúng Giao thừa!”. Đợi cho nhắc, người áo đỏ mới lặng lẽ kêu lên: “Bù ăn, 1 ăn, 3 ăn!”. Người áo xanh lần lượt gom tiền, ông khách áo đỏ tiếp tục: “5 ăn, 6 ăn, 7 ăn!”. Vậy là ván bài chót còn lại mấy người được 8, 9 với 3 Tây trong đó có bác tôi. Ai nấy hồi hộp chờ đợi, bỗng nghe ông khách mặc áo đỏ tiếp tục: “8 ăn, 9 ăn, 3 Tây ăn luôn!”.
Lập tức bác tôi la lên: “Cái mấy nút, bộ giỡn mặt hả cha nội?”. Và bác lẹ làng chụp nắm lấy tay người áo đỏ. Bỗng bác ngơ ngác, bàn tay khách lạnh lẽo như nước đá, rồi nó từ từ nhẹ hẫng như sương khói tan ra. Sòng bài rộ lên như ong bể tổ, mọi người mạnh ai nấy reo hò: “Cái bù!” mà quên hai ông khách lặng lẽ biến mất từ bao giờ. Trừ ra bác tôi, sau đó bầu không khí rờn rợn khi người ta đếm số tiền ăn được lại là tiền âm phủ. Ai nấy biết là đã gặp ma, nhưng ma để lại tiền âm phủ, còn số tiền thiệt ma nó lấy đi xài vô việc gì?
Bác tôi kết luận: Rõ ràng đó là hai con ma, Tết ở dưới âm phủ chắc là buồn, mò lên dương gian chơi, nhào vô sòng đánh bài cho vui, rõ ràng hai con ma ham vui.
Nhưng bác tôi không phải vì gặp ma, lý do bác nghỉ cờ bạc chỉ vì bác đi đêm lại gặp người, những người đó được đời gọi là thần Bài, con ma bài. Họ còn giỏi hơn ma đánh bài với đủ kiểu mánh khóe gian lận. Có nhiều lần bác thua lại gặp kẻ đứng sau lưng thua thiếu chịu lại. Có kẻ không tiền mà nhảy vô làm cái liều mạng đưa lưng cho ai muốn làm gì thì làm. Bác tức anh ách còn hơn là gặp con ma thiệt, chẳng lẽ đi đánh người ta cho mắc thêm tội. Hơn nữa cờ bạc còn là ảo ảnh, tiền lúc chạy qua túi người này, lúc qua túi người kia, có đó mất đó. Ăn cũng không ngủ được mà thua cũng không ngủ được, cứ phải khổ sở loay hoay nghĩ cách làm sao cho có tiền để đi gỡ gạc...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận