05/03/2010 05:40 GMT+7

Hà Nội trong tương lai

V.V.THÀNH - Đ.H.LỰC
V.V.THÀNH - Đ.H.LỰC

TT - Ngày 4-3, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Trước đó, vào đầu tuần, tại phiên họp Chính phủ cũng đã thảo luận về quy hoạch này.

lUD62uqG.jpgPhóng to
Người dân Hà Nội xem quy hoạch xây dựng thủ đô tại một cuộc triển lãm tổ chức năm 2009 - Ảnh: X.Long

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, từ nay đến năm 2030, trụ sở của một số bộ ngành sẽ được chuyển ra khu vực Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, Hà Nội) để xây dựng nâng cấp. Tương lai (khoảng năm 2030) sẽ xây dựng trung tâm hành chính quốc gia tại một khu vực ở chân núi Ba Vì.

Phát triển hành lang xanh

Hà Nội sẽ phát triển đô thị trung tâm, tính từ vành đai 3 (đường Phạm Hùng) chạy qua khu vực Mỹ Đình, trở vào khu hồ Gươm, vòng xuống Thanh Xuân ra phía bên ngoài tới vành đai 4.

Từ vành đai 3 tới vành đai 4 sẽ có một hành lang xanh. Đó là hệ thống vành đai xanh bao gồm những diện tích đất được quy hoạch (dự kiến chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên) để thực hiện một trong những chức năng quan trọng là bảo vệ những khu vực tự nhiên của thủ đô Hà Nội (như hệ thống sông hồ, vùng núi Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn, vùng nông thôn, nông nghiệp năng suất cao, các làng xóm, làng nghề truyền thống, các di tích văn hóa) và kiểm soát lũ lụt.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn: “Vành đai này hiện được giới hạn bởi sông Nhuệ, giờ đang khô cạn nhưng tới đây thành phố sẽ làm sống lại và trồng thêm nhiều cây xanh...”.

Trong đó, hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ có nhiệm vụ giúp phân tích, kiểm soát ngưỡng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh. Trong khu vực hành lang này sẽ xây dựng đường cảnh quan Bắc - Nam và ba đô thị sinh thái mật độ thấp là Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn (quy mô dân số tối đa 5 vạn người/đô thị) tại giao cắt của ba tuyến chính: quốc lộ 6, đường Láng - Hòa Lạc và quốc lộ 32.

Còn vành đai xanh sông Nhuệ tạo vùng đệm cách biệt giữa đô thị lõi lịch sử với phần mở rộng mới của đô thị hạt nhân trên tuyến vành đai 4 nhằm kiểm soát phát triển lan tỏa tự phát. Trong vành đai xanh sông Nhuệ tiến tới không phát triển dân cư đô thị, chỉ có các làng xóm bảo tồn và công trình công cộng sinh thái cây xanh và mặt nước.

Dự kiến mạng lưới không gian xanh, đất cây xanh trong đô thị sẽ được tăng lên 10-15m2/người, đồng thời khai thác bảo vệ cảnh quan hệ thống cây xanh tự nhiên tại các khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích, các sông hồ, kết nối với công viên gắn các trung tâm khu đô thị và khu làng nghề.

Thêm chuỗi đô thị mới

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết sẽ có một chuỗi đô thị phát triển sát sông Hồng về phía bắc men theo phía đông vành đai 4, chạy xuống Hà Đông và vòng về Thanh Trì. Tiếp đến là chuỗi năm đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai và Phú Xuyên nhằm hỗ trợ việc giãn dân, giảm tải cho sự phát triển của đô thị trung tâm ra phía ngoài.

Về đô thị hai bên bờ sông Hồng, theo ông Toàn, hiện đã được cập nhật vào đồ án quy hoạch chung này. Nhưng do đồ án quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng được lập khi chưa có sự mở rộng địa giới hành chính thủ đô, nên sau khi đưa vào quy hoạch chung thì mật độ xây dựng, cư dân sẽ được tính toán, thay đổi.

Chẳng hạn, ở khu vực hồ Tây nhìn thẳng sang bên kia sông Hồng trước đây có rất nhiều nhà cao tầng, nhưng khi cập nhật vào đồ án quy hoạch chung thì đơn vị tư vấn kiến nghị giảm tối thiểu mật độ xây dựng càng nhiều càng tốt.

Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Lưu Đức Hải cho biết sau hội thảo ngày 4-3 các chuyên gia sẽ tiếp thu ý kiến, tích cực hoàn thiện đồ án và sẽ trình hội đồng thẩm định quốc gia vào tháng 4, phấn đấu trong tháng 6-2010 đồ án sẽ được phê duyệt.

5 đô thị vệ tinh

Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ hình thành năm đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn.

Trong đó, Hòa Lạc là đô thị khoa học, tập trung trí tuệ, công nghệ tiên tiến nhất của VN, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và vùng.

Sơn Tây là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cửa ngõ tây bắc thủ đô và là đô thị văn hóa lịch sử du lịch sinh thái, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp sinh thái.

Còn Xuân Mai là đô thị đại học và dịch vụ cửa ngõ phía tây nam Hà Nội.

Phú Xuyên - Phú Minh là đô thị vệ tinh phía nam của thủ đô sẽ phát triển công nghiệp, kho tàng, các dịch vụ trung chuyển, đầu mối phân phối, tiếp vận hàng hóa và dịch vụ phân phối nông sản vùng.

Sóc Sơn là đô thị cửa ngõ phía bắc Hà Nội, là đô thị công nghiệp, dịch vụ cảng hàng không Nội Bài gắn với bảo tồn khu vực núi Sóc.

V.V.THÀNH - Đ.H.LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên