02/11/2014 19:20 GMT+7

Hà Nội tồn tại một số hành vi ứng xử thiếu văn hoá

XUÂN LONG - VŨ VIẾT TUẤN
XUÂN LONG - VŨ VIẾT TUẤN

TTO - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội Tô Văn Động, cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc Hà Nội đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Văn Động,

Ông Động chia sẻ: Hà Nội là Thủ đô với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa lớn, trung tâm giao dịch quốc tế.

Nhưng, phải thừa nhận việc phát triển văn hóa và xây dựng con người ở Thủ đô Hà Nội những năm qua còn một số hạn chế, và chưa hình thành được hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống con người Hà Nội.

Đáng nói nhất là văn hóa ứng xử. Vì vậy, rất cần thiết và cấp bách phải có một bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư.

* Cụ thể, với nhóm lãnh đạo, cán bộ và bác sĩ, điều tra xã hội học vừa qua cho thấy hành vi ứng xử ở mức nào, thưa ông?

- Với cơ quan hành chính, thực trạng cho thấy mức độ phổ biến các hành vi ứng xử không phù hợp của cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức.

Những hành vi không phù hợp tập trung vào bệnh thành tích, tham nhũng và thiên vị. Ngoài ra còn đi muộn về sớm, sợ "đấu tranh tránh đâu", đố kỵ với người hơn mình; nịnh trên, nạt dưới; bè phái cục bộ; dối trá, bệnh thành tích; nói không đi đôi với làm; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Nguyên nhân thực trạng trên đều do việc đánh giá chất lượng cán bộ còn thiên vị, cào bằng, công tác xử lý kỷ luật còn mang tính hình thức, do khen thưởng, bình bầu thi đua không công bằng.

Tương tự, với khu vực bệnh viện cho thấy có khoảng 45% người được hỏi cho rằng bác sỹ, y tá, điều dưỡng thiếu tận tình, chu đáo trong việc khám và chữa bệnh. Nguyên nhân do bệnh viện quá đông bệnh nhân.

* Không khó để thấy những hành động xấu, những cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng đã tới mức phổ biến, ông nghĩ sao?

- Đúng là đã tới mức phổ biến. Những hành động xấu dễ thấy là viết bậy, bôi bẩn lên các công trình, chen lấn xô đẩy khi tham gia dịch vụ nơi công cộng. Người ta xả rác bừa bãi ở bất cứ nơi nào, trừ nhà mình.

Rất nhiều người vô tư vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, vượt ẩu, thờ ơ với người bị tai nạn giao thông, ứng xử thiếu tình người, rồi ẩu đả khi có va quẹt trên đường.

Chính sự gia tăng về lượng cũng như diễn biến phức tạp của các hiện tượng tiêu cực trong văn hóa ứng xử đã và đang làm ảnh hưởng tới hình ảnh của một Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Ngay cả những người làm nhiệm vụ cũng còn ứng xử thiếu ôn hòa, lịch sự, nhã nhặn khi trả lời thắc mắc của người dân hay không cung cấp đầy đủ thông tin khi người dân hỏi.

* Và Hà Nội hy vọng bộ quy tắc ứng xử sẽ ngăn được tình trạng xuống cấp trong văn hóa ứng xử cộng động?

- Hiện nay, một Hà Nội kinh kỳ, xứ Tràng An đang tồn tại một số hành vi ứng xử thiếu văn hoá. Lối cư xử nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội nay đang mai một dần, thay vào đó là lối nói xô bồ, tục tĩu, huỵch toẹt, thiếu văn hóa, kiểu ăn nói "lệch chuẩn", nhất là ở giới trẻ. Văn hóa bán hàng hay văn hoá phục vụ khách hàng, văn hóa ẩm thực đã bị phai nhạt, biến đổi. Nếp sống văn minh đô thị không được chú trọng.

Có thể nói, chưa thời điểm nào mà vấn đề văn hoá ứng xử ở Hà Nội và người Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay.

Nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa người Hà Nội thanh lịch không chỉ của một cá nhân, một tổ chức, mà nó cần được chuẩn hóa, tuyên truyền và thấm nhuần vào mọi hoạt động của người dân, tổ chức, cơ quan công quyền, để hình thành nét văn hóa ứng xử xứng tầm một thành phố có bề dày hơn nghìn năm tuổi.

Vì vậy, Thành ủy Hà Nội đã có hẳn một chương trình về phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015.

Bộ quy tắc ứng xử được hy vọng sẽ góp phần xây nên một môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh, giúp duy trì và phát triển các giá trị sống tốt đẹp nhất cho xã hội. Vì vậy, bản thân những quy định cũng rất cụ thể, đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại cơ bản, thiết thực.

Tôi cho rằng, hệ thống quy tắc ứng xử có thể là cẩm nang hướng dẫn nền tảng văn hóa cho người Hà Nội hiện nay, nhưng nó không phải là tất cả, nếu như không giải quyết tận gốc vấn đề là từ nhận thức, từ ý thức của mọi người dân Thủ đô.

Hy vọng rằng, mỗi cá nhân cùng góp sức vươn tới một quan niệm sống tích cực, một thái độ ứng xử đúng mực, cùng xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, một cộng đồng lành mạnh, một xã hội lành mạnh.

Ông Động khẳng định bộ quy tắc ứng xử tác động đến mọi lĩnh vực, đời sống Thủ đô. Vì vậy, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử không được nóng vội, phải chuẩn bị tỷ mỉ, chu đáo từng khâu và hết sức khoa học trong triển khai.

Về lộ trình thực bộ quy tắc ứng xử, ông Động cho biết khi được Thành phố phê duyệt sẽ chia làm 2 giai đoạn:

Từ năm 2015 sẽ xây dựng kế hoạch và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện tiêu chí khung bộ quy tắc ứng xử ở tất cả các địa phương, đơn vị.

Trên cơ sở tiêu chí khung, quy tắc ứng xử đối với mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, khu dân cư, nơi công cộng sẽ áp dụng các quy chế, hương ước, quy ước, nội quy bằng các nguyên tắc, quy định, kỷ cương, trang phục, giao tiếp, hành động.

Trong giai đoạn đến 2020 sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, chế tài và giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện quy tắc ứng xử.

XUÂN LONG - VŨ VIẾT TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên