Phóng to |
Di tích đầu tiên cần nhắc đến là đền Đồng Thuận - gắn liền với vị anh hùng chống giặc ngoại xâm đầu tiên thời Vua Hùng là ông Lý Tiến - ở số 11 phố Hàng Cá quận Hoàn Kiếm. Theo bản thần tích còn giữ lại, khi đất nước bị giặc Ân xâm lược, Lý Tiến đã cầm quân ra trận đánh giặc.
Trong một cuộc giao chiến, ông bị trúng tên của giặc và trọng thương. Ông chạy về đến trại Tiên Ngư, khu vực phố Hàng Cá ngày nay, thì mất. Người dân tưởng nhớ công ơn của ông đã dựng đền để hương khói ngàn năm. Thế nhưng ngày nay, ngôi đền cổ đang bị thu hẹp. Nhiều hộ dân sinh sống ở ngay trong đền còn phía trước đền bị chiếm để bán hàng ăn uống.
Một di tích văn hóa khác là chùa Vân Hồ ở địa bàn quận Hai Bà Trưng. Mấy năm trước đã rộ lên việc chùa bị người dân lấn chiếm với chiến thuật “du kích” như rào đất rồi xây tường chỉ trong 1 đêm...! Chùa Vĩnh Trù ở phố Hàng Lược quận Hoàn Kiếm cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Chùa hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như sắc phong, ngai thờ, đồ đồng có giá trị nghệ thuật cao. Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, phố Hàng Lược là giới tuyến phía Tây của Liên khu I, và chùa cũng là một cơ sở chiến đấu chống quân Pháp.
Nhưng gần đây, khuôn viên của chùa bị một số người biến thành nơi bán hàng ăn, phở gà, phở bò, thịt chim câu. Điều đáng phê phán, dù người dân xung quanh chùa đã nhiều lần lên tiếng nhưng dường như chính quyền sở tại chưa có các biện pháp hữu hiệu để trả lại sự tôn nghiêm cho chùa.
Một di tích nữa là hồ Hữu Tiệp - di tích lịch sử ghi dấu chiến công của quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay B52 Mỹ trong trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 - ở phường Ngọc Hà quận Ba Đình. Hơn 10 năm trước, di tích lịch sử nổi tiếng này được tu sửa khang trang và thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tới tham quan.
Thời gian gần đây, hồ Hữu Tiệp dường như bị lãng quên, xuống cấp trầm trọng, con đường dẫn vào hồ bị thu hẹp bởi hàng rong, quán cóc, xe đạp, xe thồ… Bờ hồ dù đã được kè đá chắc chắn, thế nhưng chất thải do người dân thiếu ý thức đổ ra đùn lấp cả mặt hồ.
Nước hồ Hữu Tiệp giờ đây không xanh trong mà đã ngả màu vàng đục với nhiều rác rưởi nổi lềnh bềnh. Một số hộ kinh doanh vật liệu xây dựng còn mang cát, sỏi, gạch… vào khu vực hồ đổ thành từng đống cao ngất ngưởng. Hàng rào sắt quanh hồ bị biến thành “dây phơi” cho mọi thứ bao tải, áo rách… Một cụ cao tuổi trong làng xót xa: “Trước đây, hàng liễu xanh tươi, lá rủ soi bóng mặt hồ. Cảnh thật đẹp. Vậy mà giờ đây…”.
Thực trạng một số di tích ở Hà Nội đang bị xâm phạm hoặc xuống cấp đòi hỏi các cơ quan chức năng của thành phố cần sớm ra tay trước khi quá muộn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận