27/10/2003 06:00 GMT+7

Hà Nội: cầu phao xuất hiện trên sông Hồng

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Ngày 25-10, phương án lắp cầu phao để giảm ùn tắc cho cầu Chương Dương đã được thống nhất. Chiều cùng ngày, đoạn phao đầu tiên đã được thả tại bến cảng Khuyến Lương (Thanh Trì, Hà Nội), cách cầu Chương Dương hơn 10km về phía hạ lưu.

O4iW8tJg.jpgPhóng to
Cầu phao Khuyến Lương vừa được kết nối vào chiều 26-10 - Ảnh: TTXVN

Điểm đặt cầu phao là đoạn nối từ cảng Khuyến Lương (Thanh Trì, Hà Nội) ở bờ bắc sông Hồng sang địa phận Như Quỳnh (Hưng Yên). Từ đây, các xe có thể chạy thẳng ra đường 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh. Chiều 25-10, Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 28 đã tiến hành san lấp mặt bằng tạo lối lên cầu cho xe. Hai đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh công binh là lữ đoàn công binh vượt sông 239 và 249 sẽ đảm nhiệm việc lắp cầu phao. Chiều 26-10, cầu đã được kết nối.

Anh Lê Xuân Trung, trung đội trưởng công binh của lữ đoàn 239, cho biết trước mắt chỉ thả một đoạn phao để làm mốc cho việc thi công đường lên cầu. Ngay sau khi đường lên cầu hoàn thành, các đoạn phao còn lại sẽ được thả và nối với nhau, dự kiến chỉ mất một giờ đồng hồ. Phao sẽ được thả tại một đoạn sông cách điểm đặt cầu 20m và dùng canô kéo về. Đoạn cầu phao này dài 510m, rộng 8,9m và chịu được tải trọng 60 tấn. Anh Trung cho biết thêm trong đợt diễn tập tuần trước, lữ đoàn của anh đã lắp một đoạn cầu tương tự qua đoạn sông ở Chi Nê (Hòa Bình).

Sáng 26-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quốc Trường, giám đốc Sở Giao thông công chánh Hà Nội, cho biết để đảm bảo an toàn, cầu phao sẽ phải qua các công đoạn kiểm tra và sẽ được thông xe vào 1-11. Theo đó, xe tải 15-18 tấn sẽ đi qua cầu phao, xe con và xe khách đi qua cầu Chương Dương và các xe trên 18 tấn sẽ qua cầu Thăng Long. Ông Trường khẳng định vấn đề thu phí chưa đặt ra đối với các xe qua cầu phao. Trong khi đó, các loại xe trên 18 tấn được phân luồng qua cầu Thăng Long mặc dù phải tăng thêm phí vận chuyển cho một đoạn đường vòng nhưng vẫn phải chịu phí cầu như qui định.

Theo kế hoạch, chiếc cầu phao Khuyến Lương sẽ được sử dụng đến đầu mùa lũ năm 2004. Khi đó cầu Yên Lệnh sẽ khánh thành (dự kiến ngày 19-5-2004) nối Hà Nam với Hưng Yên và các xe đi từ phía Nam ra Quảng Ninh, Hải Phòng sẽ đi qua cầu Yên Lệnh. Ngoài ra Sở Giao thông công chánh Hà Nội cũng sẽ tiến hành duy trì cầu Long Biên để phân luồng xe máy đi qua cầu này nhằm giảm gánh nặng cho cầu Chương Dương. Về kế hoạch lâu dài, ông Trường cho hay cầu Chương Dương sẽ được giảm tải sau khi cầu Thanh Trì và cầu Nhật Tân hoàn thành vào năm 2006-2007.

Cầu phao đủ sức đáp ứng cả... xe tăng!

Sáng 26-10, Bộ trưởng Đào Đình Bình đã xuống Khuyến Lương kiểm tra tình hình lắp đặt cầu phao. Trao đổi với Tuổi Trẻ sau đó, Bộ trưởng Bình cho biết mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. Theo kế hoạch, 7g sáng 27-10 công việc sẽ hoàn tất để đón phương tiện qua lại ngay trong ngày. Tuy nhiên tới 1-11 việc phân luồng mới chính thức bắt đầu: xe tải 3-18 tấn bắt buộc phải qua đây (riêng thời gian từ 23g đêm hôm trước đến 5g sáng hôm sau xe vẫn có thể qua cầu Chương Dương).

* Mức độ an toàn của cầu đến đâu, nhất là vào mùa mưa lũ?

- Vấn đề này không đáng lo ngại. Cầu phao đủ sức đáp ứng cả xe tăng qua lại, còn ôtô thì cho phép tải trọng tới 60 tấn. Tuy nhiên đây mới chỉ là biện pháp tình thế giải quyết nhu cầu đi lại trong mùa khô (đến sau tết âm lịch) và trước mắt chủ yếu phục vụ SEA Games. Phương án này sẽ gánh giúp cầu Chương Dương vài ngàn xe/ngày.

* Còn biện pháp lâu dài sẽ ra sao, thưa bộ trưởng?

- Từ 19-5 năm sau, cầu Yên Lệnh (nối Hưng Yên với Hà Nam) sẽ được đưa vào sử dụng, góp phần chia “lửa” đối với lưu lượng xe cộ ra vào Hà Nội ngày càng đông như hiện nay. Khi ấy thành phố có thể phân luồng phương tiện sang tuyến phía nam này. Mặt khác, việc gia cố cầu Long Biên (để đón xe máy) và hai bên cánh gà cầu Chương Dương (dành cho ôtô con) cũng được tính đến... Chiều 27-10, tôi sẽ triệu tập một số cơ quan liên quan họp bàn những phương án này.

Tương lai xa hơn, Bộ GTVT sẽ hoàn thành cầu Thanh Trì vào năm 2006. Bộ cũng đã thống nhất với UBND TP Hà Nội xây thêm cầu Nhật Tân vượt sông Hồng ở phía Bắc. Như vậy tình trạng quá tải cầu Chương Dương không phải không có lối thoát.

* Thưa bộ trưởng, chi phí làm cầu phao hết bao nhiêu và việc thu phí có được đặt ra?

- Đây là cầu phao dự phòng, chúng tôi sẽ không thu phí giao thông trong suốt quá trình nó hoạt động. Trong trường hợp cầu phao vẫn không đáp ứng đầy đủ nhu cầu, phương án dùng phà cũng cần được tính đến.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên