Theo ông Hải, toàn bộ nguồn vốn kể trên sẽ được đầu tư cho hệ thống thoát nước mưa, nước thải tại khu vực trung tâm, khu vực phía nam sông Hồng, phía bắc Hà Nội, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng ven đô.
Ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, đặt vấn đề hiện quốc gia đã có chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng quy hoạch mới chỉ đề cập việc thoát nước mưa theo quy luật tự nhiên. “Đến năm 2030, thậm chí đến năm 2050 thì phải đặt vấn đề tính tới cả yếu tố biến đổi khí hậu. Nếu lập quy hoạch chủ quan sẽ trở tay không kịp, toàn bộ hạ tầng khi đó không đáp ứng được” - ông Khanh cảnh báo.
Theo ông Nguyễn Thế Thảo - chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc lập quy hoạch là phải giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng của đô thị trung tâm. “Vấn đề đặt ra là đến năm bao nhiêu thì Hà Nội hết ngập úng cục bộ. Tôi đã bị báo chí hỏi rất nhiều về câu hỏi này” - ông Thảo truy vấn đơn vị tư vấn. “Đến năm 2014, khu vực nội ô sẽ hết ngập cục bộ khi gặp những trận mưa có cường độ 310mm/hai ngày” - ông Lê Văn Dục, phó giám đốc Sở Xây dựng TP, quả quyết.
Tuy nhiên, trước một đồ án quy hoạch cần một nguồn vốn đầu tư khổng lồ, ông Thảo yêu cầu đơn vị tư vấn và Sở Xây dựng TP phải đặt vấn đề tính toán lượng mưa theo giờ chứ không phải theo ngày như quy hoạch đặt ra, thậm chí phải xác định cả những giải pháp làm sông ngầm để chứa nước vì đây là quy hoạch đến tận năm 2050. “Tôi vẫn thấy lo ngại vì quy hoạch mới xét đến lượng mưa hiện nay. Tới đây lượng mưa có phải 310mm/hai ngày đâu, nếu không tính toán hệ số cao hơn, nếu không tính đến các yếu tố bất thường của thời tiết thì quy hoạch không đạt được mục tiêu đề ra” - ông Thảo nhấn mạnh. Ông Thảo yêu cầu đơn vị tư vấn và Sở Xây dựng TP phải bổ sung, làm rõ về giải pháp và khả năng thoát nước trong bối cảnh thiên tai bất thường, sau đó trình lại TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận