Vào thập kỷ 1990 thế kỷ 19 đã có hai nhà thơ viết về Hà Nội 36 phố phường. Bài 1 có đầu đề "Ba mươi sáu phố phường Hà Nội", tác giả khuyết danh, bài 2 có đầu đề "Hà Nội 36 phố phường", tác giả Đặng Huy Thu.
Mỗi bài đều kể ra đủ tên 36 phố phường, có điều là tên phố trong hai bài khác nhau khá nhiều và khoảng nửa số phố trong mỗi bài ta có thấy được tên trên bản đồ Hà Nội năm 1890 do nhân viên Sở Lục lộ thành phố vẽ.
Sang thế kỷ 20, cụ Trần Huy Bá có chép lại bài hát bản đồ Hà Nội trong sách Đồng Khánh địa dư 1886-1888(1) với đầu đề là "Hà Nội có 36 phố phường từ bao giờ?" song trong bài không có tên phố nào mà chỉ có tên vài chục phường.
Tư liệu lịch sử tên các phố phường Hà Nội có thể tra cứu trong các sách dư địa chí triều Nguyễn mà cuốn Đại Nam nhất thống chí(2) do quốc sử quán triều Nguyễn (đời Tự Đức) soạn và cuốn Đồng Khánh địa dư chí lược (3) soạn vào đời Đồng Khánh 1886-1888 là đầy đủ hơn cả.
Sách Đại Nam nhất thống chí chép tên 21 phố, còn bản đồ Hà Nội trong sách Đồng Khánh địa dư chí đã chép gần đủ tên 36 phường ở Hà Nội, không thấy chép tên phố nào, nếu dùng cả sách Chuyến điBắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 của Trương Vĩnh Ký bổ sung thêm 2 phố thì cũng chỉ được 23 phố.
Vậy 36 phố mới tìm được 23 phố, còn 13 phố chỉ có thể tìm trong các tư liệu của Pháp hay của người nước ngoài khác ghi chép để lại; tư liệu đó có thể là các bản đồ, các bài báo, bài ký sự của các phóng viên, ký giả người nước ngoài.
Tất cả các tên phố khác, trước sau nếu trùng với tên phố đã liệt kê trước rồi đều bỏ không dùng để tránh sự trùng lặp, chỉ dùng những phố mới không trùng với các tên cũ.
Năm 1883, sau khi đánh chiếm xong thành Hà Nội, quan tham mưu quân đội Pháp đã cử thiếu úy Lai Nay vẽ ngay một bản đồ Hà Nội trong đó có thể khai thác được tên phố mới, một bài báo của một nhà báo Pháp thường trú ở Hà Nội năm 1883 đã mô tả lại các chợ phiên ở Hà Nội, những người từ các vùng xung quanh đem hàng đến các phố Hàng Đồng, Hàng Khoai, Hàng Nón bán hàng; trong ba phố đó thì phố Hàng Nón là phố mới không trùng tên với các phố cũ.
Phóng to |
Phố Hàng Bạc đầu thế kỷ 20 |
Tên các phố ở Hà Nội bị cháy từ 1883-1888 do Claude Bourrin ghi lại đăng trong sách Hà Nội nửa đầuthế kỷ 20 - Nguyễn Văn Uẩn(4) cũng khai thác được tên phố mới; cũng viết về những đám cháy ở Hà Nội. Sách Lịch sử thủ đô Hà Nội của Trần Huy Liệu còn ghi thêm được tên ba phố mới không trùng tên với các phố cũ(5). Những tư liệu trên giúp ta khai thác được tên 13 phố mới, cộng với 23 phố cũ vừa đủ 36 phố:
1. Phố Hà Khẩu: Hàng Buồm (Đại Nam nhất thống chí);
2. Phố Việt Đông: Hàng Ngang (Phố Việt Đông, Trương Vĩnh Ký ghi là ph. Quảng Đông, nên ghi chú là phố Hàng Ngang);
3. Phố Hàng Mã;
4. Phố Hàng Mắm;
5. Phố Báo Thiên: Hàng Trống (Phố Báo Thiên ở phường Báo Thiên mà vị trí phường này vẽ trong bản đồ Hà Nội đời Đồng Khánh nằm ở phía tây hồ Hoàn Kiếm, nơi đó sau có chùa Báo Thiên song đến thời điểm này thì chùa đã bị phá nhường chỗ cho nhà thờ Lớn được xây lên. Bản đồ Hà Nội năm 1883 có ghi tên phố Rue de la Maison tức phố Nhà Chung, phía ngoài phố này gần ven hồ Hoàn Kiếm có ghi tên phố Rue des Brodeurs tức phố Thợ Thêu, nay là phố Hàng Trống. Vậy ghi chú phố Báo Thiên là phố Hàng Trống);
6. Phố Nam Hoa: Hàng Bè;
7. Phố Hàng Bồ;
8. Phố Vàng Bạc: Hàng Bạc (Sách Đại Nam nhất thống chí ghi là phố Vàng Bạc, ông Trương Vĩnh Ký ghi là phố Hàng Bạc là đúng);
9. Phố Hàng Giấy;
10. Phố Mã Mây;
11. Phố Đồng Lạc
12. Phố Thái Cực: Hàng Đào (Phố Đồng Lạc và phố Thái Cực sau này là phố Hàng Đào; vào thời điểm đó sách Đại Nam nhất thống chí và sách của ông Trương Vĩnh Ký đều ghi thành 2 phố: phố Đồng Lạc, bán yếm và y phục phụ nữ - phố Thái Cực có tên nữa là phố Hàng Đào. Xem trên bản đồ Hà Nội đời Tự Đức và đời Đồng Khánh đều ghi tên hai phường Đông Lạc và Thái Cực riêng và ở cạnh nhau nên có thể xem vẫn là hai phố riêng biệt);
13. Phố Đông Hà: Hàng Chiếu;
14. Phố Phúc Kiến: Lãn Ông;
15. Phường Phục Cổ: Nguyễn Du;
16. Phường Hàng Lam: phố Thợ Nhuộm (Phố Hàng Lam: có sách chú là phố Hàng Ngang, rút ra không phải vì phố Hàng Ngang ở phường Diên Hưng thuộc tổng Hữu Túc, còn phố Hàng Lam thì sách Đại Nam nhất thống chí đã chú thích: chữ Hán gọi là phố Yên Trung, mà thôn Yên Trung thì thuộc tổng Tiền Nghiêm.
Vị trí thôn Yên Trung ở góc đông nam thành Thăng Long (thịnh vượng), khoảng đầu phía bắc phố Thợ Nhuộm chỗ gặp đầu phố Hàng Bông, phố Cửa Nam, phố Phùng Hưng. Trong bản đồ Hà Nội 1883, đã có tên phố Rue des Teinturiers tức phố Thợ Nhuộm (đầu phố từ ngã tư Hàng Bông đến đầu phố Tràng Thi) còn không có tên đoạn phố Jean Solar là đoạn sau này ghép vào phố Thợ Nhuộm kéo dài đến phố Hỏa Lò);
17. Phường Đồng Xuân;
18. Phường Thanh Hà;
19. Phường Hàng Gai;
20. Phường Hàng Đẫy;
21. Phường Hàng Chè;
22. Phường Hàng Muối (Trương Vĩnh Ký - 1876);
23. Phố Quảng Minh Đình (Phố Quảng Minh Đình: vốn đình Quảng Minh không phải là phố, song Đại Nam nhất thống chí lại chú thích là ở đó phố xá đông đúc, có nhiều hành khách tạm trú và rất có thể lúc đó Trương Vĩnh Ký thấy các thôn Hàng Cháo, Hàng Bột (tuy chưa thành tên phố) ở xung quanh đình Quảng Minh nên mới gọi là phố);
24. Phố Hàng Đường (Tên phố Hàng Đường mới thấy ghi trên bản đồ Hà Nội 1883);
25. Phố Hàng Mành;
26. Phố Hàng Hòm;
27. Phố Hàng Gà;
28. Phố Hàng Đồng;
29. Phố Hàng Nón Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20;
30. Phố Hàng Vai;
31. Phố Hàng Lược;
32. Phố Hàng Bông (Tên phố Hàng Bông vào tháng 6-1887 mới thấy chép là bị cháy 23 nhà);
33. Phố Lò Sũ;
34. Phố Bắc Ninh (Phố Bắc Ninh là tên cũ của phố Nguyễn Hữu Huân);
35. Phố Hàng Tre;
36. Sở Lục lộ: Hàng Vôi (Tháng 12-1888 trong sách Lịch sử thủ đô Hà Nội, Trần Huy Liệu chép: “nhà cửa của Sở Lục lộ cũng bị thiêu hủy” mà trụ sở của Sở Lục lộ lại ở phố Hàng Vôi);
Phóng to |
Phố Hàng Gai |
Phóng to |
Chợ Đồng Xuân |
36 phố kể trên dù có thay đổi vài ba tên thì 36 phố Hà Nội cũng chỉ nằm vào khoảng từ 1885-1888 đời Đồng Khánh hoặc sớm muộn một năm là cùng. Tất cả tên 36 phố kể trên đều thuộc huyện Thọ Xương (tương ứng với quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng hiện nay) không có một tên phố nào thuộc huyện Vĩnh Thuận.
Cũng vào thời gian từ năm 1885-1888 đời Đồng Khánh đã tồn tại 36 phố ở Hà Nội. Trên bản đồ huyện Thọ Xương (tỉnh Hà Nội trong sách Đồng Khánh địa dư chí 1886 đã ghi được tên 34 phường; nếu bổ sung tên phường Đồng Xuân được ghi trong tờ lẩn của hồ sơ 1 gửi huyện Thọ Xương năm Đồng Khánh 3-1888) và phường Hòe Nhai ghi trong sách Tìm về cội nguồn thì vừa đủ 36 phường. Tên 36 phường như sau:
1. Phường Nhật Chiêu; 2. Phường Trích Sài; 3. Phường Võng Thị; 4. Phường Yên Thái; 5. Phường Hồ Khẩu; 6. Phường Thụy Chương; 7. Phường Bái Ân; 8. Phường Tây Hồ; 9. Phường Quảng Bá; 10. Phường Nghi Tàm; 11. Phường Yên Phụ; 12. Phường Thạch Khối; 13. Phường Giai Cảnh; 14 Phường Vĩnh Hanh; 15. Phường Đông Hà;16. Phường Đông Hà;17. Phường Diên Hưng; 18. Phường Ngư Võng; 19. Phường Hà Khẩu; 20. Phường Đồng Lạc; 21. Phường Đại Lợi; 22. Phường Đông Tác 1: Hàng Bạc (theo bản đồ trong sách Đồng Khánh dư địa chí thì vị trí phường này ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm, phía trên thôn Gia Ngư. Vậy phường này phải là phường Đông Các - Hàng Bạc);23. Phường Đông Tác 2: ở phía bắc hồ Bảy Mẫu (Phường Đông Tác 2: ở phía bắc hồ Bảy Mẫu, phía đông phố Kim Liên và thôn Trung Phụng);24. Phường Thanh Hà; 25. Phường Hội Vũ; 26. Phường Báo Thiên; 27. Phường Tự Pháp; 28. Phường Cổ Vũ; 29. Phường Kim Liên; 30. Phường Phúc Lâm; 31. Phường Nhược Công; 32. Phường Thịnh Hào; 33. Phường Bạch Mai; 34. Phường Phục Cổ; 35. Phường Đồng Xuân; 36. Phường Hòe Nhai (sách Tìm về cội nguồn của ông Phan Huy Lê chép: “tên 13 phường thuộc tổng Thượng, tổng Trung của huyện Vĩnh Thuận không thay đổi từ đời Gia Long đến Minh Mạng (1820-1840), đến Đồng Khánh (1885-1888)”(6); 12 phường đã liệt kê ở trên chỉ còn phường Hòe Nhai, nay kê vào phường 36);
Từ nhiều năm nay đã có một câu hỏi là:
Hà Nội liệu có 36 phố phường không? Dựa vào câu trả lời, có hai loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất khẳng định trong thực tế chỉ có “Thăng Long 36 phường” ở thời Lê. Sang thời Nguyễn, khi đã mang tên mới là Hà Nội thì dưới đời Minh Mạng có tới 239 phường, thôn, trại để rồi tới thời Tự Đức con số đó rút xuống là 153 và... không làm gì có ai gọi là “Hà Nội 36 phố phường”. Cái gọi là “Hà Nội 36 phố phường chỉ là một cách nói tượng trưng, ước lệ; con số 36 đây có thể hiểu là “nhiều”.
Loại ý kiến thứ hai theo bài báo này trả lời sẽ là: Dưới triều vua Đồng Khánh (1885-1888) đúng là đã có 36 tên phường và rất có thể có cả tên 36 phố ở Hà Nội chăng? Những ai quan tâm xin suy nghĩ luận bàn. Còn hiểu về con số 36 có ý nghĩa thế nào? Có phải đó chỉ là cách nói ước lệ? - tốt nhất là tìm câu trả lời ở chính những người sống đương thời đó.
Phóng to |
Phố Hàng Đào năm 1926 |
Hãy xem câu trả lời của Hải Thượng Lãn Ông viết trong sách Y Tông Tâm Lĩnh đại thể như sau: Trời lấy tiết độ 6.6 làm thành một năm, người lấy số 9.9 phối hợp lại... Tiết độ 6.6 phối hợp với số 9.9 để xác định thiên độ và khí số (tiết độ 6.6 là độ của trời, phối hợp với 9.9 là số của trời; gọi là khí số tức khí số sinh thành). Ngược lên nguồn gốc thì số 9 là số của Lạc Thư: đầu đội 9, thân đạp 1, bên tả 3, bên hữu 7, đôi vai 2 và 4; đôi chân 6 và 8.
Tất cả các điều trên có thể tìm hiểu trong các sách Dịch học.
Còn vận dụng vào thực tế, từ số 9 người xưa đã viết ra sách Cửu trù Hồng Phạm, rồi Cửu Châu, Cửu Khiểu… dùng số 6 tính ra 360 độ của các vòng tròn, các quỹ đạo, rồi tam thập lục kế, 60 ngày thành một vòng Giáp Tý…
Vào thế kỷ XIX tri thức lúc đó là tri thức nho giáo, thấy giặc Pháp sang chiếm nước ta, chiếm đóng Hà Nội, thì các bậc trí giả đó cho rằng đất Hà Nội vốn xưa là kinh thành Thăng Long, là đất đế đô. Đất đó hợp với khí số sinh thành của trời đất nên trước sau nó vẫn là kinh đô. Khi Pháp đặt trụ sở của phủ Toàn quyền tại Hà Nội, có cụ đã nói: trước kia đời nhà Đường đã đặt An Nam đô hộ phủ tại đất Tống Bình; Trương Bá Nghi rồi Cao Biền đời Đường đã đắp La Thành, Đại La Thành ở Tống Bình, tức miền đất Hà Nội ngày nay.
Chẳng thế 36 phường từ đầu đời Lê sơ (năm 1428) rồi 36 phường phố(7), lại 36 phố phường đã gắn chặt với đất Thăng Long - Hà Nội đến nay đã được 157; nó còn gắn chặt với khí thiêng sông núi đất Thăng Long hàng nghìn năm sau.
--------------------
1. Trần Huy Bá, Hà Nội có 36 phố phường từ bao giờ, Tạp chí Xưa và nay, số 4 6, tháng 12-1997, tr.3-40.
2. Đại Nam nhất thống chí, tập 3, tr.199, Nxb Thuận Hoá - Người dịch Phạm Trọng Điền - người hiệu đính: Đào Duy Anh, 2-1997.
3. Đồng Khánh địa dư chí lược (1886-1888) (A.537/1-24).
4. Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, Nxb Hà Nội, 1995, tập II, tr.13.
5. Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Trần Huy Liệu chủ biên, Nxb Hà Nội, 2000, tr.227, 228.
6. Phan Huy Lê, Tìm về cội nguồn, tập I, tr.278, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1998.
7. Sách Đại Nam nhất thống chí và sách Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 của Trương Vĩnh Lý đều viết: “Thủa xưa Hà Nội khi là Kinh đô, nguyên trước đã có 36 phố phường”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận