01/08/2008 08:01 GMT+7

Hà Nội - ngày hợp nhất

ĐỖ HỮU LỰC
ĐỖ HỮU LỰC

TT - Hôm nay (1-8), diện tích Hà Nội được mở rộng tới hơn 3.000km2 với dân số gần 6 triệu người - sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử phát triển thủ đô sau gần 1.000 năm hình thành. Bên cạnh sự hồ hởi, háo hức của người dân trước giờ sáp nhập, việc mở rộng Hà Nội đặt ra hàng loạt bài toán khó cho chính quyền Hà Nội trong việc thực hiện nhiệm vụ đưa thủ đô vươn tới tầm vóc mới.

J4tnYeLR.jpgPhóng to

Người dân cả nước mong đợi thủ đô sẽ ngày càng đẹp hơn sau khi mở rộng - Ảnh: Xuân Long, đồ họa: Vĩ Cường

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Từ hôm nay 1-8, TP Sơn Tây sẽ chính thức trở thành một phần của thủ đô Hà Nội. Mọi sinh hoạt của người dân Sơn Tây vẫn diễn ra như thường nhật, song hầu như ai trong số họ cũng háo hức chờ ngày thành người thủ đô.

Háo hức xen âu lo

"Về Hà Nội vẫn đi bán hàng thế này thôi, nhưng nghĩ sau đêm nay khi thức dậy mình trở thành người Hà Nội cũng thấy vui thật. Chỉ hi vọng sau khi về Hà Nội, người dân Sơn Tây thật sự được hưởng những chính sách quản lý tốt hơn" - chị Đỗ Thị Nụ, bán nước tại khu vực ngã ba TP Sơn Tây, nói.

Sự háo hức, hồ hởi của những người dân quê sống xa trung tâm còn biểu hiện rõ nét hơn. Trên đường vào xã Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Tây), chúng tôi gặp anh Nguyễn Tiến Dũng (người thôn 3, xã Ba Trại) khi anh đang xới cỏ, vun gốc cho những luống chè trên khu đồi rộng hơn mẫu của gia đình. "Chỉ mong khi về thủ đô, người dân và cây chè của Ba Trại sẽ được quan tâm hơn để cuộc sống của những người nông dân khấm khá hơn" - anh Dũng tâm sự với chúng tôi.

Ngay cạnh xã Ba Trại là xã Ba Vì với hơn 2.000 dân, trong đó 97% là đồng bào dân tộc Dao. Ông Lý Khắc Thọ, bí thư Đảng ủy xã Ba Vì, cho hay từ xa xưa đến giờ vấn đề nước sinh hoạt, thủy lợi để tưới tiêu vẫn là một trong những điều cản trở sự phát triển của xã. "Bởi vậy về Hà Nội rồi chỉ mong cấp trên quan tâm giải tỏa cơn khát cho bà con ở đây" - ông Thọ nói.

Chúng tôi đi một vòng trên quốc lộ 32, đường Láng - Hòa Lạc, đường Sơn Tây - Xuân Mai, quốc lộ 6 (địa phận Hà Tây)..., con đường nào cũng đang trong quá trình cải tạo, mở rộng hơn trước, ngay cạnh đó thỉnh thoảng lại hiện ra những dự án, biển báo sẽ triển khai các dự án về khu công nghiệp, khu đô thị... Nay mai thôi, những con đường này sẽ trở thành huyết mạch chính của nền kinh tế Hà Nội, những khu đô thị, khu công nghiệp sẽ thành bệ phóng đưa thủ đô vươn đến tầm vóc mới.

Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển ấy, những vùng nông thôn của Hà Tây, Mê Linh (Vĩnh Phúc) và bốn xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cũng đang phải đối mặt với cơn lốc đô thị hóa. Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Quyết (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Tây) cho hay gia đình anh có hơn một sào ruộng và một mẫu đồi trồng chè. Từ trước tới nay cả gia đình vẫn sống bằng việc canh tác trên quỹ đất đó, nhưng sắp tới phần đất đó sẽ bị lấy đi để triển khai dự án Khu công nghiệp Bắc Phú Cát (Thạch Thất). "Chúng tôi vẫn chưa biết chuyển sang nghề gì vì không còn đất nữa rồi, chắc là lại đi buôn bán vặt thôi" - anh Quyết nói.

Bên cạnh sự háo hức, hồ hởi của người dân trước thời điểm mở rộng Hà Nội, bộ máy lãnh đạo mới của Hà Nội cũng phải giải quyết hàng loạt vấn đề: quản lý, quy hoạch đô thị; vấn đề đời sống của người nông dân sau đô thị hóa; vấn đề nông nghiệp, văn hóa làng nghề...

Hạn chế xáo trộn công việc

5BwJxxsv.jpgPhóng to
TP Hà Đông được thành lập đầu năm 2007, kể từ ngày 1-8-2008 sẽ trở thành TP trực thuộc Hà Nội - Ảnh: V. Dũng
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết công việc đầu tiên của TP Hà Nội mới phải làm thật tốt đó là sớm ổn định, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự và ổn định tinh thần công chức. Sau ngày hợp nhất, các cơ quan, đơn vị rà soát, niêm yết công khai danh mục các giao dịch hành chính, dân sự; phân công và cử cán bộ ứng trực thường xuyên tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh.

Theo ghi nhận tại TP Hà Đông sáng 31-7, hai nhóm vấn đề mà người dân quan tâm nhiều nhất thuộc các lĩnh vực nhà đất và cấp phép xây dựng. Nhiều hộ dân băn khoăn về những thủ tục trong các lĩnh vực này đã thực hiện từ trước đến nay như xin cấp "sổ đỏ”, cấp phép xây dựng nhưng chưa được giải quyết xong trước ngày 1-8. Lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội khẳng định tất cả các thủ tục về đất đai của người dân, doanh nghiệp đã thực hiện trước ngày 1-8 nhưng chưa được xử lý xong sẽ được giải quyết tiếp. Các đơn vị thụ lý hồ sơ đã hoàn tất công đoạn nào thì tiếp tục giải quyết các bước tiếp theo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 31-7, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đỗ Xuân Anh khẳng định mọi bộ phận thuộc Sở Xây dựng Hà Tây trước đã được sáp nhập về trụ sở của Sở Xây dựng Hà Nội, riêng bộ phận cấp phép xây dựng và trả kết quả cấp phép thuộc khu vực Hà Tây vẫn duy trì tại điểm số 1 phố Ngô Thì Nhậm (Hà Đông). Ông Anh cho biết việc duy trì thêm điểm giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng thứ 2 thuộc sở này nhằm hạn chế những xáo trộn nhất định.

Mặt khác các đơn vị, người dân, tổ chức có nhu cầu giải quyết thủ tục về cấp phép xây dựng không phải đi xa đến trụ sở Sở Xây dựng tại 52 Lê Đại Hành (Hà Nội). Theo Sở Xây dựng, việc cấp phép xây dựng trên địa bàn các quận huyện thuộc TP Hà Nội (cũ) vẫn được thực hiện theo các quy định hiện nay của TP. Các khu vực trên địa bàn các huyện, TP trực thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) vẫn thực hiện theo quy định của UBND tỉnh Hà Tây và chờ đến khi UBND TP Hà Nội ban hành quy định mới.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lưu Tiến Định cho biết để tất cả các đơn vị trực thuộc TP Hà Nội mới có thể vận hành ngay từ 1-8, sau giờ hành chính ngày 31-7 Bộ Công an sẽ hỗ trợ TP cùng Công an TP thực hiện phát con dấu cho các cơ quan hành chính, sau đó từ ngày 1-8 sẽ giám sát việc tiêu hủy con dấu cũ tại các đơn vị. Ông Định cũng cho biết TP đã có ý kiến chỉ đạo tất cả mọi sở ngành ngoài việc sớm công bố địa chỉ trụ sở, niêm yết công khai mọi thủ tục hành chính tại trụ sở mới phải bắt tay ngay vào giải quyết công việc từ 1-8.

* Ngày 30-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành nghị định số 82 về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 107 quy định về số lượng phó chủ tịch và cơ cấu thành viên UBND các cấp. Theo đó, bổ sung điều 4a như sau: UBND TP Hà Nội có 13 thành viên, gồm một chủ tịch, không quá tám phó chủ tịch và các ủy viên. (TTXVN)

* Theo thông báo của UBND TP Hà Nội, bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-8, các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) sẽ sử dụng con dấu mới đúng địa danh TP Hà Nội. Riêng TP Hà Đông và TP Sơn Tây (gồm tất cả phường, xã của hai TP này) cùng bốn xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) sẽ tiếp tục sử dụng con dấu hiện hành cho đến khi Chính phủ có nghị định mới về tổ chức và tên gọi của hai TP trên và sau khi HĐND TP Hà Nội có nghị quyết hợp nhất bốn xã thuộc huyện Lương Sơn vào huyện nào đó của TP Hà Nội. (Xuân Long)

* Hà Nội vừa có thông báo về việc điều chỉnh trụ sở làm việc của một số cơ quan TP Hà Nội (mới). Thanh tra Nhà nước TP Hà Nội (mới) sẽ tiếp nhận và sử dụng trụ sở làm việc của Thanh tra tỉnh Hà Tây (số 100 Tô Hiệu, Hà Đông) và trụ sở Hội Nông dân tỉnh Hà Tây (29 Hoàng Diệu, Hà Đông). Công an TP Hà Nội (mới) ngoài trụ sở làm việc hiện tại, tiếp nhận thêm trụ sở của Thanh tra Nhà nước TP tại 62 Trần Quốc Toản, Hà Nội. Hội Nông dân TP sẽ đến làm việc tại trụ sở Sở GTVT tỉnh Hà Tây (số 1 Quang Trung, Hà Đông). Ủy ban MTTQ TP Hà Nội (mới) sẽ tiếp nhận và quản lý thêm trụ sở làm việc của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tây hiện nay (số 12 Nguyễn Trãi, Hà Đông) cho đến khi TP cân đối, sắp xếp thêm địa điểm làm việc phù hợp. Ngoài trụ sở hiện tại ở số 4 Tây Sơn (Hà Nội), Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp nhận và tạm thời quản lý trụ sở Sở Y tế Hà Tây tại đường Quang Trung, Hà Đông.

Xuân Long

TRỌNG PHÚ - XUÂN LONG

_____________________

Mê Linh lần thứ hai sáp nhập

Nghe đọc nội dung toàn bài:
jFSEsc56.jpgPhóng to
Chiều 31-7, các nhân viên văn phòng UBND huyện Mê Linh cố gắng đóng dấu cho kịp thời khắc thu hồi con dấu - Ảnh: Đỗ Hữu Lực
"Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi đã trở thành công dân thủ đô, cảm giác thật bâng khuâng và lưu luyến" - rất nhiều người dân huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) chúng tôi gặp ngày 31-7 đều "đếm ngược thời gian" như vậy. Nhiều người dân huyện trung du Mê Linh đã bày tỏ niềm phấn khởi, tâm sự vào thời điểm 0 giờ ngày 1-8 sẽ thức dậy để đón chào thời khắc lịch sử như "đêm giao thừa" khi trở thành công dân thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, không ít người dân bày tỏ niềm lo lắng khi về đơn vị hành chính rộng lớn như thủ đô Hà Nội mở rộng. Nông dân Nguyễn Văn Thắng, 57 tuổi, ngụ thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh), với nét mặt đăm chiêu cho hay ông đã chứng kiến lần này là lần thứ hai Mê Linh sáp nhập về Hà Nội. Trước đó từ năm 1978 đến 1991, huyện này đã có gần 12 năm chung sức xây dựng thủ đô, sau đó lại được tách để nhập vào tỉnh Vĩnh Phú. "Tôi thấy ở tỉnh nào cũng được, miễn là đời sống người dân được quan tâm tốt hơn" - ông Thắng nói.

"Điều đáng quan tâm nhất, lo lắng nhất của chúng tôi - những người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp cho các dự án đô thị - là vấn đề giải quyết đất dịch vụ cho người dân ra sao" - ông Ngô Văn Phong, nông dân xã Thanh Lâm, tâm sự. Theo ông Phong, Vĩnh Phúc có chính sách thu hồi đất nông nghiệp để phát triển các dự án công nghiệp và tạo điều kiện cho người dân được cấp đất dịch vụ từ năm 2004, nhưng hiện nay chưa có khu vực nào được thực hiện.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Nguyễn Xuân Trường thừa nhận việc giải quyết đất dịch vụ cho bà con nông dân bị thu hồi đất vẫn chưa được thấu đáo, còn dở dang nên vấn đề này sẽ được chuyển về Hà Nội (mới) giải quyết. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 2.000 hộ dân trong diện thu hồi đất nông nghiệp vẫn chưa được cấp đất dịch vụ. Hai ngày trước khi Mê Linh sáp nhập về Hà Nội, hơn 200 hộ dân của xã Thanh Lâm đã tràn vào khu dự án của Công ty An Phát để trồng cây, lấy lại đất dự án đã bị thu hồi vì họ cho rằng họ chưa được giải quyết đất dịch vụ.

17g chiều 31-7, tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của huyện Mê Linh đã đồng loạt niêm phong con dấu, bàn giao cho cơ quan chức năng. Tại trụ sở UBND huyện Mê Linh trước giờ thu hồi con dấu, các nhân viên phải làm việc hết tốc lực trong khi rất nhiều người dân và doanh nghiệp còn đứng đợi. Ông Nguyễn Xuân Trường cho biết từ 1-8, UBND huyện Mê Linh là đơn vị hành chính của thủ đô Hà Nội, nhưng phải đến ngày 5-8 UBND tỉnh Vĩnh Phúc và UBND TP Hà Nội mới làm việc chính thức bàn giao hồ sơ sổ sách cũng như danh sách cán bộ, công chức...

Tin bài liên quan:

Danh mục sắp xếp bố trí trụ sở làm việcCuộc tranh luận chưa ngã ngũĐồng ý hay không là quyền của Quốc hộiQuản lý vùng đô thị Hà nội: tập trung hay tạm quyền?Thảo luận mở rộng Hà NộiKhông nên mở rộng Hà Nội một cách cơ họcĐừng để con cháu trách cứ chúng taĐề án xây dựng quá vội vàngMở rộng Hà Nội: phải có cái nhìn nghiêm túcQui hoạch vùng thay vì mở rộng thủ đôHà Nội mở rộng để phát triển?Tư vấn nước ngoài sẽ tham gia dự án mở rộng Hà NộiKhông nên mở rộng Hà NộiMở rộng vùng thủ đô: khó nhất là quản lýTừ ngày 1-8 mở rộng địa giới Hà NộiGấp rút chuẩn bị nhân sự cho Thủ đô mới

ĐỖ HỮU LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên