10/07/2005 17:55 GMT+7

Gương mặt trong tháng: "Ông thánh sống" Bob Geldof

ANH NGUYỆN
ANH NGUYỆN

TTO - 10 buổi diễn Live 8 đã khép lại, Hội nghị thượng đỉnh G8 cũng bế mạc. Quyết định của G8 cho các vấn đề châu Phi được xem là “tin vui trọng đại”.

mB3IlM6R.jpgPhóng to
Bob Geldof - “luật sư” của người nghèo

Công đầu thuộc về ông bầu Bob Geldof, người đã chỉ đạo các buổi diễn và diễu hành trên khắp thế giới đấu tranh để châu Phi thoát cảnh đói nghèo.

Những ai không ưa gọi ông là kẻ gàn lo chuyện thiên hạ, những ai ủng hộ gọi ông là luật sư của người nghèo, quá khích hơn còn xưng tụng ông là “ông thánh sống”.

Bob Geldof đã cảm thấy nhức nhối và bứt rứt vì những bất công như thế vẫn còn thổi vào sân khấu thế giới khi ông còn là một ngôi sao nhạc rock trẻ tuổi trong ban nhạc The Boomtown Rats của thập niên 1970.

Cho dẫu có yêu mến hay chán ghét ông, gã bờm xờm tóc muối tiêu người Ireland này đã là nguồn động viên tinh thần, niềm cảm hứng cho rất nhiều tượng đài nhạc pop, chính trị gia và hàng triệu người dân thường dám đương đầu với những trăn trở của thời đại.

Một trong những trăn trở đó là sự bần cùng của châu Phi - những con người mà quá khứ và hiện tại của họ cứ như màu da đen, bao giờ sẽ xán lạn hơn?

P47BdQez.jpgPhóng to
Cùng với Paul McCartney và dàn đồng ca thiếu nhi da đen trên sân khấu công viên Hyde ở London trong show Live 8

Sinh ngày 5-10-1954 tại Dublin trong một gia đình khá nghèo, có lẽ ông hiểu được phần nào nổi khổ mà hiện tại 50.000 người dân châu Phi đang sắp chết vì thiếu lương thực. Geldof còn là đứa trẻ đáng thương. Mẹ mất khi ông còn rất nhỏ và cha thường xuyên vắng nhà vì những chuyến làm ăn xa.

Ông trở thành phóng viên âm nhạc trước khi nổi tiếng vào giữa thập niên 1970 với vai trò là trưởng nhóm The Boomtown Rats, nhóm nhạc có rất nhiều bài hit tại Anh quốc, nhưng được nhớ nhất vẫn là bản I Don't Like Mondays - ca khúc đã được “ông bầu” Bob Geldof trình diễn trên sân khấu công viên Hyde trong chương trình Live 8 ở London.

PBOzWh6g.jpgPhóng to
Bob Geldof trong nhóm The Boomtown Rats thuở xưa (ngoài cùng bên phải)
Có một dạo vì mưu sinh, Geldof cũng tập tòi làm diễn viên, nổi bật với sự xuất hiện trong phim ca nhạc Pink Floyd The Wall 1982. Hai năm sau, The Boomtown Rats không còn trên đỉnh cao của các bảng xếp hạng và sự chú ý của Geldof đã bị hớp lấy trong một bản tin trên BBC báo cáo về nạn đói tại Ethiopia. Ông thề sẽ phải làm một điều gì đó cho người nghèo châu Phi, đúng với tinh thần rock-and-roll thật sự.

Cùng với Midge Ure của nhóm Ultravox, Bob Geldof đã viết bản Do They Know It's Christmas qui tụ hơn 40 nghệ sĩ hàng đầu trình bày bản ballad này để gây quĩ từ thiện. Bản ghi âm dưới cái tên chung Band Aid đã mang về 14 triệu USD cho châu Phi kể từ khi nó phát hành vào 1982. Thế nhưng Geldof cảm thấy ông có thể làm được điều gì đó lớn lao hơn. Vì thế, Live Aid 1985 ra đời trước khi ông đi khắp nơi thế giới để làm người hành khất dễ thương cho châu Phi. Live Aid được 1,5 tỉ người theo dõi tại London và Philadelphia và qua truyền hình đã thu về 100 triệu USD.

Live Aid đã trở thành bước đột phá trong lịch sử âm nhạc, mở đường cho hàng loạt các chương trình biểu diễn từ thiện qui mô lớn như Hòa nhạc mừng sinh nhật thứ 70 của tổng thống Nelson Mandela (gây quĩ chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid tại Nam Phi), Tưởng nhớ Freddie Mercury (gây quĩ cho nghiên cứu và nhận thức về AIDS - căn bệnh mà Mercury đã chết), Net Aid (gây quĩ cho Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc), 46664 (gây quĩ cho Tổ chức Nelson Mandela về ngăn ngừa, điều trị và nghiên cứu bệnh AIDS), và gần đây nhất là Xoa dịu nỗi đau sóng thần (gây quĩ cứu trợ các nạn nhân sóng thần ở châu Á).

K3IpEyD2.jpgPhóng to
Niềm vui chiến thắng của Bono và Bob Geldof
Cần nhắc lại, chính Bob Geldof còn là người ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ Anh trong việc trợ cấp cứu đói cho châu Phi dưới thời Margaret Thatcher làm thủ tướng. Với những việc làm đó, tên ông đã oai phong gắn thêm chữ “Sir” (Ngài) phía trước, khi ông được phong hầu tước danh dự vào 6-1996.

Với Live 8 lần này (ước tính 85% dân số thế giới đã theo dõi show âm nhạc liên lục địa hoành tráng nhất hành tinh), Bob Geldof đã khẳng định đây không phải là một Live Aid tập 2, không phải hòa nhạc từ thiện, nhưng là hòa nhạc chính trị. Ba yêu cầu các nước giàu nhất thế giới trong nhóm G8 mà bạn có thể đọc được khi tham gia kí tên trên mạng đòi công lý cho người dân châu Phi tại trang web chính thức của Live 8 - www.live8live.com/list - đa phần đã gặt hái thành công.

Bob Geldof - người vừa được Ủy ban Nobel của Na Uy đề cử trao giải Nobel Hòa bình 2006 - đã trao điểm 10/10 cho các lãnh đạo G8 về vấn đề viện trợ và 8/10 trong vấn đề xóa nợ. “Công lý cao đẹp đã được thực thi” - Geldof phát biểu tại họp báo 8-7-2005 ngay sau khi bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G8 - “Chúng ta đang chứng kiến sự đổi thay kiếp người của người nghèo châu Phi - vốn có được không phải bằng từ thiện, nhưng bằng công lý.”

ANH NGUYỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên