16/09/2016 08:25 GMT+7

GS Trần Văn Giàu: Thử thách khắc nghiệt rèn luyện nhân cách lớn

PHẠM VŨ (phamvu@tuoitre.com.vn)
PHẠM VŨ (phamvu@tuoitre.com.vn)

TTO - 130 tác giả gửi tham luận tham gia hội thảo “Đồng chí Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học - Dấu ấn một nhân cách” do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 15-9 đều gọi “thầy” với GS Trần Văn Giàu.

Cuốn sách Trần Văn Giàu - dấu ấn trăm năm của nhiều tác giả, do NXB Trẻ tái bản lần thứ ba được giới thiệu tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG
Cuốn sách Trần Văn Giàu - dấu ấn trăm năm của nhiều tác giả, do NXB Trẻ tái bản lần thứ ba được giới thiệu tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG

Đồng chí Trần Văn Giàu là một tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, đức độ, tài năng, cùng những cống hiến và cuộc đời thăng trầm của mình đã để lại những dấu ấn không thể phai nhạt trong lòng đồng bào cả nước, đồng bào Nam bộ

Trích tham luận của nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM LÊ THANH HẢI

Thời cuộc đã đưa đẩy nhà cách mạng lẫy lừng, đầy khí phách và bản lĩnh Trần Văn Giàu trở thành một thầy giáo, một nhà nghiên cứu khoa học uyên bác và nghiêm cẩn.

Chính trong thử thách ấy, nhân cách của ông đã cao vượt lên, để lại cho những thế hệ đi sau sự ngưỡng phục không chỉ với những thành quả ông đạt được, mà với tâm thế bình thản khi ông bước qua khúc quanh cuộc đời, lòng trung thành với lý tưởng, với đất nước.

Khúc quanh ấy của cuộc đời ông đã không còn là một bí mật lặng lẽ nữa trong cuộc tọa đàm này.

Bước ngoặt gian truân

Tại hội thảo, lần đầu tiên TS Lưu Trần Luân - ủy viên hội đồng biên tập NXB Chính Trị Quốc Gia - công bố nội dung Trần Văn Giàu đã kiểm thảo trong cuộc chỉnh huấn năm 1952: “Những khuyết điểm trên cương vị bí thư Xứ ủy và chủ tịch Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến đầu tiên của Nam bộ: không thống nhất được nội bộ; lợi dụng công khai lập Thanh niên tiền phong; liên lạc đầu cơ và vô nguyên tắc với bọn thân Nhật, bọn Pháp để nó lợi dụng; ra khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc Nhật, bài trừ phản động Pháp. Đông Dương độc lập muôn năm” trái với khẩu hiệu “Đánh Pháp đuổi Nhật” của trung ương; không chủ trương phát động chiến tranh du kích...”.

Bước ngoặt gian truân trong sự nghiệp và những oan khiên của cuộc đời GS Trần Văn Giàu chính ở chỗ này.

TS Lưu Trần Luân phát biểu: “Sau 70 năm nhìn lại, về mặt khoa học, chúng ta cần đánh giá một cách khách quan, công bằng, công tâm vị trí, vai trò của Trần Văn Giàu với tiến trình cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn và toàn Nam bộ”.

Và những trang sử máu và hoa của miền Nam đã rõ: vai trò mang tính quyết định của Trần Văn Giàu ở hội nghị Chợ Đệm tổ chức khởi nghĩa Tháng Tám 1945, hội nghị Cây Mai quyết định Nam bộ kháng chiến 23-9-1945 là không có gì để bàn cãi.

Đồng ý với ông Luân, TS Hồ Sơn Diệp, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, còn quan tâm đến một sự kiện cũ hơn nhưng thể hiện rõ tính cách Trần Văn Giàu: “Năm 1934, ông tiến hành cải tổ hệ thống tổ chức Đảng, giải thể Xứ ủy Nam kỳ, thành lập Đảng ủy liên địa phương Nam Đông Dương bao gồm miền Đông Nam kỳ, miền Tây Nam kỳ, miền Trung Trung kỳ và Campuchia nhằm tập hợp lực lượng cách mạng đủ mạnh để đối trọng với Chính phủ Pháp ở Nam kỳ. Tuy nhiên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất họp tại Macau ra quyết định giải thể Đảng ủy liên địa phương Nam Đông Dương và tái lập Xứ ủy Nam kỳ, không có tên ông”.

Trần Văn Giàu chấp hành không thắc mắc.

Ông Diệp nhận xét: “Quyết định thành lập Đảng ủy liên địa phương Nam Đông Dương của Trần Văn Giàu năm 1934 có hợp lý không, đúng hay sai, lịch sử sẽ phán xét. Ở góc độ cá nhân, một cán bộ lãnh đạo Đảng cần có những quyết định táo bạo như ông, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đó chính là cốt cách của một lãnh tụ cách mạng chân chính”.

Tin vào cái sáng suốt của người đời

PGS.TS Võ Văn Sen nhắc lại lời tâm sự mà GS Trần Văn Giàu đã nói với học trò: “Tôi tin vào cái sáng suốt của người đời. Sóng gió chỉ là phơn phớt trên mặt thôi, người đời bao giờ cũng đánh giá đúng. Nếu bản thân, bằng thực tiễn tỏ ra không có năng lực, không ý chí thì sóng gió vùi dập chẳng trách ai được. Phải có chí, có lòng tin, bồi dưỡng mãi năng lực của mình thì người ta sẽ đánh giá mình bằng hoạt động, bằng những công trình, bằng nhân cách của mình”.

Và sau vài năm tiếp tục hoạt động ở Thái Lan, Campuchia với nhiệm vụ lập căn cứ hậu cần mua sắm vũ khí tiếp tế cho chiến trường Nam bộ, từ năm 1949 sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học của ông chính thức bắt đầu.

Ông đã nói về bước ngoặt này của mình: “Tôi cũng dự liệu là bước chuyển này sẽ không có kết quả. Nhưng tôi tự tin hồi nhỏ mình học giỏi, mấy lần vào tù lại giảng dạy nhiều. Tôi tin rằng kinh nghiệm có thể giúp tôi chuyển sang làm khoa học, dạy đại học có kết quả, có thể làm được”.

GS Trần Văn Giàu đã tự tin, đĩnh đạc cắn răng vượt qua nỗi đau đời mình như thế, như cái ngày vừa ra tù, đoàn tụ với vợ, với mẹ được chín ngày thì lại bị bắt. Hôm đó, ông viết: “Can đảm mấy cũng phải đứt ruột. Đứt ruột thì vẫn phải can đảm”.

Ngày nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, ông đã rơi nước mắt: “Nhân hôm nay, tôi nói tôi có một khuyết điểm to lớn là: bắt đầu nổ súng chống Pháp ở Nam bộ rồi 30 năm kháng chiến, nhưng chỉ có mấy tháng đầu tôi ở Sài Gòn, rồi sau đó tôi không có mặt. Tôi xấu hổ lắm, anh chị em thông cảm cho tôi. Hôm nay Nhà nước trao danh hiệu Anh hùng Lao động, tôi cho là phần nào, một cách để tôi rửa mặt...”.

Ông Phan Xuân Biên nói trước các đại biểu như là tự nói với mình: “Các công trình của GS Trần Văn Giàu gửi đi một thông điệp mà có lẽ đến nay cần quán triệt nghiêm túc, ấy là sứ mạng, trách nhiệm của khoa học xã hội nói chung, sử học và nhà sử học nói riêng trước nhân dân, trước dân tộc phải khách quan, trung thực, tôn trọng lịch sử, kiên quyết bảo vệ chân lý lịch sử. Ấy là nhân cách Trần Văn Giàu”.

Sống một đời trọn cả trăm năm, những điều GS Trần Văn Giàu để lại, hậu thế chiêm nghiệm và thảo luận mãi vẫn còn chưa đủ.

Ông Tất Thành Cang - Ảnh: T.TR.
Ông Tất Thành Cang - Ảnh: T.TR.

Tham dự hội thảo có Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư cùng nhiều nhà khoa học trong cả nước

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Tất Thành Cang nhấn mạnh về nhân cách Trần Văn Giàu: “Có những bước ngoặt trong cuộc đời mấy ai biết hết nông sâu, nhưng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, tên tuổi Trần Văn Giàu luôn là một sự khẳng định về uy tín của một người chính trực, thể hiện son sắt một tinh thần cách mạng cao quý, kiên định gian nan không lùi bước, hiểm nguy không sờn lòng.

Những thăng trầm đầy gian khó đặt đồng chí trước những thử thách khắc nghiệt, nhưng chính thử thách ấy đã rèn luyện sự kiên định, lòng trung thành của nhân cách lớn”.

PHẠM VŨ (phamvu@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên