21/04/2009 08:45 GMT+7

Graham Potter: Bất ngờ với Việt Nam

Theo HỒNG NHUNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo HỒNG NHUNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Graham Potter đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn ngay từ những năm đầu thập niên 1990. Sau hai lần đến, dù không tìm thấy điều định tìm, ông vẫn sớm trở lại đất nước này lần thứ ba và gắn bó luôn từ đó đến nay. Lý do là sau khi đến Việt Nam, ông bỗng nhận thấy cuộc đời trước đây của mình như thiếu một cái gì.

G0KaTl6h.jpgPhóng to
Graham và các bảo vệ trong công ty
Graham Potter đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn ngay từ những năm đầu thập niên 1990. Sau hai lần đến, dù không tìm thấy điều định tìm, ông vẫn sớm trở lại đất nước này lần thứ ba và gắn bó luôn từ đó đến nay. Lý do là sau khi đến Việt Nam, ông bỗng nhận thấy cuộc đời trước đây của mình như thiếu một cái gì.

Đến để chờ cơ hội

Đầu năm 1993, được công ty giao nhiệm vụ khảo sát cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Graham từ quê nhà Canada một mình thực hiện chuyến đi đến châu Á lần đầu tiên trong đời. Ông còn nhớ trong 15 ngày ngắn ngủi đã kịp đi từ Hà Nội, đến Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tây rồi TP.HCM, gặp 35 đoàn doanh nhân và nhận được 135 lời mời hợp tác đầu tư trong rất nhiều ngành nghề.

Bất ngờ đầu tiên đối với Graham là sự “đa năng” của một số doanh nhân Việt Nam. Có người lúc đầu đến gặp ông là để bàn về một dự án sản xuất linh kiện điện tử, nhưng khi nghe ông nói ông thích hải sản Việt Nam thì đưa ngay lời đề nghị hợp tác đầu tư nuôi trồng thủy sản. Tương tự, khi ông khen cát Việt Nam có chất lượng tốt, một dự án khai thác cát cũng được đem ra chào mời luôn! Tuy có ấn tượng trước sự nhiệt tình và xông xáo của những doanh nhân ấy nhưng mức độ thiếu chuyên nghiệp thời tiền hội nhập làm ông chưa cảm thấy yên tâm.

Bất ngờ thứ hai là khi đến tham quan một trường dạy nghề ở Nam Định, ông thấy phòng thực nghiệm sửa chữa điện của trường chỉ là ổ điện, vài sợi dây điện và một cái bóng đèn. Còn ở nhà máy bia Phủ Lý, ông thấy người ta dùng vòi cao su đong bia vào đủ mọi loại chai với đủ mọi hình dạng và kích cỡ. Vì đã quen với quy trình tự động đóng chai ở Bắc Mỹ, ban đầu ông cảm thấy... buồn cười, nhưng cũng nể phục sự sáng tạo của người Việt.

Chưa tìm được cơ hội đầu tư, một năm sau Graham tiếp tục trở lại Đà Nẵng để tìm hiểu cơ hội hợp tác sản xuất thủy tinh. Tiếc rằng trong lần thứ hai, ông vẫn chưa thấy cơ hội để đầu tư lớn vào Việt Nam. Nhưng điều lạ lùng là về đến Canada, ông bỗng thấy cuộc sống ở quê nhà hơi... đơn điệu!

Hai chuyến đi đến Việt Nam đều không mang lại hiệu quả kinh tế nhưng lại làm thay đổi cuộc đời Graham. Vẫn biết môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa phải là lý tưởng, nhưng sự linh hoạt, cởi mở, cần cù của người Việt đã làm ông tin rằng cơ hội để đất nước này đánh thức được các nguồn tiềm năng nhất định sẽ đến. Thế là tháng 7-1995, Graham quyết định chuyển đến... sống thử ở TP.HCM.

Và muốn ở lại lâu dài

Sáu tháng đầu tiên, Graham rất náo nức và cũng vất vả với nhiều dự án thương mại, giao dịch giữa các nhà đầu tư Canada và các doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ làm cầu nối cho doanh nhân Canada sang mua bột quế ở Việt Nam hay giúp công ty sản xuất máy may ở quê nhà bán hàng sang Việt Nam. Thách thức không phải là ít, nhất là phải qua nhiều khâu trung gian của cả hai phía và hoàn tất các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

Bước ngoặt đến với Graham vào tháng 12 năm đó, khi ông được mời vào làm giám đốc tiếp thị và bán hàng của Công ty Dịch vụ bảo vệ Long Hải - doanh nghiệp vừa mới được thành lập. Dịch vụ cung cấp bảo vệ lúc ấy chưa có bao nhiêu nhu cầu nhưng đó lại là cơ hội để ông phát huy hết khả năng ngoại giao và tiếp thị của mình.

Ngoài công việc kinh doanh, Graham rất hăng hái trong các hoạt động xã hội và nghiệp đoàn. Ông là một trong những người đề ra ý tưởng thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Canada tại Việt Nam (CanCham) và giữ chức chủ tịch hiệp hội này từ năm 1999 đến năm 2003. Mong muốn cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu rộng rãi đã khiến Graham nảy ra ý tưởng xây dựng một bản tin điện tử thường kỳ về những sự kiện văn hóa, giải trí, thương mại ở TP.HCM. Thế là đêm đó ông thức đến 3 giờ sáng để lên danh sách những sự kiện sẽ diễn ra trong tháng và gửi đến khoảng 40 người bạn bản tin mang tên Upcoming Events, Eh?! (Những sự kiện gì sắp diễn ra?).

Bản tin này đáp ứng đúng nhu cầu cập nhật các thông tin về hoạt động giao lưu của người nước ngoài tại Việt Nam nên được lan truyền nhanh chóng. Đến nay, lượng độc giả của Graham đã lên đến hàng ngàn người. Việc làm vì cộng đồng này đã góp phần làm tên tuổi Graham Potter trở nên thân quen với các doanh nhân nước ngoài, cũng nhờ đó mà ông nhận được nhiều sự hỗ trợ cho công việc tiếp thị của Công ty Long Hải.

Trong kinh doanh, vượt qua được thử thách này thì sẽ phải tiếp tục đối mặt với thử thách khác. Sau mười ba năm phát triển, khi dịch vụ cung cấp bảo vệ đã trở nên quen thuộc thì hiện nay, Long Hải phải cạnh tranh với khoảng 350 công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên đối với Graham, bên cạnh áp lực của công việc vẫn có niềm vui, mà một trong những niềm vui đó là thường xuyên nhận được lời mời đám cưới, đám giỗ, thôi nôi... từ các bảo vệ. Gramham rất thích thú với những lời mời này vì đây cũng là dịp để ông đến thăm các vùng tại Việt Nam và khám phá những phong tục dân gian thú vị.

Graham cho biết sống ở Việt Nam “vô cùng dễ chịu” và muốn ở lại đây lâu dài. Chỉ một điều làm ông băn khoăn là... khi về hưu sẽ sống ở đâu. Mũi Né yên bình, Hội An nhiều màu sắc, hay TP.HCM với nhiều người bạn chân thành? Và Đà Lạt, Sơn La, Lào Cai, mỗi nơi đều có những góc phố, những cung đường mà ông yêu thích. Xem ra việc lựa chọn sẽ ngày càng khó khăn, vì thời gian ở Việt Nam càng dài Graham sẽ càng khám phá thêm nhiều điều thú vị ở nhiều vùng khác nhau trên đất nước này.

Theo HỒNG NHUNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên