17/12/2009 12:45 GMT+7

Gốm Celadon Koryo Triều Tiên

Theo NGUYỄN HẢIDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo NGUYỄN HẢIDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Xuất hiện từ khoảng thế kỷ VIII-IX, trải qua nhiều thăng trầm, gốm celadon Triều Tiên (người Triều Tiên gọi là Cheong-Ja) có những đột biến bất ngờ, khiến chính các nghệ nhân gốm celadon Trung Quốc cũng phải thán phục và liệt vào hàng trân bảo của thế giới.

Trong văn hóa của người Triều Tiên, ngọc là biểu tượng của sự thịnh vượng, tinh tế, tao nhã…, đồng thời cũng mang những ý nghĩa tôn giáo về sự sống sau cái chết và có tác dụng trừ tà ma. Ngọc quý hiếm đến độ những nghệ nhân đã gắng sức tạo nên ngọc từ đất sét và kết quả là sự ra đời của loại hình gốm mang tên Cheong-Ja.

EaXD75ED.jpgPhóng to
Ấm hoa Celadon

Đỉnh điểm của nghệ thuật gốm Cheong-Ja Triều Tiên là trong thế kỷ XII-XIII, thuộc triều đại Koryo (918-1392), nên giới sưu tập thế giới vẫn quen gọi là đồ Koryo. Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, triều đại này đã tạo nên nhiều thành tựu văn hóa cho Triều Tiên. Những nghệ nhân gốm sứ Hàn Quốc đã phát triển những kỹ thuật học được từ Trung Quốc từ thế kỷ X để sáng tạo nên những loại hình gốm celadon mới và nhiều các sản phẩm gốm sứ tuyệt đẹp đã được sản xuất nhằm phục vụ cho các nghi lễ trong chùa.

Những kỹ thuật khảm, sử dụng men có nguồn gốc từ đồng đỏ… tuy đã được Trung Quốc sử dụng nhưng chỉ trở nên hoàn hảo bởi những thợ gốm Hàn Quốc và tất nhiên là chúng được triều đình Koryo đưa vào trưng bày trong các tàng khố và sử dụng trong đời sống vương giả thường ngày.

Thế nhưng, sau cuộc chiến xâm lược của người Mông Cổ vào khoảng năm 1231, thời đại hoàng kim của gốm celadon Triều Tiên đã một đi không trở lại. Những di vật còn sót lại triều đại Koryo đã trở thành những báu vật và một số ít trong chúng được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Hán Thành (Seoul) của Triều Tiên.

Những món đồ gốm tinh tế với nước men có sắc độ từ xám nhạt đến xanh lục nhờ ở những kỹ thuật tạo men và nung đã khiến celadon Triều Tiên chiếm được cảm tình của mọi người, trở thành dòng gốm chính được sản xuất trên bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn đó. Celadon Koryo có rất nhiều chủng loại, từ những món đồ trơn cho tới những món đồ được chạm khắc, khảm, đắp nổi, chạm lộng…

Có cả những món đồ được tô điểm thêm bằng những tổ hợp men màu như màu đen hoặc nâu (từ oxit sắt), màu đỏ (oxit đồng), thậm chí với cả vàng mà rất khó tìm được những tiêu bản tương tự ở các lò celadon truyền thống Trung Quốc.

2muO1dCy.jpgPhóng to
Ấm rồng

Đỉnh cao của gốm celadon Koryo chính là thể loại đồ án khảm - sanggam (xuất hiện trong những năm 1150-1250). Ở kỹ thuật này, món đồ sau khi được phơi khô, các hình trang trí sẽ được khắc lên hoặc được khoét ra, rồi được lấp lại bởi những miếng lót bằng đất sét đen hoặc trắng. Để trang trí những chi tiết, thợ gốm sử dụng cả axit trong kỹ nghệ gốm sứ. Sau khi tráng lên toàn bộ món đồ nước men có thể thấu quang, sản phẩm được đưa vào lò nung.

Kỹ thuật nung đặc biệt như giảm lửa hoàn nguyên, tăng giảm nhiệt… đã tạo nên những sản phẩm gốm celadon có một không hai, vừa có kiểu dáng hoàn hảo, sống động với những đường viền mềm mại, hình trang trí đẹp mắt, màu sắc tươi sáng, huyền bí, vừa lung linh trong trẻo như ngọc, lại có sự kết hợp uyển chuyển giữa các miếng lót trắng, đen và nước men xanh lục, tạo ra sự cân đối, hài hòa mà không hề cứng nhắc.

Hơn nữa, các đồ án trang trí khảm hoặc vẽ bằng men gốc đồng đỏ lại thể hiện sự sáng tạo cả về kỹ thuật và hội họa. Những mô típ trang trí huyền ảo của đồ án khảm hòa hợp với kiểu dáng của món đồ, tông màu đỏ của men gốc đồng cũng góp phần làm cho sản phẩm tươi sáng hơn mà không phá vỡ sự phối màu.

Đặc điểm nổi bật nhất của đồ celadon khảm họa tiết là nước men rất mỏng và trong suốt khiến các đường nét khảm trở nên nổi bật và có chiều sâu. Mặt khác, những món đồ này do có nước men mỏng nên thường có những vết rạn kỳ ảo và trở thành họa tiết không thể thiếu trên loại hình gốm celadon nổi tiếng.

Cho dù những ý tưởng về đồ án khảm họa tiết xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng rõ ràng chúng có liên quan tới những kỹ thuật khảm kim khí có nguồn gốc từ khảm trai. Những mô típ trang trí thông dụng nhất của loại hình này là hạc và mây, cây liễu, rồng, dây nho và hài nhi, hoa sen, mẫu đơn và hoa cúc.

hXynAqqB.jpgPhóng to
Bát hoa

Một loại hình có cùng kỹ thuật tạo tác là gốm celadon vẽ trên miếng lót, ra đời vào đầu thời Koryo. Trước khi tráng men, những miếng lót sét màu trắng hoặc màu đỏ được đắp lên bề mặt của món đồ. Sau khi nung, những miếng lót trắng vẫn giữ nguyên được màu sắc, còn miếng lót đỏ biến thành màu đen. Kỹ thuật này khác với phương pháp khảm ở chỗ miếng lót được đắp nổi chứ không chìm dưới men.

Những sản phẩm được đắp miếng lót có gốc oxit sắt, với những hình vẽ trên miếng lót tạo nên vẻ đẹp tương phản giữa những mảng màu đen và trắng. Những họa tiết với kích cỡ nhỏ nổi bật trên bề mặt trơn nhẵn cũng góp phần tạo nên những hình ảnh sống động và ấn tượng.

Nếu ai đó khó tính cho rằng những chất liệu và phương pháp tạo tác như dùng các loại màu có nguồn gốc từ sắt, đồng để tạo màu dưới men (thậm chí cả vàng) để vẽ trên men của thợ gốm Triều Tiên không hẳn là những kỹ thuật vượt quá xa kỹ thuật gốm cơ bản của Trung Quốc thì có lẽ họ đã lầm. Gốm celadon Triều Tiên dưới triều đại Koryo hoàn toàn xứng đáng với những ngợi khen của các chuyên gia nghệ thuật gốm trên toàn thế giới.

Một số sản phẩm gốm Celadon Koryo Triều Tiên:

liQKJdGO.jpgPhóng to
tAdrdGJA.jpgPhóng to
lyZmRgpw.jpgPhóng to
Bovj3muo.jpgPhóng to
L4xCQAd3.jpgPhóng to
joIIbQas.jpgPhóng to
SPBUx885.jpgPhóng to
4W9QWwXP.jpgPhóng to

Các đồ án trang trí và kiểu dáng của đồ celadon Koryo đều thể hiện những tín ngưỡng bắt nguồn từ đạo Saman và Phật giáo của người Triều Tiên:

- Con rồng: Biểu tượng của mọi quyền lực.

- Con hổ: Biểu tượng của sự phò trợ, bảo vệ.

- Uyên ương: Địa vị cao quý.

- Cá: biểu tượng của sự thành công hơn mong đợi.

- Con hạc: Biểu tượng của sự bất tử.

- Vòng tròn: Biểu tượng của Mặt trời hay thể hiện sự tôn kính đối với Mặt trời.

- Hoa sen: Biểu tượng sự may mắn, hạnh phúc có nguồn gốc trong đạo Phật.

- Hoa mẫu đơn: Biểu tượng của sự giàu có và cao quý.

- Hoa cúc: Biểu tượng của sức khỏe và thịnh vượng.

- Cây tùng: Biểu tượng của đức trung quân.

Theo NGUYỄN HẢIDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên