13/06/2010 08:00 GMT+7

Gọi Huế từ thiên thu

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - 1. Vườn Cơ Hạ, cái tên ít ai biết về một khu vườn thượng uyển trong Đại nội được vua Thiệu Trị cho xây từ năm 1843.

Mưa nắng thời gian và dâu bể chiến tranh đã khiến khu vườn thượng uyển trứ danh khi xưa nay chỉ lan man cỏ dại, bức tường thành trầm mặc còn in dấu những vết đạn chi chít để lộ sắc gạch đỏ như máu ứa, nào biết dấu đạn nào đã có từ hồi Đinh Hợi (1947), vết thương nào từ thuở Mậu Thân (1968), nhưng nhìn vào đó ta nhận ra cả biên niên huy hoàng và đau thương của Huế, như một tượng trưng từ quá khứ!

QZk7J8xU.jpgPhóng to
Với những đêm nhạc Trịnh, khu vườn Cơ Hạ hoang phế bỗng hiện ra lung linh huyền ảo - Ảnh: L.Đ.Dục

Và rồi những đêm Festival 2010, khu vườn thượng uyển hoang tàn ấy đã thành nơi hội ngộ cho những ai yêu Trịnh Công Sơn. Điều đáng nói là câu chuyện từ vườn Cơ Hạ, nhạc Trịnh và festival, và Huế... những điều ấy lại có sức khái quát cho một câu chuyện dài của Huế trải suốt mười năm nay qua sáu kỳ hội hè.

Vì sao?

Tôi không được dự nhiều đêm nhạc Trịnh, nhất là từ sau khi ông qua đời, nhưng gặp võ sư, thầy giáo Nguyễn Văn Dũng ở vườn Cơ Hạ - một người thuộc thế hệ Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc Lời thiên thu gọi - ông cứ tấm tắc: trong đời ông chưa bao giờ được thấy một sân khấu nhạc Trịnh nào mang vẻ đẹp kỳ lạ như thế này.

Bởi trên khu vườn hoang tàn ấy, còn một ngọn đồi cao tên gọi Tỉnh An Sơn, trên đỉnh Tỉnh An Sơn có một cây đa cổ thụ hắt bóng lên trời đêm và vẻ độc thụ cô đơn của dáng cây càng tôn thêm hình ảnh cây piano đen bóng sang trọng hào hoa, ngồi trước đàn cũng là một người bạn của thế hệ Trịnh, mái tóc trắng như cước, bộ vest lịch lãm, ông là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - cũng là một pianist tài danh cùng thế hệ Trịnh.

Và khi những ngón tay ông chạm xuống phím ngà, khi giọng ca của Ánh Tuyết, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Thụy Long, Đức Thịnh, Thủy Tiên... cất lên thì tất cả trời đêm u tịch, vườn ngự phế tích, bóng đa trầm mặc, tường thành rêu phong... và hàng trăm khán giả đang ngồi bệt trên cỏ kia như hòa làm một để nghe từ hư không vọng về những ca khúc của Trịnh, những ca khúc đã lãng du giữa trần gian mang “lời thiên thu gọi” cho mỗi phận đời, phận người, yêu thương và cứu rỗi...

Nếu không có những đêm Trịnh ở đây, chắc chắn sẽ khó có ai phát hiện vẻ đẹp kỳ diệu của khu vườn ngự hoang tàn. Cũng như thế, không có festival, sẽ có nhiều vẻ đẹp Huế thật kỳ lạ mà chúng ta sẽ không thể nào biết được.

2. Trao đổi với Tuổi Trẻ khi kết thúc kỳ Festival 2008, đạo diễn Philippe Bouler - người từng làm giám đốc Festival Huế năm 2000, 2002, đồng thời từng là giám đốc 53 festival trên thế giới - nói: “Huế là địa điểm huyền bí nhất trên hành tinh. Trên thế giới có hàng ngàn festival, nhưng nói đến địa điểm thì đây là nơi đẹp nhất”.

Đó không hề là một cách nói “ngoại giao” vì ông là một nhà tổ chức festival chuyên nghiệp. Và thật sự sau mười năm, mỗi kỳ festival Huế luôn có những điều mới mẻ, chỉ riêng có ở Huế. Lễ hội áo dài là một ví dụ.

Sân khấu cho lễ hội áo dài nhiều năm qua luôn hiện lên với vẻ đẹp rất Việt, giản dị mà vẫn lộng lẫy, thuần hậu mà vẫn nồng nàn: sân khấu ấy có thể là hào nước ngập đầy hoa sen trước kỳ đài Huế, có khi cầu Trường Tiền trở thành hậu cảnh và sông Hương là sân khấu, có khi là một cổng thành vàng son ở cửa Hiển Nhơn, khi lại là nét rêu phong của cửa Thượng Tứ.

Năm nay lễ bế mạc (20g ngày 13-6, truyền hình trực tiếp trên VTV1 và VTV4) sẽ diễn ra ở bãi bồi Chi Lăng, không ai nghĩ cái khu đất cách đây chưa xa là lau sậy nhếch nhác, nhưng với dự án chỉnh trang con đường ven bờ bắc sông Hương từ cầu Gia Hội, một không gian Huế giao thoa giữa cũ và mới chợt hiện ra.

Huế không rộng như Hà Nội hay Sài Gòn, không bát ngát không gian như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long... nhưng nếu có một thành phố mà bất cứ chỗ nào cũng trở thành nơi cho nghệ thuật trình diễn thì chắc chỉ có Huế.

Trời nước, sông núi, cỏ cây xứ Huế... do thiên nhiên ban tặng. Từ gia tài thiên nhiên ấy mà người Việt dựng nên cố đô Huế, với cung điện đền đài lăng tẩm thành quách...Từ tất cả không gian ấy mà người Huế làm festival. Nhưng cũng thực lòng rằng nếu bao nhiêu năm qua không có festival, Huế sẽ thật khó để gìn giữ cái gia tài văn hóa riêng có. Đã mất đi ít nhiều rồi đấy, khi nhìn những cao ốc bên bờ Nam trĩu nặng bêtông cốt thép đột khởi trên những vòm xanh lãng mạn.

3. Tôi lại nhớ về cái sân khấu kỳ lạ những đêm Trịnh trong vườn Cơ Hạ, sự hoang phế vẫn có vẻ đẹp riêng nếu biết đặt đúng chỗ. Vậy thì Huế có cần đến hàng chục chương trình nghệ thuật, hội tụ khắp năm châu bốn bể rồi được nói đến như một thành tích “năm sau đông hơn năm trước”!

Hội nhập, nói cho cùng cũng như nhà thơ Rasul Gamzatov: “Hãy đi đến tận cùng mảnh làng của mình, bạn sẽ gặp nhân loại”. Huế đang trên hành trình về với những giá trị văn hóa nguồn cội, không chỉ là nhã nhạc, là điệu múa cung đình, những lễ hội xa xưa đang được phục dựng...

Mỗi kỳ festival chính là những bước chân văn hóa đi về phía tận cùng của những giá trị đã kết tinh mà bao nhiêu năm qua Huế đã vô tình quên lãng. Và trên hành trình ấy, qua những kỳ festival Huế đã gặp nhân loại, làm giàu thêm những giá trị văn hóa chung của nhân loại bằng bản sắc riêng có.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên