01/08/2014 00:01 GMT+7

Gói cam kết Bali thúc đẩy xuất khẩu nông sản

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Theo đánh giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), gói cam kết Bali sẽ tạo ra 1.250 tỷ USD mỗi năm nhờ giảm chi phí và tăng hiệu quả thương mại, đồng thời tạo ra khoảng 21 triệu việc làm, trong đó có 18 triệu việc làm ở các nền kinh tế đang phát triển.

Ngày 30/7, tại TP.HCM, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Gói cam kết Bali của WTO - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”. Gói cam kết Bali nằm trong vòng đàm phán thương mại toàn cầu Doha (trong đó có Việt Nam) được thông qua vào tháng 12/2013 tại Bali (Indonesia). Đây là hiệp định đa phương đầu tiên được thông qua giữa các nước thành viên vốn có rất nhiều bất đồng về bảo hộ, trợ giá nông nghiệp cũng như các vấn đề ưu tiên của các nước phát triển dành cho các nước đang và kém phát triển.

Gói cam kết Bali được kỳ vọng đảm bảo cho chính phủ các nước đang phát triển giúp người nghèo đối chọi với các nguy cơ về an ninh lương thực, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường nông sản mới ở các thị trường phát triển. Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ NN&PTNT cho biết, gói cam kết Bali gồm 3 cấu phần chính gồm: hiệp định thuận lợi hóa thương mại; gói cam kết nông nghiệp và gói cam kết phát triển.

Điểm quan trọng của gói cam kết Bali là hiệp định tạo thuận lợi thương mại giúp đơn giản hóa thủ tục hải quan, cắt giảm chi phí, tăng tốc độ và hiệu quả thông quan hàng hóa. Về cam kết này, các nước tham gia cũng cam kết gỡ bỏ các thủ tục phiền hà ảnh hưởng đến hoạt động thương mại mậu dịch, trong đó đặc biệt là thực hiện cơ chế hải quan linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục hải quan, xây dựng cơ chế công nhận lẫn nhau trong quy tắc xuất xứ hàng hóa.

YJRN2w1N.jpg

Gói cam kết nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ người nghèo, nông dân ứng phó với các nguy cơ về an ninh lương thực và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường nông sản mới ở các nước phát triển, thông qua việc gỡ bỏ các hạn ngạch thuế quan, rút ngắn chi phí, thời gian thông quan cho hàng hóa nông sản xuất khẩu của các nước kém phát triển và đang phát triển vào các nước phát triển.

Theo đánh giá của WTO, gói cam kết Bali sẽ tạo ra 1.250 tỷ USD mỗi năm nhờ giảm chi phí và tăng hiệu quả thương mại, đồng thời tạo ra khoảng 21 triệu việc làm, trong đó có 18 triệu việc làm ở các nền kinh tế đang phát triển. Đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận thị trường nông sản mới ở các thị trường phát triển…

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, xuất khẩu hàng nông sản trong thời gian gần đây liên tục tăng. Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2014 ước đạt 17,43 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 8,31 tỷ USD, tăng 5,9%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản vẫn gặp khó khăn khi thâm nhập vào thị trường của một số nước phát triển mà nguyên nhân chủ yếu là các rào cản về mặt kỹ thuật và các thủ tục hải quan. Chính vì vậy, gói cam kết Bali với việc thực hiện cơ chế hải quan linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục hải quan, xây dựng cơ chế công nhận lẫn nhau trong quy tắc xuất xứ hàng hóa được kỳ vọng sẽ mang tới nhiều cơ hội thuận lợi đẩy mạnh hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào các nước phát triển.

Nguồn: Bộ Công Thương

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên