09/03/2019 11:43 GMT+7

'Gờ giảm tốc' thay vì cứu giá lúa

VĂN LỢI
VĂN LỢI

TTO - 10 ngày sau hội nghị bàn giải pháp cứu giá lúa tại tỉnh Đồng Tháp (ngày 25-2), giá lúa đã tăng. Phần đông người trồng lúa vẫn phải ngậm ngùi vì lúa đã bán gần hết trước khi được 'cứu giá'.

Gờ giảm tốc thay vì cứu giá lúa - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 ở An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Giá lúa giảm mạnh rồi lại tăng, lợi ích xa tầm tay người trồng lúa. "Giải cứu" lúa theo cách nào để lợi ích đến tay nhà nông?

Giá lúa tăng, nhưng...

Chiều 19-2, khi quyết định triển khai mua dự trữ quốc gia năm 2019 sớm 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo để cứu giá lúa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định cần bảo đảm quyền lợi cho nông dân, "theo nguyên tắc thị trường chứ không phải phi thị trường".

Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 ngày 11-10-2018 tại Hà Nội đã có thông tin dự báo năm 2019 sẽ đánh dấu chu kỳ tăng giá gạo trên toàn thế giới. 

Tháng 9-2018, Vinafood 2 và Công ty nông nghiệp AgriNurture Inc của Philippines đã ký biên bản ghi nhớ về việc Vinafood 2 trở thành nhà cung cấp 2 triệu tấn gạo hạt dài độc quyền hằng năm, bắt đầu từ năm 2019, cho công ty này. Hợp đồng có giá trị 1 tỉ USD.

Thị trường gạo không có vấn đề bất thường, không có chuyện giảm giá. Cớ sao lúa rớt giá? Vấn đề nằm ở lịch thời vụ. 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ: "Chưa có năm nào xảy ra chuyện thu hoạch lúa đông xuân đồng loạt ở ĐBSCL như năm nay. Từ Đồng Tháp, An Giang đến Bạc Liêu, Cà Mau lúa đều trổ chín cùng một lúc". 

Những nông dân ở Đồng Tháp còn cho biết thêm thường thì họ làm lúa phải đảm bảo "3 né": né rầy, né ruộng vùng bên và né tết. Năm nay, do mùa nước nổi kết thúc muộn, bà con xuống giống chỉ né được rầy, hai cái kia né không được thành ra khổ!

Lúa thu hoạch rộ khắp nơi cùng lúc và trùng dịp tết. Nhà nông muốn bán ngay, trong khi nhà buôn muốn mua thấp và bán giá cao. Lượng lúa cần bán quá nhiều nhưng người mua không đến, giá lập tức tụt dốc. Và rồi giá lúa đã nhích lên. Nhưng...

Cần một cơ chế bình ổn giá lúa

Những nông dân có lúa chín thu hoạch trước khi có quyết định dự trữ đã phải chịu thiệt thòi. Tại Đồng Tháp, xấp xỉ 50% số lúa đã bán ra với giá thấp. Nhiều nơi ở ĐBSCL, người làm ruộng đã bán gần hết lúa. 

Ông Nguyễn Văn Dũng - nông dân ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, có 2ha lúa phải thu hoạch và bán giá rẻ trước ngày 25-2 - nói như than: "Mắc rẻ gì cũng phải bán chứ đâu tính được gì, có cách nào đâu mà tính!".

Chính phủ đã nhiều năm ban hành các quyết định tạm trữ để giải cứu lúa gạo. Vấn đề là chính sách luôn có độ trễ, và thường là lợi ích của việc tạm trữ ít rơi vào túi nông dân. Giá lúa lao dốc với tốc độ quá nhanh nhưng khi giá lúa nhích lên, nông dân không còn lúa để bán! 

Trong bối cảnh lợi nhuận của nghề trồng lúa khá mong manh, điều nông dân cần chính là một "cơ chế giảm sốc": những giải pháp để giá lúa được ổn định, chính sách hỗ trợ cần kịp thời hơn để lợi ích đến tay nhà nông sau mỗi mùa vụ.

Ở Đồng Tháp, HTX Tân Cường (huyện Tam Nông) và HTX Tân Bình (huyện Thanh Bình) đã có lò sấy lúa, hỗ trợ nông dân lân cận sấy lúa gửi kho chờ giá lên. Lò sấy công suất 40 tấn/mẻ và kho chứa lúa 2.000 tấn lần lượt vào năm 2012 và 2014 từ nguồn tài trợ của ngân hàng. 

Ngay sau Tết Nguyên đán vừa qua, khi giá lúa xuống thấp, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các nơi này hỗ trợ người trồng lúa. Có gần 200 nông dân đem gửi khoảng 3.000 tấn lúa tại các kho này.

Cùng với đó, có hai doanh nghiệp (Công ty Lương thực Đồng Tháp, TP Cao Lãnh và Công ty TNHH Phát Tài, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) cũng thông báo cho nông dân và thương lái gửi lúa miễn phí chờ giá tại kho của doanh nghiệp. 

Ông Trần Tấn Đức, giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp, cho biết có hơn 1.000 tấn lúa của nông dân đang gửi tại kho, dự kiến vài bữa nữa sẽ bán cho công ty khi giá lên cao hơn. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trải, giám đốc HTX Tân Cường, cho biết: "Chỉ những nông dân nhiều ruộng, có tiền dư ở trong nhà mới gửi lúa, còn nông dân sản xuất nhỏ thì cắt lúa xong phải bán ngay để trả nợ vật tư, ngân hàng".

Rõ ràng giải pháp giảm việc giá lúa gạo lao dốc chỉ thực hiện trong phạm vi nỗ lực của một đơn vị, địa phương là không đủ. 

Dù tạm trữ hay dự trữ, nông dân vẫn sẽ phải chịu thiệt thòi. Lúc giá thấp, ai tạm trữ được sẽ hưởng lợi. Ai cũng muốn hưởng lợi từ việc này và người trồng lúa luôn thiệt thòi vì không thể quyết định giá, không có điều kiện trữ lúa chờ giá tốt hơn.

Cần những giải pháp giúp nông dân giữ quyền tạm trữ, khi đó nguồn cung sẽ ổn hơn, thị trường sẽ ổn hơn. Vấn đề là họ phải có kho trữ và có vốn cho vụ mùa sau để không phải bán tháo sau mỗi vụ. 

Ở Thái Lan, doanh nghiệp thu mua lúa có kho trữ lúa, đến mùa họ thu gom lúa lưu kho, khi nào nông dân muốn bán thì bán. Điều này chúng ta đã tính đến từ nhiều năm qua nhưng chưa thể thực hiện được. Nguyên do nghĩ cho cùng cũng vì lợi ích từ việc giá lúa trồi sụt và thiệt hại ở phía người trồng lúa.

Giá lúa đã nhích lên, các tỉnh thúc tiến độ tiêu thụ Giá lúa đã nhích lên, các tỉnh thúc tiến độ tiêu thụ

TTO - Nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long cho biết giá lúa đã tăng nhẹ so với trước nhưng vẫn đang ở mức thấp, trong khi áp lực mua lúa, gạo thời gian tới còn rất lớn do diện tích đã thu hoạch mới tỉ lệ không đáng kể.

VĂN LỢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên