![]() |
Cần quan tâm hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em. Trong ảnh: các em học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Hà Nội) trên đường đến trường - ảnh minh họa - Ảnh: T.T.D. |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
“Con đi học ở trường, thầy cô dạy đói cho sạch, rách cho thơm, thật thà và dũng cảm. Về nhà mẹ dạy nếu có lỗi phải nhận lỗi và sửa chữa lại lỗi. Là đứa con ngoan, bao lời dạy khắc cốt, ghi tâm nay đã bị chìm vào hố sâu tăm tối. Vì đâu hả mẹ?...”.
Ngày 15-6-2007, bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm (11 tuổi, Đồng Tháp) gửi những dòng tâm sự này cho chúng tôi. Lá thư này được gửi sau đúng ba tháng kể từ ngày 14-3, ngày mà bé bị thầy tổng phụ trách Đội, thầy hiệu trưởng Trường tiểu học An Hiệp 2 đưa lên công an xã hỏi cung vì việc mất tiền quĩ lớp 47.800đ.
Trong một lá thư khác, bé Trâm lại viết: “Con sẽ cố gắng để sống vui vẻ với gia đình và bao nhiêu người thân. Còn việc đi học lại, con mong mẹ hãy nói giúp với mẹ của con là con không bao giờ ngồi học lại được. Mẹ có biết không bao năm nay con cố gắng phấn đấu học hành là vì thấy ba mẹ đã cực khổ quá. Để đền đáp công ơn ấy nên con rất chăm chỉ, ngoan ngoãn không chỉ ở trường mà ở nhà cũng vậy. Mẹ có biết không mẹ của con bây giờ đã sụp đổ cả ý chí rồi. Con rất tiếc vì không nói được nên đành cứ bực tức mà không sao bày tỏ lòng mình. Con hứa sẽ cố gắng đứng lên để sớm nói chuyện lại...”.
Những lời tâm sự này cho thấy bé Trâm là một đứa trẻ rất nhạy cảm, rất tự trọng, nên bé cũng rất dễ bị tổn thương nếu bị xúc phạm. Nếu bé không viết ra thì không ai có thể hiểu trong lòng bé nghĩ gì, tinh thần bé đau đớn thế nào.
Rất nhiều trẻ bị chấn thương tâm lý
Theo các BS chuyên khoa sức khỏe tâm thần, tâm lý trẻ em, để can thiệp sớm và điều trị kịp thời cho trẻ, TP.HCM rất cần phải có một BV sức khỏe tâm thần riêng cho trẻ em. Ở BV này phải có đủ các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực. Có như thế mới giúp trẻ mau hồi phục. |
Đến nay, dù đã gần năm tháng trôi qua kể từ khi có sự việc đau lòng ấy, bé Trâm vẫn không thể nói được. Hiện nay, mỗi tuần chị Nguyễn Thị Nga - mẹ bé Trâm - lại đón xe ôm từ Đồng Tháp lên TP.HCM chữa bệnh cho con.
Mỗi lần lên TP, chị phải đưa con đến Bệnh viện (BV) Sức khỏe tâm thần TP.HCM để các bác sĩ (BS) ở đây khám, cho thuốc điều trị. Rồi sau đó, hai mẹ con lại dắt díu nhau đến BV Nhi Đồng 1 (phải đăng ký trước) để được BS tham vấn, hỗ trợ điều trị thêm về tâm lý.
Chị Nga tâm sự: “Phải chi có một BV sức khỏe tâm thần riêng cho trẻ em thì con tôi sẽ được điều trị, chăm sóc tốt hơn. Tôi cũng đỡ cực khổ thuê nhà, đỡ tốn kém nhiều chi phí khác và không phải chạy từ BV này sang BV khác”.
Nhiều năm qua, tại BV Sức khỏe tâm thần TP.HCM, BV Nhi Đồng 1 và BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận rất nhiều trẻ bị chấn thương tâm lý hoặc bệnh lý về sức khỏe tâm thần. Trong đó có những trẻ bị lạm dụng tình dục; trẻ bị bạo hành, ngược đãi; trẻ bị một số bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần (bệnh tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ, hội chứng Down...); trẻ tự hủy hoại bản thân, thất vọng, chán nản, không muốn sống vì nhiều lý do.
Tất cả những trẻ này chỉ được điều trị ngoại trú hoặc bán trú ở BV Sức khỏe tâm thần TP hoặc BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2. Trong khi có những em trong cơn kích động, chấn thương tâm lý nặng nề rất cần được điều trị nội trú thì không có nơi nào tiếp nhận. Cha mẹ của các em nhiều khi rất hoang mang, bối rối, không biết phải làm gì để giúp trẻ vượt qua những cú sốc tinh thần hoặc hòa nhập cộng đồng tốt nhất.
Bệnh viện riêng cho trẻ em
BS Phạm Quỳnh Diệp - trưởng khoa khám bệnh trẻ em BV Sức khỏe tâm thần TP.HCM - cho biết nếu trẻ được can thiệp sớm và điều trị kịp thời sẽ hạn chế được mức độ nặng của bệnh, hoặc sớm trở lại bình thường. Còn thuốc chỉ là biện pháp điều trị hỗ trợ. Tốt nhất là trẻ phải được điều trị, theo dõi bởi một nhóm các chuyên gia gồm BS chuyên khoa tâm thần trẻ em, BS chuyên khoa tâm lý, chuyên gia điều trị hành vi, chuyên gia tâm vận động, chuyên gia ngôn ngữ, các giáo dục viên...
Tuy nhiên, theo BS Quỳnh Diệp, hiện nay khoa tâm lý của một số BV nhi ở TP.HCM không có BS tâm thần. Còn BV Sức khỏe tâm thần TP.HCM có BS tâm thần và tâm lý, nhưng thiếu những chuyên gia khác. Vì vậy, thời gian qua trẻ chỉ được điều trị theo kiểu “lắp ráp”, phải đến nhiều BV khác nhau để điều trị một phần nào đó liên quan đến bệnh lý của trẻ. Chưa kể, do thiếu chuyên môn hoặc thiếu sự phối hợp giữa các chuyên gia, chuyên khoa dẫn đến chẩn đoán nhầm bệnh cho trẻ.
BS Đào Trần Thái - chủ nhiệm bộ môn tâm thần Đại học Y dược TP.HCM - cho hay việc thành lập trung tâm này, BV Sức khỏe tâm thần TP đã có ý định từ lâu nhưng đến nay vì nhiều lý do vẫn chưa thực hiện được. Ở nhiều nước trên thế giới đều có các trung tâm tư vấn tâm lý trẻ em, còn ở VN vẫn chưa có một trung tâm chính thống với các chuyên gia được đào tạo bài bản, chính qui.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận