07/06/2013 07:30 GMT+7

Giữ da đẹp trong mùa hè

Bác sĩ LÊ ĐỨC THỌ
Bác sĩ LÊ ĐỨC THỌ

TT - Nắng nóng mùa hè có thể là nguyên nhân khiến da bị tổn thương nếu chúng ta không biết cách chăm sóc da cho đúng.

cgO9PAPk.jpgPhóng to
Cần bảo vệ da cho trẻ trước ánh nắng gay gắt vì da trẻ rất nhạy cảm - Ảnh: CHÂU ANH

Tia cực tím trong ánh nắng mặt trời ngoài tác dụng hữu ích trong chuyển hóa vitamin D, chống còi xương, vẫn gây ra một số tác hại như rôm sảy, sạm da, viêm da, bỏng da, lão hóa da hoặc làm nặng thêm các bệnh nội khoa có sẵn. Chưa kể, khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm, vi khuẩn, virút và côn trùng gây bệnh phát triển mạnh, xâm nhập cơ thể. Ở một số trường hợp tiếp xúc nắng nhiều, tia UV còn có thể góp phần gây ung thư da.

Các bệnh da thường gặp

Một bệnh thường gặp nhất là mụn trứng cá. Khi trời nóng lên, da sẽ tăng sản xuất và bài tiết chất nhờn. Điều này dẫn đến sự bùng phát mụn trứng cá ở mặt, lưng và ngực.

Với trẻ em, hiện tượng rôm sảy lại dễ gặp nhất. Rôm sảy xuất hiện khi ống tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn và mồ hôi ứ đọng lại dưới da, thường có ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán, nách, bẹn... Một số trường hợp nặng có thể bị gần như toàn thân. Triệu chứng lần lượt xuất hiện từ các mụn nước dưới da đến các sẩn đỏ ở sâu hơn, có thể gây cảm giác bị ngứa nhiều. Thông thường, rôm sảy có thể tự khỏi nhưng một vài dạng nặng cần phải được điều trị, cào gãi nhiều có thể làm da dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Phương pháp tốt nhất để đẩy lùi các triệu chứng rôm sảy là làm lạnh da và chống tiết mồ hôi.

Làn da rất quan trọng

Da là cơ quan chiếm 4-6% trọng lượng cơ thể với tổng diện tích bề mặt khoảng 1,6-2m2. Da bao bọc và che chở gần toàn bộ cơ thể, đảm nhiệm chức năng xúc giác, điều hòa thân nhiệt, giữ nước, bài tiết mồ hôi và chất nhờn, giúp cơ thể tránh tác động và ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, tổng hợp vitamin D, ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.

Khi môi trường bị ô nhiễm, khí hậu nóng bức, da là một trong các cơ quan của con người bị ảnh hưởng trực tiếp. Nguyên nhân bên ngoài gây bệnh ngoài da là các tác động cơ học, hóa học; các tác nhân vật lý như ánh sáng hay sự thay đổi nhiệt độ; các yếu tố của môi trường, tác nhân sinh học như cây cỏ, côn trùng, ký sinh trùng, vi khuẩn, nấm... Các nguyên nhân bên trong gây bệnh da có thể do rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch, hệ thần kinh, rối loạn nội tiết, chuyển hóa cơ bản, rối loạn chức năng tiêu hóa, thiếu vitamin...

Một nhóm bệnh trên da khác lại có nguyên nhân từ virút, vi khuẩn, vi nấm, côn trùng và ký sinh trùng cũng cần được đặc biệt lưu ý, như viêm da mủ, viêm nang lông, hắc lào, lang ben, nấm kẽ, nấm tóc, thủy đậu, zona, herpes simplex, tay chân miệng...

Và không thể không kể đến những bệnh lý “kinh điển” trên da do ánh nắng trực tiếp gây ra là tàn nhang, sạm da, bỏng nắng, viêm da do ánh sáng, khô da sắc tố... Tia cực tím trong ánh nắng mặt trời có thể gây ung thư da khi da phơi nhiễm ánh nắng lâu ngày mà không được bảo vệ. Các triệu chứng của ung thư da thường xuất hiện một thời gian dài sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có thể tiến triển âm thầm khó phát hiện.

Chống nắng, giữ vệ sinh cơ thể...

Để giúp làn da khỏe đẹp trong những ngày nắng nóng, chỉ cần thực hiện những biện pháp rất đơn giản sau:

- Hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh mặt trời và sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30. Tránh ra ngoài trời vào những giờ nắng gắt (từ 10g-16g). Nếu cần ra ngoài khi trời nắng thì mang kính râm, đội mũ rộng vành, mặc áo quần che kín làn da, đặc biệt đối với các bé. Trẻ em trên 6 tháng tuổi cần sử dụng kem chống nắng tích cực hơn người lớn vì hệ thống da của trẻ còn chưa hoàn thiện, rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, tránh cho trẻ sử dụng những chất chống nắng có thành phần cồn vì có thể làm trẻ bị say.

- Sử dụng kem chống nắng và kem trang điểm không có chất dầu.

- Thường xuyên tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ để loại bỏ vi trùng, bụi bặm, chất nhờn và chất tiết mồ hôi trên da, giúp phòng tránh các bệnh do nấm, vi khuẩn, côn trùng, ký sinh trùng.

- Vệ sinh môi trường nơi làm việc và nhà ở để hạn chế sự phát triển của các tác nhân gây bệnh tiếp xúc với da.

- Tắm nước lạnh và tránh dùng các loại xà phòng làm khô da.

- Mặc quần áo bằng loại vải sợi cotton mỏng, mềm, nhẹ, có thể hút ẩm vào mùa hè; sử dụng quạt thông khí hay máy điều hòa nhiệt độ.

- Chỗ ngủ phải luôn mát mẻ và thông khí tốt.

- Tránh dùng các loại phấn rôm, kem bôi khi không có chỉ định của thầy thuốc. Phấn rôm có thể gây tổn hại đến mắt và hệ hô hấp của trẻ em, do đó không được thoa phấn rôm lên mặt hay gần mắt, mũi của trẻ; không thoa phấn vào mặt trong đùi, quanh âm hộ, bụng dưới của trẻ em gái.

Bác sĩ LÊ ĐỨC THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên