01/09/2010 09:13 GMT+7

Giống ngoại "thách đấu" thuần chủng

NHƯ BÌNH - TRẦN MẠNH
NHƯ BÌNH - TRẦN MẠNH

TT - Thị trường trái cây trong nước hiện đang bị “giội bom” bởi những trái cây trồng tại VN nhưng nhập khẩu giống từ Thái Lan, Đài Loan, Nhật, Ấn Độ... “Thế hệ con lai” này phát triển nhanh đến mức các chuyên gia lo ngại trái cây nội thuần chủng sẽ bị mất đi.

teMwManN.jpgPhóng to
Xoài Thái, ổi Đài Loan lấn át trái cây nội thuần chủng ở một siêu thị tại TP.HCM - Ảnh: N.BÌNH

Do trái cây giống ngoại năng suất cao, sinh trưởng nhanh nên nhiều nông dân đã vội vàng nghĩ giống này tốt và nhanh chóng tiếp nhận, đầu tư trồng những loại trái cây này trong khi chưa có kiểm định nào về chất lượng cũng như mức độ phù hợp trong công nghệ chế biến.

Vì ngoại nên... đắt hàng

Trồng trái cây quá phân tán, nhỏ lẻ

Trái cây VN có độ thơm ngon hơn hẳn trái cây cùng loại của các nước trong khu vực, điều này được minh chứng qua lời của các chuyên gia nông nghiệp cũng như khách hàng nước ngoài. Cái thiếu nhất để phát triển ngành trái cây VN đó là khả năng sản xuất hàng hóa. Nguyên nhân chủ yếu do các vùng trái cây vẫn trồng phân tán, nhỏ lẻ và nhiều loại xen kẽ nhau. Theo GS Bùi Chí Bửu: “Một tàu hàng ngàn tấn muốn mua trái cây VN mà mỗi nơi chỉ thu được vài trăm ký đến hàng tấn thì rõ ràng không hiệu quả. Hiện khu vực ĐBSCL mới có bưởi da xanh được Bến Tre quy hoạch tập trung khoảng 2.000ha”.

Từ mới đầu chỉ có xoài Thái, ổi Đài Loan, trong hai ba năm trở lại đây mặt hàng trái cây giống ngoại phát triển chủng loại nhanh đến mức người kinh doanh lẫn người mua đều bất ngờ.

Tại siêu thị Lotte (Q.7, TP.HCM) dễ dàng tìm thấy những loại trái cây giống ngoại như mít Thái, cóc Thái, xoài Thái, nhãn Thái, ổi Đài Loan, mận Ấn Độ, dưa hấu giống Nhật... Ban đầu một số người tiêu dùng lầm tưởng là trái cây nhập khẩu nên mua ăn cho biết.

Anh Thành, một người bán trái cây trên đường Điện Biên Phủ (Q.3, TP.HCM), cho biết toàn bộ ổi Đài Loan được anh nhập từ Bình Phước, không phải qua chợ đầu mối nên bán giá có lời hơn. Tương tự, các loại trái cây như mận Ấn Độ, nhãn Thái... cũng vậy, ngoài việc đưa hàng vào siêu thị, các thương lái đều tổ chức những chuyến xe tải nhỏ chở về vùng ven thành phố. Từ đây hàng tỏa đi khắp nơi.

Theo những người kinh doanh mặt hàng này, trái cây giống ngoại được người tiêu dùng khá ưa thích vì khắc phục được khuyết điểm của trái cây nội thuần như vỏ bóng láng, trái đều, kích thước lớn.

Thống kê từ các hệ thống siêu thị cho thấy khoảng 90% trái cây trong nước đang kinh doanh tại siêu thị thì trái cây giống ngoại trồng tại VN chiếm 5-10%, 10% còn lại là trái cây ngoại, chủ yếu được nhập từ Mỹ, Úc, Chile, New Zealand. Lượng tiêu thụ các loại trái cây giống ngoại đang ngày một tăng rõ rệt và được xem là sự lựa chọn hàng đẹp lại vừa túi tiền. Nếu so với trái cây thuần chủng, loại trái cây giống ngoại giá thường cao hơn 20-40%, thậm chí một số loại bán chạy như ổi Đài Loan, mận Ấn Độ... giá cao hơn 50%. Giá ổi Phan Thiết từ 6.000-7.000 đồng/kg, trong khi ổi Đài Loan lên đến 15.000-18.000 đồng/kg.

Theo ông Hoàng Trọng - giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM, hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi rõ rệt. Những trái cây này rất được ưa chuộng do đáp ứng được thị hiếu của người dân. Trong khi các tiến bộ khoa học áp dụng vào nông nghiệp của VN dường như chưa bắt kịp nhu cầu tiêu dùng xã hội.

Nhiều rủi ro

Dù thừa nhận cây ăn trái giống ngoại đưa vào trong nước cho năng suất cao và chất lượng tốt là rất quý nhưng các nhà khoa học đều cho rằng việc người dân mua các loại cây giống này về trồng chứa đựng nhiều rủi ro. Bởi đa số giống trái cây ngoại bán tại VN đều không có nguồn gốc rõ ràng và không được Nhà nước công nhận hay cho phép đưa vào trồng đại trà.

TS Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết người dân mua giống về trồng nhưng 3-4 năm sau mới cho thu hoạch nên không biết kết quả thế nào. Nếu không đạt phải chặt bỏ cả vườn thì cực kỳ rủi ro. “Giống cây ăn trái nước ngoài được Nhà nước công nhận rất hiếm. Nhiều loại cây trồng được đưa về VN qua đường du lịch” - ông Châu cho biết.

Theo GS Bùi Chí Bửu - viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, với cây ăn trái bán tràn lan dưới các ghe hay điểm bán cây giống thì rất khó biết cây đó bị nhiễm bệnh không. “Người bán chỉ cần pha urê vào nước và phun lên lá thì cây xanh um, dân mình khoái mua về trồng. Sau vài ba năm cây phát bệnh thì phải đốn bỏ” - GS Bửu cho biết.

Ngoài vấn đề nguồn gốc, các chuyên gia nông nghiệp cũng khẳng định: khác với các loại cây lương thực, cây ăn trái mang đậm đặc tính vùng miền. Vì vậy, ngay cả cây trồng cho năng suất cao cũng chưa chắc đã hiệu quả vì không hợp thổ nhưỡng, khẩu vị người Việt. Gần đây là câu chuyện “vỡ mộng” mít Thái vì mít Thái bị các công ty chế biến mít khô và các thương lái Trung Quốc chê, không tiêu thụ. Nhiều thương lái phải chở mít lên TP.HCM bán tại các vỉa hè, lề đường với giá chỉ 3.000-5.000 đồng/kg.

Tìm đầu ra cho trái cây nội

Theo TS Nguyễn Minh Châu, cây ăn trái mỗi nước có khẩu vị khác nhau. Thậm chí ngay cả năng suất tốt đi chăng nữa nhưng không hợp khẩu vị người Việt cũng khó phát triển. Ví dụ như xoài Thái Lan trồng ở VN không bao giờ ngon như xoài cát Hòa Lộc được.

“Giống của Thái Lan nhập về chưa chắc đã tốt. Cây xoài cát Hòa Lộc chỉ trồng được ở vùng Cái Bè (Tiền Giang), đem đi chỗ khác là không còn ngon nữa. Dừa xiêm Bến Tre rất ngon nhưng qua Tiền Giang cũng không ngon bằng. Cây ăn trái khác hoàn toàn với những cây trồng khác” - GS Bùi Chí Bửu cho biết.

Vì vậy, theo GS Bửu, để phát triển trái cây trong nước, chiến lược quan trọng số một là xác định cho được vùng chuyên canh để có lượng hàng hóa lớn xuất khẩu và bán ra thị trường. Khi đã xác định được vùng chuyên canh thì lựa chọn giống tại địa phương, lựa chọn giống đầu dòng ưu việt nhất để lai ghép tạo ra các thế hệ cây giống có năng suất cao và phẩm chất tốt.

NHƯ BÌNH - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên