01/05/2006 06:12 GMT+7

Giọng nam phòng trà Sài Gòn: Giữa hai miền sáng tối

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Cái tin Đức Minh - một giọng ca nam ở các phòng trà Sài Gòn - ra album nhạc đầu tiên sau 12 năm đi hát khiến hết thảy khán giả quen nghe anh hát đều chia sẻ niềm vui.

W68nknbC.jpgPhóng to

Đức Minh - giọng nam phòng trà kỳ cựu

TT - Cái tin Đức Minh - một giọng ca nam ở các phòng trà Sài Gòn - ra album nhạc đầu tiên sau 12 năm đi hát khiến hết thảy khán giả quen nghe anh hát đều chia sẻ niềm vui.

Người kỳ cựu, kẻ trẻ trai

Trong số những giọng nam chuyên đi hát ở các phòng trà Sài Gòn thì Đức Minh có lẽ là "người Môhican cuối cùng" trụ vững sau quãng thời gian dài từ nửa đầu thập niên 1990 đến nay. "Bấy giờ các phòng trà Sài Gòn bắt đầu nở rộ để đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc hằng đêm của công chúng.

Nếu phía nữ có những Tuyết Loan, Lan Ngọc, Thanh Hoa... thì bên cánh nam ngoài tôi ra lần lượt xuất hiện thêm Thanh Long bass, Hoàng Trung, Quang Minh... Trẻ hơn thì có Trung Kiên, Xuân Khôi, Tấn Trung hay Quang Dũng (bấy giờ là lính mới tò te trong hàng ngũ các nam ca sĩ hát phòng trà)" - Đức Minh nhớ lại.

Một năm 365 ngày thì Đức Minh chỉ nghỉ hát phòng trà độc nhất một đêm (giao thừa hằng năm). Sức làm việc dễ nể, lòng yêu nghề bền bỉ và hình ảnh vượt qua số phận của người ca sĩ này gây ấn tượng mạnh đối với tất cả khán giả nào từng một hay nhiều lần trông thấy dáng vẻ gầy gò và bước đi khập khiễng của anh trên sân khấu. Phòng trà nào ở trung tâm thành phố sáng đèn, ắt đều có tiếng hát Đức Minh: Tiếng Tơ Đồng, Đồng Dao trước đây (nay đã đóng cửa), M&Tôi, 2B Lê Duẩn hiện tại hay Không Tên mới khai trương...

Tại những nơi này, các "chiến hữu" hát bên cạnh Đức Minh cũng ngày một đông hơn, mỗi người mỗi vẻ: Quang Vĩnh xuất thân là tay trống từ hai thập niên trước đây chuyển sang chuyên hát nhạc Pháp rất cừ (do anh giỏi Pháp ngữ); Thanh Long bass "tên chính là giọng" hát trầm không thể lẫn vào đâu được; Trung Kiên và Xuân Khôi từng lập nhóm nhạc chung với Lam Trường, giờ đi hát riêng với những ca khúc tự sáng tác; Du Sô quen mặt tại quán Carmen, Bụi với các nhạc phẩm flamenco hay dòng soul của Louis Armstrong; và cả Tấn Trung nổi tiếng có sở trường hát nhạc trữ tình thập niên 1980 rất khá ngay từ thời còn là sinh viên.

Đội ngũ những giọng nam hát phòng trà còn được bổ sung mạnh mẽ từ cuộc trở về sau thời gian xa quê hương của những giọng hát cao niên Elvis Phương, Đức Huy... lẫn các gương mặt non trẻ mới toanh gần đây: Đình Nguyên, Hoàng Hải Đăng (đều đoạt giải Tiếng hát truyền hình), Thụy Long, Khang Việt...

FizHjEsn.jpgPhóng to

Ca sĩ trẻ Xuân Phú - Ảnh: TR.N.

Những nỗ lực

Ngoại trừ Quang Dũng là một ngoại lệ khi anh bứt phá gia nhập hàng ngũ ngôi sao thị trường, hầu hết những giọng nam phòng trà Sài Gòn đều có một quãng nghề nghiệp bình lặng tháng này qua năm khác.

Thật sự những giọng nam phòng trà có lớp công chúng riêng thừa nhận họ hát hay, chất giọng tốt, thích nghe họ hát những nhạc phẩm bất hủ, tình khúc vang bóng một thời (Riêng một góc trời, Khúc thụỵ du, Lời cuối cho em, Chiếc lá cuối cùng, Gửi gió cho mây ngàn bay...). Tháng trước Thanh Long bass nghỉ hát để chịu tang thân mẫu qua đời, được ít lâu vừa buồn vừa nhớ sàn diễn quá anh lại đi hát.

Có điều việc hát mãi nơi không gian cố định hạn hẹp, trong ánh đèn màu vàng của các phòng trà dường như đã phần nào làm cho các giọng nam "cam chịu, ít bon chen". Chính vì vậy mà trong khi một ca sĩ trẻ chân ướt chân ráo nhảy vào nghề ca có thể ra album xoành xoạch, thì có những ca sĩ phòng trà qua bao năm thương khó với nghề mới "hạ sinh" một đứa con tinh thần đáng quí như trường hợp Đức Minh. "Album Em đã cho anh do tự tay tôi làm tất cả: hòa âm, làm nhạc và thu âm tại studio ở nhà riêng. Xong hết thì nhờ Saigon Audio lo giúp khâu phát hành" - Đức Minh nói.

Xuân Phú, một giọng ca trẻ được giới chuyên môn đánh giá nhiều tiềm năng, sau nhiều năm hát trọ ở đất Sài Gòn mới ra mắt được album riêng Nơi cuối nỗi cô đơn. Tiếc là Phú chỉ thành công với những tình khúc sâu lắng thể hiện trong album chứ việc thử nghiệm hát nhạc trẻ của anh bất thành. Cũng có một số giọng ca có năng lực nhưng không bật lên, trong đó có trường hợp Quang Minh vẫn đi hát nhiều song ít động lực vươn vai ra ngoài sàn diễn lớn.

Nguyễn Tuấn (biên tập kiêm người dẫn chương trình phòng trà M&Tôi) nhận xét: "Phòng trà là điểm đến ấm áp của đối tượng công chúng có trình độ thưởng thức âm nhạc cao, thậm chí "khó tính", chú ý phần nghe hơn là nhìn.

Họ dành sự ưu ái cho các giọng hát phòng trà bởi các ca sĩ này dù có thể vô danh, dù thầm lặng nhưng rất trân trọng nghề nghiệp của mình, thể hiện qua việc hát đúng, hát hay, thổi vào nhạc phẩm tâm hồn và cảm xúc của chính mình".

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên