22/09/2013 13:00 GMT+7

Gió từ tay chị

TRẦN THỊ KIM CHI (ĐH An Giang)
TRẦN THỊ KIM CHI (ĐH An Giang)

AT - Trời càng về khuya, cảnh vật dường như bừng thức dậy, cựa quậy trong cái thâm u của vùng Miệt Thứ mà nơi đây vẫn còn mang đậm những dấu tích hoang sơ. Tiếng côn trùng tỉ tê trong từng nấc đất mà nó nghe buồn não nuột. Cái quán xiêu vẹo bán cháo bún của chị Hai ở ven sông giờ đây cũng dần thưa khách, lác đác chỉ còn một vài chiếc xuồng nhỏ của mấy bác giăng câu giăng lưới đói lòng ghé vào ăn lót dạ rồi hối hả chèo đi để đón kịp con nước lớn ròng theo mùa tôm cá sinh sôi.

2EMEJFra.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Thanh

Bỏ lại sau lưng là khoảng thinh không với câu vọng cổ mùi mẫn và ngọt lịm còn vang vọng, dập dềnh trên mênh mông sông nước: “Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo sang sông con sáo đậu hiên nhà. Trời tháng tư em mặc áo hoa cà, qua ngõ nhà anh em che nghiêng vành nón lá, giả bộ vô tình làm rớt cánh bằng lăng…”.

Ngọn đèn chữ U còn soi sáng trong gian quán nghèo giờ đây lại có đủ sức hấp dẫn lũ bồ hong vây quanh từng bầy đông nghịt. Đàn muỗi vo ve nó và chị. Nó cố gắng ngồi im để lắng nghe tiếng củi khô nổ lét đét từ bếp nước lèo đang sôi lên sùng sục. Khách đã vãn từ lâu rồi mà chị vẫn đều tay chụm lửa, loại củi đước cháy không đượm nhưng giữ được than lâu. Thương dáng chị ngày càng hao gầy vì thức khuya dậy sớm, cứ đi đi lại lại dọn hàng, chiếc bóng liêu xiêu đổ dài trên vách lá loang lổ, nó thấy buồn vô hạn. Như biết được lòng của đứa em gái út, chị vỗ về:

- Ngày rằm, người ta ăn chay nên chị bán bún cá hơi ế ẩm, Út có buồn ngủ thì vô ngủ trước đi, dọn hàng xong rồi chị vô.

Nó uể oải đứng dậy vươn vai, bước ra hiên nhà hóng ánh trăng dịu êm. Ngày rằm nên trăng sáng lắm, đặc biệt là ánh trăng ở quê nó. Đêm nay, vành trăng tròn đầy như khuôn mặt của đứa trẻ thơ bầu bĩnh, cứ tươi rói, mát mẻ trong hơi sương mờ như chỉ vừa đủ làm ướt lành lạnh qua từng bụi cỏ nhành cây. Hàng dừa nước mé bên kia con kênh Làng Thứ Bảy vẫn lao xao, rì rào những âm thanh quen thuộc cùng khua lá dưới ánh trăng. Mặt sông lấp loáng dát vàng nổi lên xơ rơ mấy giề lục bình úa lá vì nước từ cửa biển cứ hai buổi tràn vào con rạch nhỏ. Phía xóm rừng còn vọng lại tiếng chó sủa ma văng vẳng từng hồi, những âm thanh này nó đã quen nghe từ lâu lắm rồi.

Hồi còn má lận, má kể ở vùng Miệt Thứ này, đêm đêm có những linh hồn vất vưởng ngồi xõa tóc đưa võng trên mấy ngọn cây bần, cây sộp. Vì nó thường không nghe lời khuyên của má, hay đi câu cá trong rừng rậm, rồi giã nắm muối ớt lận trong túi áo bà ba đem theo. Đói là trèo lên trên nhánh cây bần hái trái mà ăn. Nó hái bần ổi ăn mà quên cả giờ về, chiều rồi chị Hai lội bộ trong tận rừng đước dọc theo mé biển đi tìm, gọi í ới: “Bớ con Út Lùn ở đâu rồi, về nhanh đi cưng! Bớ con Út Lùn có nghe tiếng chị gọi thì trả lời”. Nó hổng có bị làm sao mà chị Hai nó thì lội bùn lội nước nên bị đạp gai nát cả lòng bàn chân, rồi bị vắt cắn. Loại vắt rừng sống ký sinh rất thích hút máu người, hôm đó được no nê một bữa. Má đi dặm lúa về, mệt nên đổ quạu, la chị vì tội không trông chừng em út cẩn thận. Chị vừa khóc vừa cặm cụi đi vo gạo thổi cơm. Tía cắm câu được một con cá lóc bụng đầy trứng đem nấu với canh chua trái bần mà nó hái được. Lên bữa cơm tía gắp cái trứng vàng hươm béo ngậy bỏ vô chén cho chị Hai thay cho lời an ủi, chị lại xẻ ra chia phần hết thảy cho mấy đứa em. Những hình ảnh êm đềm ấy cũng nhanh chóng qua mau, kể từ ngày má bỏ mái ấm gia đình, bỏ tía và bốn chị em nó mà ra đi biền biệt, mấy tía con chỉ còn biết lủi thủi bên nhau. Sức khỏe của tía ngày một yếu dần, lại sinh ra nghiện rượu. “Rượu vừa chát vừa cay nồng nhưng lại làm cho tía cảm thấy bớt mệt mỏi, dễ chịu và dễ đi vào giấc ngủ hơn”- chị Hai giải thích để mong có được một niềm cảm thông từ các em, cảm thông cho nỗi u uất trong lòng tía khi hàng ngày tía phải tìm đến thứ nước “nhiệm màu” ấy.

Kỷ niệm về người mẹ như một nỗi ám ảnh cứ mãi len lỏi trong trái tim còn rất non nớt và mong manh của chị em nó. Có những lúc ra dọn hàng tiếp chị, gặp những người hàng xóm thích trêu đùa với nỗi đau của đứa trẻ bất hạnh vì thiếu vắng tình mẫu tử, đã hỏi nó rằng: “Sao mấy chị em tụi mầy không đi tìm má? Nghe nói má mầy có chồng giàu lắm, lên đó tụi bây được ăn ngon mặc đẹp, ở làm chi với thằng tía say xỉn suốt ngày, lại đi mua gánh bán bưng với chị Hai mầy thấy có khổ không? Thiệt là tội nghiệp!”.“Má tui mất lâu rồi” - Nó trả lời gọn lỏn và thấy khó thở, nặng nề như bị một cục đá thiệt lớn đè lên lồng ngực khi nghe ai đó nhắc lại chuyện cũ và nói về tin tức của bà. Có những đêm, nó nức nở dúi đầu vào ngực chị, vì sáng hôm đó nó nghe được tụi bạn xầm xì to nhỏ rằng mấy chị em con Út Lùn là những đứa bị mẹ bỏ. Chị vuốt mớ tóc bồng nhung huyền của nó bằng đôi bàn tay chai sần đượm mùi khói bếp, rồi lau những giọt nước mắt tủi hờn còn đọng trên đôi má dại khờ. Chị gãi rôm ở sống lưng cố đưa nó vào giấc ngủ êm đềm không còn vướng bận niềm suy nghĩ và xoa dịu một tâm hồn non trẻ đang bị tổn thương. Nó cảm nhận được tình cảm của chị dành cho nó dạt dào và vô cùng nồng ấm.

Gió sông phả vào mặt nó đậm một mùi nước như mằn mặn ở đôi môi, giờ này đom đóm đã lập lòe trên mấy ngọn bần trước ngõ, bần đã có trái chua. Nó nhớ ngày nó còn nhỏ, đêm về chị Hai thường ôm các em vào lòng và kể cho nghe những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Có ông Mạc Đĩnh Chi nhà nghèo, nghèo hơn cả nhà nó nữa vì ông Mạc Đĩnh Chi không có chị, trong đầu nó luôn nghĩ vậy mà! Nhờ bản tính cần cù, ông bắt đom đóm bỏ vô vỏ trứng lấy ánh sáng mà học hành rồi đỗ đạt trạng nguyên. Kể xong câu chuyện là chị khuyên: “Ráng học nghen mấy cưng! Học cho giỏi để mai mốt nhờ được tấm thân, chị Hai lo được cho mấy đứa đi học”.Ngày nó đậu đại học là ngày chị mừng vui khôn xiết, đi đâu cũng khoe với bà con chòm xóm. Chị nói con Út Lùn em của chị thấy vậy mà thông minh, lại biết thương chị mà cố gắng ăn học chớ hổng có lười nhác, lêu lổng. Nó đâu biết rằng kể từ ngày đó, chị đã bớt ăn bớt ngủ như thế nào để dành dụm đủ tiền cho đứa em út đi học ở xa. Nó mít ướt lắm, những ngày đầu tiên xa nhà, nó nhớ quê, nhớ chị Hai mà khóc ròng khóc rã. Không còn được ăn mấy món ăn chị nấu, đi ăn cơm tiệm mà nó sụt sùi nước mắt. Nhớ lắm tô bún cá còn nóng hôi hổi mà chị bưng ra cho nó, vừa thổi vừa húp miếng nước lèo ngon ngọt không tài nào tả hết. Chị Hai nấu nước lèo bằng thịt cá mú, loại cá đó ở dưới xứ Miệt Thứ của nó nổi lềnh khênh trên mặt nước, bởi vậy không cần nêm nếm nhiều gia vị mà nước lèo vẫn thơm ngon và bổ dưỡng. Hương vị của quê nhà và tình cảm của người chị tảo tần luôn hết mực yêu thương em út còn đọng lại trong từng thớ thịt, có thể nào nó lại quên cho được. Vậy mà nó đã làm cho chị buồn nhiều lắm! Giờ nó về đây để nói lời xin lỗi và mong chị tha thứ cho những lỗi lầm mà nó đã gây ra. Nhưng từ lúc về tới nhà cho đến bây giờ nó vẫn không sao nói được nên lời…

Khoảng một tháng trước, chị Hai lặn lội hơn một trăm cây số để lên tận thành phố Long Xuyên thăm nó với chiếc giỏ xách mấy thứ quà quê mà chị đã gói ghém bao ngày. Lủ khủ mấy hũ mắm ruốc, mắm ba khía tự tay chị làm cho nó tặng bạn bè. Còn có mấy trái bần ổi chị vừa hái được hồi chiều hôm để nó chấm mắm nêm ăn đỡ ghiền, vì ở trên đó có tiền cũng không thể nào mua được. Bao nhiêu chuyện chị muốn nói với con Út Lùn mà chị cũng đã nghĩ kỹ khi ở nhà cho đến trên suốt dọc đường đi. Nào là khuyên Út phải ăn uống đúng giờ, đừng có bỏ bữa mà bị đau bao tử, học thì học chớ cũng phải coi chừng tới sức khỏe. Nói với Út là tía đã bớt rượu rồi để nó yên tâm mà ăn học. Nhưng khi đến nơi thì chị Hai đã biết được sự thật rất đau lòng là đứa em mà chị thương yêu nhất đã lừa dối chị rất nhiều điều. Nó đã bỏ học xuyên suốt để đi làm thêm kiếm tiền mới đủ cho những khoản tiêu xài phung phí vì đua đòi theo chúng bạn. Nợ nhiều học phần chính là hậu quả của tháng ngày bỏ bê việc học. Nó đã thấy những giọt nước mắt của chị rơi xuống vì nó, trước khi về chị còn dúi vào tay nó hơn ba triệu đồng, tiền chị bán cháo bún, thức khuya dậy sớm bao ngày đêm vất vả. Phải chi nó nghe lời chị đừng sa ngã vào những thú vui vô bổ mà bất chấp cả tương lai thì đâu đến nỗi. Bây giờ về đây, đứng trước mặt chị, càng nhìn chị, trong lòng nó càng mang niềm ăn năn và ray rứt khôn nguôi.

- Trời khuya lắm rồi, sao không đi ngủ đi Út! Đứng đó làm chi mà đứng hoài hổng chịu nhúc nhích gì hết, ở ngoài đó muỗi nhiều lắm.

Giọng của chị vẫn ấm áp và trìu mến như ngày nào, luôn quan tâm và luôn yêu thương nó. Tự dưng hai hàng nước mắt chảy dài xuống gò má ngon lành không sao nén lại được nữa, nó quay lại phía chị đang đứng và gọi trong tiếng nấc: “Chị... ơi…”.

Chị vội chạy lại bên cạnh và ôm lấy nó. Như vẫn còn là đứa trẻ con của ngày nào, bị ai ăn hiếp là nó chạy nhanh về gục đầu vào ngực chị. Giờ đây, nó có khác gì một đứa trẻ đang cần sự bênh vực chở che, cần sự âu yếm của tình cảm gia đình, và đặc biệt là cần tấm lòng bao dung của người chị cả. Hết nửa cuộc đời mình, chị đã sống và hi sinh tất cả để dành lại những điều tốt đẹp nhất cho ba đứa em khờ. Chị như người mẹ trẻ lam lũ mà dịu dàng, xoa đầu vỗ về nó:

- Chị hiểu rồi, thôi đi vô nhà, đứng ở ngoài này sương xuống lạnh lắm!

Chị dìu nó vào ngồi lên tấm vạt, rồi chị cơi than còn nóng đỏ ở bếp lò đem đựng trong vỏ dừa khô, lấy thêm vài vỏ quýt bỏ vào để un muỗi. Chị xuýt xoa phủi muỗi và phe phẩy quạt cho than rực hồng, mùi thơm của vỏ quýt cháy làm lan tỏa chất dầu trong gian nhà thật là dễ chịu. Cầm chiếc quạt mo cau trên tay, chị lại quạt đều đều cho em mình. Ngày đó, ở trước cửa nhà có được hàng cau già cỗi và cao vút. Mỗi mùa tàu cau rụng xuống là nó hay lượm vào để cho chị cắt gọt làm thành chiếc quạt mo cau. Đêm mùa hè nóng nực, chị khẽ khàng luồn tay vào từng sợi tóc, gãi đầu, quạt mát cho nó ngủ thật ngon và có được những giấc mơ tuyệt đẹp. Bao mùa hè trôi qua là bao nhiêu mùa tàu cau trước ngõ rụng đầy. Mỗi mùa tàu cau rụng là mỗi lần chị thay quạt mới. Có những đêm mùa hè nằm ngủ mà không có ngọn gió mát lành êm dịu từ đôi bàn tay chị là nó không ngủ được. Đến khi lớn khôn nó vẫn không hiểu được tại sao chị cứ thức suốt đêm quạt cho nó ngủ mà không bao giờ có một lời than thở vì mỏi tay và mệt. Nắm lấy bàn tay của chị áp vào đôi má mình, dù rằng đôi bàn tay ấy rất thô ráp mà nó cảm thấy vui sướng vô cùng. Nó muốn nói lời xin lỗi và lời hứa hẹn sẽ cố gắng thay đổi để hoàn thiện bản thân. Nhưng chị kịp ra hiệu cho nó im lặng, lắng nghe con thằn lằn nằm trên tấm liếp chắn gió sông đang chắc lưỡi, hình như con thằn lằn đó cũng có cùng với nó bao niềm tiếc nuối đang vụn vỡ ở trong lòng.

- Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Không có gì là không thể vượt qua nếu như ý chí vươn lên của bản thân mình đủ mạnh. Ngủ ngoan đi Út!

Nó rúc đầu vào nách chị y hệt như con chim nhỏ tìm được chốn bình yên trong lòng mẹ. Bên ngoài kia, gió sông lạnh buốt thốc mạnh vào không gian từng hồi làm mấy tấm lá nhà cứ run lên xào xạc. Trong này, nó cảm nhận được hơi ấm tình thương của chị từ chiếc quạt mo cau làm sống lại miền ký ức của những ngày thơ dại. Trong giấc ngủ chập chờn tràn đầy hương thơm của bông bần bông tràm rụng trắng dọc triền sông, nó thấy lại nó của mười năm về trước, tay xách giỏ tre cùng với mấy anh chị ra tận mé rừng ngập mặn để bắt ba khía về cho chị Hai làm mắm. Rùa rắn có nhiều vô số kể, bắt được là mừng rỡ lôi về cho chị đem ra chợ hoặc đi vòng vòng bán ở trong xóm với giá rẻ bèo. Rồi đi câu, chụp ghẹm và hái bần về cho chị nấu canh chua… Sáng mai này nó lại trở lên thành phố để tiếp tục cuộc sống của những sinh viên xa nhà, chiếc phà Tắc Cậu của quê hương lại đưa nó nhẹ nhàng lướt qua sông Xẻo Rô mà dòng thủy triều vẫn hai buổi chảy xuôi về biển cả rồi thong thả trở lại bến bờ. Nhưng trước khi đi, chị Hai cũng lại chuẩn bị mấy món đặc sản “cây nhà lá vườn” để nó đem theo nặng giỏ cho mà coi. Nó sợ phà chạy quá nhanh để nó không kịp ngoái đầu nhìn lại dáng hình của người chị yêu thương dần khuất sau rặng dừa nước in bóng xanh mườn mượt. Ánh mắt của chị mãi dõi theo nó như một sự chở che âm thầm và lặng lẽ, làm cho nó có cảm giác như chị luôn ở bên mình, luôn khuyên nhủ bảo ban mọi việc để nó mãi có chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần và sống tốt hơn. Nhưng thôi, giờ nó chỉ muốn tận hưởng thời khắc quý giá này, chị vẫn quạt đều tay, mang đến luồng gió ấm áp và nồng nàn như tấm lòng của chị. Nó lim dim đôi mắt và dần chìm vào giấc ngủ nhẹ nhàng…

Ygsjgomh.jpgPhóng to

Áo Trắng số 17 ra ngày 15/09/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRẦN THỊ KIM CHI (ĐH An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên