25/05/2008 05:12 GMT+7

Gió trời

NGUYỄN ĐỨC PHÚ THỌ (ĐH An Giang)
NGUYỄN ĐỨC PHÚ THỌ (ĐH An Giang)

AT - Cơn chướng vừa lùa qua chái bếp. Miên ngồi đó huơ tay, xua khói bay theo gió, những lọn khói cay xè cứ xồng xộc khiến mắt Miên rơm rớm nước. Ai mà không biết vô tình đi qua bắt gặp cứ ngỡ Miên vẫn còn se sắt cái chuyện đau lòng hôm nào...

OMhjjy5m.jpgPhóng to
AT - Cơn chướng vừa lùa qua chái bếp. Miên ngồi đó huơ tay, xua khói bay theo gió, những lọn khói cay xè cứ xồng xộc khiến mắt Miên rơm rớm nước. Ai mà không biết vô tình đi qua bắt gặp cứ ngỡ Miên vẫn còn se sắt cái chuyện đau lòng hôm nào...

Bà Sáu bỏm bẻm nói với nó, mắt đăm đăm nhìn đám lá càng cua chưa tước hết râu:

- Sao ba má bây dạo này hay cãi nhau quá vậy? Tụi bây thấy ổng bả cãi sao không nhảy vô can, nói đỡ vài câu đi? Ăn ở với nhau gần mấy chục tuổi đời mà có bao giờ gió yên bể lặng đâu, cứ gây nhau suốt. Bộ không cãi nhau là không nuốt cơm vô hay sao ấy?

Nó không biết nói sao với bà Sáu. Chỉ biết thở dài theo cái nhìn khó hiểu của bà. Bà Sáu cũng biết tính nó nên thôi. Mấy cơn nắng cứ chếnh choáng ngoài mái giậu. Nhìn thấy đám quần áo phơi lù khù trước mặt, nó quay lại nhìn bà: Thôi, con về , còn cả thau đồ chưa giặt.

....

- Chiều nay tao đi lên xã, bây khỏi chừa cơm cho tao - má nói giọng nghe chan chát. Ngưng một quãng, má nói tiếp với Miên: - Thằng cha bây đàn đúm, chê tao già theo con khác, không còn lo cho bây và thằng Hưng nữa. Tao lỡ mang cái nghiệp làm má bây phải ráng chứ biết sao nữa. Bây ráng mà lo...

Má quay vào buồng thay đồ, xong lại quầy quả cắp túi đi. Nó nghe lòng hồng hộc, mắt nhìn theo dáng bà hun hút phía con đường đất ngoằn ngoèo bé tẹo như cọng chỉ.

- Anh hai ăn cơm đi, em dọn lên rồi.

- Ừ, anh đang vá cái bao lúa, em ăn trước đi, để chiều còn đi học nữa.

Nó không trả lời, với tay gom đống sách vở soạn sẵn hồi sáng cho vào cặp. Cái lưng cong thòng, ốm nhách, trùng trục xương ướt mượt mồ hôi khiến nó tự nhiên thấy rầu rầu. Bình thường thấy hoài mà, sao tự nhiên bữa nay...

Nó xách cặp đi, đôi lúc nhìn lại bậc cửa, thấy cái dáng lòng còng đang đong đưa mắt nhìn theo nó.

...

- Má, con tính thi sư phạm?

- Bây thích gì thì học đó. Tao ráng lo. Nhà chỉ còn bây đi học. Bây ráng học sau này ra làm việc với người ta, có tiền, giúp thằng anh bây nó lấy vợ. Cái thằng lớn ngần này mà cứ như ông già. Chẳng giống như cha bây, già mà còn thích hồi xuân...

- Em thích sư phạm thì cứ đăng ký thi. Anh và má ủng hộ.

Nhìn gương mặt gầy rộc hiền như cục đất của anh hai, nó chạnh lòng. Rồi quay sang nhìn cha đang nằm sấp ngửa trên giường, còn vương nồng nặc mùi rượu. Nó xót xa. Cha bây giờ thay đổi nhiều quá. Lúc trước có bao giờ cha làm khổ con cái đâu. Cãi trận nhỏ, trận lớn gì với má cũng không bao giờ mắng mỏ, quát nạt hay trút giận lên nó và anh hai. Vậy mà trưa nay, lúc anh hai đỡ cha lại giường, nó thấy cha đạp anh hai một cái rõ đau. Anh hai loạng choạng quay ra. Nó thấy anh hai xuýt xoa hai cái đầu gối. Không biết anh hai đau hai cái đầu gối hay đau lòng nhiều hơn nữa?!

...

Rồi y chang má nói. Hơn nửa tuần lễ sau, nhà nó vắng hẳn mùi rượu nồng nặc của cha. Cha bỏ má con nó đi. Nó không biết rõ nguyên nhân. Má nói: "Thằng chả đi theo con khác...". Còn bà Sáu thì nói: "Chắc má bây làm cha bây bực, ổng tức khí, chịu không nổi nên đi chứ gì. Thôi bây đừng buồn, ráng mà lo học hành, chừng nào ổng tỉnh, ổng về với bây...".

Nó lan man nghĩ không biết cha nó có về không nữa. Mấy lần xóm nó cũng có chuyện tương tự như vậy. Có thấy ai về đâu, mấy năm trời chứ ít ỏi gì. Thằng Mún con thím Tư, sáu, bảy tuổi rồi mà vẫn không có cha đó thôi. Nó tựa lưng vô nhánh sầu đâu , tự nhiên thấy mắt cay xè như lúc vô bếp bắc cơm hôm bữa. Những cơn gió chiều len lỏi vuốt má nó, quẹt mấy giọt nước còn vướng víu trên hai hàng mi mắt. Nó lấy xấp tài liệu ra nhẩm tiếp cái bài còn học dở. Mùa thi mà ông trời có thương nó miếng nào đâu...

...

Nó đậu Đại học Sư phạmTP.HCM. Má cười, anh hai cười rõ vui. Nó cũng vui, mà sao thấy thiếu thiếu. Rồi bốn năm bữa nữa, nó lại lên đường. Anh hai đưa nó đi kiếm nhà trọ, rồi lấy tiền má đưa lo hồ sơ thủ tục nhập học cho nó. Nó đi rồi, nhà chỉ còn má. Sau này lỡ anh hai lấy vợ, chỉ còn má thui thủi một mình. Nghĩ tới bốn năm học trên Sài Gòn, dưới quê má với anh hai còng lưng cuốc ruộng, đi xáng cỏ mướn cho người ta, nó thấy lòng nặng trịch. Vui thì vui, mà buồn cũng đâu ngớt.

- Bữa nay tao nấu chè đãi bây. Mai đi rồi, vô soạn đồ để đi cho đúng giờ.

...

Tối nay, nó đòi ngủ chung với má. Má chẹp lưỡi: "Bộ bây tính đi rồi không về mà đòi ngủ chung với tao lần cuối?". Cái giọng chát như hờn như dỗi của má nghe quen rồi mới hiểu, mới biết khi nào má giận, khi nào má thương. Nó đứng đó tần ngần. Cái mùi thịt kho mằn mặn này, đi xa chắc nhớ lắm !

- Hồi đó tao sanh bây. Thằng cha bây chạy đôn chạy đáo. Rồi lúc bây nằm đỏ hỏn nặng có hai ký lô mốt, tao thấy ổng nhìn bây mà cứ cười hoài. Tao tưởng đâu có bây, ổng sẽ quên chuyện xưa mà lo làm ăn, sống với tao đúng nghĩa vợ chồng. Vậy mà...

- Chuyện xưa gì hả má ?

- Thì hồi đó, ổng bị ép lấy tao. Nghe đâu đó nói ổng có người yêu trước khi quen tao. Mà người đó rất đẹp, là cô giáo duy nhất ở xóm. Tao đâu có biết tên chi. Tao cũng bị ép gả chứ sướng vui gì. Chỉ có cái khác là tao chưa kịp yêu thằng cha nào, chứ không thôi tao cũng không nặng nợ với cha bây như vậy.

Nghe giọng má ngậm ngùi. Nó không biết mình phải nói gì, chỉ thấy hình như má cũng đang buồn thúi ruột. Gió đêm ràn rạt hai bên liếp cửa, nó nằm bâng quơ suy nghĩ.

Má thấy nó còn thức, vỗ vai: "Bây ngủ đi, mai còn đi sớm".

Nó quay sang ôm má, mắt rơm rớm nước: "Con đi rồi, má nhớ con không?".

Nó hỏi thừa vậy mà má cũng trả lời:

- Bây đi học hành tử tế, tao thương tao nhớ. Chứ bây lên trên đó mà đàn đúm, ăn chơi, bây có về tao cũng đuổi.

- Bây làm cô giáo tao mừng. Chỉ khổ anh bây, thằng cha bây đi rồi, nhà mình chỉ nó đàn ông con trai chèo chống. Tao bây giờ hay bệnh. Nó chưa được học hành tới nơi tới chốn, lại là con tao nuôi giùm người ta nên chưa bao giờ ổng thương thằng anh bây... Cuộc đời tao chỉ còn hai đứa bây an ủi. Bây ráng mà học hành chăm chỉ, mai mốt về giúp anh bây dạy con, dạy cháu. Tao cũng mong năm sau kiếm được một đám cho nó. Đời này cũng ngộ. Hồi đó biết ba bây có người yêu là cô giáo, tự nhiên tao cũng tự ái không cho anh bây đi học. Cả xóm này mình bả dạy, dù ai khuyên phải quấy tao cũng không nghe. Mà bây giờ bây sắp làm cô giáo. Thằng cha bây mà ở đây, chắc nhớ người yêu phải biết!

...Giọng má như nghẹn lại. Hai con mắt thô ráp nhúm lại như sắp rỉ nước. Đây gần như là lần đầu tiên nó thấy má sắp khóc. Hồi đó có cãi nhau, có đánh nhau với cha, má cũng chưa bao giờ đau xót đến vậy. Hôm nó chơi ngoài bờ kè, té bể đầu, má cũng chỉ lo chứ không hề khóc. Nước mắt đối với má dường như là một thứ xa xỉ. Má chẳng biết đau, dù đôi lúc nó vẫn thấy má hay ngồi bên bậc cửa xe chỉ mà thở dài sườn sượt.

Má im lặng, hai con mắt thiếp lại , lộ rõ hai đường chỉ kéo dài từ khoé mắt. Người ta nói kẻ mắt ai mà dài là đời rất khổ. Phải suy nghĩ nhiều và cuộc đời đầy trắc trở. Nó vuốt tóc má, mấy cọng rơm vẫn còn vương trên những sợi tóc cứng đờ thiếu hẳn sức sống. Tay má chai sần, đôi môi thiếu nước khô khốc. Nó ôm má vào lòng, nghe má thở từng hơi nằng nặng.

Nằm hoài một hồi không ngủ được. Nó khe khẽ bước ra ngoài. Tối nay trăng vằng vặc thật đẹp. Mấy nhánh tre lạo xạo. Nó ngồi bệt xuống đống rơm anh hai mới chất hồi sáng. Ngày mai, chưa đầy mấy tiếng nữa, nó sẽ rời xa nơi này. Nơi có má, có anh hai và đã từng có cha luôn ở bên nó.

Cha có tàn nhẫn quá khi chưa bao giờ âu yếm và yêu thương má. Có nó rồi cha vẫn không nguôi những sự quẫy đạp âm ỉ bấy lâu để rồi bỏ má con nó chơ vơ. Niềm vui của nó giờ không còn song hành cùng niềm vui của cha nữa sao?

Nó thương cho má, mà cũng không dám trách cha. Hồi bé, cha hay ở cạnh nó mỗi khi nó buồn. Có lần nó làm mất cái nơ má mua cho, ngồi khóc sướt mướt, cha lặng lẽ làm cho nó mấy con cào cào bằng lá dừa rồi ôm nó vào lòng an ủi. Hay như cái hồi năm nó mười lăm tuổi, nó theo cha ra đầm câu cá, giăng lưới. Suốt buổi chiều hai cha con vừa câu vừa song ca mấy bài vọng cổ... Hát xong cha lại cười khùng khục vuốt tóc nó: "Con gái cha hát ngọt như mía lau".

Nó còn nhớ có một lần đem cơm cho cha ngoài ruộng. Nó ríu rít hỏi cha: "Nếu được hóa thân thành một cái gì khác, cha sẽ là gì?".

Cha vuốt đầu nó: "Thế con gái cha muốn làm gì?". "Con muốn hóa thành cánh chim bay khắp nơi. Được đến những nơi xa ơi là xa...". Cha bật cười: " Vậy thì... cha sẽ hóa thành ngọn gió trời, nâng cho cánh chim của con gái cha được tung bay thỏa thích...".

Gió ngoài sông thốc vào mát lạnh. Nó xòe tay đón lấy từng ngụm gió đang phập phào mơn man. Chướng tháng mười năm nay yếu nhiều hơn so với năm ngoái. Ngồi ngoài này nó cảm thấy mát lạnh chứ không còn phải co ro. Nhưng nó không còn được ngồi huơ tay dưới đống lửa lều phều bên cha cùng nướng vùi mấy củ khoai ngọt lịm nữa.

Cho dù có ai đó nói với nó những điều không hay, rằng những suy nghĩ của nó là viển vông, nhưng nó vẫn tin có một ngày cha sẽ quay về, và mái nhà này vẫn là nơi bình yên nhất ru nó trong những bến bờ yêu thương khi nó học xa trở về.

Điều quan trọng bây giờ là nó tin cha. Dù ông có như những ngọn gió bay chấp chới khắp cùng trời cuối đất thì nó vẫn cứ tin rồi có lúc ông sẽ lại trở về bên nó.

khXWsFFy.jpgPhóng to

Áo Trắng số 24 (ra ngày 15-05-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN ĐỨC PHÚ THỌ (ĐH An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên