Mấy câu thơ tôi học từ thuở tập đọc mà đến bây giờ vẫn nhớ. Bài thơ mỗi lần đọc lên, sao nghe âm vang khí thế hào hùng một cõi tự thuở nào. Thật nhịp nhàng, cứ như âm sắc ngôn từ nơi ngòi bút nhà thơ đã thăng hoa, nhảy múa cùng đề tài sử thi hùng tráng. Phần nào cũng do cảm xúc trong tôi.
Những giây phút đáng nhớ trong lễ giỗ Tổ do thầy trò trường chúng tôi tự tổ chức, dù chỉ trong không gian một ngôi đình nhỏ, nhưng lại quá đỗi thiêng liêng và ấm cúng, đã trở thành ấn tượng không thể phai nhòa trong ký ức một nữ sinh phổ thông. Ký ức về sự cảm nhận của bản thân với niềm tự hào dân tộc, với một nền văn hóa đậm đà bản sắc.
Mỗi khi nhớ lại, tôi thầm biết ơn tập thể thầy cô giàu lòng nhiệt tình và tâm huyết đã nỗ lực tái hiện một không gian văn hóa Văn Lang - Âu Lạc qua ngày giỗ Tổ vua Hùng trang nghiêm. Ngay sau giờ lên lớp buổi chiều, các cô đến đình thần từ sớm. Vừa dọn dẹp, bày trí thật tinh tươm vừa khéo léo nấu xôi chè, bày mâm ngũ quả. Quan trọng là các món ăn và cách bày trí, các cô cố gắng thể hiện sao cho thật phù hợp tục mừng quốc Tổ trong sử sách. Các thầy thì chỉnh tề áo dài khăn đóng như những vị bô lão trong hội làng.
Vừa chuẩn bị nghi thức, mỗi thầy lại thảo sẵn bài thuyết trình hoặc bài thơ về chủ đề văn hóa thời đại Hùng Vương để trình bày trong lễ giỗ. Tôi cùng các bạn được phân công thành từng nhóm nam, nữ để dâng hương, hoa và mâm ngũ quả. Ngoài ra đội văn nghệ của trường ra sức cho tiết mục múa “Dòng máu Lạc Hồng” cùng nhiều tiết mục ca hát, kịch dân gian đầy ý nghĩa mừng quốc Tổ.
Không khí trang nghiêm và tôn kính ngập tràn ngôi đình cổ kính. Mùi nhang khói thơm ngát quây lấy đoàn người đang tuần tự dâng hương, khiến ai mắt cũng rưng rưng, lòng bồi hồi.
“Bánh chưng hình vuông thuộc âm, tượng trưng cho đất. Đất có cây, cỏ, đồng ruộng, núi rừng thì màu cũng phải xanh, trong bánh có thịt, bỏ đỗ để lấy ý nghĩa đất chở cầm thú, cỏ cây... Bánh giầy hình tròn thuộc dương, dãn nở vô cùng, tượng trưng cho trời nên phải màu trắng. Vuông - tròn, ở đó nói lên biết bao sự tốt đẹp, gắn bó, thủy chung, tình nghĩa vợ chồng, đạo lý làm con uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ… ”.
Bài nói chuyện của thầy chủ nhiệm trở nên lôi cuốn lạ thường trong một không gian văn hóa thiêng liêng. Tất cả đám học sinh chúng tôi ngồi nghiêm trang, nuốt lấy từng câu chữ, từng nhịp điệu của thầy. Chúng tôi say mê, muốn nghe thêm nữa, muốn khám phá thêm nữa nền văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Những trang sử theo đám trò lười là khô khan, khi học thuộc lòng thì gãi đầu gãi tai, giờ đây hấp dẫn và tràn đầy sức sống, chảy vào tâm trí và lắng đọng trong tim chúng tôi.
Ngay khi ấy, không nén dòng cảm xúc, một bạn học sinh chuyên hóa (bây giờ đã là sinh viên lớp cử nhân tài năng, khoa lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV) đã đọc ngay bài thơ cảm tác về vua Hùng và lịch sử Việt Nam, xuyên suốt trong ấy là tình yêu khoa học lịch sử chân chính của mình. Tuy bất ngờ nhưng ai nấy nức lòng, phơi phới theo từng nhịp thơ hào sảng.
Sau giây phút lắng đọng đong đầy cảm xúc đó, gian phòng rộn rã như hội. Ánh mắt hồ hởi, ngời ngời long lanh. Bao nhiêu là cánh tay giơ cao, nào xung phong, nào cổ vũ… Phần đố vui mà đề tài là vua Hùng đã thu hút sự tham gia hăng hái của các bạn. Thế mới thấy những buổi sinh hoạt văn hóa lồng ghép sinh động có thể đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực.
Buổi lễ giỗ Tổ nho nhỏ đầu tiên của thầy và trò đã diễn ra như thế. Ra khỏi sân đình, lòng tôi không khỏi miên man. Lễ mừng quốc Tổ giàu ý nghĩa biết bao. “Mùng mười tháng ba”, một ngày thiêng liêng, một ngày dành cho lớp trẻ chúng tôi hướng về nguồn cội tổ tiên. Để mãi không quên “Mấy nghìn năm trông coi và gìn giữ, đánh giặc và dựng xây, đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, chói sáng của một nền văn hóa.
Từ trong ý thức tâm linh cả dân tộc luôn hướng về: Nước mở Văn Lang xưa/Dòng vua đầu viết sử/Mười tám đời nối nhau/Ba sông đẹp như vẽ/Mộ cũ ở lưng đồi/Đền thờ trên sườn núi/Muôn dân đến phụng thờ/Khói hương còn mãi mãi”.(*)
(*) Trích bài “Giới thiệu lễ giỗ Tổ Hùng Vương”, Saga.vn.
Áo Trắngsố 37(số 92 bộ mới) ra ngày 15/04/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận