04/09/2004 06:02 GMT+7

Gieo ước mơ trên đồng ruộng

TỐ OANH
TỐ OANH

TT - “Tìm Tất hả? Phải chịu khó xắn quần lội ruộng thôi”. Giữa trưa trên cánh đồng rộng mênh mông thấp thoáng bóng hai cha con Trần Thanh Tất đang hì hục dọn ruộng, đắp bờ.

s74NQV6c.jpgPhóng to
Bên ánh đèn giải những bài toán hóc búa
TT - “Tìm Tất hả? Phải chịu khó xắn quần lội ruộng thôi”. Giữa trưa trên cánh đồng rộng mênh mông thấp thoáng bóng hai cha con Trần Thanh Tất đang hì hục dọn ruộng, đắp bờ.

Ngưng cuốc, quệt mồ hôi, Tất nói: “Ráng tranh thủ mấy ngày chưa khai giảng để chuẩn bị vụ mùa mới”. Và bao năm qua, trên những thửa ruộng, ngoài ươm mầm những hạt giống, cậu học trò nghèo, giàu nghị lực của lớp 12A1 Trường THPT Trung Lập, huyện Củ Chi (TP.HCM) còn gieo thêm những ước mơ...

Một chuyến đi mua sách ở Sài Gòn

Những ước mơ Tất gieo, có cái đã gặt được, có cái còn trong tương lai. Trong những trang nhật ký viết từ đồng ruộng của Tất, có một trang viết về một chuyến đi mơ ước...

“Ngày cuối hè 2004Ở tuốt trong ruộng như mình đời nào dám nghĩ đến chuyện đi nhà sách. Nhưng từ năm cấp II, mình đã nghe nói rất nhiều điều thú vị về nhà sách ở Sài Gòn. Hết hè này là bước vào năm học cuối cấp rồi, mình lại rất cần đọc thêm nhiều sách tham khảo cho các môn dự định thi đại học.

Mấy đêm liền cứ trằn trọc, mình quyết định đánh liều rủ Thịnh đi nhà sách một chuyến. Đây cũng là lần đầu tiên mình đi Sài Gòn. Quả thật chưa bao giờ mình thấy nhiều sách như vậy. Cuối cùng 60.000 đồng lặt đậu mướn cả tuần của mình chỉ mua được ba cuốn cho hai môn lý và hóa. Còn lại 8.000 đồng để dành về xe và uống nước... Nhất định mình phải đi lần nữa”.

“Tất là số 1”

vwLlKASt.jpgPhóng to
Trần Thanh Tất (trái) và cha đang dọn ruộng đắp bờ chuẩn bị vụ mùa mới - Ảnh: Tố Oanh

Đến trường, về nhà, ra đồng... chỗ nào chúng tôi cũng nhận được lời nhận xét đầy trìu mến về Tất như vậy. Căn nhà lá nền đất xập xệ của gia đình Tất nằm chơ vơ giữa cánh đồng bốn bề gió lộng, ban ngày trong nhà ánh sáng vẫn tù mù vì phải che chắn khá nhiều kẻo gió mạnh là tốc hết mọi thứ.

Ba chiếc giường kê choán hết chỗ, quần áo, đồ đạc cứ xếp chồng vì chẳng có lấy một chiếc tủ để đựng. Duy nhất một chiếc bàn: phân nửa để mâm cơm, phần còn lại là góc học tập của Tất. Những người hàng xóm chân chất: “Ở ấp Đồn, xã Trung Lập Hạ này nghèo nhất có lẽ là nhà Tất”.

Mấy năm ở cấp III, Tất chỉ có duy nhất một bộ quần áo đến trường, nhiều bữa mưa, quạt tay không khô kịp Tất mặc luôn đồ ẩm đến trường. Cao nhỏng lên ở cái tuổi 17 khiến bộ đồ năm ngoái trở nên ngắn củn. Quần ngắn phải xả lai đã đành, nhưng chiếc áo đóng thùng cứ ngồi xuống lại lòi lưng ra. Hỏi Tất: “Tài sản quí nhất của bạn?” thì nhận ngay câu trả lời: “Là kiến thức đi học mà có được, phải cố gắng làm giàu lên”.

Làm quen với chuyện đồng áng từ năm lớp 6, đến lớp 10 Tất đã trở thành lao động chính trong nhà. Thời gian biểu của Tất được sắp từng ngày, bởi hết chuyện ruộng đồng của nhà lại tất tả đi làm thuê làm mướn, từ lặt đậu, cắt lúa, rải rơm, dọn ruộng... chẳng nề việc gì. Đêm đến, bàn tay chai sần lại quay ra cầm bút đến tận 2-3 giờ sáng trong tiếng ếch nhái kêu ồm oàm.

Tất bảo: “Nếu bỏ công ba tháng mà lúa trúng thì lời khoảng 1-2 triệu đồng”. Nhưng gần như chưa bao giờ gia đình Tất thu được kết quả mỹ mãn như vậy, chỉ gần như bù qua đắp lại. Như vụ lúa hè thu rồi, do không đủ tiền mua thuốc xịt rầy và thuê công phụ, lúa nhà Tất thất, tính lại lỗ hết 15 giạ lúa vào tiền thuê đất. Ba mẹ Tất mệt mỏi, ngã quị vì tiêu tan hi vọng nguồn thu chuẩn bị cho con trai vào năm học mới...

Năm ngoái, gia đình gặp quá nhiều khó khăn, cô em gái lớp 10 đã phải nghỉ học. Người học trò này đã tính gác lại chuyện sách vở đi làm phụ hồ, nhưng ba mẹ Tất nói trong nước mắt: “Giá nào cũng phải ráng lo cho con học đến nơi đến chốn”. Trong trường, Tất nổi trội với ba môn tự nhiên toán, lý, hóa với số điểm luôn dẫn đầu cả khối, trở thành người “cứu hộ” cho bạn bè với những bài toán khó. Dù vậy, cũng có lần Tất đầu hàng với bài toán khó.

Cô Chi Kiều dạy môn lý năm lớp 11 kể: “Để động viên và thử thách học trò, trong một bài kiểm tra tôi đã cố tình gài thêm một câu hóc búa với giải thưởng được treo là chiếc đèn để bàn học. Không em nào giải được nên giải thưởng vẫn còn treo”. Lần đó Tất chỉ nhận được 9,5 điểm và chiếc bấm móng tay của cô. Nhưng hôm chúng tôi đến nhà, trên bàn học của Tất đã có một chiếc đèn học thay cho ánh đèn dầu leo lét bao năm qua.

TỐ OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên