Nhiều chuyên gia đã tỏ ra ngạc nhiên trước con số các tập đoàn, tổng công ty đang vay trên 1,33 triệu tỉ đồng, bởi nó tương đương 60 tỉ USD - bằng 44% GDP, tức tổng sản phẩm cả nước trong năm 2012.
Các tập đoàn, tổng công ty nợ 1.334.903 tỉ đồngNộp ngân sách giảm, nợ nước ngoài tăng
Như vậy, nợ liên tục tăng chứ chưa hề giảm. Một thông tin khác rất đáng chú ý là trong năm 2012 tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đạt 127.510 tỉ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2011, tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4% nhưng tổng nộp ngân sách đạt 294.000 tỉ đồng, cao hơn tổng lợi nhuận trước thuế 2,3 lần (số liệu của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp). Như vậy, báo cáo đã gộp những khoản nộp khác ngoài lợi nhuận như bán dầu thô hay nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (bia, thuốc lá) thay cho người tiêu dùng vào thành tích của tập đoàn, tổng công ty. Đó là một cách chạy theo thành tích quá lộ liễu.
Điều quan trọng là báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chưa cho biết trong tổng số nợ đó, tập đoàn nào nợ, nợ bao nhiêu, khả năng trả nợ như thế nào, bao nhiêu là nợ xấu và phương án xử lý ra sao. Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ mới ban hành ngày 7-1-2013 nhấn mạnh yêu cầu xử lý nợ xấu để ổn định nền kinh tế, vậy mà không hề có một chữ nào về xử lý nợ xấu của tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nếu không xử lý núi nợ này thì phương án tái cấu trúc các tập đoàn sẽ tiến hành ra sao, ai gánh món nợ này?
Doanh nghiệp nhà nước là sở hữu toàn dân. Vậy thì trách nhiệm giải trình của lãnh đạo các tập đoàn ra sao? Cơ quan chủ quản các tập đoàn và chủ sở hữu vốn nhà nước có chịu trách nhiệm gì không? Đã là sở hữu toàn dân thì người chủ đích thực là người dân phải có quyền được biết thông tin đầy đủ, chính xác về lỗ lãi của doanh nghiệp nhà nước. Theo TS Vũ Quang Việt, nợ trong nước và ngoài nước của doanh nghiệp nhà nước đã lên đến 50,1% GDP, số nợ này được Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì phải cộng vào số nợ quốc gia. Nếu như vậy thì nợ quốc gia đã lên đến 106% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 65% GDP được Ngân hàng Thế Giới khuyến nghị. Mà như thế, về nguyên tắc, nếu tập đoàn thua lỗ, không có khả năng trả nợ thì Nhà nước sẽ phải dùng tiền thuế của dân để trả thay.
Khó khăn là cơ hội để tái cơ cấu. Nhưng qua báo cáo của các bộ, ngành tại hội nghị của Thủ tướng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì thấy đề nghị hỗ trợ rất nhiều trong khi phương án tái cơ cấu lại chưa rõ, chưa thấy có những chuyển biến mạnh mẽ trong quản trị doanh nghiệp như thực hiện hợp đồng trách nhiệm theo từng năm, ghi rõ mục tiêu phải đạt được, trách nhiệm giải trình... Đặc biệt, 1,33 triệu tỉ đồng vốn đã nằm ở trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nghĩa là vốn vẫn đang tập trung vào khu vực hiệu quả không cao. Tiếp tục dồn vốn vào khu vực kém hiệu quả này sẽ không góp phần nâng cao hiệu quả và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế.
Nâng cao hiệu quả nền kinh tế, công khai minh bạch... là những nội dung quan trọng trong các đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng ký ban hành, các cấp đều phải nghiêm túc thực hiện. Thủ tướng thường nói đến “quyết liệt thực hiện”, cần lắm quyết tâm thực hiện trên thực tế, đem lại thay đổi nhanh để mỗi lần công bố các thông tin về tập đoàn, tổng công ty, người dân không phải đau xót như lần này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận