![]() |
Giáo sư Trần Bá Lộc |
Gọi điện cho một cô bạn đồng nghiệp ở Pháp, cô xuýt xoa tiếc rẻ: “Em ở Pháp lâu không? Giáo sư vừa về VN rồi!”, tôi mừng như bắt được vàng. Ngập ngừng gọi điện, ngược với những lo lắng của tôi, vị giáo sư 79 tuổi này rất thân thiện, cởi mở, nhiệt tình, sôi nổi với những kế hoạch không nhỏ đang và sắp thực hiện.
Một đời với nghiệp áo trắng
“Bác sĩ y khoa không thể chế ra thuốc, nhiệm vụ của các bác sĩ chỉ là chẩn bệnh, điều trị bệnh, không mấy ai nghiên cứu về thuốc. Dược sĩ rất thành thạo trong việc nghiên cứu, chế tạo thuốc nhưng không biết chữa bệnh. Tại sao tôi không thử đột phá để vừa chữa bệnh, vừa làm nghiên cứu...” - giáo sư Trần Bá Lộc nói về ba tấm bằng tiến sĩ dược khoa, y khoa và khoa học của mình như thế. Vốn là công tử con nhà giàu, thừa hưởng ruộng vườn cò bay thẳng cánh, Bá Lộc nhất quyết không chịu ôm ruộng làm ông chủ đồn điền như những người khác trong gia đình: chàng trai 20 tuổi này đã một mình sang Pháp để thỏa nguyện ước mơ làm bác sĩ. Sang Pháp, gạt tất cả mọi thú vui chơi, ông lao đầu vào học tập.
30 tuổi (1956) ông đã có trong tay bằng tiến sĩ đầu tiên - tiến sĩ dược khoa. Hai năm sau ông có bằng tiến sĩ khoa học và đến năm 38 tuổi (1964) ông có thêm tấm bằng tiến sĩ thứ ba - tiến sĩ y khoa. “Ba tấm bằng này không là gì cả, tất cả chỉ mới là khởi đầu thôi, nó là nền tảng để tôi bắt đầu công việc của mình” - giáo sư Lộc nói về việc ngày xưa ấy của mình.Ông vừa là bác sĩ có bệnh viên riêng ở Paris (Pháp), giáo sư trị bệnh ở Melun, vừa là giáo sư thực thụ môn sinh học tế bào kiêm giám đốc phòng thí nghiệm ung thư thực nghiệm tại ĐH Y khoa và dược khoa tỉnh Besanøon (thuộc Viện ĐH Franche - Comté, Pháp).
Tối, ông trị bệnh ở Paris, sáng hôm sau lại thấy ông giảng dạy ở Besanøon. Khuya hôm đó ông lại có mặt ở Paris để tiếp tục công việc nghiên cứu và hôm sau nữa lại nghe ông đi thuyết giảng ở Mỹ. Hôm khác lại nghe ông đang ở Bỉ... Một ngày của ông bắt đầu từ 5 giờ sáng, có khi kết thúc lúc đồng hồ đã chuyển sang ngày mới. Một tuần làm việc của ông luôn là 80 giờ và suốt 40 năm ròng ông nghỉ hè đúng năm lần, lần cuối cùng là vào năm 1972, cách đây 33 năm. Ông là người đi tiên phong trong một số lĩnh vực y học trên thế giới. Thời còn làm giáo sư ở tỉnh Besanøon, ông nuôi muỗi trong phòng thí nghiệm và đã tìm ra được nguyên nhân gây ung thư hàm ở trẻ - virus Epstein - Barr.
Tiếp tục nghiên cứu, ông phát hiện virus chính là một trong số những tác nhân gây ra một số bệnh ung thư khác như ung thư miệng, tử cung, ruột... Sau nhiều năm nghiên cứu về ung thư, năm 1956 ông đã điều trị thành công cho một con chuột bị ung thư. Lúc ấy, nhiều tạp chí hàng đầu thế giới đã đến phỏng vấn ông.Ông là một trong những người đầu tiên trên thế giới tìm hiểu về mối quan hệ giữa ung thư, AIDS và môi trường rồi liên kết hai căn bệnh này trong phương pháp trị liệu. Ông rất chú ý đến vấn đề miễn nhiễm của con người (phương pháp đề kháng trị trong điều trị ung thư - một phương pháp mới so với hai phương pháp trị ung thư thông thường là hóa trị và xạ trị).
Theo ông, cần có thuốc cho sức đề kháng cần thiết để người bệnh có đủ điều kiện chống chọi các loại bệnh trên. Ông cũng rất chú trọng đến điều kiện môi sinh, sự ăn uống của từng bệnh nhân trước khi mắc bệnh, sức đề kháng yếu thì không thể chống virus.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh có thể giúp bệnh nhân tránh khỏi những căn bệnh nguy hiểm này bằng cách tiêu diệt sớm mầm bệnh ung thư, nâng cao khả năng miễn nhiễm HIV ở con người...” - ông cho biết.
Qua nhiều năm nghiên cứu, giáo sư Lộc đã chế tạo ra một loại văcxin mới, dùng ADN/ARN để trị siêu vi. Ông đã tìm ra một cách đi khác với thông thường, đó là kèm trong kháng thể (anticorps) một chất, chất này sẽ giết chết tế bào ung thư và ngăn chặn không cho tế bào ung thư lây lan. Nhờ vậy mà bệnh nhân có hi vọng sống lâu.Năm 1986, tổng thống Cộng hòa Pháp trao tặng giáo sư Lộc Huân chương Bắc đẩu bội tinh (một giải thưởng cho những người có công với nước Pháp do Hàn lâm viện đề nghị tổng thống Pháp trao tặng) cho thành quả 30 năm miệt mài nghiên cứu của ông. Đó là một vinh dự lớn cho ông, vinh dự cho hơn 30 năm miệt mài nghiên cứu, cho những tháng ngày sống chung với muỗi, với chuột, với virus...
Tấm lòng của một người con xa xứ
Hỏi về dự án bệnh viện của ông ở TP.HCM, ông cứ khoát tay: “Mai mốt rồi hãy viết! Khi bệnh viện đi vào hoạt động và hoạt động hiệu quả thì hãy viết. Cái cần bây giờ là phải viết sao cho giới trẻ biết cách sống tốt, làm việc tốt...”. Thế nhưng ngọn lửa nhiệt huyết từ những dự án không nhỏ của một giáo sư ở tuổi “thất thập cổ lai hi” đã không giấu được...Năm 1996, lần đầu tiên ông về thăm VN, ông thấy TP.HCM có Viện Tim nhưng không có Viện Ung thư. Ông thắc mắc vì sao không có Viện Ung thư và AIDS. Thế là một ý tưởng, một quyết tâm, một dự tính bắt đầu manh nha trong ông: xây dựng một bệnh viện tư chuyên khoa chuyên điều trị ung thư và AIDS ở TP.HCM. Từ đó đến nay, không dưới 28 lần ông bay đi bay về giữa Pháp và VN để chuẩn bị cho bệnh viện này. Ông đã từng đi kêu gọi những người bạn của mình hùn vốn mỗi người 1.000 euro cho một cổ phần. Nhưng vẫn không đâu vào đâu, ông lại tiếp tục kêu gọi... Một mạnh thường quân nghe về dự án của ông, quyết định hỗ trợ 2 triệu USD. “Đến nay, cơ bản dự án bệnh viện đã hoàn tất, chỉ còn chờ thủ tục. Hi vọng trong vài tháng tới bệnh viện có thể đi vào hoạt động” - ông vui mừng cho biết.
“Bệnh viện sẽ điều trị bằng chính những phương pháp tôi đã nghiên cứu”, ông cho biết thêm. Ban đầu bệnh viện chỉ có qui mô 100 giường với một số phòng phục vụ nghiên cứu, sau khi đi vào hoạt động sẽ cổ phần hóa bệnh viện để mở rộng qui mô và nâng cao cơ sở vật chất. “Đây là bệnh viện đầu tiên nhưng không phải là bệnh viện cuối cùng... Dần dần tôi sẽ mở rộng bệnh viện này rồi tiếp tục đầu tư ở những nơi khác ngoài TP.HCM” - ông hồ hởi với những dự tính tiếp theo của mình. Đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, sức đâu mà ông có thể dự tính nhiều như vậy? Ông nói: “Trước đây, ông Dassault (*) lúc 97 tuổi vẫn còn là chủ tịch 14 công ty. Tôi sẽ cố gắng để giữ gìn sức khỏe như Dassault, nếu được như vậy tôi còn 18 năm nữa để làm việc, cũng đủ để thực hiện những ước mơ, những dự tính của đời tôi, đủ để tôi đi tiếp lý tưởng của mình”. Sự tinh anh, minh mẫn của ông trong lúc trò chuyện với tôi đủ cho tôi cảm nhận được rằng ông sẽ làm được, ông sẽ đi tiếp những dự tính của mình bằng tấm lòng của một người con xa xứ nhưng luôn hướng về quê hương. (*) Marcel Dassault là người sáng lập hãng chế tạo và sản xuất máy bay Dassault như dòng động cơ chiến đấu Mirage của Pháp.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận