Do thời gian có hạn, giáo sư Ngô Bảo Châu đã chọn lọc một số câu trong hàng trăm câu hỏi của bạn đọc để trả lời. Nhiều câu hỏi được giáo sư Châu trả lời thẳng thắn, chân tình.
Cùng tham gia giao lưu trực tuyến với giáo sư Ngô Bảo Châu còn có ông Nguyễn Phương Văn - đồng tác giả của tác phẩm Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình, được các tác giả gọi là “tiểu thuyết toán hiệp” đầu tiên của Việt Nam.
Phóng to |
NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:
* Trên con đường thành công của mình, có thất bại nào làm giáo sư nhớ nhất? Giáo sư có thể chia sẻ với mọi người về điều đó được không? (Trần Thế Duy, 30 tuổi, Dr.TranDuy@...)
- GS Ngô Bảo Châu: Thời gian ngay sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ là thời gian khá khó khăn đối với tôi. Đó là lúc phải bắt đầu một hướng nghiên cứu mới. Tuy bằng cấp thì đã đầy đủ, nhưng thật ra chuyên môn còn non lắm. Một số kế hoạch nghiên cứu không thực hiện được. Một số kết quả mình làm ra không được cộng đồng đánh giá cao.
Nhưng trong giai đoạn đó, tôi cũng học được nhiều điều:
+ Một là không ngừng học tập để bản thân mình tiến bộ.
+ Hai là kiên định trong những dự định của mình.
Giáo sư Ngô Bảo Châu là niềm tự hào của giới trẻ Việt Nam khi ông nhận được giải Fields, một giải thưởng cao quý bậc nhất về toán học của thế giới, vào năm 2010. Giáo sư Ngô Bảo Châu còn là đồng tác giả của tác phẩm Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình - viết chung với Nguyễn Phương Văn, được các tác giả gọi là “tiểu thuyết toán hiệp” đầu tiên của Việt Nam. Tác phẩm được GS Hà Huy Khoái nhận xét là “cuốn sách vỡ lòng về triết học của toán học”, còn nhà thơ Trần Đăng Khoa gọi đây là “một cuốn sách giản dị đến mức ai đọc cũng được, kể cả những người không biết gì về toán”. Sau khi ra mắt, cuốn sách này đã đứng vị trí đầu trong các bảng xếp hạng sách tiêu thụ trong nước và đứng đầu trong top 10 sách bán chạy nhất tại Hội sách TP.HCM lần 7 với 10.000 bản in được tiêu thụ chỉ trong một tuần. |
* Xin chào GS Ngô Bảo Châu! Em đặc biệt rất thích học các môn thiên về tư duy và tính toán. Em vẫn có một vấn đề thắc mắc là làm thế nào để có thể tập trung cao độ khi giải bài tập? (Bùi Chiến, 17 tuổi, never_say_no_3295@...)
- GS Ngô Bảo Châu: Để tìm tòi, giải một bài toán khó, có lẽ phải luôn nghĩ về nó. Nghĩ về nó ngay cả khi đang làm việc khác, vì thế nên nhà toán học hay mang tiếng đãng trí. Nghĩ về nó rất lâu, nhưng thời gian tập trung cao độ thực ra không lâu lắm. Ít người có khả năng tập trung cao độ liên tục, ít nhất như tôi không có khả năng đó.
* Khi em đọc cuốn Ai và Ky..., em thấy rằng dường như cái đúng và cái chân lý chưa chắc lúc nào cũng được chấp nhận đúng thời điểm. Vậy ta nên kiên nhẫn chờ đợi hay là đấu tranh đến cùng vì chân lý đó? (Phạm Văn Luận, luanpv1991@...)
- Nhà văn Nguyễn Phương Văn - đồng tác giả tác phẩm Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình: Theo như tôi hiểu, mọi phát triển của khoa học nói riêng và xã hội nói chung về bản chất đều thuận theo lẽ tự nhiên, cái gì cần xảy ra trước sẽ đến trước, và thường là cái sau sẽ tốt hơn, đúng hơn cái trước đó. Tôi không rõ bạn muốn nói đến chân lý là chân lý nào bởi tôi không tin rằng những chân lý mà con người xây dựng nên lại có thể đúng mãi, ngoại trừ một số ít những phát minh (quy luật) mà con người tìm ra để mô tả sự vận động của tự nhiên. Sự kiên nhẫn chờ đợi, theo một nghĩa nào đó, cũng là một cái cần có để thuận theo lẽ tự nhiên.
* Xin chào giáo sư, tôi là người hâm mộ giáo sư rất nhiều. Tôi có 2 câu hỏi:
1. Chuyên ngành chuyên sâu của giáo sư là gì?2. Viện Toán cao cấp hiện nay có mở lớp bồi dưỡng toán học cho SV và những người yêu toán không?
- GS Ngô Bảo Châu: Xin trả lời hai câu hỏi của bạn như sau:
1. Chuyên ngành của tôi là lý thuyết số, hình học đại số và lý thuyết biểu diễn nhóm Lie.
2. Viện Nghiên cứu cao cấp về toán sẽ làm hạt nhân để triển khai chương trình quốc gia về phát triển toán học. Trong đó, tổ chức các lớp học, sinh hoạt câu lạc bộ cho học sinh chuyên toán, những khóa làm việc tập trung cho giáo viên toán sẽ là những hoạt động ưu tiên trong năm tới.
Phóng to |
Giáo sư Ngô Bảo Châu: "Để tìm tòi, giải một bài toán khó, có lẽ phải luôn nghĩ về nó. Nghĩ về nó ngay cả khi đang làm việc khác" - Ảnh: Thanh Đạm |
* Gần đây tôi đọc trên các trang mạng điện tử thấy có nhiều bài báo đăng một số ý kiến xung quanh vấn đề về toán học. Trong đó có nhiều ý kiến coi toán học là “không có nhiều ý nghĩa đối với xã hội”, “những gì dân toán làm là tự đặt vấn đề, tự giải quyết vấn đề rồi lại tự hoan hô" hay như “người giỏi làm toán là sự lãng phí”... Giáo sư nghĩ sao về những ý kiến trên, và xin giáo sư cho biết với toán học, cái cốt lõi nhất về giá trị của nó là gì? (Trương Bá Lâm, 27 tuổi, truonglamkl@...)
- GS Ngô Bảo Châu: Nước Đức là một nước tiên phong trong công nghiệp và công nghệ tiên tiến. Đức cũng là một nước có truyền thống về những ngành học thuật trừu tượng như triết, toán... mà theo như đánh giá nói trên thì “không có nhiều ý nghĩa đối với xã hội”.
Nước ta thì vốn đã ở thế giới thứ ba rồi. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có muốn ở lại đó vĩnh viễn hay không? Nếu các nhà khoa học chỉ làm việc để giải quyết những vấn đề do thực tế đời sống và sản xuất đặt ra thì chắc khoa học đã không tiến bộ được như ngày nay. |
Nước ta thì vốn đã ở thế giới thứ ba rồi. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có muốn ở lại đó vĩnh viễn hay không?
Nếu các nhà khoa học chỉ làm việc để giải quyết những vấn đề do thực tế đời sống và sản xuất đặt ra thì chắc khoa học đã không tiến bộ được như ngày nay.
Ai là người đặt hàng để Einstein tìm ra thuyết tương đối, nếu không phải những mâu thuẫn nội tại của vật lý.
Gauss, Riemann đặt ra nền móng cho hình học vi phân đâu có theo đơn đặt hàng của Einstein, người cần nó cho lý thuyết tương đối.
Sự vận hành của khoa học có nhiều cái rất khác với kinh tế thị trường. Áp đặt tư duy kinh tế, luật cung cầu vân vân vào khoa học thì e rằng khoa học chết mất.
Giá trị cốt lõi của khoa học là nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh, đam mê khám phá. Đó là những nhu cầu tự nhiên của con người, cũng như nhu cầu ăn ngủ.
Trong bối cảnh hiện tại, các nhà khoa học cũng thực hiện những hợp đồng khoa học, nhưng cái đó khó mà trở thành động cơ chính cho sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
* Xin hỏi tác giả Nguyễn Phương Văn. Cơ duyên nào khiến anh và GS Ngô Bảo Châu làm việc chung với nhau? Và cơ duyên nào là tiểu thuyết chứ không phải là loại hình khác? (My Le Linh, 46 tuổi, mylelinh827@...)
- Nguyễn Phương Văn: Cuốn sách này bắt đầu rất đơn giản: anh Châu email rủ tôi viết chung một cuốn sách và tôi nhận lời ngay lập tức. Tuy nhiên mới đây, trong một cuộc giao lưu với bạn đọc ở L'Espace (Hà Nội) anh Châu mới nói lý do mà chính tôi cũng không biết. Đó là vì hai anh em cùng làm một số dự án mà kết quả không được như ý, hay nói cách khác là thất bại, nên anh Châu mới nghĩ ra một dự án hoàn toàn khác, đó là viết chung một cuốn sách. Ngay từ đầu chúng tôi đã thống nhất hình thức của tác phẩm này là tiểu thuyết.
* Các tác giả có hài lòng với tác phẩm Ai và Ky không, nếu được viết lại hai anh nghĩ mình có thể viết hay hơn không? (Giáp Thúy Kiều, kieudt81@...)
- Nhà văn Nguyễn Phương Văn: Nhìn lại cuốn sách sau khi được xuất bản, hai tác giả chúng tôi đều thấy những điều mình hài lòng và có những điều lẽ ra chúng tôi có thể làm tốt hơn. Những điều hài lòng cũng nhiều, ví dụ như anh Châu hài lòng về Giấc mơ vô tỉ, còn tôi hài lòng về nhân vật Zena và Chico.
Những điều không hài lòng cũng nhiều, ví dụ như chúng tôi đều thấy hai nhân vật Ai và Ky có suy nghĩ hơi già và hơi khác những con người bình thường (trong đó có chúng tôi). Nếu Ai và Ky có cái gì đó bình thường, ví dụ như hơi lười một tí, hơi háu ăn một tí... thì sẽ thú vị hơn.
Nếu có điều kiện chúng tôi sẽ viết lại Ai và Ky hay hơn, có lẽ sẽ thay vào chỗ các nhà toán học phương Tây là các nhân vật bước ra từ chuyện cổ tích Việt Nam. Hiện tại chúng tôi mới chỉ thoáng có ý tưởng như vậy thôi.
Phóng to |
Giáo sư Ngô Bảo Châu: "Đừng coi các giảng viên trẻ, các nhà khoa học trẻ là đối tượng để sai vặt nữa" - Ảnh: Thanh Đạm |
* Tôi thấy ở Việt Nam nhiều trường hợp sử dụng người tài chưa đúng mực, lãng phí và thậm chí ngớ ngẩn. GS nghĩ sao về điều này? (Lê Đình Thắng, 59 tuổi, leethang59@...)
- GS Ngô Bảo Châu: Đúng là có quá nhiều nhà khoa học trẻ phải lãng phí thời gian và năng lượng của mình để vượt qua những rào cản hành chính do chúng ta tự đặt ra.
Bên cạnh việc cải thiện điều kiện sống, điều kiện làm việc, tôi nghĩ chúng ta phải thay đổi cách nghĩ cách làm việc để tiết kiệm thời gian cho cán bộ trẻ. Thôi đừng coi các giảng viên trẻ, các nhà khoa học trẻ là đối tượng để sai vặt nữa.
* Giáo sư đánh giá thế nào về sách giáo khoa toán ở trường phổ thông hiện nay? (Trần Anh Tuấn, 46 tuổi, huyminh1@...)
- GS Ngô Bảo Châu: Theo tôi, sách giáo khoa có thể có chỗ này chỗ khác bất ổn, nhưng nhìn tổng thể thì cũng không tệ. Vấn đề là ở chỗ các thầy cô dạy như thế nào.
* Lần đầu tiên tôi nghe đến khái niệm "tiểu thuyết toán hiệp" khi đọc các giới thiệu về cuốn Ai và Ky, các tác giả có thể giải thích thêm về thể loại này? (Hoàng Văn Công Hùng, conghungvn@...)
- Nguyễn Phương Văn: "Toán hiệp" là khái niệm chúng tôi sử dụng vui với nhau khi nói về cuốn sách, sau đó bên Công ty Nhã Nam sử dụng "toán hiệp" để quảng bá cho cuốn sách. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
* Anh nghĩ gì về nền giáo dục Việt Nam hiện nay? Cải cách giáo dục có đem lại hiệu quả gì không? (Trầm Trạch Tâm, 32 tuổi, tramtrachtam1980@...) - GS Ngô Bảo Châu: Đa số cha mẹ học sinh tỏ ra rất lo lắng với việc học ở trường của con mình. Rất nhiều người than thở về những hiện tượng tiêu cực ở trường học. Sự thực có hoàn toàn đúng như những lời than thở của cha mẹ học sinh không ta còn phải để cho ngành giáo dục tranh luận trở lại nữa. Nhưng sự lo lắng của xã hội là có thật và chỉ nó thôi cũng là lý do để ngành giáo dục phải nhìn lại mình, để đổi mới lại chính mình. Tuy cần phải đổi mới sâu sắc, nhưng có lẽ phải rất thận trọng cân nhắc trong việc này. Kinh nghiệm cải cách sâu sắc và toàn diện giáo dục phổ thông ở Pháp, như tôi được biết, không thực sự thành công. Có lẽ tôi cần nhiều thời gian hơn để bàn về việc này một cách đầy đủ hơn. |
* Xin hỏi một vài cuốn sách có ảnh hưởng sâu sắc tới ông? Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ về cách đọc nói chung và đọc những cuốn sách khó? (Tran Thien An, 27 tuổi, biem113@...)
- Nguyễn Phương Văn: Tôi thấy mỗi thời kỳ trưởng thành thì sẽ có một vài cuốn sách, hoặc tác giả, hoặc một vài bộ phim... ảnh hưởng đến mình. Ví dụ khi tôi mới biết đọc thì ba cuốn sách đầu tiên tôi đọc gây ảnh hưởng đến tôi rất lâu dài: Chiếc chìa khóa vàng hay là câu chuyện ly kỳ của Buratino (A.Tolstoi), Gió đầu mùa (Thạch Lam), Những vì sao (A.Daudet). Còn đọc sách thì nên đọc những sách hoặc tác giả mình thích hoặc buộc phải đọc (ví dụ sách giáo khoa, sách chuyên ngành).
Sách nào không thuộc loại này mà mình đọc thấy khó vào thì tốt nhất là bỏ qua, khi nào có thời gian thì đọc lại, đọc lại mà cũng vẫn thấy khó vào thì bỏ luôn.
Tuy nhiên, khi tiếp cận với một cuốn sách mới thì nên đọc sách một cách thoải mái, đừng cố hiểu cuốn sách nói gì, cố thu hoạch được cái gì đó từ cuốn sách.
Sách như bạn mình ấy, chơi với nhau từ từ sẽ hiểu nhau. Còn cố gắng kết bạn một cách khiên cưỡng thì tình bạn ấy sẽ không tồn tại hoặc tồn tại không bền vững.
* Trong tác phẩm Ai và Ky, dường như các nhân vật không có ấn tượng nào đặc biệt, nhất là 2 nhân vật Ai và Ky. Một tác phẩm văn học mà các nhân vật thiếu đi sức sống như vậy liệu có làm cho một tác phẩm thành công? Giáo sư có nghĩ thế không ạ? (Lương Thái Hà, thaiha88@...)
- GS Ngô Bảo Châu: Có lẽ đây là đặc thù của thể loại tiểu thuyết toán hiệp. Các nhân vật không yêu, ghét, buồn, vui vì bận phiêu diêu với suy tưởng. Tác phẩm có thành công hay không là sự đánh giá của mỗi độc giả.
* Trong một lần trả lời trên báo chí, GS Ngô Bảo Châu nói rằng GS hơi buồn khi tạo ra 2 nhân vật Ai và Ky không buồn không vui. Nhân vật mà không buồn cũng không vui thì thật là tẻ nhạt. Còn tác giả Phương Văn với tư cách là đồng tác giả có cảm thấy như thế không? Anh có thể nói thêm về ý tưởng, cảm hứng để sáng tạo và xây dựng nên 2 nhân vật này được không? (VÕ THANH HOÀI, thanh hoai85@...)
- Nguyễn Phương Văn: Thực ra nhân vật Ky có lúc buồn và thất vọng, nếu bạn đã đọc cuốn sách này thì chắc chắn bạn sẽ nhận ra. Nhân vật Ai cũng có lúc xao xuyến, cũng có lúc bối rối khi cố hiểu một con người, nếu bạn đọc hết cuốn sách này chắc bạn cũng sẽ nhận ra. Về phía tôi, tôi có cảm giác nếu Ai và Ky đến một thế giới khác, ví dụ thế giới cổ tích, thay vì thế giới toán học, hoặc Ai và Ky lớn thêm một chút thì các nhân vật sẽ giàu cảm xúc hơn.
* Vì lý do nào mà các tác giả có ý định viết một quyển sách lồng ghép công thức toán học vào một câu chuyện phiêu lưu như Ai và Ky? Và các tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì đến bạn đọc qua tác phẩm đó? (Hoàng Yến, 19 tuổi, buomdem_2312@...)
- Nguyễn Phương Văn: Cuốn sách này gần như không có công thức toán mà chỉ có các câu chuyện về lịch sử toán học và các nhà toán học lỗi lạc. Thông điệp của cuốn sách thì có lẽ tự các bạn đọc sẽ nhận ra sau khi đọc cuốn sách.
Phóng to |
Giáo sư Ngô Bảo Châu và tác giả Nguyễn Phương Văn cùng trả lời độc giả Tuổi Trẻ - Ảnh: Thanh Đạm |
* Nếu như có lời khuyên cho những học sinh giỏi văn thì sẽ là những lời khuyên gì? (Trần Quốc Dự, 35 tuổi, tranquocdu.phanngochien@...)
- Nguyễn Phương Văn: Tôi không biết nên khuyên gì bởi tôi học văn rất xoàng. Nhưng nếu buộc phải khuyên thì lời khuyên của tôi là đọc nhiều văn học cổ điển và cổ điển hiện đại (mordern classics), đồng thời phải giỏi ít nhất một ngoại ngữ để có thể đọc được tác phẩm gốc. Nhưng trước hết, điều cần thiết nhất là phải yêu văn học nghệ thuật. Mà yêu thì rất là khó "phải".
* Anh Châu ơi! Vu lan có ý nghĩa thế nào với anh? Lòng hiếu hạnh, theo anh, có phải chỉ là mình biết mình (đang) yêu thương cha mẹ là đủ? Nếu phải nhắn gửi gì đến các bạn trẻ về câu chuyện chữ hiếu, anh sẽ nói gì ạ? (Paramita, 20 tuổi, hoavouu@...)
- GS Ngô Bảo Châu: Các cụ ngày xưa nói rất ngắn và hay: "nước mắt chảy xuôi...". Các con yêu thương, hiếu nghĩa với cha mẹ thế nào cũng khó đền đáp tình yêu, sự hi sinh của cha mẹ. Hình như càng già mình càng thấy thấm thía điều đó.
* Được biết GS có thực hiện dự án về sách Cánh cửa mở rộng. Thông điệp và tham vọng của GS qua dự án này là gì? GS có thể chia sẻ những kinh nghiệm đọc sách của mình? GS thường đọc thể loại sách gì? (Nguyễn Thị Lan Anh, mauxanhanhlan@...)
- GS Ngô Bảo Châu: Tủ sách "Cánh cửa mở rộng" tập trung vào dịch những tác phẩm kinh điển văn học, triết học và khoa học. Đối tượng hướng đến chủ yếu là giới trẻ. Chúng tôi lo dịch và xuất bản những quyển sách này vì tin rằng chúng chuyển tải được những giá trị phổ quát của nhân văn. Những giá trị phổ quát nhiều khi rất không hiển nhiên. Những suy tưởng tinh tế đó, cảm thụ được, sẽ là hành trang cho ta mang theo suốt cuộc đời.
* Tại sao lại chọn viết một cuốn tiểu thuyết về toán thay vì viết một cuốn sách tham khảo về toán? (Hoàng Văn Tuấn, 32 tuổi, hvt268@...)
- Nguyễn Phương Văn: Tôi không biết phải trả lời câu hỏi của bạn thế nào vì chúng tôi chưa từng có ý tưởng viết sách tham khảo về toán. Nếu anh Châu muốn viết sách tham khảo về toán thì có lẽ anh Châu sẽ chọn một người khác để viết cùng.
* Giáo sư nghĩ thế nào về học tại chức tại Việt Nam và về vấn đề tranh cãi xung quanh câu chuyện không tuyển dụng những người học tại chức? (Huỳnh Thanh Tâm, 30 tuổi, trucanhtg@...) - GS Ngô Bảo Châu: Học tập thường xuyên, liên tục là một xu hướng chung, là câu trả lời cho cuộc sống hiện đại luôn luôn biến động. Việc học tại chức ở nước ta có vẻ bị biến thái vì động cơ của nó không xuất phát từ nhu cầu nội tại của công việc, từ sự cầu tiến của bản thân mình mà lại từ cái mà người ta gọi là chuẩn hóa bằng cấp. Có lẽ ràng buộc hành chính việc thăng quan tiến chức với sở hữu bằng cấp là nguyên nhân. Đánh giá năng lực con người là việc rất khó, không thể đơn giản hóa nó thành chuyện sở hữu một số bằng cấp. |
* Thưa giáo sư, khi giáo sư cảm thấy mất niềm tin vào mục tiêu của mình thì giáo sư làm thế nào để động viên bản thân mình? (Nguyễn Thái Vinh Trường, 17 tuổi, vinhtruong1995@...)
- GS Ngô Bảo Châu: Có bạn tốt, đồng nghiệp tốt và gia đình là chỗ dựa tinh thần cho mình trong khó khăn. Nhiều khi niềm tin của bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt những người thân trong gia đình đặt vào ta, làm ta vững tin trở lại.
Phóng to |
Giáo sư Ngô Bảo Châu: "Có bạn tốt, đồng nghiệp tốt và gia đình là chỗ dựa tinh thần cho mình trong khó khăn" - Ảnh: Thanh Đạm |
* Xin hỏi hai tác giả của tác phẩm Ai và Ky: nhiều người rất kỳ vọng về tác phẩm Ai và Ky, nhưng một số ý kiến trên các diễn đàn, các blog tỏ ra thất vọng, các tác giả có cảm thấy thất vọng về điều đó không? (Phan Văn Tài, vantai76@...)
- Nguyễn Phương Văn: Con người thú vị ở chỗ là có kỳ vọng, hi vọng và thất vọng. Nếu không có những cảm xúc này thì loài người sẽ rất chán. Nhưng để sống một cuộc sống dễ dàng thì liều lượng của kỳ vọng, thất vọng nên ở mức vừa phải. Chúng tôi cũng vậy thôi, khi tác phẩm bị chê thì chúng tôi cũng thấy thất vọng, nhưng thất vọng ở mức vừa đủ để nếu có cơ hội viết thêm một cuốn Ai và Ky nữa, chúng tôi sẽ viết tốt hơn.
* Anh Xu Béo (Nguyễn Phương Văn) sắp tới có định viết tiếp cuốn sách nào nữa không? Em cực khoái giọng văn của anh từ khi đọc Thời tiết đô thị. (Bảo Ngôn, 30 tuổi, baongon1@...)
Anh Phương Văn có một Thời tiết đô thị 2 để ra mắt bạn đọc không? Quyển thứ hai của riêng anh có "đanh đá" hơn không hay là... dịu dàng hơn ạ? (Minhon, 26 tuổi, uudam@...)
- Nguyễn Phương Văn: Cuốn tiếp theo của tôi có tên là Ký ức đô thị, dự kiến phát hành vào giữa tháng 9 tới đây. Có lẽ cuốn này bớt đanh đá nhiều, còn dịu dàng hơn hay không thì do bạn đọc thẩm định. Nhưng chắc là cũng không dịu dàng lắm đâu bởi cuộc sống và xã hội những năm gần đây không cho người ta được dịu dàng một cách quá đáng. Có bạn đề nghị viết thêm một cuốn nữa là Vệ sinh đô thị, nhưng tôi chưa nghĩ đến việc này.
* Trong tác phẩm Ai và Ky, dường như các nhân vật không có ấn tượng nào đặc biệt, nhất là 2 nhân vật Ai và Ky. Một tác phẩm văn học mà các nhân vật thiếu đi sức sống như vậy liệu có làm cho một tác phẩm thành công? Giáo sư có nghĩ thế không ạ? (Lương Thái Hà, thaiha88@...)
- Nguyễn Phương Văn: Tôi không biết giáo sư Châu có nghĩ thế không nhưng cá nhân tôi trong cuộc sống hằng ngày tôi có xu hướng yêu thích và chơi với những người không biết cách gây ấn tượng đặc biệt.
* Chào anh Phương Văn. Con anh đã đến tuổi có thể đọc sách được chưa? Anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm chọn sách cho con được không? (quách thị dung, dungcamau@...)
- Nguyễn Phương Văn: Con gái đầu của tôi năm nay mới đi học. Vài hôm nữa mới chính thức khai giảng. Tôi chưa chọn sách cho con đọc bao giờ. Nhưng tôi có đứa cháu gái, tôi chọn sách cho cháu tôi đọc và để riêng ra cùng với lời dặn là cháu nên đọc những cuốn này. Một năm sau tôi phát hiện cháu tôi đọc các cuốn nằm ở ngoài số sách mà tôi chọn, còn sách mà tôi chọn thì cháu tôi có đọc và chê là sách chán.
Tương lai sách điện tử có tương tác với người đọc sẽ rất phát triển, tôi không rõ sách truyền thống lúc đó có hấp dẫn được trẻ em nữa hay không. Tôi chỉ hi vọng là các cuốn sách thiếu nhi và thiếu niên cổ điển, đã tồn tại cả trăm năm cùng bao nhiêu thế hệ bạn đọc, cũng sẽ tiếp tục có chỗ đứng trong lòng các bạn đọc nhí.
Ngoài chương trình giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi Trẻ, trong khuôn khổ các hoạt động của giáo sư Ngô Bảo Châu tại TP.HCM, bạn đọc có thể tham gia buổi tọa đàm về cuốn sách Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình được tổ chức lúc 15g-18g thứ sáu 31-8, tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF), 28 Lê Thánh Tôn, quận 1 (vào cửa tự do). Chương trình có sự tham gia của hai tác giả: giáo sư Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn, cùng với họa sĩ Thái Mỹ Phương. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận